A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

‘Sống chậm’ ở Đà Lạt

Thử một lần thăm Đà Lạt mới hiểu tại sao giới trẻ lại “ghiền” nơi này đến thế. Khí hậu trời phú, cảnh sắc thiên nhiên như phương Tây lại thêm xu hướng phát triển du lịch đúng “gu” giới trẻ, Đà Lạt trở thành một điểm đến để những người trẻ tạm rời xa chốn đô thị phồn hoa để “sống chậm”.

Một trong những đặc sản của Đà Lạt là những quán cà phê nằm xa trung tâm hoà mình giữa thiên nhiên, núi rừng

Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những video chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đà Lạt của các KOL (người có sức ảnh hưởng) trong giới trẻ. Là người theo quan điểm “đi nghỉ chỉ có đi biển”, tôi từng bỏ ngoài tai rất nhiều lời rủ rê du lịch Đà Lạt phần vì bận rộn công việc, phần vì sợ “vỡ mộng” khi tin vào những chia sẻ kinh nghiệm của các KOL.

May mắn thay, một chuyến công tác kết hợp du lịch đã đưa tôi đến với Đà Lạt, biến tôi thành kẻ si mê thành phố quá đỗi đáng yêu này.

"Vạn sự khởi đầu"... mưa

Đà Lạt đón tôi bằng cơn mưa buổi sáng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố này là cái lạnh se se như tiết trời Thu và vẻ man mác buồn của Hà Nội về Đông.

Thấy vẻ co ro vì lạnh và bộ mặt ỉu xìu của tôi khi nhìn trời mưa, chú lái xe taxi trấn an tôi: “Mùa này ở đây mưa là bình thường, xíu tạnh mưa nắng lên là đẹp ngay!”. Chú cũng không quên dặn tôi hai món đồ không thể thiếu khi ở Đà Lạt đó là ô và áo khoác.

Thật vậy, chỉ đến trưa khi cơn mưa đi qua nhường chỗ cho nắng ấm, Đà Lạt lại khoác lên mình một màu sắc khác, tươi sáng và rực rỡ bởi hoa lá, cỏ cây. Không để uống phí thời tiết này, tôi bắt đầu triển khai kế hoạch khám phá Đà Lạt với các địa điểm nổi bật mà tôi đã tìm hiểu trước chuyến đi.

Mỗi người cảm nhận Đà Lạt theo một cách khác nhau: người thiên về khám phá thiên nhiên, cảnh sắc; người thì thích tham quan những di tích lịch sử, biệt thự xa hoa theo kiến trúc Pháp; người lại thích những quán cà phê độc, lạ và phong cách; trong khi người thì mê ẩm thực phong phú nơi đây… Là người lần đầu đến với Đà Lạt, tôi quyết định sẽ cố gắng cảm nhận nơi đây một cách trọn vẹn nhất.

Cổ kính và hoài niệm

‘Sống chậm’ ở Đà Lạt
Lối vào Dinh Bảo Đại I. Nguồn: truyenhinhdulich.vn
 

Điểm tôi lựa chọn ghé thăm đầu tiên là Dinh Bảo Đại I, nơi tôi cảm nhận được một Đà Lạt cổ kính.

Toạ lạc trên độ cao 1.550 m, Dinh I do triệu phú người Pháp Robert Clément Bourgery xây dựng. Nơi đây phảng phất những hồi ức về một thời kỳ lịch sử đầy biến động, đồng thời lưu lại ký ức khó quên về những chủ nhân. Trong thời gian làm Quốc trưởng Hoàng triều Cương thổ, tức vùng đất Tây Nguyên ngày nay (1949-1955), vua Bảo Đại mua lại và biến thành tổng hành dinh của mình. Đến năm 1956, nơi này trở thành chốn nghỉ dưỡng của Ngô Đình Diệm và được bổ sung các công trình như sân đáp trực thăng, kho xăng, đường hầm thoát hiểm và chỗ làm việc cho các binh lính dưới quyền.

Nhìn từ xa, Dinh Bảo Đại I như một lâu đài cổ kính, tráng lệ giữa khung cảnh thơ mộng của thiên nhiên Đà Lạt. Công trình được xây kiên cố bằng gạch và đá, mái lợp ngói, gồm một tầng hầm, tầng trệt và tầng lầu. Toàn bộ dinh được sơn màu vàng đúng nét kiến trúc Pháp. Dinh I nằm trên khu đất rộng 18 ha, rợp bóng cây xanh. Lối vào dinh dài gần 500 m được lát đá, hai bên đường là hàng cây tràm trăm tuổi.

Bên trong dinh thự gồm 12 phòng lớn nhỏ như phòng tiếp khách, nội các, phòng nghỉ của Quốc trưởng Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, gian thờ... Các phòng đều sử dụng tông màu chủ đạo là màu vàng và đỏ, thể hiện uy quyền của hoàng gia.

Ở mỗi phòng, ngoài ảnh của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu, đồ nội thất lẫn các vật dụng như bình hoa, đồng hồ, điện thoại cổ, máy nghe nhạc đĩa than, kệ lò sưởi, giá sách… đều được trưng bày nhằm tái hiện lại sống động nét vàng son của thời bấy giờ. Trong các căn phòng, sự bài trí đơn giản nhưng tinh tế.

Một số phòng chính trưng bày tượng sáp của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu để du khách mường tượng được mối liên hệ với lịch sử của dịnh thự một cách chân thực nhất. Bước trên những bậc cầu thang gỗ, tiếng lộc cộc như đưa tôi trở về quá khứ đầy biến động mà căn dinh thự này từng chứng kiến.

Có thể nói, Dinh Bảo Đại I vừa mang nét đẹp kiểu Pháp nhưng vẫn phảng phất cả văn hoá Việt Nam và là một trải nghiệm lịch sử thú vị không thể bỏ qua.

Thơ mộng và bình yên

Đặc sản thứ hai mà tôi muốn “nếm thử” chính là những quán cà phê nằm xa trung tâm. Trong tiết trời se lạnh, được thưởng thức một ly cà phê ấm nóng, ngắm khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của xứ sở ngàn hoa thì không còn gì bằng.

Tìm đến một quán cà phê là căn nhà gỗ nằm bên sườn đồi với tầm nhìn xa xanh mướt của rừng thông, tôi chọn một chỗ ngồi yên tĩnh, gọi một cốc cà phê, lấy quyển sách yêu thích ra đọc. Hít thật sâu không khí quang đãng và thả mình vào thiên nhiên nơi đây, tôi bỗng quên hết những âu lo, bộn bề cuộc sống. Tôi từng nghe ai đó ví von Đà Lạt như người yêu của mình, dễ thương, cuốn hút và cho họ cảm giác hạnh phúc, yên bình.

Ở hầu hết quán cà phê ở Đà Lạt, ngoài những góc để du khách thả mình thư giãn, còn có những góc tạo cảnh phục vụ nhu cầu chụp ảnh, “sống ảo” của giới trẻ. Mỗi quán cà phê lại thiết kế phong cách riêng, có quán theo phong cách Nhật Bản, quán mang hơi hướng Hy Lạp, quán lại theo kiểu Hong Kong (Trung Quốc)…

Bên cạnh đó, cũng có những quán café hút khách bởi những thứ mới lạ như gương “xuyên không”, cối xay gió, chong chóng khổng lồ, tường vàng… Chính vì vậy, đến với Đà Lạt, thứ mà ai cũng có thể “thu hoạch” được đó là những tấm hình đẹp.

Nhiều bạn trẻ đến Đà Lạt lựa chọn thuê xe máy để tự khám phá theo cách của mình. Bạn trẻ tên Chinh đến từ Đà Nẵng cho biết đã ba lần ghé chơi Đà Lạt nhưng vẫn chưa đi hết được những nơi muốn đi và dự định sẽ trở lại thành phố này cùng người yêu vào lần tới. Chinh chia sẻ: “Mỗi lần đi Đà Lạt mình lại “định vị” một loạt địa điểm để thăm thú. Lần tới mình sẽ dẫn người yêu đi cùng và thuê xe máy để khám phá ngoại ô”.

Thiên đường ẩm thực

‘Sống chậm’ ở Đà Lạt
Bánh căn ở Đà Lạt. Ảnh: agotourist
 

Đà Lạt còn nức tiếng gần xa bởi các món ngon ba miền.

Với điều kiện khí hậu mát mẻ cùng thổ nhưỡng có nhiều dinh dưỡng, các loại rau củ quả ở đây đều tươi xanh và có chất lượng tốt vượt trội. Cũng vì thế các món ăn ở đây luôn có hương vị tươi mới và thơm ngon đặc biệt.

Những món nổi tiếng hấp dẫn với mức giá bình dân ở Đà Lạt có thể kể đến như: lẩu bò nhà gỗ, lẩu gà lá é, bánh căn, bánh mì xíu mại, bánh ướt lòng gà, bánh tráng nướng, kem bơ, món nướng…

Mỗi món ăn lại nên thưởng thức vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Buổi sáng sớm trời Đà Lạt se lạnh, dùng các món dạng nước như phở, bún bò… sẽ giúp du khách dễ ăn, giữ ấm cơ thể.

Đến trưa, khi thấm mệt sau các chuyến hành trình, tham quan, nhiều người lựa chọn các món như bánh căn, bánh mì xíu mại, bánh ướt lòng gà… Những món này có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều quán bình dân trong thành phố.

Đặc biệt, buổi chiều tối tại Đà Lạt là “thời” của các tín đồ ẩm thực với đa dạng đồ ăn thơm ngon, hấp dẫn, đặc biệt là các món ăn vặt đủ loại. Càng về tối, thời tiết nơi đây dần chuyển lạnh, những món ăn như nướng, lẩu sẽ cực kỳ phù hợp để du khách “yêu chiều” chiếc bụng đói sau một ngày dài.

Trong không khí lành lạnh, ngồi bên nồi lẩu hay bếp nướng ấm áp và thưởng thức những món ngon là một trải nghiệm khiến tôi nhớ mãi về Đà Lạt. Sau bữa tối, tôi tiếp tục “lượn” chợ đêm và thưởng thức thêm món bánh tráng nướng và kem bơ nổi tiếng.

Chuyến đi ngắn ngày ở xứ sở ngàn hoa giúp tôi phần nào lý giải được vì sao giới trẻ hiện nay lại thích Đà Lạt đến thế. Khác xa cuộc sống đô thị tấp nập, nhộn nhịp ngoài kia, Đà Lạt cứ bình yên như thế, vỗ về những tâm hồn đang chơi vơi, khắc khoải tìm một điểm tựa.

Thu Trang/ baoquocte.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm