A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học giả Campuchia đánh giá về chính sách của Việt Nam đối với kiều bào

Học giả Uch Leang đánh giá cao sự quan tâm và chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trao tặng quà, hỗ trợ các gia đình có công, hộ nghèo gốc Việt ở Campuchia vui đón Tết.
Ảnh Huỳnh Thảo/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, đánh giá cao sự quan tâm và chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những đóng góp cho quê hương, đất nước của cộng đồng này, cũng như vai trò, vị trí ngày một nâng cao của họ ở nước sở tại, được ví như cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với thế giới.

Trang thông tin điện tử Swiftnews của Campuchia đã đăng tải đậm nét bài viết của học giả Uch Leang với tiêu đề "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Nhịp cầu hữu nghị".

Bài viết đã hệ thống lại các văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam được ban hành và triển khai thực hiện trong hơn 20 năm qua, xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Trong những năm qua, thành viên của cộng đồng đã không ngừng tăng lên và mở rộng, từ 2,7 triệu người năm 2003 lên 4,5 triệu người tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2015.

Con số này tăng lên hơn 5,3 triệu người tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2022 và hơn 80% tập trung ở các nước phát triển.

Cho rằng thành phần của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại ngày càng mở rộng, bao gồm học sinh, sinh viên, người lao động nhập cư và người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong khi địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vị trí, vai trò và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội nước sở tại ngày càng được nâng cao, ông Uch Leang nhấn mạnh: “Dưới sự hỗ trợ và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng về số lượng, phát triển và mở rộng đáng kể. Vai trò, vị trí và uy tín của cộng đồng trong xã hội ở quốc gia sở tại ngày càng được phát huy mạnh mẽ, họ ngày càng tự tin và ý thức được vị trí, vai trò của mình trong việc đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước, dù ở bất kỳ đâu, đang sinh sống trong nước hay nước ngoài”.

Điểm lại những cuộc gặp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian gần đây, ông Uch Leang nêu rõ tại các sự kiện này, các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên đề nghị phía Campuchia ủng hộ, hỗ trợ các công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại đây, cũng như trợ giúp công dân Việt Nam bị lừa đảo sang Campuchia; tiếp tục hỗ trợ người Campuchia gốc Việt định cư và hội nhập tại Campuchia, làm cầu nối cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Đáp lại, phía Campuchia luôn khẳng định lập trường thắt chặt mối quan hệ đoàn kết với nước láng giềng theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Theo đó, Campuchia sẽ hỗ trợ người Campuchia gốc Việt như công dân các nước khác; cơ quan chức năng Campuchia cũng thường xuyên hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam bị lừa đảo và bóc lột lao động.

Từ góc nhìn trên, tác giả cho rằng việc các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên và liên tục nêu các đề xuất với lãnh đạo Campuchia thể hiện việc thực hiện nhất quán sứ mệnh tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thúc đẩy và đề cao mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Qua đó, thúc đẩy và tạo chuyển biến tích cực đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tích cực trong việc củng cố và phát huy khối đoàn kết toàn dân tộc.

Theo học giả Uch Leang, việc tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết giữa nhân dân với nhân dân và giữa các dân tộc trong và ngoài nước đã góp phần thúc đẩy, tạo chuyển biến tích cực đối với cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, cũng như đóng góp tích cực trong việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc khuyến khích người dân của mình đang sinh sống ở nước ngoài cùng nhau đề cao tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó mật thiết với quê hương đất nước, đoàn kết, tương thân tương ái, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cải thiện đời sống và hòa nhập với cộng đồng xã hội ở quốc gia đang sinh sống.

Qua đó thể hiện rõ trách nhiệm, tình cảm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào mình ở nước ngoài, đồng thời cho thấy Việt Nam có chính sách cởi mở đối với người dân của mình đang sinh sống ở nước ngoài./.

Huỳnh Thảo / TTXVN/Vietnam+


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm