A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hỗ trợ và xây dựng tài liệu dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN

Ngày 12/8, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao - phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tài liệu dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Thiện Nam - Trưởng khoa tiếng Việt và Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cùng gần 70 đại biểu gồm các chuyên gia cao cấp về ngôn ngữ, tài liệu tiếng Việt và gần 40 học viên là giáo viên dạy tiếng Việt ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc (Đài Loan), Thụy Sĩ, Canada, Pháp, Séc, Đức, Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi một số nội dung chính như tình hình sử dụng các tài liệu dạy, học tiếng Việt hiện nay trong cộng đồng NVNONN (nguồn gốc, nội dung, chất lượng, cách thức sử dụng, việc kết hợp với các tài liệu sách báo khác); kinh nghiệm trong việc xây dựng biên soạn tài liệu đang sử dụng; những khó khăn hạn chế trong quá trình sử dụng tài liệu; các nội dung cần hỗ trợ và yêu cầu cụ thể về số lượng sách giáo khoa cần hỗ trợ từ trong nước; các vấn đề chuyên môn về xây dựng tài liệu giảng dạy ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng...

Thứ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Hồng Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

Mong muốn xây dựng bộ tài liệu dạy và học tiếng Việt chuẩn của Nhà nước

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: Vấn đề tài liệu, sách giáo khoa là một trong những vấn đề mấu chốt ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng. Chính vì vậy, chúng ta tổ chức cuộc tọa đàm hôm nay để lắng nghe những ý kiến đóng góp bổ ích, thiết thực, thẳng thắn về thực trạng dạy và học tiếng Việt, đặc biệt là việc sử dụng tài liệu trong công tác giảng dạy cho NVNONN hiện nay ở các nước, từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu giúp cho việc biên soạn cũng như cung cấp sách dạy tiếng Việt cho bà con ngày càng hoàn thiện hơn.

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam hy vọng buổi tọa đàm lần này sẽ đóng góp thành công cho Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2015 và góp thêm tiếng nói tâm huyết của các nhà giáo kiều bào cho công tác hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN trong thời gian tới.

Buổi tọa đàm đã ghi nhận rất nhiều tham luận, ý kiến đóng góp sôi nổi, tâm huyết và thiết thực của các đại biểu là chuyên gia giảng dạy trong nước và giáo viên dạy tiếng Việt cho NVNONN tại các địa bàn. Các đại biểu đều cho rằng đây là một diễn đàn ý nghĩa, hữu ích, giúp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN.

Các đại biểu là giáo viên dạy tiếng Việt tại các nước đã trình bày những trăn trở, khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc hiện nay, các cơ sở dạy tiếng Việt của cộng đồng hầu hết đều ở trong tình trạng không có tài liệu dạy tiếng Việt chính thống. Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn bộ sách giáo khoa mới, hiện đại gồm “Tiếng Việt vui” và "Quê Việt” nhưng do thiếu kinh phí nên việc phát hành sách mới thực hiện được 1 đợt và mới chỉ đáp ứng được nhu cầu bước đầu tại một số địa bàn. Hơn nữa, nội dung 2 cuốn sách trên cũng đang được cập nhật, bổ sung nội dung cho phù hợp hơn. Vì vậy, mong muốn có được bộ tài liệu dạy và học tiếng Việt chuẩn của Nhà nước là một nhu cầu bức thiết của cộng đồng.

Ông Hoàng Đức Hà, Ủy viên Ban thường vụ Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam, Chủ tịch BCH Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Kampot cho biết: Tại địa bàn Campuchia, tài liệu giảng dạy tiếng Việt được sử dụng từ nhiều nguồn khác nhau. Chỉ những nơi có trường học dạy tiếng Việt thì được sử dụng các bộ sách giáo khoa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn ở những nơi người Việt sống phân tán, tài liệu giảng dạy do giáo viên tự biên soạn, hoặc phải sử dụng các giáo trình do người Khmer Nam Bộ tự biên soạn, rất khó dạy và khó học, dẫn đến tình trạng con em phần lớn không biết tiếng Việt.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường Tiểu học Hữu nghị Pakse – Champasak, CHDCND Lào, chia sẻ: Hiện tại, chưa có tài liệu dạy học Tiếng Việt dành riêng cho các trường tiểu học tại CHDCND Lào. Riêng Trường Tiểu học Hữu Nghị đã xây dựng chương trình dạy học môn Tiếng Việt có sự biên soạn từ sách giáo khoa Tiếng Việt của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sách Tiếng Việt vui. Tuy nhiên, Chương trình vẫn còn khó, không nhiều ví dụ thực tiễn và hình ảnh minh họa nên ít gây hứng thú cho học sinh và giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức. Đây sẽ là một trở ngại vô cùng lớn trong việc giữ gìn tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba.

Đề xuất các giải pháp xây dựng tài liệu dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN

Sau khi lắng nghe 11 tham luận và ý kiến phát biểu của các giáo viên về thực trạng và tình hình sử dụng tài liệu dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN tại các địa bàn, tại phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo án, tài liệu, sách giáo khoa tiếng Việt dành riêng cho NVNONN, từ đó tìm ra các giải pháp thiết thực hỗ trợ và xây dựng tài liệu dạy, học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN một cách hiệu quả nhất.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy tiếng Việt tại các nước sở tại; kiến nghị nhiều giải pháp hữu hiệu đồng thời đề đạt những nội dung cần các cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc giảng dạy tiếng Việt tại nước ngoài.

Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng tài liệu dạy và học tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Sương, giáo viên dạy tiếng Việt tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia, cho biết: Tại nhiều địa bàn, cách phát âm bảng chữ cái tiếng Việt đến nay vẫn còn nhiều khác biệt do yếu tố vùng miền. Bởi vậy, tôi xin kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một tài liệu hướng dẫn đọc bảng chữ cái tiếng Việt đúng chuẩn, cách phân biệt nguyên âm, phụ âm và cách ghép từ để thuận tiện cho giáo viên trong việc truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Qua kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy, cô giáo Võ Ngọc Hiền đến từ Trung Quốc (Đài Loan) chia sẻ: Hiện nay, tình hình dạy tiếng Việt ở Đài Loan có những tiến triển tốt đẹp do nhận được sự tài trợ và giúp đỡ nhiều mặt của chính quyền Đài Loan, số lượng và chất lượng học sinh học tiếng Việt khá tốt. Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa có một quy tắc nào để đánh giá được xếp loại của học sinh. Vì vậy, tôi xin đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng một bộ khung năng lực chuẩn về các kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết cho từng bậc học, đi kèm là các bộ đề thi chuẩn giúp đánh giá, phân loại trình độ học sinh, tạo hứng thú và say mê cho các em trong quá trình học tập.

Ngoài những đề xuất trên, các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp hữu hiệu đối với việc xây dựng tài liệu dạy, học tiếng Việt, tập trung chủ yếu vào các giải pháp như: cung cấp thêm nhiều tài liệu, tư liệu giảng dạy có chất lượng; nguồn sách tham khảo, tập đọc nên là sách văn hóa và lịch sử; hoàn chỉnh hệ thống học tiếng Việt qua internet; hướng dẫn phương pháp chuyên môn về việc xây dựng, biên soạn giáo án, tài liệu giảng dạy; thành lập các thư viện sách, trung tâm văn hóa Việt tại một số nước; hoàn thiện bộ sách giáo khoa từ sơ cấp đến cao cấp dành riêng cho cộng đồng NVNONN…

Tổng kết tọa đàm, ông Lê Quốc Thịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN - cảm ơn các ý kiến đóng góp và trao đổi trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn của các đại biểu đã tạo nên thành công của buổi tọa đàm. Ông khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến, đề xuất của các đại biểu và sẽ sớm có những cải tiến, chỉnh lý, các biện pháp hỗ trợ để xây dựng tài liệu dạy, học tiếng Việt phù hợp với cộng đồng, góp phần bảo tồn, giữ gìn tiếng Việt tại các nước sở tại.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ ngày 10/8 đến 28/8/2015.

Thủy Trần


Các tin khác

Tin tiêu điểm