A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều ngày 02/03/2023, Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài (NVNĐCONN) đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tổ chức tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị do ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) và ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Uỷ ban TW MTTQVN) đồng chủ trì. 

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan, bao gồm Uỷ ban TW MTTQVN, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài,... cùng đại diện kiều bào đang có mặt tại Việt Nam và các cơ quan báo chí trong nước. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện hội đoàn và cá nhân kiều bào tham dự trực tuyến từ hơn 30 điểm cầu tại 17 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NNVNVNONN cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài (NVNĐCONN) với tư cách là đối tượng thụ hưởng chính sách Luật Đất đai. Ông khẳng định việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến kiều bào để tham mưu, đề xuất các cơ quan chức năng hoàn thiện pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài là công việc thường xuyên của Ủy ban NNVNVNONN. Trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện, chính sách pháp luật về đất đai và nhà ở đã bám sát và thể chế hoá đường lối và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TWvà Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, triển khai nhiệm vụ “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh”.

Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thông tin về những quy định về quản lý, sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài trong chính sách pháp luật đất đai hiện hành, chính sách tạo thuận lợi cho người NVNĐCONN trong việc sử dụng đất, bao gồm quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của NVNĐCONN được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ông cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung quy định về quản lý, sử dụng đất có liên quan đến yếu tố nước ngoài để đảm bảo thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hội nghị đã nghe các ý kiến của đại diện các hội đoàn, cá nhân NVNĐCONN và doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Các ý kiến của kiều bào tập trung vào nội dung các quy định liên quan đến NVNĐCONN, cho rằng Luật Đất đai hiện hành đã quy định về quyền sử dụng đất ở khi có quyền sở hữu nhà ở, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc về quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở, cụ thể là hạn chế NVNĐCONN chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở (điểm đ khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai năm 2013), tức là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền, để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật (điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở 2014). Nói cách khác Luật Đất đai hiện hành không có quy định cho phép NVNĐCONN được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài dự án để xây dựng nhà ở. Điều này không chỉ hạn chế quyền phát triển nhà ở mà còn ảnh hưởng đến quyền thừa kế đất ở chưa có công trình nhà ở bên ngoài dự án phát triển nhà ở của NVNĐCONN thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Các ý kiến của kiều bào đều mong muốn vướng mắc này được tháo gỡ, vừa tạo sự đối xử bình đẳng như công dân trong nước, vừa khơi thông nguồn lực của cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài với đóng góp kiều hối gần 19 tỷ đôla Mỹ mỗi năm, cho việc phát triển thị trường bất động sản, đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất và phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Các đại biểu hoan nghênh và nhất trí với những điểm thay đổi của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi so với Luật Đất đai 2013, cụ thể: (i) Tại điểm g khoản 1 Điều 30 Dự thảo quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở”. Theo đó, NVNĐCONN không bị giới hạn chỉ được nhận quyền sử dụng đất ở chưa có công trình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở như quy định tại Luật Đất đai 2013. (ii) Tại điểm b khoản 1 Điều 30 Dự thảo quy định “Tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Theo đó, NVNĐCONN có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất tương đương với quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước mà không bị giới hạn trong phạm vi “khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế” như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013.

Bên cạnh đó, các ý kiến đề xuất sửa đổi Điều 47 Dự thảo liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của NVNĐCONN được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để phù hợp với quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 30 của Dự thảo. Cụ thể, đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất ở, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 47 quy định như sau "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở  được nhận quyền sử dụng đất ở để tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật".

Liên quan đến cụm từ “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở…” được nêu tại Điều 30 và các điều khác của Dự thảo, bà Phan Bích Thiện, Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQVN, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary và bà Chu Thu Hiền, đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng Luật Đất đai dẫn chiếu quy định về đối tượng của Luật Nhà ở, gây khó hiểu và rườm rà, kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về đối tượng NVNĐCONN thuộc diện được nhận quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, với các điều kiện tượng như Luật Nhà ở.

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu văn hoá thể thao Việt Nam tại Nhật Bản, mong muốn Ban soạn thảo xem xét quy định cho phép người nước ngoài là vợ/chồng và con của NVNĐCONN được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua thừa kế.

Ngoài ra, một số đại biểu kiều bào nêu những kinh nghiệm quản lý và khuyến khích sử dụng đất tại các nước. Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại Đồng Xuân tại Berlin, kiều bào tại Đức và bà Phan Bích Thiện, kiều bào tại Hungary, tiến sỹ Đào Thị Thu Thuỷ, kiều bào tại Pháp đã chia sẻ thông tin chính sách pháp luật về quản lý đất đai của sở tại nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất gây ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế; đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về thuế và phí môi trường đối với người sử dụng đất.

Về vấn đề thu hồi đất, ông Trần Anh Tuấn, Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQVN, Chủ tịch Hội người Việt tại Ba Lan, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc nội dung khoản 2 Điều 94 Dự thảo, khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở, phải di chuyển chỗ ở đối với hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, Nhà nước cần hình thành khu tái định cư và thương lượng với họ trước khi thu hồi. Ông Nguyễn Hoài Bắc, kiều bào Canada, đã có hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cho rằng còn nhiều bất cập trong quy định về giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân có đất trong diện thu hồi để thực hiện dự án, đấu thầu đất... cần được xem xét kỹ lượng trong quá trình sửa đổi.

Liên quan đến đất nông nghiệp, Tiến sỹ Đào Thị Thu Thuỷ, Chánh văn phòng Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), cho rằng quy định về đất nông nghiệp của Luật Đất đai cần phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp, cần xét việc thích ứng với biến đổi khí hậu là điều kiện để xét duyệt ưu đãi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong quản lý sử dụng đất bền vững, toàn diện.. Ông Tài Phương, kiều bào Hoa kỳ, Uỷ viên Uỷ ban TW MTTQVN, đề nghị xem xét mở rộng đối tượng được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, không chỉ giới hạn là người ở địa phương, đồng thời xem xét nới quy định về diện tích sử dụng đất trên cơ sở xem xét nhu cầu, khả năng đầu tư, phát triển nhằm đa dạng hóa, phát triển giá trị của phần đất đó.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, kiều bào tại Nga, Giám đốc Quỹ hỗ trợ hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị”, đề nghị bổ sung quy định thời điểm xác định tư cách thành viên của hộ gia đình sử dụng đất; có hướng dẫn cụ thể đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất sau ngày 01/7/2004 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 135 để được công nhận quyền sử dụng đất; xem xét làm rõ quy định về thời gian cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Các đại biểu cám ơn các cơ quan trong nước đã quan tâm, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng NVNONN, mong muốn Dự thảo Luật đất đai sửa đổi được xây dựng rõ ràng, chặt chẽ, dễ hiểu, khoa học để các quy định được áp dụng lâu dài, nhất quán, đồng bộ với các luật khác như pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, về đấu giá, đấu thầu, đầu tư .v.v...

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu đánh giá cao sự quan tâm và các ý kiến tâm huyết của các đại biểu kiều bào, đề nghị kiều bào tiếp tục đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) qua các hình thức khác nhau như gửi đến Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông khẳng định Luật Đất đai là một đạo luật quan trọng, việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi là cần thiết và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ủy ban NNVNVNONN, Bộ Ngoại giao sẽ tổng hợp, chuyển tới Ban soạn thảo xem xét tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị../.

Thu Lê


Tin liên quan

Tin tiêu điểm