Hơn 40 lượt tham luận tâm huyết về phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Sau phiên Khai mạc, Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” tiếp tục với ba phiên chuyên đề về “Đầu tư xanh”, “Phát triển nguồn nhân lực” và “Phát triển chuỗi cung ứng”. Các phiên chuyên đề có sự tham gia của đại diện các cơ quan có vai trò chủ chốt trong tham mưu, xây dựng khuôn khổ chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực; các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và đặc biệt là của doanh nhân, trí thức kiều bào.
Với trên 40 lượt tham luận, phát biểu tâm huyết, các đại biểu đã nêu bật những cơ hội và thách thức Việt Nam của nói chung, các địa phương nói riêng, cũng như các doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều khó khăn; nhấn mạnh việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, thúc đẩy dịch chuyển nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, kịp thời nắm bắt những xu hướng lớn về kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu. Đây cũng chính là những lĩnh vực mà kiều bào có kinh nghiệm, hiểu biết và khả năng tư vấn cho trong nước, kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời cũng phù hợp với những ưu tiên của Chính phủ về cải thiện thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Các phát biểu và nội dung trao đổi tại Hội nghị cho thấy nguồn lực phong phú, dồi dào của kiều bào, không chỉ về vật chất mà còn cả nguồn lực tri thức, chất xám, nguồn lực “mềm”. Quan trọng hơn, nguồn lực kiều bào ngày càng gia tăng, có khả năng đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước cả trước mắt và trong dài hạn. Các đại biểu cũng nêu những đề xuất, kiến nghị đối với các bộ, ngành, địa phương, nhằm không ngừng nâng cao vị thế và tiềm lực của cộng đồng, tạo kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng NVNONN đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cũng như của các địa phương.
Tại Hội nghị, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và kiều bào có chung quan tâm đã tích cực gặp gỡ, trao đổi, kết nối hợp tác. Dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng và các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, hiệp hội của Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài đã tiến hành ký kết 08 Bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia Hội nghị, cho rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng bày tỏ tin tưởng rằng Hội nghị là bước khởi đầu quan trọng, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa kiều bào với các địa phương, doanh nghiệp trong nước và mang lại những dự án, kế hoạch hợp tác cụ thể, cơ hội đầu tư, kinh doanh ở cả thị trường Việt Nam và nước ngoài.
Q.H