Đến với đảo Tốc Tan, Phan Vinh, Đá Đông và Trường Sa Lớn
Ngày 24/4, tàu KN 491 đã đưa Đoàn kiều bào đến với đảo Tốc Tan (điểm A), đảo Phan Vinh và đảo Đá Đông (điểm B), Trường Sa Lớn trên quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa.
Sau 02 ngày của hải trình, tàu KN 491 lại băng băng rẽ sóng hướng đến đảo Tốc Tan. Đây là điểm đảo thứ 7 trong kế hoạch mà Đoàn công tác số 10 đến thăm và làm việc.
Được coi là 1 trong 4 âu tàu tự nhiên trong quần đảo Trường Sa, đảo Tốc Tan là nơi tránh, trú bão cho tàu của bà con ngư dân, Chỉ huy trưởng Lê Hoàng Kiên chia sẻ: Để thành điểm tựa, nơi tiếp sức cho ngư dân bám biển, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ trên đảo đều cố gắng vượt qua bằng ý chí quyết tâm và gắn bó với đảo…
Trời gần trưa, chúng tôi lại chào Tốc Tan để tiếp tục chuyến hải trình, tạm biệt nơi ấm áp tình người. Đến đây, tôi chợt ngẫm ra một điều, không phải chỉ có những người lính hải quân mới coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” mà cả những ngư dân cũng coi biển chính là quê hương của họ. Ở đó có những “ngôi nhà” - điểm tựa vững chắc để ngư dân mưu sinh giữa trùng khơi sóng gió.
Chiều cùng ngày, chúng tôi tiếp tục rẽ sóng đến với đảo Phan Vinh. Đảo Phan Vinh mang tên người Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng tàu Không số. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có một con đường xẻ dọc Trường Sơn mà hễ nhắc đến là lại liên tưởng tới những sự tích thần kỳ. Song ngoài con đường ấy, còn có một con đường khác nữa, đó là con đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên biển Đông với một nét độc đáo, sáng tạo như thần thoại, với biết bao kỳ tích cảm động về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của những người chiến sĩ “Đoàn tàu không số” và tình cảm gắn bó keo sơn với quân dân các bến đỗ ở miền Nam. Đó là con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển và tên tuổi Phan Vinh liền với tên đường.
Chia sẻ về kết quả công tác của đảo, Trung tá Nguyễn Dức Dụ, Phó chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh cho biết: Là đảo đầu tiên trồng thử nghiệm rau xanh trong nhà kính, để có những luồng rau xanh mướt, các cán bộ trên đảo phải sử dụng hết sức tiết kiệm, hợp lý từng ca nước ngọt, bởi trên đảo không có nguồn nước ngọt, tất cả phụ thuộc vào nước mưa. Đồng thời, cán bộ, chiến sỹ trên đảo phải tìm hiểu cách làm phân vi sinh từ đất và các loại rác hữu cơ để chăm sóc. Với những nỗ lực thì trong 3 năm qua, đảo đã chủ động được 100% rau xanh các loại, góp phần cung cấp bữa ăn đủ chất cho cán bộ, chiến sỹ.
Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ trên đảo tích cực hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển như: Cấp cứu, chăm sóc ngư dân khi gặp nạn, chia sẻ nước ngọt, rau xanh trong những ngày bão gió khi ngư dân vào tránh bão. Đồng thời, các cán bộ, chiến sỹ tuyên truyền pháp luật biển cho ngư dân… từ đó thắt chặt mối quan hệ quân dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trung tá Tiên Quang Sự, Chính trị viên đảo Phan Vinh cho biết: “Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện phương châm của Bác “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cán bộ chiến sỹ đảo Phan Vinh luôn có ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, nêu cao tinh thần cảnh giác, xử lý những tình huống mềm dẻo khôn khéo đảm bảo môi trường hòa bình trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo”.
Chia sẻ với cán bộ trên đảo Phan Vinh, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trưởng đoàn công tác bày tỏ: Trước khi lên Hội trường ông đã đi tham quan đảo, xem đời sống ăn ở của các chiến sỹ. Ông đặc biệt ấn tượng, mặc dù rất khó khăn nhưng đảo đã có 3 nhà kính trồng rau sạch, được chăm bón rất kỹ lưỡng mà trên đất liền còn rất hiếm, như báo cáo của đồng chí Chỉ huy đảo 1 năm có tới 12 tấn rau sạch. Đoàn công tác số 10 thăm quần đảo Trường Sa đã trải qua 8 đảo và tại mỗi đảo thì tất cả thành viên đều có những cảm xúc riêng, nhưng cảm nhận chung nhất của các thành viên là ý chí quyết tâm sắt đá của các cán bộ chiến sỹ, của quân và dân trên đảo quần đảo Trường Sa trong công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng các anh đã nỗ lực hết sức và giành được những thành tích đáng khâm phục.
Ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh: “Kể từ năm 2012, khi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Quân chủng Hải quân đưa kiều bào ra thăm Trường Sa, cho đến nay, gần 400 lượt kiều bào được đi thăm Trường Sa trong 7 năm qua. Công tác này đã giúp cho bà con hiểu hơn về Trường Sa, giành nhiều tình cảm, sự quan tâm và có những đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho Trường Sa và đặt biệt là cho quân và dân đang ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua các chuyến đi đã thành lập được rất nhiều các nhóm, các câu lạc bộ mang tên Trường Sa, ví dụ như CLB Trường Sa tại Đức, nhóm Quỹ vì biển đảo Việt Nam của Hội thanh niên và sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, CLB Nghiên cứu biển Đông tại Hàn Quốc... Đã có rất nhiều công trình, những dự án cho Trường Sa trong những năm qua. Chúng tôi rất trân quý tấm lòng của kiều bào mặc dù xa quê hương, đất nước nhưng luôn luôn hướng về Tổ quốc.
Các cán bộ chiến sỹ chiến đấu trên mặt trận thực địa, còn chúng tôi những cán bộ Ngoại giao chiến đấu trên mặt trận dư luận, pháp lý. Với sự đồng lòng của quân và dân cả nước sẽ tạo nên thế mạnh tổng hợp, giúp chúng ta có thể giữ được biển đảo quê hương. Chúng tôi tin rằng sau chuyến đi lần này, tất cả các đại biểu trong đoàn công tác và đặt biệt là kiều bào ta ở nước ngoài sẽ có những cảm nhận, đánh giá riêng, có những hành động thiết thực, sôi nổi, mạnh mẽ, cụ thể đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, Nhân dịp này, gần 70 kiều bào của Đoàn công tác số 10 mong muốn có một công trình mang dấu ấn của kiều bào ở Trường Sa, quyên góp để xây dựng một nhà văn hóa đa năng cho một đảo chìm ở quần đảo Trường Sa”.
Ông Cao Sơn Tùng (kiều bào tại Singapore) chia sẻ: "Được chứng kiến, được nhìn thấy biển đảo nước nhà rất rộng lớn, đất nước rất tươi đẹp và hùng vĩ là trải nghiệm không bao giờ quên. Điều ấn tượng nhất chính là những con người trên biển đảo nơi đây, những người chiến sỹ, những đồng bào rất kiên cường, rất lạc quan dù điều kiện ở đây còn khó khăn, nhưng các cán bộ chiến sỹ vẫn luôn giành cho kiều bào sống xa Tổ quốc sự đón tiếp ân cần, nồng ấm. Những ngày qua, chúng tôi được giao lưu, được vẽ, được chơi bóng... với những con người rất tuyệt vời nơi biển đảo quê hương. Khi trở lại Singapore, tôi sẽ tích cực tham gia các công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt là thế hệ trẻ để các em hiểu hơn về Trường Sa. Và hi vọng, nếu có cơ hội được quay lại Trường Sa tôi sẽ vẫn nhìn thấy những nụ cười trên môi của các chiến sỹ".
Sáng ngày 25/4, đoàn công tác số 10 đi thăm đảo chìm Đá Đông (điểm B). Tại đây, thượng úy Trần Minh Phúc, đảo trưởng đảo Đá Đông (điểm B) báo cáo với Đoàn công tác tình hình kết quả công tác của đảo: Điện chiếu sáng vào mùa hè hiện nay đã đảm bảo, còn trước kia điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời nên khó khăn hơn vì phải phụ thuộc vào nắng. Đến mùa mưa thì phải sử dụng máy phát điện và phải rất tiết kiệm. Đầu năm vừa rồi, đảo được lắp đặt và hiện nay đã hoàn thiện hệ thống điện thắp sáng, điện sinh hoạt 24/24. Trước đây, tình trạng chung của toàn đảo là nước ngọt rất khó khăn. Mỗi ngày, mỗi người được 10 lít nước, vừa tắm giặt vừa vệ sinh, còn lại nước giành cho tăng gia, sinh hoạt, ăn uống chung. Hiện nay, đảo đã được cấp nước đầy đủ, đảo đã lắp đặt xong hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt.
Song song với chương trình thăm hỏi, là chương trình giao lưu văn nghệ giữa các ca sỹ, nghệ sỹ của đoàn Nhà hát Ca múa nhạc quân đội với các cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Đông. Những lời ca, tiếng hát càng làm gắn kết thêm tình nghĩa quân, dân nơi đảo xa.
Vào lúc 13h30, ngày 25/4. tàu KN 491 cập cảng Trường Sa Lớn, "thủ đô" của quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đoàn dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, thăm chùa Trường Sa, viếng mộ các liệt sỹ, thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ và các hộ dân đang sinh sống trên đảo.
Chia sẻ với cán bộ trên đảo Trường Sa lớn, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trưởng đoàn công tác bày tỏ: Niềm tự hào của chúng tôi được nhân lên gấp bội khi được đến đây đúng dịp 43 năm ngày thống nhất đất nước, 43 năm giải phóng Trường Sa, và đặc biệt hơn nữa, hôm nay chúng tôi được đặt chân lên hòn đảo được mệnh danh là thủ đô của Trường Sa đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – ngày mà mọi con dân đất Việt dù có đi đâu, làm gì cũng đều hướng về quê hương đất mẹ. Đoàn công tác đã đi thăm quân, dân trên 10 đảo (Trường Sa Lớn là điểm cuối cùng), và mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến, chúng tôi đều thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ những khó khăn mà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo đang ngày đêm phải đương đầu. Đặc biệt với Trường Sa lớn, chúng tôi xin chia sẻ sự cảm thông sâu sắc nhất đối với các anh khi đảo phải chịu nhiều hậu quả nặng nề sau những cơn bão đợt cuối năm vừa qua. Mỗi người chúng tôi đều có những cảm xúc riêng, nhưng có một cảm nhận chung rất sâu sắc rằng ở Trường Sa, mỗi tảng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ… đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm rất nhiều mồ hôi, xương máu của những người con đất Việt để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 7 năm triển khai, đưa kiều bào ra Trường Sa thì đảo Trường Sa Lớn đã được đón tiếp gần 400 kiều bào và tình yêu biển đảo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng được lan tỏa hết sức mạnh mẽ. Quyên góp của kiều bào sau 10 năm (theo thống kê chưa đầy đủ) khoảng 13 – 14 tỷ cả bằng hiện vật và tiền mặt, chúng tôi rất trân quý điều đó.
Ông Nguyễn Tiến Phùng, kiều bào Úc chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng khi Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm dành tình cảm cho cán bộ, chiến sỹ ở Trường Sa, để các chiến sỹ có được các cơ sở vật chất tương đối khang trang. Hơn nữa, đặc biệt một vài đảo đã có hộ dân sinh sống, trạm y tế, chùa… Đây là một điều kiện thuận lợi để đảm bảo cuộc sống của nhân dân. Tuy nhiên, tại các đảo chìm, tôi nhận thấy đời sống vật chất của các chiến sỹ còn gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến chúng tôi càng nhận thức rõ hơn được sự kiên cường, anh dũng, đoàn kết và nghị lực của các chiến sỹ. Kiều bào chúng tôi ở khắp mọi nơi trong những năm qua đã có nhiều phong trào ủng hộ biển, đảo quê hương. Thật trùng hợp khi hôm nay là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta dù sinh sống ở bất kỳ nơi nào cũng mang trong mình dòng máu Việt, và hôm nay, ở nơi đầu sóng ngọn gió, được gặp gỡ các chiến sỹ, chúng tôi càng cảm thấy vinh dự, tự hào khi là con Lạc, cháu Hồng. Đồng thời, chúng tôi càng ý thức hơn nữa là chúng ta cần phải chung tay, góp sức hơn nữa để cùng nhau xây dựng sự toàn vẹn lãnh thổ của quê hương.
19h tối cùng ngày, Đoàn công tác số 10 có chương trình giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn tại cột mốc chủ quyền. Buổi văn nghệ diễn ra trong không khí vui vẻ, đầm ấm, đậm tình quân dân.
Ngày 26/4, tàu KN 491 đến thăm và tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ ở Nhà giàn DK1/18, cũng là điểm đến cuối cùng trong hải trình của Đoàn công tác số 10.
Sau hải trình 10 ngày, Đoàn công tác số 10 trên con tàu KN 491 đã trở thành một gia đình đặc biệt, nơi đầy ắp tình yêu quê hương, biển đảo, tràn ngập tiếng cười và có cả những giọt nước mắt xúc động, cảm phục trước nghị lực và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trưởng đoàn công tác số 10 nhấn mạnh trong buổi tổng kết: Cùng với cả nước, những người Việt Nam ở nước ngoài cũng luôn hướng về Tổ quốc, đồng hành cùng quân, dân cả nước nói chung, quân và dân huyện đảo Trường Sa nói riêng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh các món quà hiện vật có ý nghĩa vô cùng thiết thực như máy phát điện (Hàn Quốc), camera, ô che nắng (Đức), bộ tập đa năng (Singapore), thậm chí có đại biểu cất công mang về cả hoa quả tươi, thực phẩm, quần áo v.v., các đại biểu kiều bào đã quyên góp được 600 triệu đồng tiền mặt ủng hộ cho các điểm đảo. Tổng trị giá quà tặng của kiều bào trong chuyến đi này là gần 1,7 tỷ đồng.
Ngay sau chuyến đi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ “Vì biển đảo quê hương”, nhằm mục đích xây dựng một công trình Nhà văn hóa đa năng mang dấu ấn riêng của kiều bào, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Các thành viên trong đoàn và đặc biệt là các đại biểu kiều bào đã quyên góp thêm hơn 230 triệu đồng cho việc xây dựng nhà văn hoá đa năng tại Trường Sa.
Một số hình ảnh hoạt động của đoàn:
Đoàn công tác đến thăm và tặng quà đảo Phan Vinh |
Đoàn công tác số 10 dâng hương |
Ông Lương Thanh Nghị thắp hương tưởng nhớ người Anh Hùng dân tộc Phan Vinh |
Ông Lương Thanh Nghị, trưởng đoàn công tác thắp nén hương thơm tại Mộ Ba Cô |
Quang cảnh buổi làm việc tai đảo Phan Vinh |
|
Ông Nguyễn Tế Độ (kiều bào tại CH Séc) phát biểu |
Ông Lương Thanh Nghị tặng quà cho các cán bộ chiến sỹ đảo Tốc Tan |
Kiều bào tặng quà cho cán bộ chiến sỹ |
Phi Phượng