Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Với lực lượng và tiềm năng ngày càng lớn mạnh, cộng đồng người Việt Nam, trước hết là lực lượng trí thức và doanh nhân kiều bào đã tích cực tham gia đóng góp với đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…




 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các doanh nhân kiều bào tại
Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân
trong nước lần thứ II, tháng 8/2013


Cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã và đang tích cực đóng góp sức người, sức của, cùng đồng bào trong nước chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Chính vì vậy, Nghị quyết 36 ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”.

Theo số lượng thống kê, hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập, lao động tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số lượng này đang có xu hướng tăng lên khi ngày càng có nhiều người Việt ra nước ngoài học tập, lao động, xây dựng gia đình, tạo nên những cộng đồng người Việt lớn ở các châu lục và các địa bàn như Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Úc và Đông Bắc Á. Những cộng đồng này đang ngày càng có vị trí cao hơn trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội nước sở tại và vẫn giữ mối gắn kết khăng khít, chặt chẽ với đất nước.

Ước tính có khoảng 400,000 chuyên gia, trí thức (chiếm khoảng 10-15% cộng đồng NVNONN) có trình độ đại học trở lên tập trung chủ yếu ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Australia, Nhật… Riêng tại Mỹ, thống kê cho thấy 19.5% người Việt có trình độ đại học, tiến sỹ khoa học là 0,5%. Tại Pháp, hiện có khoảng 40,000 trí thức người Việt, tại Canada và Úc là hơn 30,000, tại Nga và Đông Âu là 10,000. Rất nhiều người Việt tập trung làm việc ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin viễn thông, chế tạo máy, khoa học vũ trụ.

Doanh nhân người Việt đã có mặt ở các quốc gia phát triển (riêng ở Mỹ có 170,000 doanh nghiệp người Việt) và cả những nơi xa xôi như đảo Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương. Ước tính, tổng thu nhập hàng năm của người Việt ở nước ngoài đạt từ 50-60 tỷ USD, trong đó cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ chiếm 25-30 tỷ USD. Thành phần, cơ cấu kinh doanh và quy mô của các doanh nghiệp ngày càng đa dạng hơn, mặc dù nhỏ và vừa vẫn là quy mô chủ yếu. Thời gian vừa qua, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng, nhưng các doanh nhân người Việt vẫn kiên trì cố gắng vượt qua khó khăn, duy trì các hoạt động kinh doanh tại thị trường sở tại, một số doanh nghiệp có xu hướng chuyển về kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Với lực lượng và tiềm năng ngày càng lớn mạnh, cộng đồng người Việt Nam, trước hết là lực lượng trí thức và doanh nhân kiều bào đã tích cực tham gia đóng góp với đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…
Dễ thấy hơn cả là về mặt kinh tế. Trong những năm gần đây, lượng kiều hối ngày càng tăng, trung bình 10%/năm. Năm 2010 là 8,6 tỷ USD, năm 2011 là khoảng 9 tỷ USD, năm 2012 là 10 tỷ USD, và năm 2013 là 11 tỷ USD. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy 52/63 tỉnh, thành phố có các dự án đầu tư của NVNONN với hơn 3,600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và đóng góp của kiều bào khoảng 8.6 tỷ USD, chủ yếu từ người Việt Nam ở các quốc gia Mỹ, Canada, Úc, Nga, Pháp, Hà Lan, CH Séc. Kể từ khi thi hành Luật Đầu tư (2005), đã có 225 dự án của NVNONN đầu tư về trong nước với số vốn đăng ký đạt 1,058 triệu USD, quy mô vốn bình quân 4.7 triệu USD/dự án thuộc quy mô nhỏ tập trung trong các lĩnh vực như chế biến chế tạo, thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu...

Không chỉ vậy, các doanh nhân VNONN còn là lực lượng tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước ngoài. Hiện ngày càng có nhiều công ty tư vấn, tiếp thị của người Việt góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh hàng Việt vào hệ thống phân phối của các nước thông qua các hội, chi hội doanh nghiệp Việt Nam, trung tâm thương mại Việt Nam tại nước ngoài. Họ là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Doanh nhân người Việt ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam”.



 Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ
2012 – 2015 ra mắt tại Đại hội lần thứ hai, tháng 9/2012


Cùng với những đóng góp về mặt kinh tế, những đóng góp về trí tuệ và chất xám của NVNONN là vô cùng quí báu, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Những ý kiến góp ý của kiều bào cho cải cách giáo dục, tái cơ cấu kinh tế, xử lý vấn đề nợ xấu, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, sử dụng năng lượng sạch, về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản… hoặc những thông tin cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế, các vấn đề môi trường, các động thái của nước ngoài với việc xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của Việt Nam và tư vấn cách thức xử lý, quảng báo hình ảnh đất nước... là những đóng góp thiết thực cho quá trình đổi mới, phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Không những vậy, kiều bào ta còn tích cực chuyển giao tri thức thông qua các hoạt động phong phú như trực tiếp giảng dạy, biên soạn sách, làm việc trong các dự án hợp tác, phối hợp với các chuyên gia trí thức trong nước thực hiện các chương trình nghiên cứu, triển khai ứng dụng, hợp tác giáo dục… Hàng năm, có khoảng 300 lượt chuyên gia về nước, trong đó 55% về làm việc với các cơ quan nhà nước và 45% làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản. Chuyên gia người Việt các nơi còn gửi về nước hàng chục ngàn cuốn sách về khoa học, công nghệ cho các trường đại học. Ngoài ra, các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tên tuổi các nhà trí thức khoa học nổi tiếng đã xuất hiện.

Sự xuất hiện của các mô hình mới doanh nhân – trí thức, vừa giỏi nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, vừa làm quản lí doanh nghiệp có tiềm năng, nắm chắc thông tin và có quan hệ chặt chẽ với thị trường thế giới, kết hợp đầu tư với đào tạo, chuyển giao công nghệ cao, xây dựng môi trường văn hóa xí nghiệp, đóng góp xã hội thu hút nhiều chuyên gia, trí thức tham gia. Có thể nêu ra đây những thí dụ điển hình như: Đại học quốc tế thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã thu hút nhiều trí thức kiều bào về làm việc; Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh; Công ty hóa phẩm Mỹ Lan với các sản phẩm công nghệ nano tại Trà Vinh; Trung tâm Hội nghị Quốc tế tại Quy Nhơn; Công ty Glass Egg Digital Media về phần mềm và trò chơi… Ngoài ra, rất nhiều trí thức, nhà quản lý NVNONN đang đại diện quản lí đầu tư tại các quĩ VinaCapital Group, Mekong Capital, Vietnam Capital Partners, LLC, IDG Ventures Vietnam hay Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Intel Vietnam…



 Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bulgaria,
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgaria bên sản phẩm phân bón
khoáng vi sinh Lactofol được giới thiệu tại Đà Lạt, tháng 8/2013


Thêm vào đó, kiều bào ta còn là lực lượng tuyên truyền, quảng bá nhanh nhất và hiệu quả nhất về văn hóa, hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa cộng đồng và hỗ trợ, tham gia các triển lãm, hội chợ quảng bá văn hóa thương mại, du lịch của Việt Nam tại các nước; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn trong nước như: Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo…

Triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy các nguồn lực của cộng đồng NVNONN đã được huy động, bổ sung vào nguồn lực chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.


Nhìn nhận cộng đồng dưới góc độ nguồn lực để chúng ta thấy rằng:

Thứ nhất, đội ngũ trí thức, doanh nhân là bộ phận quan trọng trong cộng đồng NVNONN, có ảnh hưởng to lớn, nhiều mặt tới sự phát triển của cộng đồng NVNONN cũng như thái độ và quan hệ với trong nước. Vì vậy, cần xác định làm tốt công tác vận động trí thức, doanh nhân NVNONN hướng về đất nước, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

Thứ hai, cần có thái độ và cách nhìn nhận mới tôn vinh giá trị công sức học tập, thành tích khoa học kinh doanh, kinh nghiệm quản lý của họ. Đồng thời, kết hợp huy động tiềm lực tài chính cần thiết cho sự phát triển với sự đóng góp kỹ năng, chất xám, công nghệ, quản lý của trí thức NVNONN nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng phát triển, giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững, và các nguồn lực chuyên môn của kiều bào là sự lựa chọn bổ sung cho nhiệm vụ đào tạo nhân lực, có hiệu quả nhanh hơn, tiết kiệm hơn so với biện pháp đào tạo mới.

Thứ ba, huy động nguồn lực phải đi đôi với bồi dưỡng nguồn lực, do đó việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút nguồn lực trí thức luôn phải gắn liền với việc thực hiện tốt chính sách chung đối với cộng đồng NVNONN, hỗ trợ cộng đồng phát triển ổn định, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, duy trì việc dạy và học tiếng Việt, đáp ứng các nhu cầu văn hóa, tâm linh; thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao…

Cuối cùng và rất quan trọng là huy động nguồn lực của kiều bào là trách nhiệm của cả xã hội, được đẩy mạnh ở mọi ngành, mọi cấp, từ Trung ương đến địa phương, cả trong và ngoài nước nhằm tranh thủ được tình cảm, nguồn lực chất xám, nguồn lực kinh tế, vị trí ảnh hưởng của cộng đồng đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước./.

Đặng Trần Phong
Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ
Ủy ban Nhà nước về người VNONN


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm