A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN

Sáng 30/11, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN).

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNNVNVNONN Phạm Quang Hiệu, đại diện Lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, đối với cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa Việt Nam. Với vai trò vừa là cầu nối vừa là phương tiện lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chăm lo và chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong và ngoài nước và các cơ quan liên quan, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN chủ yếu là tình nguyện, kỹ năng sư phạm còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa có tài liệu dạy và học tiếng Việt hiệu quả, phù hợp với đặc trưng của từng địa bàn... 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiếng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị mai một, mất dần sự trong sáng khi các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa được giáo dục đầy đủ, có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của ngôn ngữ dân tộc. Bối cảnh đó đặt ra nhu cầu cấp thiết cần giữ gìn và phát huy tiếng Việt, xây dựng chính sách nhằm cụ thể hóa việc tôn vinh sự giàu đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của tiếng Việt, đặc biệt để thúc đẩy hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh các nội dung chính bao gồm: (i) Xác định nội hàm của Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN; (ii) Lựa chọn ngày phù hợp hàng năm làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN; và (iii) Các hoạt động có thể tổ chức trong nước và tại các địa bàn có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Hầu hết các tham luận tại Hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần phải có Ngày Tôn vinh tiếng Việt đối với công cuộc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đáng chú ý, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nam, nguyên Trưởng Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, cho rằng Ngày “Tôn vinh tiếng Việt” nếu được thực hiện, sẽ góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt, lòng tự hào về ngôn ngữ chưa bao giờ mất đi của dân tộc Việt Nam. Theo ông, chọn ngày 8/9 (ngày Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ” và cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam về tiếng Việt “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”) sẽ có ý nghĩa và sẽ phù hợp với tiếng Việt hơn ngày 21/2 (ngày tôn vinh tiếng mẹ đẻ do UNESCO chọn vào năm 1999). “Để tôn vinh tiếng Việt thì việc cần thiết nhất là tổ chức hoạt động giảng dạy phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN sao cho hiệu quả, có chất lượng, phải là một sự kết hợp tốt giữa gia đình, cộng đồng, chính sách của nước sở tại và Chính phủ Việt Nam”, TS Nam góp ý.

Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí lựa chọn ngày 8/9 làm Ngày “Tôn vinh tiếng Việt”; đồng thời, đề xuất một số hoạt động để phát huy ý nghĩa của ngày này trong cộng đồng NVNONN. Trong đó, nên làm tốt công tác tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có thành tích trong phong trào dạy học và truyền bá tiếng Việt hiệu quả, chất lượng; tổ chức thi viết sách và tài liệu dạy học tiếng Việt cho NVNONN phù hợp từng địa bàn; xây dựng cổng thông tin điện tử dạy học tiếng Việt cho NVNONN trực tuyến; phát động định kỳ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tiếng Việt, thi xây dựng clip “cuốn sách tiếng Việt tôi yêu” cho kiều bào…

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho rằng đối với công tác xây dựng và quảng bá ngôn ngữ, cần xác định rõ nhiệm vụ, thông điệp mang tính định vị “cộng đồng Việt, văn hóa Việt”, theo đó đặt ưu tiên về công tác kiều bào vào trong nội dung các Tuần, Ngày, Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn với các nước; tiến cử những sứ giả về ngôn ngữ, văn hóa, du lịch để tôn vinh những cá nhân, tổ chức, cộng đồng có đóng góp lớn trong công tác quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Hội thảo là nỗ lực của Ủy ban Nhà nước về NVNONN trong việc khuyến khích, cổ vũ đồng bào NVNONN, nhất là thế hệ trẻ học tập và gìn giữ tiếng Việt theo Kết luận 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới./.

Nhiên Linh
 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm