Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương năm 2023
Ngày 25/4 (tức ngày 6/3 âm lịch), Đoàn kiều bào gồm 75 đại biểu trở về từ 23 quốc gia trên thế giới do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Phạm Quang Hiệu dẫn đầu, đã về Phú Thọ dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Mão 2023.
Trong không khí trang nghiêm, trước anh linh các Vua Hùng, các đại biểu kiều bào đã dâng nén tâm nhang tỏ lòng thành kính và tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; cầu xin Tổ tiên phù hộ cho đất nước ngày càng phồn thịnh, bách gia trăm họ an khang thịnh vượng, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế; phù hộ cho cộng đồng NVNONN luôn mạnh khỏe, đoàn kết vươn lên góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt và quốc gia, dân tộc.
Sau Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Đoàn kiều bào đã làm Lễ báo công, tri ân công đức Tổ tiên và trồng cây lưu niệm tại khu vực vườn cây trong Khu di tích Đền Hùng.
Tại Lễ báo công, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu thay mặt đại biểu kiều bào bày tỏ lòng tưởng nhớ Tổ tiên, các Vua Hùng đã khởi mạch nguồn dân tộc, lập nên nhà nước Văn Lang, đặt nền móng cho sự phát triển trường tồn của quốc gia, dân tộc. Kế thừa truyền thống hào hùng của dân tộc, người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước đã cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; tiếp tục vun đắp cơ đồ, nâng cao tiềm lực, vị thế đất nước; tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà cha ông đã truyền lại.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, vượt qua những khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khủng hoảng xung đột tại Nga-Ukraine và tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao, bà con ta ở nước ngoài đã có nhiều nỗ lực nhằm thích ứng để ổn định cuộc sống, công việc, học tập ở sở tại, đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho đất nước. Trong năm 2022, lượng kiều hối ước tính đổ về Việt Nam đạt gần 19 tỷ USD, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với năm trước. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng NVNONN ở nước sở tại tiếp tục được củng cố và tăng cường. Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Thứ trưởng cho biết, việc tổ chức cho Đoàn kiều bào về Đền Hùng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con về niềm tự tôn, tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoạt động cũng thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước dành cho kiều bào; đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con; đồng thời khích lệ các thế hệ NVNONN kế tục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ hàng nghìn năm nay.
Taị buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn chào mừng Đoàn đại biểu kiều bào về tham gia Giỗ tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023, đồng thời giới thiệu các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện trong dịp lễ trọng đại này. Ông Phan Trọng Tấn cảm ơn tình cảm cũng như sự quan tâm của đồng bào ta ở nước ngoài đã dành cho tỉnh và mong muốn trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ được đón tiếp các kiều bào về tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Việc hòa chung cùng nhân dân trong nước dâng hương tưởng nhớ các vị vua Hùng tại Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng, trồng cây tại khu di tích Đền Hùng và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác, đã để lại nhiều cảm xúc lắng đọng, thiêng liêng cho Đoàn đại biểu kiều bào.
Chia sẻ về việc tham dự hoạt động ý nghĩa này, anh Vũ Đức Lượng - đại biểu kiều bào trở về từ Hàn Quốc - cho biết: Đi xa bao năm, nhưng những người con xa xứ như chúng tôi luôn nhớ về nguồn cội của mình. Giỗ Tổ Hùng Vương là một tín ngưỡng của dân tộc Việt. Hoạt động này thể hiện lòng biết ơn đối với Tổ tiên, những người đã tạo lập nên đất nước chúng ta. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng thể hiện sự đoàn kết gắn bó, điều đã giúp dân tộc ta vượt qua nhiều khó khăn để giành được những thắng lợi to lớn như ngày hôm nay. Trên thế giới cũng hiếm có quốc gia nào như Việt Nam có văn hóa hình thức thờ Tổ độc đáo như vậy. Cùng với gần 100 kiều bào từ các nước về đúng dịp Giỗ tổ năm nay, là dịp quý giá để tôi có thể trực tiếp được hòa trong không khí của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh.
Anh Lượng chia sẻ, bản thân anh và những người đại diện cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống xa quê hương luôn chú trọng đến việc lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam để các thế hệ con cháu người Việt gắn bó với cội nguồn, quan tâm tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như truyền bá tới bạn bè năm châu. Tại Hàn Quốc, cộng đồng cũng có những hoạt động để hướng về cội nguồn nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Dự kiến tháng 10 năm nay sẽ có sự kiện văn hóa nhân ngày Lễ Quốc tổ Việt Nam, dự kiến tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc.
Chị Phan Bích Thiện - đại biểu kiều bào trở về từ Hungary - cho biết: "Tôi rất tự hào khi được tham gia cùng Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023. Trong tâm khảm chúng tôi, dù sống ở đâu, chúng tôi không quên nguồn cội, không quên dòng máu mang trong mình là dòng máu Lạc Hồng. Chúng tôi còn mong muốn lan tỏa giá trị truyền thống văn hóa, tâm hồn Việt hướng về cội nguồn của dân tộc, tới thế hệ trẻ và bạn bè quốc tế".
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn tiếp tục hoạt động dâng hương tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, và sau đó tham quan Làng cổ Hùng Lô, xem biểu diễn hát Xoan. Tại đây các đại biểu kiều bào đã được thưởng thức và hòa mình vào các màn diễn xướng của các điệu hát Xoan - loại hình dân ca được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Được thưởng thức các nghệ nhân dân gian biểu diễn hát Xoan nơi cửa Đình Hùng Lô, ông Lương Xuân Hòa - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Udon Thani (Thái Lan) bày tỏ trong bối cảnh hội nhập thế giới đang làm phai mờ các giá trị truyền thống, thì việc hát Xoan được gìn giữ và phát huy là điều rất đáng quý. Điều này không chỉ giúp phục hồi tạo không gian văn hóa cho cộng đồng trình diễn, phát triển du lịch, mà còn trao truyền cho thế hệ trẻ.
Cùng chung dòng cảm xúc với nhiều kiều bào khác khi về thăm đất Tổ, ông Nguyễn Hải Anh - đại biểu kiều bào trở về từ Ukraine - cho biết: “Tôi cũng sinh ra tại Phú Thọ, nên mỗi lần trở về quê hương luôn có cảm xúc bồi hồi, nhất là đi cùng Đoàn kiều bào và nhận được sự quan tâm của Ủy ban Nhà nước về NVNONN. Chương trình lần này giúp chúng tôi hiểu thêm về các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương mà ngay cả bản thân tôi, người được sinh ra ở đây, cũng không biết được hết".
Giỗ Tổ Hùng vương là chương trình thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức và luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng NVNONN. Sau năm 2020, 2021 gián đoạn và năm 2022 thu hẹp quy mô vì đại dịch COVID-19, chương trình Đoàn kiều bào tham dự Giỗ tổ Hùng Vương năm nay được tổ chức quy mô như trước đây với nhiều nội dung đổi mới.
Việc tổ chức Đoàn kiều bào dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2023 còn thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước dành cho bà con kiều bào, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con, khích lệ các thế hệ NVNONN kế tục các truyền thống tốt đẹp của cha ông, đúng với chủ trương xuyên suốt được nhấn mạnh tại Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị: “NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Tiếp tục chương trình, ngày mai (26/4) Đoàn sẽ di chuyển đến huyện Thanh Thủy, Phú Thọ dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Lăng Sương. Tại đây, Đoàn được tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh của Huyện Thanh Thủy, đồng thời được tham quan, trải nghiệm khu du lịch suối khoáng nóng.
Làng cổ Hùng Lô, nơi có ngôi Đình với niên đại hơn 300 năm tuổi, là biểu tượng của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Đình vẫn bảo tồn được nguyên vẹn giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử: ngôi Miếu cổ, tòa Đại Đình, Long Đình, nhà Tiền tế, Lầu Chuông, Lầu Trống, Nhà thờ Phật, Bệ thờ Thần Nông, nhà Văn chỉ và nhà Yến lão. Nơi đây còn lưu giữ được hệ thống các đồ thờ tự phục vụ cho nghi lễ thờ cúng đầy đủ nhất; đặc biệt là hệ thống câu đối cổ rất phong phú với 43 câu đối ca ngợi cảnh trí quê hương và công đức Vua Hùng. Phần lớn những đồ thờ cúng đều có niên đại trên 300 năm, tiêu biểu là 5 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, những khí tự lễ hội. |
Hương Nhiên