Kêu gọi trí thức Việt trên toàn cầu đóng góp nhiều hơn cho đất nước
Việt Nam luôn chào đón các sáng kiến, ý tưởng đóng góp vào sự phát triển của đất nước và cũng luôn mong muốn đưa các giải pháp của mình ra thị trường quốc tế.
Biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, hay đại dịch COVID-19 đều là những “chất xúc tác” tạo ra những sự thay đổi lớn lao và hằng ngày cho Việt Nam và thế giới.
Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với Việt Nam để thích ứng và tìm ra hướng đi mới bền vững hơn và cũng là mục đích của Diễn đàn “Kết nối tương lai vì một Việt Nam toàn cầu” (One Global Vietnam: Connect2Future), diễn ra trong hai ngày 4-5/11 tại thủ đô Paris (Pháp).
Được Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam trên toàn cầu (AVSE Global) tổ chức, diễn đàn đã quy tụ gần 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam và quốc tế tiêu biểu hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực chiến lược, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các tổ chức chức trực thuộc chính phủ và phi chính phủ.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh khát vọng vươn lên và nỗ lực phát triển hội nhập của Việt Nam trong hơn 30 năm qua để đứng vào hàng ngũ những quốc gia có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất thế giới và trở thành một trong những "chiếc nôi" của sự đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng cho biết sau hơn 35 năm thực hiện đường lối mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, tăng 30 lần GDP bình quân, được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu trong hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trong quá trình hội nhập thế giới của đất nước, kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là nhân tố quan trọng kết nối Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ông đặc biệt đánh giá cao sự hình thành mạng lưới các chuyên gia Việt Nam tại nước ngoài, coi đó là cầu nối các nguồn lực trong và ngoài nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Hơn 500.000 tri thức và rất nhiều người Việt Nam làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức ở nước ngoài là một nguồn lực to lớn đóng góp cho sự phát triển của đất nước." Ông bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị là dịp để mang tri thức toàn cầu đến với Việt Nam và Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ để ươm mầm đổi mới sáng tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có các vấn đề như tái cơ cấu để nâng cao năng suất, ứng phó với đại dich COVID-19, phục hồi kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn chào đón các sáng kiến, ý tưởng đóng góp vào sự phát triển của đất nước và cũng luôn mong muốn đưa các giải pháp của mình ra thị trường quốc tế để đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.
Bộ trưởng nhấn mạnh "một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc luôn là khát khao của bất cứ người Việt Nam nào đang ở bất cứ nơi đâu" và kêu gọi các học giả, trí thức Việt Nam trên toàn cầu đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của quê hương.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các chuyên gia đã trao đổi nhiều vấn đề xung quanh bốn chủ đề gồm kết nối tương lai, kết nối đối tác, kết nối đổi mới sáng tạo và kết nối nhân tài. Nhiều thách thức thúc đẩy sự phát triển toàn cầu có liên quan đế môi trường, y tế, công nghệ, kinh tế, tài chính và xã hội đã được đưa ra để chia sẻ. Nhiều ý kiến đã được đề xuất để đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch ASVE Global đồng thời là chủ tọa diễn đàn, cho biết sự kiện nhằm thúc đẩy sự kết nối chuyên gia trí thức Việt Nam trên toàn cầu, huy động sự đóng góp của họ cho đất nước phát triển tầm nhìn 2045. Đây cũng là cơ hội để kết nối với các chuyên gia nước ngoài, doanh nghiệp, tập đoàn mong muốn hợp tác và làm việc với Việt Nam. Và sự thành công của các doanh nghiệp bạn trên đất nước Việt Nam cũng góp phần vào sự phồn vinh và phát triển của thế giới.
Giáo sư Philippe Charquet đến từ Đại học Bách khoa Pháp bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ với chủ đề cũng như nội dung mà các diễn giả đề cập trong các tham luận mà ông đánh giá là “rất phong phú và có chất lượng." Ông chia sẻ: "Khác với các diễn đàn khoa học và chuyên ngành mà tôi đã tham dự, hội nghị lần này diễn ra trong không khí rất vui vẻ, đầm ấm và thật tuyệt vời."
Hiệp hội Các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam trên toàn cầu (AVSE Global), có trụ sở tại Paris, là một tổ chức tiên phong trong tư vấn chiến lược, đào tạo quản lý cấp cao và công tác tổ chức diễn đàn chuyên môn mang lại hiệu quả sáng tạo đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam.
Với các thành viên ở hơn 20 quốc gia và mạng lưới gần 10.000 chuyên gia ở phạm vi toàn cầu, AVSE Global kết nối sức mạnh trí tuệ tập thể của chuyên gia, trí thức người Việt toàn cầu xuất sắc về chuyên môn và giàu khát vọng đóng góp cho đất nước.
Không chỉ kết nối những tài năng, đưa ra những ý tưởng sáng tạo và chính sách bền vững cho những thập kỷ sắp tới, AVSE Global còn theo đuổi tham vọng to lớn hơn - đó là chuẩn bị hành trang để cùng Việt Nam chuyển mình, trở nên “toàn cầu” để hòa nhập với thế giới không ngừng thay đổi và gắn kết vì hoà bình, hợp tác và thịnh vượng./.
Thu Hà-Nguyễn Tuyên / TTXVN/Vietnam+