A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Địa điểm lý tưởng tìm hiểu về văn hóa các dân tộc

Tọa lạc trên khu đất rộng gần 4,4 ha với khuôn viên đẹp, rợp bóng cây xanh bên đường Nguyễn Văn Huyên-quận Cầu Giấy-Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTH) là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý về 54 dân tộc Việt Nam, một địa chỉ văn hóa nổi tiếng thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.



Bảo tàng đã trở thành địa điểm văn hóa lý thú đối với nhiều bạn trẻ

Nơi trưng bày nền văn hóa đặc sắc 54 dân tộc Việt Nam

Bảo tàng hiện có 2 khu trưng bày: Tòa nhà Trống Đồng trưng bày văn hóa Việt Nam, Vườn Kiến trúc là khu trưng bày ngoài trời. Ngoài ra, Tòa nhà Cánh Diều đang xây dựng là khu thứ 3, sẽ trưng bày văn hóa Đông Nam Á.

Hầu hết hiện vật trưng bày ở Bảo tàng là hiện vật gốc, phản ánh mọi khía cạnh văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và sáng tạo văn hoá của họ. Các hiện vật chủ yếu được trưng bày trong 97 tủ kính lớn nhỏ khác nhau, trong đó, hơn 50 tủ có bài viết giới thiệu kèm theo bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp. Bảo tàng cũng sử dụng manơcanh, bản đồ, biểu đồ, sách cứng, ảnh, phim video, băng âm thanh, một số mô hình và pa-nô trong trưng bày. Ngoài ra, Bảo tàng còn tạo một số điểm nhấn được trưng bày theo hình thức tái tạo về một tập tục hay một nét văn hoá nào đó.



Tủ trưng bày nghi lễ lên đồng – một tín ngưỡng dân gian phổ biến
của người Việt, nhất là ở miền Bắc

Mặc dù hiện vật của Bảo tàng không phải là những cổ vật đắt tiền, mà chủ yếu bao gồm những thứ rất đỗi bình thường trong đời sống hàng ngày của người dân như: con dao, cái gùi, ống sáo, cái tẩu, tấm chiếu..., nhưng thông qua đó, người xem có thể hiểu được một cách sâu sắc về những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam.

Đối với khu ngoài trời, Bảo tàng hiện trưng bày 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như: Nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê Đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H’mông, nhà ngói của người Việt, nhà trệt của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ của người Gia Rai. Xen giữa các công trình kiến trúc dân gian đó là cây xanh các loại, các lối đi quanh co và con suối uốn khúc chảy suốt 4 mùa, có cầu bắc nối đôi bờ.



Du khách trong và ngoài nước thích thú chụp ảnh kỷ niệm tại Nhà Rông
(khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng)

Bạn Nguyễn Hiền Trang ở Thanh Hóa thích thú cho biết, “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi được tận mắt ngắm nhìn nền văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đó là nét đặc sắc kết tinh văn hóa lâu đời của một đất nước có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Tôi hy vọng Bảo tàng sẽ thu thập được nhiều nền văn hóa, sinh hoạt của các dân tộc để tôi và các bạn được học hỏi và hiểu biết nhiều hơn…”.

Đối với anh Hoa Ngọc Trụ ở Cổ Nhuế, Hà Nội thì BTDTH là một địa chỉ rất lý thú nên năm nào anh cũng đến thăm. Là người tâm đắc với việc bảo tồn văn hóa dân tộc, anh Trụ góp ý: “Các dân tộc Việt Nam có nếp sinh hoạt rất đa dạng, tuy nhiên ở đây chưa giới thiệu được hết các sinh hoạt cơ bản của họ. Tôi nghĩ cần nghiên cứu để giới thiệu nhiều hơn sự đa dạng của các dân tộc cho du khách trong và ngoài nước. Là người đã sống nhiều năm với các dân tộc, nhất là dân tộc Mường, tôi thấy cần có kế hoạch giữ gìn lâu dài bản sắc các dân tộc để muôn đời sau biết đến”.

… Và nghiên cứu, trình diễn văn hóa truyền thống

Không chỉ trưng bày, Bảo tàng còn là một trung tâm nghiên cứu dân tộc học với những chuyên gia về các dân tộc, các lĩnh vực chuyên ngành. Người ta đến đây không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về các dân tộc, các sắc thái văn hoá đa dạng và đặc sắc của từng tộc, từng vùng cũng như những giá trị truyền thống chung của các dân tộc.

Bắt đầu mở cửa phục vụ công chúng từ năm 1997, tính đến nay, ngoài trưng bày thường xuyên trong nhà cũng như ngoài trời, Bảo tàng đã tổ chức được gần 100 cuộc trưng bày chuyên đề và trình diễn để giới thiệu về văn hóa và cuộc sống của các dân tộc.



Triển lãm tranh của họa sĩ Đoàn Thanh tại Bảo tàng Dân tộc học

Đến giờ, họa sĩ Đoàn Thanh – một Việt kiều đang sinh sống ở Đức – vẫn còn xúc động khi nhắc lại sự kiện Triển lãm tranh “Bản làng trong thung lũng” của chị kéo dài từ 3/10 đến 31/12/2008 tại đây. “Với sự hỗ trợ rất tích cực của Giám đốc và nhân viên Bảo tàng, cuộc Triển lãm của tôi đã thành công tuyệt vời. Đã có rất nhiều đoàn khách, các hội nghệ sĩ tại Hà Nội đến thăm phòng tranh. Đó là sự động viên cho người nghệ sĩ xa xứ” – chị Thanh cho biết. Theo chị, “Rất ít bảo tàng có được một diện tích xanh và thiên nhiên đẹp được bảo tồn như ở đây. Đây không chỉ là nơi lý tưởng để tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, mà còn là nơi du khách đến thăm quan, picnic, chụp ảnh đám cưới, xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống như ca trù, múa rối nước … Tôi mong rằng nhà nước sẽ chú trọng hơn trong công tác gìn giữ văn hóa và đầu tư cho các cơ quan văn hóa như BTDTH để những công trình như Tòa nhà Cánh Diều được hoàn thành đúng tiến độ và sớm đi vào phục vụ khách tham quan”.

BTDTH hiện có khoảng 26.000 hiện vật, trong đó có hơn 2.000 hiện vật về các dân tộc Đông Nam Á và khoảng 300 hiện vật về các nước khác. Khối lượng tư liệu nghe-nhìn cũng rất lớn, gồm hơn 113.000 kiểu ảnh chụp phim và kỹ thuật số, khoảng 2.400 băng và đĩa ghi hình, gần 900 băng và đĩa ghi âm.

Tính đến cuối tháng 9/2010, tổng số khách tham quan Bảo tàng là gần 2 triệu lượt; trong đó xấp xỉ 50% là khách nước ngoài, đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng khách đến Bảo tàng tăng lên hàng năm: năm 1998: 37 ngàn lượt; năm 2003: 92 ngàn lượt; năm 2008: 395 ngàn lượt; năm 2009: hơn 400 ngàn lượt. Trong quý III năm 2010 đã có gần 86 ngàn lượt khách mua vé thăm Bảo tàng, tăng hơn 3.600 lượt người so với cùng kỳ năm 2009.

Mai Chi

(*) Bài sử dụng các tư liệu do Bảo tàng Dân tộc học cung cấp.


Tin liên quan

Tin tiêu điểm