A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc thi Tài năng trẻ tiếng Việt: Mỗi tiết mục là một món quà của kiều bào trẻ dành tặng quê hương

Tối 31/7, cuộc thi Tài năng trẻ tiếng Việt trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2023 do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao - khẳng định đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu NVNONN, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, nhất là tiếng Việt, luôn mang một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là động lực, sợi dây gắn kết trong cộng đồng cũng như với quê hương, đất nước. Chính vì vậy, Ban tổ chức Trại hè Việt Nam mở ra sân chơi Tài năng trẻ tiếng Việt nhằm thúc đẩy tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ, tăng cường ý thức trách nhiệm của thanh niên kiều bào trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. 

Phát biểu khai mạc cuộc thi, ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao - khẳng định đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu NVNONN, việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, nhất là tiếng Việt, luôn mang một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì đây là động lực, sợi dây gắn kết trong cộng đồng cũng như với quê hương, đất nước. Chính vì vậy, Ban tổ chức Trại hè Việt Nam mở ra sân chơi Tài năng trẻ tiếng Việt nhằm thúc đẩy tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ, tăng cường ý thức trách nhiệm của thanh niên kiều bào trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. 

Cuộc thi thu hút 11 thanh niên, sinh viên kiều bào ở Úc, Ucraina, Bungary, Lào, Slovakia, Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Séc tham dự, là cơ hội tốt để các bạn trẻ được gặp gỡ, giao lưu và trau dồi tiếng Việt. Đặc biệt, cuộc thi năm nay là phiên bản cải tiến của cuộc thi Kể chuyện tiếng Việt trong chương trình Trại hè Việt Nam năm ngoái. Tại đây, các bạn không chỉ kể chuyện tiếng Việt, mà còn có dịp thể hiện nhiều tài năng như hát, đọc rap, ngâm thơ, đánh đàn bầu… Việc đa dạng hóa loại hình biểu diễn giúp các bạn có thể luyện tập cách sử dụng tiếng Việt linh hoạt hơn, thể hiện tình yêu đối với tiếng Việt qua nhiều cách thức hơn, giúp các trại sinh cảm nhận được sự phong phú và hấp dẫn của tiếng Việt.

Ban Giám khảo và các trại sinh đã được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc thi. Cuộc thi có những khoảnh khắc sâu lắng, xúc động ở phần thi bài thơ “Xa khơi” và tiếng đàn bầu giàu cảm xúc của “anh lính” Nguyễn Vũ Hảo (Úc); bài thơ “Dặm dài đất nước” của Nguyễn Hữu Hưng Thịnh (Bungary); bài thơ “Cháu gom nhặt nắng tặng bà” của Nguyễn Lê Mỹ Linh (Tây Ban Nha); bài chia sẻ “Cảm xúc ở Việt Nam” của Lê Hồng Châu Long (Ukraine). Ban Giám khảo và khán giả còn cảm nhận được sự dạt dào khi nghe tiếng hát của Trần Hà Phương (Lào) qua bài “Thương ca tiếng Việt”, tiếng hát của Nguyễn Ngọc Ánh (Séc) với bài hát “Mẹ yêu ơi” hay của Lại Khánh Vi (Bungary) với bài “Tôi là người Việt Nam”. 

Các bạn trẻ kiều bào cũng vô cùng hào hứng, cổ vũ nhiệt tình cho tiết mục sôi động như bài rap “Về quê” của Lê Thanh Trang (Nga). Ngoài ra, có nhiều tiết mục giúp các bạn hiểu hơn về văn hóa Việt Nam và sự giao thoa văn hóa giữa quê hương mình với quốc gia sở tại, như tiết mục kể chuyện “Tình hữu nghị Việt – Lào” của Nguyễn Minh Thắng (Lào); kể chuyện “Thế hệ trẻ kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” của Lưu Nguyên Anh (Mỹ); hay bài chia sẻ cảm nhận về người Việt Nam của Trần Nhật Tường Vy (Slovakia). 

Dù khác nhau về loại hình, nội dung và thông điệp, song tất cả các bài thi đều thể hiện tình cảm dạt dào của các thí sinh đối với quê hương Việt Nam. “Các kiều bào trẻ đã dàn dựng những tiết mục công phu để thể hiện tình yêu quê hương đất nước của mình. Mỗi tiết mục là một món quà dành tặng cho quê hương Việt Nam”, ông Đinh Hoàng Linh nhận định.

Kết quả, Ban Giám khảo đã trao giải Nhất cho Nguyễn Vũ Hảo (Úc). 02 giải Nhì thuộc về Nguyễn Hữu Hưng Thịnh (Bungary) và Nguyễn Minh Thắng (Lào). Trần Nhật Tường Vy (Slovakia), Lưu Nguyên Anh (Mỹ), Lê Thanh Trang (Nga) nhận giải Ba. 05 giải Khuyến khích đã được trao cho Nguyễn Lê Mỹ Linh (Tây Ban Nha), Nguyễn Ngọc Ánh (Séc),  Lê Hồng Châu Long (Ukraine), Lại Khánh Vi (Bungary) và Trần Hà Phương (Lào).

Bạn Nguyễn Vũ Hảo (Úc) chia sẻ sau khi đạt giải Nhất cuộc thi: “Bài thơ em sáng tác dựa trên cảm xúc của em về bài hát ‘Xa khơi’ của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Em kết hợp giữa thơ và đàn bầu vì em nghĩ sự kết hợp này có thể chuyển tải tới khán giả cảm xúc của một người lính phải xa nhà để bảo vệ Tổ quốc mà không biết ngày về”. 

Lê Hồng Châu Long (Ukraine) cho biết ý tưởng xây dựng mạng lưới tình nguyện viên ở quê ngoại Thanh Hóa cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong bài thi của mình được nảy ra khi em thăm Làng Trẻ em SOS Thanh Hóa. “Trong tim em luôn có một vị trí đặc biệt cho Việt Nam và dù ở xa em vẫn luôn suy nghĩ làm sao có thể đem những điều tốt đẹp về với đất nước mình”, Châu Long bày tỏ.

Với cuộc thi này, Ban tổ chức mong muốn tạo thêm sân chơi tiếng Việt để giúp các trại sinh nâng cao trình độ tiếng Việt của mình, đồng thời rèn luyện thói quen sử dụng tiếng Việt nhiều hơn trong đời sống thường ngày, đặc biệt là với ông bà, cha mẹ, bạn bè khi trở về nước mình sinh sống. Từ đó, các em sẽ truyền cảm hứng, niềm đam mê học tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào, đặc biệt là các em nhỏ thế hệ sau; coi đó là một “nhiệm vụ” quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc và ngôn ngữ dân tộc, khẳng định vai trò đồng hành với đất nước của tuổi trẻ kiều bào./.

Hà Anh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm