A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tiếp thân nhân gia đình Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về thăm quê hương

Chiều 21/2/2024, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng đã có buổi tiếp thân mật đoàn gia đình Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm do ông Van Cam Charles (cháu nội Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm) làm trưởng đoàn nhân dịp gia đình về thăm quê hương.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng bày tỏ vui mừng và xúc động được đón tiếp gia đình gồm thành viên 4 thế hệ là con cháu của Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm về thăm quê hương, tìm hiểu về cội nguồn. 

Thứ trưởng bày tỏ ngưỡng mộ, trân trọng đối với những cống hiến của Cụ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm cho dân tộc. Cụ là nhân vật vật lịch sử, có nhiều đóng góp cho phong trào kháng Pháp của dân tộc, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Để tưởng nhớ công lao của cụ, nhân dân huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã dựng Đền thờ Cụ tại Di tích Động Thiên Thai, trong quần thể Di tích Khởi nghĩa Yên Thế; nhiều thành phố, địa phương ở Việt Nam cũng đặt tên phố theo tên cụ Kỳ Đồng. Đến với Bắc Giang và về Thái Bình, Đoàn sẽ có dịp tìm hiểu thêm về quãng đời hoạt động vẻ vang của cụ, những đóng góp của cụ cho dân tộc Việt Nam và tình cảm của người dân địa phương dành cho cụ. 

Về nguyện vọng của gia đình mong muốn đưa di cốt của Cụ Kỳ Đồng trở về quê hương, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hoan nghênh và cho rằng việc này có ý nghĩa rất to lớn không chỉ đối với anh linh của cụ, với gia đình, mà còn đối với người dân cả nước nói chung. Bà nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ luôn đồng hành cùng gia đình trong vấn đề hồi hương di cốt của Cụ. 

Nhân dịp này, thông qua ông Charles và các thành viên trong Đoàn, Thứ trưởng gửi lời thăm hỏi đến các thành viên khác trong gia đình, chúc gia đình có chuyến về thăm quê hương Việt Nam nhiều ý nghĩa và hy vọng gia đình sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến về thăm quê hương Việt Nam cho các thế hệ con cháu của Cụ Kỳ Đồng. 

Thay mặt gia đình, ông Van Cam Charles cảm ơn Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã dành thời gian tiếp gia đình. Ông cảm ơn Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tạo điều kiện, giúp đỡ Đoàn có chuyến về thăm quê hương ý nghĩa lần này. 

Tại buổi gặp gỡ, ông cũng bày tỏ với Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng về nguyện vọng của gia đình muốn đưa di cốt của Cụ Kỳ Đồng trở về quê hương và mong muốn Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, các cơ quan, địa phương trong nước hỗ trợ tạo điều kiện để con cháu cụ thực hiện di nguyện của Cụ. 

Ông Van Cam Charles chia sẻ theo lời mẹ của ông (con dâu Cụ Kỳ Đồng), lúc sinh thời, nhất là những năm cuối đời, cứ mỗi buổi chiều, Cụ Kỳ Đồng thường ra bờ biển, mặt đau đáu hướng về quê hương. Ông cũng chia sẻ lá thư của bà mẹ cụ Kỳ Đồng gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa hỏi về tông tích con trai mình và đề nghị trả lại con trai cho bà. Chính những điều đó thôi thúc ông và các con cháu Cụ mong muốn được mang di cốt Cụ trở về quê hương, nguồn cội.

Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là nhân vật lịch sử có đóng góp to lớn trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt trong giai đoạn Hoàng Hoa Thám lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế. 

Ông tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh ngày 8/10/1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, nay là xã Văn Cẩm - Hưng Hà - Thái Bình, trong gia đình có cha là thầy đồ dạy học và đan rổ rá, đóng cối xay. 

Năm 6 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm đã được học chữ Nho. Năm 8 tuổi, với tư chất thông minh, khả năng sáng tác thơ phú và làm câu đối ứng khẩu, Nguyễn Văn Cẩm nổi tiếng khắp vùng, được cha dẫn lên tỉnh dự kỳ khảo khóa để năm sau thi hương ở trường Nam Định và đã đạt loại ưu. Quan tỉnh tâu về triều, Vua Tự Đức xuống dụ cấp cho “cậu bé kỳ lạ” (Kỳ Đồng) mỗi tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo, hàng năm cấp áo quần. Và cũng từ đây, cái tên Kỳ Đồng xuất hiện, đi vào lịch sử.

Kỳ Đồng lúc ấy do tài năng thiên bẩm của mình được dân tình một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế danh tiếng ngày càng vang xa. Theo lời đồn trong dân gian, năm 9 tuổi, Kỳ Đồng đã soạn bài hịch kêu gọi nhân dân chống Pháp, năm 11 tuổi sáng tác bài thơ Xích Bích phân tích thế mạnh của dân tộc. Ảnh hưởng của Kỳ Đồng đến dân chúng ngày một lớn, một rộng để rồi đỉnh điểm là sự kiện rước cờ vào thành Nam Định ngày 27/3/1887. Hôm ấy, một đám rước quy tụ khoảng 100 người với khăn áo chỉnh tề, giương lá cờ “Thiên binh thần tướng” đem theo kiếm gỗ, giáo gỗ rước Kỳ Đồng từ chùa Vị Xuyên, nơi Kỳ Đồng nghỉ qua đêm đi qua các phố rồi tiến về thành Nam Định. Tuy nhiên, người Pháp đã phòng xa cuộc tập hợp đông người này vì cho rằng phong trào có tính chất tôn giáo cũng có thể trở thành một phong trào chính trị, dẫn đến những hậu quả tai hại.

Sau cuộc diễu hành ấy, chú bé Kỳ Đồng bị bắt. Thay vì đưa về cho cha mẹ dạy dỗ hoặc kết án bỏ tù, thực dân Pháp thực hiện một bản án mềm mà họ cho là hữu hiệu hơn, đó là lưu đày Kỳ Đồng sang Phi châu xa xôi để tách rời chú bé với phong trào yêu nước Việt Nam, đồng thời những mong đào tạo Kỳ Đồng từ một kẻ chống đối, có cơ may cho họ nếu sau này Kỳ Đồng phục vụ cho nước Pháp. 

Ở An-giê-ri, Kỳ Đồng có nhiều dịp được tiếp kiến, gần gũi Vua Hàm Nghi nên tư tưởng yêu nước chống Pháp ngày càng triệt để. Sau gần chục năm đào tạo, năm 1896, Pháp đưa ông về nước làm công chức cho chính quyền bảo hộ nhưng ông vẫn nuôi chí chống Pháp.

Trở về nước nhưng không nhận làm công cho Pháp, ông xin đi khai hoang ở Yên Thế (Bắc Giang), lập ra một khu đồn điền lớn thuộc xã Đồng Kỳ và Hồng Kỳ ngày nay, lấy tên là “Thất diệu đồn điền”, tức là khu đồn điền được bố trí tựa như 7 ngôi sao sáng của chòm sao Bắc Đẩu. Động Thiên Thai là trại trung tâm và sau này được nhân dân dựng đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Tại đây, Nguyễn Văn Cẩm đã sáng tác nhiều thơ, văn để huấn truyền, cổ vũ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, ý chí triệt để chống Pháp giành độc lập dân tộc đến các nghĩa sĩ và những người đồng chí. Trong thời gian xây dựng đồn điền, Kỳ Đồng bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám - thủ lĩnh phong trào Khởi nghĩa Nông dân Yên Thế, giúp Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân về người, tiền của và cả tinh thần. Nhưng vì Thiên Thai nằm gần trung tâm Phồn Xương, một vị trí nhạy cảm nên thực dân đã theo dõi rất sát sao hoạt động của Kỳ Đồng, hơn nữa do chủ quan nên việc bại lộ, chỉ sau hơn một năm Kỳ Đồng bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ ở đảo Tahiti thuộc Polynésie (thuộc địa của Pháp ở Thái Bình Dương). Ông đã lấy vợ người bản địa và sinh con tại quần đảo này. 

Ông qua đời vào ngày 17/7/1929 và vẫn luôn mang trong lòng niềm ái quốc, nỗi u uất khi không thể trở về quê hương. Sau khi Kỳ Đồng mất, đệ tử cùng nhân dân địa phương đã xây dựng Thiên Thai thành ngôi đền phụng thờ ông. 

(Trích thông tin từ bài báo" Kỳ Đồng - “đứa trẻ lạ” đăng tải trên https://baothaibinh.com.vn/ ngày 12/3/2020)

Q.H


Tin liên quan

Tin tiêu điểm