A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo “Xây dựng chuỗi nông nghiệp thông minh từ trang trại tới bàn ăn”

Ngày 06/01, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC AU), Hội sinh viên Việt Nam tại Úc tổ chức Hội thảo nông nghiệp thông minh tại Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xây dựng chuỗi nông nghiệp thông minh từ trang trại tới bàn ăn”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. 

Tham dự Hội thảo có ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, ông Mai Phan Dũng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và đại diện một số bộ ban ngành trung ương.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ tri thức, kinh nghiệm về chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững, đồng thời thúc đẩy việc thảo luận, xúc tiến các cơ hội hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, ngân hàng, công ty khởi nghiệp, và nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp thông minh và phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phúc Bình - Chủ tịch Điều hành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Úc chia sẻ về tầm quan trọng của nông nghiệp Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trong năm qua, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid. Tuy nhiên, ông cho rằng nông nghiệp Việt Nam vẫn còn đang gặp rất nhiều hạn chế từ sự cạnh tranh toàn cầu, thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Do đó, để có thể duy trì tăng trưởng, nâng cao vị trí nông sản Việt trên bản đồ thế giới cần có giải pháp đồng bộ, trong đó việc chuyển đổi nông nghiệp thông minh là giải pháp vô cùng quan trọng. Với mong muốn đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, các trí thức trẻ tại Úc phối hợp với các cơ quan tổ chức hội thảo, đồng thời, thông qua hội thảo mong muốn được giao lưu, kết nối với các nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài để cùng nhau phát triển nền nông nghiệp nước nhà, góp phần nâng cao cải thiện sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu vươn xa ra thị trường quốc tế.

Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều khoảng trống

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần làm rõ thời cơ và thách thức của nông nghiệp thông minh. “Bởi bên cạnh thời cơ còn những thách thức cần vượt qua, đôi khi điều này khiến con đường đạt mục tiêu trở nên khó khăn. Thời cơ và thách thức chính là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, là sự vào cuộc của tri thức công nghệ và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Từ một triết lý khoa học của Chile là "khoa học chân đất", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý các nhà khoa học có thể áp dụng triết lý này vào Việt Nam, nghĩa là làm khoa học cần đi từ việc hiểu được thực trạng tâm lý người nông dân. Ông cũng dẫn số liệu người làm trong ngành nông nghiệp Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% dân số mà đóng góp lớn vào tỷ trọng GDP, còn Việt Nam vốn là một đất nước nông nghiệp nhưng vẫn đi sau Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ có diện tích sản xuất rất lớn đã hình thành chuỗi, còn nông nghiệp Việt Nam thì diện tích sản xuất manh mún. Một khía cạnh khác theo ông là 2% người làm nông nghiệp của Hoa Kỳ bao gồm nhiều nhà khoa học, tiến sỹ, kỹ sư doanh nhân tham gia, còn nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là người nông dân thực hiện.

Từ thực trạng đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở, các nhà khoa học trẻ cần nhìn thấy sự so sánh này để đặt ra câu hỏi và tìm hướng nghiên cứu. Bộ NN&PTNT cũng đang thực hiện nhiều chương trình tri thức hóa nông dân để họ có thể dễ dàng đón nhận những khoa học mới, tri thức mới khi đưa từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng chia sẻ “Tôi mong muốn tri thức công nghệ được phủ đến từng cánh đồng, trang trại, ao bè để lan tỏa đến mọi người nông dân Việt Nam. Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp còn khoảng không gian rất lớn để khai thác và thay đổi cả nền nông nghiệp”.

Phát huy, kết nối trí thức kiều bào trong lĩnh vực nông nghiệp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng nhiệt liệt hoan nghênh Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Úc đã có sáng kiến tổ chức chương trình. Đây không chỉ là Hội thảo khoa học đơn thuần mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, hướng về đất nước của cộng đồng trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Ông cho biết, từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu; Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”, cần “phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững… đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước”.  

Ông Mai Phan Dũng cho rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể tham gia đóng góp lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo của lĩnh vực nông nghiệp. Ông cho biết hiện số lượng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, đạt đến gần 6 triệu người. Bà con kiều bào có thể đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước về tri thức, khoa học, mang những kinh nghiệm của các nước về Việt Nam. Hiện có hơn 500.000 tri thức kiều bào ở các nước, hàng trăm ngàn doanh nhân Việt Nam ở thế giới, có thể hỗ trợ cho hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác.

Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo ra nhiều chương trình, hành động để doanh nhân, tri thức kiều bào có thể phát huy nguồn lực, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và của cả đất nước, trong đó có nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng. 

Phó Chủ nhiệm Mai Phan Dũng cùng hy vọng Hội thảo sẽ tạo sự gắn kết giữa các chuyên gia nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý trong nước, từ đó hình thành nên giải pháp tổng thể kiến tạo nền nông nghiệp thông minh Việt Nam. Ông tin tưởng rằng, các chuyên gia kiều bào trong lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều nước như Úc, Mỹ, Đức, Singapore... tham gia Hội thảo sẽ đem lại những khuyến nghị có giá trị góp phần hoàn thiện hơn nữa chính sách, chiến lược hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và bền vững của nước nhà. 

Chia sẻ, thảo luận, đóng góp cho việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh

Tại phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Công đoạn đầu tiên của Chuỗi nông nghiệp thông minh” có sự tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới. Trong đó, có sự tham gia của TS. Nguyễn Việt Tuấn (Bộ Nông nghiệp bang Victoria) vơi chủ đề “Nghiên cứu hệ gen trên bò sữa - góc nhìn từ nước Úc”, TS. Nguyễn Kỳ Tài (Đại học Southern Queensland - Australia) với chủ đề “Số hoá nông nghiệp & Nông nghiệp thông minh”;  TS. Võ Bích Hiền (Đại học Việt Đức - VGU) với chủ đề “Áp dụng công nghệ cao máy bay không người lái và Internet vạn vật cho một nông nghiệp Việt Nam bền vững và chính xác trong giai đoạn 2023-2033”; GS.TS. Lý Nguyễn Bình - Đại học Cần Thơ với thảo luận "Chế biến nông và thủy sản Việt Nam: Cơ hội và thách thức giai đoạn 2023-2033”. 

Với nhiều góc nhìn từ chuyên gia, bức tranh về quy trình sản xuất và phát triển thông minh càng được khắc họa rõ nét. Trong đó, từ chủ đề về “Nghiên cứu hệ gen trên bò sữa - Góc nhìn từ nước Việt”, bài học áp dụng cho Việt Nam đã được TS. Nguyễn Việt Tuấn nêu rõ trong bài thảo luận về mối liên kết giữa trường/ viện nghiên cứu, trung tâm dữ liệu hệ gen và Nông hộ. Tại phiên thảo luận này, TS. Nguyễn Kỳ Tài cũng nêu lên bản chất của canh tác thông minh chính là đưa công nghệ mới vào hoạt động nông nghiệp.

Tiếp nối phần thảo luận về quy trình sản xuất và phát triển nông nghiệp thông minh, Phiên thảo luận thứ hai tại Hội thảo với chủ đề “Công đoạn thứ hai của Chuỗi nông nghiệp thông minh”, mở đầu với nội dung “Xây dựng thương hiệu nông thuỷ sản Việt Nam từ nông trại đến bàn ăn” từ CEO FutureOne - Cố vấn nội dung chương trình Shark Tank, ông Nguyễn Trần Quang. Cuối cùng là sự tham dự của CEO Hoàn Vũ lab - Henry Bui với chủ đề “Giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm”. Trong bài phát biểu của mình, TS. Henry Bui đã đưa ra các giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm bao gồm: phân tích kim loại nặng trong thực phẩm bằng ICP-MS, phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả, phân tích hàm lượng vitamin, kháng sinh, mycotoxins. Bên cạnh đó, ông cho rằng việc bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu còn cần xác thực nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các phương pháp: Thiết bị EA-IRMS, phân tích đồng vị.

Phiên tham luận thứ ba “Công đoạn cuối của Chuỗi Nông nghiệp thông minh” có sự tham dự từ các chuyên gia: Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp ngân hàng HDBank với đề tài “Những giải pháp tài chính toàn cầu xanh và bền vững theo góc nhìn của HDBank cho nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2023-2033”; TS. Johny Nguyễn - Giám đốc Điều hành toàn quốc Công ty Hitachi Sunway Information Systems (Nhật) với tham luận “Chuyển đổi số nông nghiệp” và CEO công ty Bagico/ Uỷ viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp Việt Nam bà Nguyễn Thị Thành Thực tham gia chia sẻ với nội dung chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp - Nâng cao chuỗi giá trị - Kết nối xuyên biên giới”. 

Sau ba phiên tham luận về quy trình của chuỗi nông nghiệp thông minh, Hội thảo tiếp tục với thảo luận bàn tròn “Thực tiễn và giải pháp cho Chuỗi nông nghiệp thông minh toàn diện, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam”. Phiên thảo luận có sự điều hành của GS. TS. Nguyễn Duy Luận - CEO Công ty UZiP (Hoa Kỳ) và sự tham gia từ các chuyên gia: GS. TS. Henry Nguyễn -Đại học Missouri, PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, v.v..

Sau gần một ngày Hội thảo diễn ra đã đón nhận nhiều những ý kiến đóng góp chia sẻ tích cực từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng và các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước, đây là nguồn động lực to lớn để các tri thức trẻ Mạng lưới đổi mới sáng tạo tại Úc tiếp tục tổ chức những cuộc thi, hội thảo để thu hút, gắn kết và đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Vietnam-Australia Innovation Network, viết tắt là NIC AU) được thành lập trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Australia của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào ngày 02 tháng 12 năm 2019. NIC AU được thành lập và cấp phép bởi NSW Fair Trading. Ngoài ra, NIC AU kết hợp với các Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức và Châu Âu và nhiều nơi khác để cùng nhau tổ chức các sự kiện và các hội thảo chuyên đề có ý nghĩa thực tiễn cao.
Thúc đẩy “chuyển giao công nghệ” giữa Úc và Việt Nam bằng cách xây dựng một mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam và các chuyên gia giàu kinh nghiệm tại Úc và toàn cầu thông qua việc kết nối, chia sẻ và hợp tác với chính phủ Việt Nam, cơ quan ban ngành cấp Bộ và địa phương, các viện, trường, tập đoàn, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi của Việt Nam.

Nhiên Linh
 


Các tin khác

Tin tiêu điểm