A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí ẩn bãi đá cổ Sapa

Bãi đá cổ Sapa nằm trọn trong thung lũng Mường Hoa trải dài trên địa phận 3 xã Lao Chải, Tả Van và Hầu Thào cách thị xã Sa Pa 7km theo hướng Đông Nam. Bao bọc xung quanh bãi đá là những ngọn núi cao trên dưới 2.000m.

 Đường vào bãi đá cổ Sapa

Bãi đá cổ Sapa được học giả người Pháp V. Gulubep phát hiện vào năm 1925 với chiều dài hơn 4km, rộng hơn 2km. Toàn bộ bãi đá có gần 200 hòn đá lớn nhỏ, lớn nhất dài 15m, cao 6m nằm rải rác theo kiểu lộ thiên, bán lộ thiên hoặc còn nằm dưới lòng đất. Hầu hết các hòn đá đều có những hình khắc các hiện tượng tự nhiên, hình vẽ thể hiện cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất và hình người ở nhiều tư thế. Các lớp chạm khắc trên đá gồm nhiều loại hình khác nhau như tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, trong đó đáng chú ý nhất là các hình vẽ người, nhà sàn, hình nam nữ giao phối hay những vạch kẻ song song, hình người đang tỏa hào quang, hình bản đồ thung lũng Mường Hoa, hình vuông, hình chữ nhật, các nét vạch đơn, vạch đôi, đường cắt ngang, hình chim thú, cảnh sinh hoạt….

Nhìn kỹ vào các tảng đá, chúng ta có thể đoán định và lý giải đó là hình bản đồ, là ghi chép về thời tiết, quan niệm về đời sống… của chủ nhân bãi đá. Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực này hoặc gần như một cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa. Trong di tích bãi đá cổ này đáng chú ý nhất là tảng đá vợ, đá chồng, đàn hổ và tấm bia trên có khắc chữ mà theo truyền thuyết đó chính là những câu thần chú của nhóm thợ đá để tiêu diệt đàn hổ đến quậy phá dân làng.

 Hình khắc trên phiến đá tại bãi đá cổ Sapa

Tại xã Hầu Thào, các tảng đá tập trung thành hai bãi lớn. Bãi Một nằm cạnh bản Pho của người Mông kéo dài xuống gần lòng suối. Số lượng các tảng đá ở đây có hình chạm khắc không nhiều nhưng đều là những khối đá lớn, có khối dài tới 13m. Các bản chạm khắc ở đây có những hình ngộ nghĩnh ở nhiều dạng thức khác nhau. Bãi Hai nằm giáp ranh biên giới của hai xã Hầu Thào và Lao Chải, trên con đường mòn từ đường cái qua các thửa ruộng bậc thang lên bản Hầu Chư Ngài của người Mông trên đỉnh núi. Đây là một bãi đá rộng với trên 100 hòn đá có hình chạm khắc thuộc nhiều loại. Ở khu vực dưới chân Cầu Mây của xã Tả Van, hay sang tận địa phận xã Sử Pán có một vài hòn đá đơn lẻ, chạm khắc hoa văn không khác biệt nhiều so với hai bãi kể trên.

Theo các nhà khoa học, hình khắc trên bãi đá cổ là một pho sách khổng lồ chứa đựng những kiến thức, quan niệm của người xưa về thiên nhiên, miêu tả đời sống sinh hoạt của cộng đồng... được chạm khắc bằng hình ảnh và một loại văn tự cổ. Tuy nhiên cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra những nhận định chính xác về nguồn gốc hình thành và chủ nhân đích thực của những bãi đá này.

Sa Pa không phải là nơi duy nhất phát hiện ra các tảng đá khắc vì trên thế giới có nhiều điểm tương tự như vậy. Nhưng đối với Việt Nam, bãi đá cổ Sapa đã chứng minh người Việt cổ từ xa xưa đã biết chế ngự thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Các nhà khoa học đánh giá đây là một di sản lớn của loài người, chúng không chỉ mang các giá trị về mặt mỹ thuật mà nó còn có ý nghĩa về mặt tâm linh như một bức thông điệp bí ẩn mà tổ tiên đã gửi lại cho con cháu mai sau. Bãi đá cổ Sapa vẫn nằm đó ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học trong và ngoài nước và cũng trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi đến Sa Pa.

Minh Sơn/ Báo Du lịch


Tin liên quan

Tin tiêu điểm