A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài

Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước làm việc, thường trú.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và khẳng định chủ trương nhất quán coi cộng đồng NVNONN là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài
Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về nước. (Nguồn: TTXVN)
 

Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với NVNONN đã được ban hành tại các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/03/2004, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/05/2015 và gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/08/2021 do Bộ Chính trị ban hành đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và là cơ sở quan trọng để triển khai toàn diện công tác về NVNONN.

Để các chủ trương đúng đắn này đi vào đời sống, công tác thể chế hóa đường lối của Đảng thành các chính sách, quy định của pháp luật cần được quan tâm, triển khai thường xuyên.

Trọng tâm của công tác này trong thời gian tới được xác định tại Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới, đó là “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN khi về nước làm việc, thường trú; tạo điều kiện thuận lợi để NVNONN về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh...

Giải quyết nhu cầu chính đáng của NVNONN liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết 36”.

Thể chế hóa dường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam làm ăn, sinh sống, cư trú lâu dài ở nước ngoài là các chủ thể tham gia vào hầu hết các quan hệ pháp luật tại Việt Nam. Do đó, các quy định pháp luật liên quan đến NVNĐCONN nằm rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Từ khi đất nước tiến hành “Đổi mới”, đặc biệt sau khi Nghị quyết 36/TW-NQ ngày 26/3/2014 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN được ban hành, nhiều chính sách pháp luật đã được ban hành theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NVNONN, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của kiều bào đồng thời động viên, khuyến khích kiều bào giữ mối liên hệ chặt chẽ và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Hiến pháp, văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất, đã quy định các nguyên tắc cơ bản đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, là cơ sở pháp lý quan trọng để các chính sách pháp luật khác triển khai thống nhất và đồng bộ. Điều 18 Hiến Pháp quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước".

Trong thời gian qua, nhiều chính sách pháp luật đối với NVNONN đã được ban hành, chỉnh sửa, bổ sung, thiết lập các hành lang pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực như xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, mua nhà ở, về nước làm việc… theo hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Cụ thể như về nhập xuất cảnh, bỏ yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam; cấp giấy miễn thị thực có giá trị trong 5 năm đối với người mang hộ chiếu nước ngoài là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân của họ; người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể đăng ký tạm trú trong nước và xin hồi hương khi có nhu cầu.

Chính sách một giá, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hưởng giá dịch vụ như người trong nước. Chính sách về kiều hồi, nhà nước bãi bỏ việc đánh thuế kiều hối gửi về trong nước. Chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đầu tư về nước bình đẳng với nhà đầu tư trong nước, hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Chính sách nhà ở, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

Hiện nay, chính sách về thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính, xã hội hóa việc phát huy nguồn lực tri thức và tạo cơ chế thuận lợi để các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam định cư ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ quản lý tại các cơ sở nghiên cứu khoa học công lập.

Hoàn thiện chính sách quốc tịch

Trong các chính sách pháp luật liên quan, kiều bào ta đặc biệt quan tâm đến chính sách pháp luật về quốc tịch. Đại đa số người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nguyện vọng giữ mối liên hệ với đất nước, trong đó quan trọng nhất là giữ mối liên hệ pháp lý với nhà nước, thông qua quốc tịch Việt Nam.

Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thời gian qua đã tháo gỡ một số khó khăn trong việc cấp các giấy tờ nhân thân cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cụ thể như quy định về các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, quy định về các giấy tờ và thủ tục xác định quốc tịch Việt Nam, cấp hộ chiếu Việt Nam trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, quy định thuận lợi hơn trong việc cấp giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam, bãi bỏ quy định tự động mất quốc tịch nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam… đã phần nào đáp ứng nhu cầu của kiều bào ta ở nước ngoài và công tác quản lý quốc tịch, hộ tịch.

Hiện nay, xu thế quốc tịch hiện đại trên thế giới đang diễn ra theo hướng nhiều quốc gia trước đây theo nguyên tắc một quốc tịch chuyển sang thực hiện chính sách quốc tịch mềm dẻo, cho phép hoặc không cấm công dân có nhiều quốc tịch, không buộc người xin vào quốc tịch phải thôi quốc tịch gốc.

Chính vì vậy, nhiều người gốc Việt định cư ở các nước này, trước đây đã thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch sở tại theo yêu cầu của pháp luật sở tại, nay có tâm nguyện muốn trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc xác định quốc tịch của trẻ em sinh ra ở nước ngoài có bố hoặc mẹ là người Việt Nam, hoặc có cả bố mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng là vấn đề kiều bào quan tâm với mong muốn vừa giữ cho con quốc tịch Việt Nam, đồng thời có quốc tịch nước ngoài để hội nhập, ổn định cuộc sống tại sở tại.

Vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài được đặt ra khi ngày càng nhiều thế hệ trẻ thứ 2, thứ 3 và thậm chí là thứ 4, có huyết thống Việt Nam được sinh ra ở nước ngoài và thời điểm đăng ký khai sinh không có quốc tịch Việt Nam, mong muốn được có quốc tịch Việt Nam để giữ sợi dây gắn bó với gia đình, với quê hương.

Đây là những vấn đề của thực tiễn đặt ra trước sự chuyển biến của pháp luật các nước và sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính nhân đạo, cần được nghiên cứu giải quyết, phù hợp và hài hòa giữa xu thế, thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Vấn đề quốc tịch của NVNONN sẽ là một trong những trọng tâm của công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài, triển khai cụ thể Kết luận 12 và Nghị quyết 36 về công tác NVNONN.

Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong phổ biến pháp luật

Để triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật, công tác phổ biến pháp luật và công tác giám sát thực hiện pháp luật có một vai trò quan trọng, đặc biệt với đặc thù của cộng đồng NVNONN, định cư ở 130 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật sẽ mang tính đột phá, tăng cường hiệu quả của công tác này.

Vừa qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) đã triển khai Chương trình trực tuyến “Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan” trên nhiều lĩnh vực như quốc tịch, hộ tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, nhà ở, đầu tư, lao động, hồi hương, chuyên gia, trí thức và các lĩnh vực khác.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài
Link tham dự Chương trình “Khảo sát toàn diện ý kiến của người Việt Nam định cư ở nước ngoài về quy định pháp luật và thủ tục hành chính liên quan” trên Trang Thông tin điện tử của y ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao : https://scov.gov.vn/?page=Survey.info
 

Chương trình khảo sát này được đặt thường xuyên trên website Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, để kiều bào khắp nơi trên thế giới có thể truy cập và đóng góp ý kiến một cách thuận lợi nhất.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao tập trung triển khai Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành theo Nghị Quyết số 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ triển khai Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 thông qua những nhiệm vụ cụ thể tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Cùng với sự phối hợp của các ban, Bộ ngành, các cơ quan chuyên môn, các hội đoàn thể NVNONN, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến NVNONN sẽ được triển khai toàn diện, theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các văn bản chỉ đạo của Đảng, góp phần tăng cường công tác pháp chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đối với NVNONN, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào, phát huy vai trò và góp phần xây dựng cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển, hướng về quê hương đất nước, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Bùi Thanh Trúc


Các tin khác

Tin tiêu điểm