Hội thảo “Trí thức kiều bào tham gia xây dựng và phát triển đất nước”
Ngày 23/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và phát triển đất nước”. Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp rất có ý nghĩa đó là kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập VUSTA.
Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN; phát huy tiềm lực của trí thức NVNONN trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Phan Xuân Dũng- Chủ tịch VUSTA , ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, ông Mai Phan Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN cùng đại diện các cơ quan ban ngành trung ương, địa phương và đại diện trí thức NVNONN.
Trí thức NVNONN là nguồn lực quý của đất nước
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN, nhấn mạnh trong lực lượng trí thức Việt Nam, bộ phận trí thức NVNONN là một cấu thành quan trọng, là nguồn lực dồi dào đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong thời kỳ đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, dưới sự vận động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức kiều bào đã trở về dốc sức phục vụ cho cuộc kháng chiến của nước nhà. Nổi bật trong số đó là kỹ sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sỹ Trần Hữu Tước… đã đóng góp nhiều phát kiến quan trọng về kỹ thuật quân sự cũng như quân y, giúp tăng năng lực của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến.
Trong giai đoạn khôi phục đất nước sau chiến tranh, trí thức kiều bào đã phát động phong trào vận động quyên góp sách báo, tài liệu khoa học kỹ thuật, trang thiết bị đã qua sử dụng gửi về nước. Tại một số quốc gia, các hội, nhóm khoa học kỹ thuật của người Việt đã cử thành viên về nước tìm hiểu nhu cầu, khả năng hợp tác, xây dựng các đề án, chương trình hợp tác với trong nước, huy động khả năng của cộng đồng kiều bào và bạn bè sở tại đóng góp cho Việt Nam.
Ông Mai Phan Dũng cho biết theo ước tính, số lượng người có trình độ đại học trở lên hiện nay chiếm khoảng hơn 10% trong tổng số 5,3 triệu NVNONN, tương đương khoảng 600.000 người. Trong xu hướng phát triển chung của cộng đồng NVNONN, lực lượng trí thức kiều bào tăng nhanh về lượng và chất, ngày càng thành đạt, có uy tín ở sở tại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, cho biết thêm: Trí thức kiều bào trong lĩnh vực KHCN làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, công ty sản xuất những sản phẩm kỹ thuật và công nghệ cao, cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế. Trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn từ điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương... đều có chuyên gia người Việt Nam làm việc. Ngoài ra, trí thức kiều bào cũng có nhiều tiềm lực trong các lĩnh vực xã hội như luật sư, thẩm phán, nhà văn, nhà thơ… Hiện có nhiều chuyên gia kiều bào đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương, trong số đó có 4 chuyên gia trí thức kiều bào được lựa chọn tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và đã có những đóng góp ý nghĩa như đưa ra các khuyến nghị về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, động lực tăng trưởng, tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước, khai thác tài nguyên...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các chuyên gia, trí thức kiều bào đã trực tiếp kết nối, vận động các cơ quan chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp sở tại hỗ trợ vaccine cho Việt Nam và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch ở nước sở tại và đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị hữu ích cho các cơ quan trung ương và địa phương trong nước. Hàng loạt chương trình trao đổi, tư vấn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng giữa đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kiều bào trong lĩnh vực y khoa với các cơ quan, người dân trong nước đã được triển khai tổ chức dưới hình thức trực tuyến.
Tháo gỡ vướng mắc, tìm biện pháp phát huy các tiềm năng, thế mạnh của trí thức kiều bào
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, công tác vận động NVNONN, đặc biệt là các chuyên gia trí thức kiều bào ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, trong đó có nội dung về thu hút nguồn lực trí thức kiều bào. Các chính sách này, cùng hệ thống các chính sách liên quan đến quốc tịch, đầu tư, nhà đất... thể hiện sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với nguồn lực của cộng đồng NVNONN nói chung và lực lượng trí thức nói riêng.
Các cơ quan xây dựng chính sách trong nước cũng ngày càng quan tâm đến những nguyện vọng, lợi ích thiết thân của kiều bào, mong muốn tạo điều kiện tối đa khi họ về nước hợp tác giảng dạy, chuyển giao khoa học – công nghệ.
Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra rằng, việc thu hút chuyên gia NVNONN tham gia hoạt động KH&CN ở Việt Nam trong thời gian qua chưa thực sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày, ít người về làm việc lâu dài, chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực KH&CN mà họ tham gia.
Bên cạnh đó, những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó được thực thi hiệu quả khi thực tế, số chuyên gia, nhà khoa học NVNONN thực sự được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi trong nước chưa nhiều.
Trong bài tham luận trình bày tại Hội thảo, ông Phạm Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho rằng bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong việc triển khai các cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng trí thức kiều bào. Về xây dựng chính sách, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện nay không còn phát huy hiệu quả. Về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, một số cấp, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cũng là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Về cơ sở dữ liệu NVNONN, hiện thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác chung. Uỷ ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan, địa phương đã có cơ sở dữ liệu riêng về chuyên gia, trí thức, doanh nhân nhưng do thiếu kinh phí, không cập nhật thường xuyên và không kết nối với nhau nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng cho các cơ quan trung ương và các địa phương. Về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc triển khai công tác thu hút nguồn lực NVNONN, hiện chưa có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác.
Ngoài ra, còn một số hạn chế khác: môi trường làm việc chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp của trong nước còn hạn chế; khác biệt về thể chế; rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng về các vấn đề, việc tiếp thu, phản hồi và sử dụng các thông tin, ý kiến đóng góp và tư vấn của chuyên gia, trí thức kiều bào còn hạn chế.
Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ (kiều bào tại LB Nga, Chủ tịch Viện công nghệ VinIT) phát biểu tại Hội thảo, đối với nhiều trí thức NVNONN, mong muốn được trở về đóng góp cho quê hương không phải là để được hưởng những chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước từ thu nhập, biệt đãi nhà ở…, mà mong muốn được cống hiến, tận hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học nước nhà. Tuy nhiên, quá trình trở về và làm việc trong nước của không ít người còn gặp nhiều khó khăn, nên sau khi trở về Việt Nam một thời gian ngắn, họ lại quay trở lại quốc gia từng sinh sống.
Ông đóng góp ý kiến cho rằng việc thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức trong và ngoài nước phải là chiến lược quốc gia, mang tính thời đại, có tầm vóc lịch sử trong sự phát triển của đất nước hiện nay. Cần tập trung mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội cho phát triển KHCN, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu. Tập trung xây dựng và phát triển một số Tập đoàn KHCN mạnh để triển khai các dự án KHCN, làm nền tảng cho phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới, cần cải tổ lại bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức, trong đó có trí thức kiều bào theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, chuyên nghiệp gắn với thực tiễn, với thị trường, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng lên làm đầu.
Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện mọi lúc, mọi nơi sự trân trọng, cầu thị và lắng nghe trí thức kiều bào. Để sử dụng hiệu quả đội ngũ này, cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công việc của mình.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức; đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng và hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới. Trong hợp tác với các nước phát triển, hết sức chú ý sử dụng vai trò cầu nối của lực lượng trí thức kiều bào.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cho biết Hội thảo đã được nghe 10 báo cáo và 03 ý kiến phát biểu thảo luận của đại biểu từ các cơ quan trung ương, địa phương và trí thức kiều bào đại diện cho nhiều nhóm, mạng lưới chuyên gia trí thức kiều bào trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, KHCN.
Qua báo cáo của các cơ quan Trung ương và địa phương có thể thấy rằng bên cạnh việc quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác NVNONN, cùng với những kết quả đã đạt được trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài NVNONN, chúng ta cũng đã chỉ ra những bất cập, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn công tác vận động trí thức NVNONN tham gia phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay thì cộng đồng trí thức NVNONN chính là một nguồn lực dồi dào, còn nhiều tiềm năng chưa khai thác. Có thể thấy rằng định hướng ưu tiên trong thời gian tới của các cấp là có một kế hoạch, chiến lược cụ thể để triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút trí thức kiều bào về nước tham gia đóng góp trên các lĩnh vực, đặc biệt là KHCN và đổi mới sáng tạo.
Ông cho rằng, các cơ quan, tổ chức cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong công tác về NVNONN; việc triển khai phải thực sự đúng vai, nhất quán và giảm thiểu chồng chéo về chức năng, đồng thời có sự liên thông, hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong hệ thống về công tác này.
Những kiến nghị của Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và sớm báo cáo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhiên Hương