A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19”

Sáng 16/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao đã đồng chủ trì, tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19” nhằm huy động trí lực người Việt Nam ở nước ngoài và tăng cường gắn kết giữa các chuyên gia kiều bào với cán bộ của Bộ ngoại giao trong công tác nghiên cứu.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Hướng Nam (trái) và Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao tại buổi Tọa đàm. 

Tọa đàm có sự tham dự của ông Ngô Hướng Nam - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao; Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao (điều phối chương trình) cùng hai diễn giả là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ là GS.TS. Trần Ngọc Anh (GS Đại học Indiana,Hoa Kỳ) và Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành (Giảng viên Đại học Fullbright, Việt Nam).

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của 300 đại biểu là cán bộ Bộ Ngoại giao; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và sinh viên Học viện Ngoại giao.

Hai diễn giả GS.TS. Trần Ngọc Anh và Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành đã trình bày tham luận xoay quanh chủ đề Kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, các diễn giả đã nêu bật tình hình kinh tế Việt Nam năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong tương lai gần cùng với sự tác động của đại dịch Covid-19.

 

Các diễn giả cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Quý IV/2021 của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thực tiễn triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9/2021 và Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng nêu một số giải pháp cho Việt Nam trong phát triển kinh tế như tìm kiếm điểm cân bằng giữa phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế; Xác định động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; Vai trò của ngành đối ngoại trong phát triển kinh tế - xã hội (trong đó ngoại giao vaccine đóng vai trò hết sức quan trọng)...

Các diễn giả cũng đưa ra giải pháp cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển một số lĩnh vực mũi nhọn như:

Kinh tế số: Ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế số là chìa khóa để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Trước mắt, ta cần tập trung xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử, thương mại điện tử, song song với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc cải cách chương trình giáo dục, đào tạo.

Công nghiệp y tế: Từ bài học về Covid-19, có thể dự báo ngành công nghiệp y tế sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích an ninh và kinh tế của quốc gia. Do đó, Việt Nam cần xác định y tế là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất, đặc biệt với những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng như phát triển hệ thống theo dõi người bệnh, xét nghiệm, sản xuất vaccine, thiết bị y tế. Chiến lược phát triển ngành y cần được hoạch định với tầm nhìn dài hạn để phục vụ xuất khẩu chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh: Việt Nam cần một chiến lược mới, một nhóm giải pháp đồng bộ trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp, quản lý tài nguyên để đảm bảo mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đồng thời, hệ thống hạ tầng và logistic trong nước cần được đầu tư hơn để sớm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trên toàn quốc.

 Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành trình bày tham luận tại Tọa đàm

Trong khoảng 2 giờ, Chương trình tọa đàm trực tuyến “Kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19” đã tạo cơ hội để các diễn giả người Việt Nam ở nước ngoài kết nối, giao lưu cùng cộng đồng nghiên cứu của Bộ Ngoại giao với nhiều câu hỏi được giải đáp về một số vấn đề cụ thể liên quan tới lĩnh vực ngoại giao kinh tế và công tác của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

Tọa đàm giúp tăng cường gắn kết giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao với bà con kiều bào, phát huy hiệu quả các sáng kiến, đóng góp của các trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài theo đúng tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thu Trang


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm