Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW và phát triển đất nước trong tình hình mới
Hội nghị diễn ra tại Trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài |
Là diễn đàn để kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 và các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới, Hội nghị đã tạo ra cơ hội đối thoại trực tiếp giữa đại diện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) với các cơ quan trong nước, cùng thảo luận những giải pháp và sáng kiến mới nhằm phát huy tối đa nguồn lực kiều bào trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị có sự tham dự của ông Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng hơn 100 kiều bào đến từ 20 quốc gia và 50 đại diện các sở, ban, ngành trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cho biết, hơn 16 năm kể từ ngày Nghị quyết 36 ra đời và 05 năm sau khi Chỉ thị 45 đi vào thực tiễn, với nỗ lực triển khai mạnh mẽ của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, công tác đối với NVNONN đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, vẫn còn những bất cập, hạn chế do tình hình khách quan và yếu tố chủ quan. Việc triển khai một số chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN còn chậm, chưa đồng bộ, công tác thu hút nguồn lực chưa được đẩy mạnh và triển khai bài bản, công tác dạy và học tiếng Việt chưa được đổi mới, đáp ứng nhu cầu của kiều bào…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi |
Trước bối cảnh môi trường quốc tế đang có những biến đổi mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên quy mô toàn cầu, đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức không nhỏ cho hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, Thứ trưởng kêu gọi sự chung sức và nỗ lực của toàn thể dân tộc, trong đó có cộng đồng NVNONN, nhằm tận dụng tốt những cơ hội và xử lý được những thách thức đặt ra, đưa đất nước phát triển lớn mạnh trong giai đoạn 10 - 20 năm tới.
Với tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu kiều bào cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác về NVNONN cũng như những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội nghị tập trung vào những nội dung chính như: vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; tình hình triển khai chính sách về NVNONN thời gian qua và các kiến nghị chính sách trong thời gian tới; thúc đẩy vai trò doanh nhân kiều bào kết nối thương mại, đầu tư trong tình hình mới; đề xuất chính sách trọng dụng, trọng đãi, phát huy nguồn lực trí thức kiều bào tham gia hợp tác, phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn, Công ty Cổ phần IQLinks, kiều bào tại Canada - cho biết, từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành, đã có nhiều chuyển biến tích cực với bà con kiều bào, tạo được niềm tin cho bà con về chính sách của Đảng, Nhà nước với những người xa xứ: xóa bỏ những mặc cảm, định kiến, xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai… Kể từ đó, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho kiều bào từ quốc tịch, cư trú, đi lại đến nhà đất, kinh doanh, làm việc…
Tuy nhiên, ông cũng cho biết trên thực tế khi làm các thủ tục, hồ sơ để đầu tư tại các địa phương, kiều bào vẫn còn gặp khó khăn hơn người Việt trong nước. Từ đó, không ít người muốn đầu tư, muốn được cống hiến cho Tổ quốc của mình vẫn còn băn khoăn, lo lắng. Ông Bắc bày tỏ: “Bà con Việt kiều không cần Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ưu tiên, ưu đãi hơn đồng bào đang sinh sống, làm ăn trong nước, nhưng họ cần lắm một chính sách thực sự thông thoáng về đầu tư và khởi nghiệp tại Việt Nam, đơn giản hoá thủ tục hành chính như người Việt Nam”. Đây là cũng là mong muốn của nhiều kiều bào tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ (kiều bào Nga) |
Ông Nguyễn Quốc Sỹ - Viện trưởng Vin Hitech, kiều bào tại Nga - cũng nhận định chúng ta còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để bà con tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ tại địa phương, chính điều đó cản trở sự đóng góp và hòa nhập của các nhà khoa học. Tuy nhiên ông cũng khẳng định để sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thật sự có hiệu quả thì "các nhà khoa học, trí thức kiều bào cần chủ động, “lao vào lửa”, chấp nhận những khó khăn, cùng chung vai gánh vác. Tôi kêu gọi các anh em chuyên gia trí thức kiều bào, nếu yêu đất nước và thương nhân dân, hãy cùng nhau chung sức vượt qua khó khăn để cùng làm nên mùa xuân cho đất nước ta”.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc AVSE Global – Vietnam và Chuyên gia Blockchain (Singapore, Thái Lan) |
Đóng góp ý kiến về lĩnh vực phát triển kinh tế và thu hút nhân tài, bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Giám đốc AVSE Global Vietnam và Chuyên gia Blockchain (Singapore, Thái Lan) - nhận định: “Trong bối cảnh đầy thách thức của đại dịch Covid-19 như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cần có những bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tự lực, tự cường và tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo yếu tố bền vững, bên cạnh việc triển khai các mô hình phát triển kinh tế mới là chìa khoá giúp chúng ta phát triển kinh tế trong thời điểm đầy thách thức như hiện nay”.
Theo đó, AVSE Global đề xuất chuyển dịch cơ cấu GDP và xuất nhập khẩu theo hướng tập trung vào thị trường nội địa, thị trường địa phương và đề cao yếu tố bền vững, giảm lệ thuộc vào thị trường nước ngoài; đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, tạo tiền đề phát triển kinh tế và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Về vấn đề làm sao có thể khuyến khích trí thức kiều bào tham gia hợp tác, phát triển khoa học công nghệ trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế và hướng tới mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế, Việt Nam cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh, minh bạch và kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học; nắm bắt nhanh sự thay đổi về nhu cầu lao động của thị trường trong nước và quốc tế để xác định đâu là mũi nhọn phát triển và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về nhân lực; khắc phục và xử lý các vấn đề liên quan tới vi phạm bản quyền.
Ông Trần Hải Linh, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và đầu tư Việt Nam tại Hàn Quốc |
Để thu hút nguồn lực trí thức kiều bào, ông Trần Hải Linh - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và đầu tư Việt Nam tại Hàn Quốc - khẳng định việc xác định chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phân tách 2 mô hình: đại học nghiên cứu và đại học, cao đẳng chuyên đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội. Ông mong Đảng và Nhà nước tin tưởng và trao trách nhiệm, niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài; tạo cơ hội để trí thức NVNONN cống hiến và chứng minh khả năng tại quê hương mình. Đồng thời, cần đặt ra yêu cầu phối hợp xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể và phải chịu trách nhiệm về kết quả.
Đóng góp ý kiến về công tác dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, PGS. Nguyễn Lân Trung (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Tôi đã có gần 10 năm sống ở Châu Âu, bên cạnh bà con ta. Tôi rất hiểu nỗi khổ tâm, day dứt của ông bà, của bố mẹ khi con cháu họ không nói được tiếng Việt. Không phải là bà con ta không muốn cho con em mình học tiếng Việt, nhưng những điều kiện khách quan và chủ quan cụ thể đặt ra rất nhiều khó khăn cho các vị phụ huynh. Kiều bào ta mong muốn, bên cạnh sách và lớp học truyền thống, có được học liệu điện tử, trực tuyến để các cháu có thể tự học, để phụ huynh có thể giúp các cháu thực hành tiếng Việt mọi nơi mọi lúc, lúc rỗi rãi ở nhà, trong bữa ăn, lúc đi nghỉ, đi chơi..., lúc đó các cháu dễ dàng tiếp thu”.
Vì vậy, ông kiến nghị xây dựng các chương trình bổ trợ, song song với chương trình dạy phát âm bên cạnh những chương trình theo khung tham chiếu 6 bậc từ A1 tới C2, ví dụ như dạy tiếng Việt qua kho tàng truyện cổ tích, tiếng Việt qua các bài hát đồng giao, tiếng Việt du lịch… Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm phát triển các chương trình dạy phát âm cho trẻ.
Ông Trường Nguyễn (Etcetera Nguyễn), Phóng viên VNtoday (Mỹ) |
Về tình hình công tác thông tin, tuyên truyền, ông Trường Nguyễn (Etcetera Nguyễn) - phóng viên VNtoday (Mỹ) - cho biết, nhìn chung, kiều bào ta đánh giá tích cực về công tác thông tin, tuyên truyền của Việt Nam. Các kênh truyền thông trong nước đã có những chương trình, bài phỏng vấn chung giữa phóng viên trong và ngoài nước về tình hình đất nước và hoạt động kiều bào ở các nước sở tại. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, các kênh truyền thông chính thống trong nước đã làm tốt vai trò thông tin tới cộng đồng, giúp bà con hiểu rõ về chính sách của Đảng và Nhà nước, làm nổi bật tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Ông đề xuất, "Đảng và Nhà nước tạo điều kiện để phóng viên kiều bào đưa tin, chia sẻ thông tin hai chiều giữa cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước, tổ chức NVNONN có đóng góp tích cực; động viên, bảo vệ và tạo điều kiện hoạt động báo chí trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thông qua các kênh báo chí độc lập, chúng tôi có thể trở thành cầu nối giữa người Việt Nam chúng ta trong và ngoài nước. Tin rằng truyền thông là huyết mạch của dân tộc, chúng tôi những người làm truyền thông hy vọng có thể góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước".
Sau hơn 3 tiếng làm việc, Hội nghị đã ghi nhận 16 ý kiến của đại biểu kiều bào trong nhiều lĩnh vực. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị nhận định đây là những đóng góp quý báu và thực chất, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến tình hình đất nước cũng như tâm huyết, mong mỏi của bà con kiều bào để làm sao đất nước ta ngày càng phát triển. Những ý kiến này sẽ được tập hợp, tiếp thu và báo cáo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW diễn ra vào ngày mai - 27/11./.
Mai Phương