A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài đã được Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo do ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN và ông Đào Ngọc Chuyền, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, đồng chủ trì.

Hội thảo thu hút trên 100 đại biểu đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Ngoại giao; Bộ Tư pháp; Truyền hình Quốc hội; Sở Tư pháp thành phố Hà Nội; Sở Ngoại vụ thành phố Hà Nội; Hội liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hội Liên lạc với NVNONN; đại diện lãnh đạo các hội đoàn người Việt Nam đến từ 11 nước/vùng lãnh thổ, bao gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Séc, Anh, Nga, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc tại 15 điểm cầu ở nước ngoài; và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN - cho biết, cũng như người Việt Nam trong nước, cộng đồng NVNONN chịu sự điều chỉnh và được hưởng các quyền theo hệ thống pháp luật nơi sinh sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên, xuất phát từ tính chất đặc thù là những người có mối quan hệ gắn bó với quê hương, có các quyền và lợi ích liên quan tại Việt Nam, do đó, môi trường pháp lý đối với NVNONN rất đa dạng song không kém phần phức tạp.

Trong bối cảnh đó, việc hiểu biết và nắm vững các quy định pháp lý nhằm vừa thực thi, vừa bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình là một thách thức không nhỏ đối với cộng đồng NVNONN.

“Triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật, rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến NVNONN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho NVNONN tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, nhà ở, đất đai….”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông mong rằng Hội thảo là bước khởi đầu để tiến tới hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho NVNONN với sự tham gia tư vấn về chuyên môn sâu của Đoàn Luật sư Hà Nội, góp phần hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống ở sở tại cũng như trong quá trình về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh. "Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của bà con, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Đoàn Luật sư Hà Nội tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bà con về các chính sách, pháp luật và thủ tục hành chính liên quan", ông Đông khẳng định.  

Hội thảo đã lắng nghe 10 ý kiến phát biểu của đại diện các hội đoàn người Việt Nam đến từ Vương quốc Anh, Hà Lan, Séc, Bỉ, Nhật Bản, Nga, Pháp, Úc, về nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực như: đầu tư, kinh doanh, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư NVNONN, thừa kế tài sản, sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam; các thủ tục hành chính liên quan đến quốc tịch Việt Nam, cấp căn cước cho công dân Việt Nam ở nước ngoài, xuất-nhập cảnh, xuất khẩu lao động,... Các đại biểu kiều bào bày tỏ đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; đề xuất một số biện pháp, hình thức hỗ trợ và kỳ vọng cơ chế hỗ trợ pháp lý sẽ sớm được triển khai thời gian tới một cách thực chất, hiệu quả.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tăng Tuấn Tú - Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Anh - cho biết hiện nay có khoảng 110 ngàn người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Anh, trong đó có 15 ngàn du học sinh. Theo ông Tú, người Việt Nam ở Anh có cơ hội được nhận được hai quốc tịch, tuy nhiên, trẻ em dưới 14 tuổi lại chưa được hưởng quyền lợi này. Do đó, ông Tú mong muốn quyền lợi và lợi ích chính đáng của bà con kiều bào cần phải được bảo đảm.

Bà Ngô Bích Ngọc - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hà Lan - cho biết, người Việt Nam tại Hà Lan chiếm tỷ lệ lớn với 25 ngàn người, trong khi dân số Hà Lan chỉ có 18 triệu người. Hà Lan là đối tác kinh doanh lớn của Việt Nam nên nhiều người Việt ở Hà Lan có nhu cầu được hỗ trợ pháp lý cao. Trong bối cảnh trên, bà Ngọc mong muốn Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Đại sứ quán, các hiệp hội người Việt thúc đẩy vai trò cầu nối, hỗ trợ pháp lý nhiều hơn nữa cho bà con. Bà Ngọc mong rằng Đoàn Luật sư Hà Nội có thể hỗ trợ cho bà con theo những hình thức trực tiếp, trực tuyến, qua kênh thông tin của Đoàn Luật sư Hà Nội... Ngoài ra, bà Ngọc cũng mong muốn bên cạnh hỗ trợ về pháp lý cho bà con kiều bào, Đoàn Luật sư Hà Nội có thể hỗ trợ những người Hà Lan khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, Luật sư Huỳnh Phương Nam - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội - cho biết cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại nước ngoài rất mong muốn và cần nhận được sự hỗ trợ pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống ở nước ngoài cũng như các mối quan hệ pháp luật ở Việt Nam. Đó có thể là những vấn đề liên quan đến nhu cầu hồi hương, đầu tư về nước, quan hệ tài sản, thừa kế,... trong nước cũng như các điều kiện cư trú, quốc tịch, kết hôn, ly hôn, quyền sở hữu tài sản, lao động, kinh doanh... tại quốc gia sở tại. Từ trước tới nay, các vấn đề này thường được giải quyết thông qua tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông, sách báo và việc cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí của các tổ chức hành nghề luật sư mà chưa có sự thống nhất, đồng bộ về phương thức thực hiện cũng như đối tượng thụ hưởng. "Để đáp ứng nhu cầu này, Đoàn luật sư Hà Nội đã đưa ra sáng kiến về hỗ trợ pháp lý cho NVNONN thông qua các hoạt động gắn với chức năng nghề nghiệp của luật sư và sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức có liên quan”, luật sư Huỳnh Phương Nam nhấn mạnh. 

Tiếp thu ý kiều bào, đại diện Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai hỗ trợ pháp lý cho NVNONN không có mục đích lợi nhuận với đa dạng đối tượng và hình thức hỗ trợ, trên cơ sở phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các tổ chức hành nghề luật sư và các cơ quan chức năng.

Hội thảo về Hỗ trợ pháp lý cho NVNONN là bước khởi đầu để hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho NVNONN, góp phần hỗ trợ kiều bào trong việc thực thi và bảo vệ các quyền, lợi ích của mình theo đúng quy định pháp luật, góp phần triển khai nhiệm vụ “triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào” tại Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới./. 

Nhiên Linh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm