Chùa Nôm đẹp cổ xưa, bình yên
![]() Trước lầu chuông là một hồ sen nước trong xanh thơm ngát. |
Người dân làng Nôm cho biết, chùa Nôm có tên tự là “Linh thông cổ tự”. Bởi, theo truyền thuyết, chùa Nôm được xây dựng ngay giữa rừng thông cổ thụ, trên có một cái am nhỏ.
Không một ai có thể nhớ chính xác thời điểm ngôi chùa cổ kính này được xây dựng nên, chỉ biết rằng theo hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây, chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính.
Chùa Nôm nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó chính là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Để tới được đình Tam Giang, du khách phải đi qua cây cầu đá trắng gồm 9 nhịp đầu rồng. Cây cầu đá đã mấy trăm năm soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức.
Ngay khi vừa bước chân vào cổng làng Nôm, du khách sẽ hồi tưởng lại những nếp nhà xưa cũ, mái đình rêu phong, giếng nước, cây đa... Tất cả tạo nên không gian yên bình. Qua cổng Tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên. Bên cạnh là một hồ nước trong xanh, soi bóng lầu chuông, lầu trống giữa không gian tĩnh mịch. Ngày ngày tiếng chuông chùa ngân nga, điểm xuyết giữa không gian yên tĩnh của ngôi chùa.
![]() Lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước như một đài sen nguy nga với cây cầu đá dẫn lối vào với cây cầu đá hình cánh cung. |
Các pho tượng được khắc họa với những cử chỉ, biểu cảm vô cùng sinh động. Trải qua các trận lụt lịch sử, nhiều nơi trong vùng không ít lần bị nhấn chìm. Thế nhưng, khi nước rút, các pho tượng Phật được làm bằng đất này đã bị ngâm nước lâu ngày vẫn sừng sững như thách thức sự hà khắc của thiên nhiên.
Lý giải về việc những pho tượng Phật này bị ngâm trong nước lũ lâu ngày mà vẫn không hề có dấu hiệu bị mục rã, nhiều người cho rằng đó là nhờ vào sự điêu luyện và tỉ mỉ của các nghệ nhân thời xưa qua từng công đoạn, từ khâu dựng cốt, đắp đất cho đến phủ sơn.
(Báo Hưng Yên)