Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chính sách dành cho người Việt Nam ở nước ngoài
Quang cảnh phiên thảo luận |
Hội nghị đã tập trung lắng nghe tham luận và ý kiến đóng góp của 11 cơ quan trong và ngoài nước, các đại diện hội đoàn NVNONN về các vấn đề chính sách pháp luật, sinh hoạt tôn giáo, công tác hội đoàn… có liên quan trực tiếp đến kiều bào.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ thời gian vừa qua, cả về số lượng và chất lượng, tuyệt nhiên không có sự phân biệt đối xử về sắc tộc, địa vị, nơi cư trú. 5 năm vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng ngày càng tốt hơn những lợi ích thiết thực của cộng đồng NVNONN.
Các điều luật liên quan trực tiếp đến NVNONN đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho kiều bào. Ví dụ như về luật xuất nhập cảnh, Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài (NVNĐCNN) và người nước ngoài là vợ, chồng, con của NVNĐCNN hoặc của công dân Việt Nam đã tạo thuận lợi hơn cho người NVNĐCNN và thân nhân của họ khi về nước.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu tại Hội nghị |
Nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (2020) và Luật Đầu tư (2020) tiếp tục khẳng định rõ nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư là NVNONN có quốc tịch Việt Nam và nhà đầu tư trong nước. Theo Luật Nhà ở (2014), NVNĐCNN là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Luật Giáo dục năm 2019 cũng khuyến khích, tạo điều kiện để NVNONN giảng dạy, học tập, đầu tư, tài trợ, hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ về giáo dục tại Việt Nam. Thể chế pháp luật về vấn đề quốc tịch cũng luôn được quan tâm hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch cơ bản đáp ứng được về thời hạn giải quyết hồ sơ cũng như nguyện vọng của NVNONN.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc cũng cho rằng việc thực hiện các chủ trương chính sách đòi hỏi tất cả chúng ta, kể cả bà con NVNĐCNN có sự chia sẻ, hiểu đúng chính sách pháp luật của Việt Nam để cùng chung tay tổ chức thực hiện tốt.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, 80% cộng đồng NVNONN có tín ngưỡng, tôn giáo. Đại bộ phận kiều bào ở nước ngoài vẫn giữ truyền thống, đạo lý và bản sắc văn hóa Việt Nam, trong đó có tín ngưỡng truyền thống “Thờ cúng tổ tiên”, nhiều gia đình lập bàn thờ gia tiên theo phong tục tập quán Việt Nam, một bộ phận là tín đồ các tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài…
Chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam là đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, vì vậy các cơ quan chức năng Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo trong nước thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng NVNONN.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc sinh hoạt tôn giáo của kiều bào vẫn gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, thiếu chức sắc người Việt hướng dẫn đạo, thiếu cơ sở thờ tự… Vì vậy, nếu nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, chính những niềm tin tôn giáo của bà con sẽ tạo nên sức mạnh của cộng đồng NVNONN, tạo điều kiện để cộng đồng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết trước tình hình thành phần NVNONN là cô dâu Việt và lao động nữ di cư ngày càng đông, công tác đối với phụ nữ VNONN cũng có vai trò rất quan trọng. Về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất tăng cường tuyên truyền, giáo dục định hướng cho phụ nữ di cư lao động và kết hôn quốc tế trước khi xuất cảnh; thực hiện khen thưởng và các hình thức ghi nhận đối với phụ nữ VNONN; nâng cao chất lượng các trung tâm tư vấn hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; tăng cường kết nối doanh nhân và trí thức nữ trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Đoàn Nguyễn Hải Minh phát biểu tại Hội nghị |
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Đoàn Nguyễn Hải Minh, hiện nay có 11 tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh, Pháp, Đức…; 5 tổ chức Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Về công tác thanh niên ngoài nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn xác định thanh niên Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng, không thể tách rời của thanh niên Việt Nam, là lực lượng có khả năng xung kích trong hội nhập quốc tế, là nhân tố để bồi dưỡng, thu hút, phát huy, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Với mong muốn tập hợp, đoàn kết cộng đồng trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, từ năm 2018 đến 2020, Trung ương Đoàn đã tổ chức 03 Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với chủ đề là: “Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0” (2018); “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước” (2019); và “Việt Nam 2045” (2020). Sau 3 lần được tổ chức, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại khắp nơi trên thế giới cùng thảo luận về những nội dung, giải pháp cụ thể đóng góp cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước; đồng thời hình thành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu gồm hơn 1000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như nghiên cứu về cơ khí, tự động hoá, nông nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, công nghệ giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, công nghệ y tế 4.0...
Ông Nguyễn Hải Minh đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể thu hút nguồn nhân lực trẻ, giới thiệu việc làm cho sinh viên Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài trở về làm việc trong nước sau khi tốt nghiệp; tiếp tục tạo điều kiện cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở trong và ngoài nước trao đổi phương pháp học tập, giáo trình, tài liệu nghiên cứu khoa học; thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động ở trong và ngoài nước, các dự án khởi nghiệp của sinh viên, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm và liên hệ với các nhà tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài…
Sau gần 2 giờ làm việc, Phiên chuyên đề về hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các chính sách dành cho NVNONN, các đại biểu đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, tạo tiền đề cho phương hướng nhiệm vụ cụ thể, hiệu quả hơn đối với công tác kiều bào giai đoạn sắp tới.
Mai Phương