Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài
|
Sáng nay 20/5, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NQ36) do Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn cùng gần 300 đại biểu các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh thành; chủ tịch các hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào; trưởng các cơ quan đại diện một số địa bàn có đông kiều bào, các cán bộ lãnh đạo lão thành trong công tác đối với NVNONN.
Công tác đối với NVNONN cần sự nỗ lực của các cơ quan, đoàn thể và sự chung tay góp sức của kiều bào
Chủ trì và phát biểu Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn cho biết: NQ36 ra đời cách đây 10 năm là Nghị quyết đầu tiên của Đảng ta được ban hành công khai, đã đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc tình hình người Việt Nam ở nước ngoài, những kết quả đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại, đồng thời khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước coi “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”, xác định rõ “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”, trên cơ sở đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trong quá trình 10 năm qua, công tác vận động kiều bào đã được triển khai thường xuyên với quy mô, hình thức và nội dung phong phú, hệ thống chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện hỗ trợ cho bà con ổn định về địa vị pháp lý ở nước ngoài. Tuy nhiên, công tác cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: Cần nhanh chóng thu hẹp và đi đến xóa bỏ mọi khoảng cách, sự khác biệt giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước, đấu tranh phân hóa, đập tan mọi luận điệu chia rẽ, xuyên tạc, để hơn 90 triệu đồng bào ở trong nước và 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài trở thành một khối đại đoàn kết thống nhất, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách đưa đất nước vững bước đi lên. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới có đạt được kết quả như mong muốn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực của tất cả chúng ta và sự chung tay góp sức của cộng đồng kiều bào.
|
NQ36 từng bước đi vào cuộc sống
Tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Đặng Thế Hùng đã đọc Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện NQ36. Ông Đặng Thế Hùng nêu rõ: NQ36 đã được quán triệt, triển khai, từng bước đi vào cuộc sống, qua 10 năm thực hiện đã góp phần quan trọng tạo nên những bước phát triển, đột phá mới trong công tác vận động kiều bào.
Báo cáo đã nêu bật kết quả 10 năm thực nhiện Nghị quyết. Nghị quyết đã được Quốc hội thể chế hoá trong nhiều văn bản pháp luật liên quan, được Chính phủ và các bộ, ngành cụ thể hoá bằng việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những văn bản pháp quy quan trọng liên quan đến NVNONN như: luật quốc tịch, đất đai, nhà ở, cư trú, xuất nhập cảnh, đầu tư, doanh nghiệp… theo hướng ngày thuận lợi cho kiều bào.
Ta đã hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN, tạo điều kiện để bà con gắn bó hơn với quê hương, thể hiện được tinh thần “NVNONN là bộ phận không tách rời” của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, ta đã chủ động đàm phán, ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định lãnh sự, hỗ trợ tư pháp với nhiều nước. Vấn đề hỗ trợ và bảo hộ kiều bào đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào, tạo thuận lợi hơn cho bà con về địa vị pháp lý và việc làm ăn, sinh sống, hội nhập vào xã hội nơi cư trú.
Công tác vận động cộng đồng đã được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước.
Thực hiện chủ trương của NQ36 coi NVNONN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, ta đã tổ chức lấy ý kiến kiều bào đóng góp cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X và XI; lấy ý kiến của kiều bào đóng góp vào các văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến NVNONN như dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Quốc tịch năm 2008; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc các địa phương. Những hoạt động trên đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, gắn bó với cội nguồn dân tộc của kiều bào, từng bước đẩy lùi và vô hiệu hóa các hoạt động đi ngược lại lợi ích cộng đồng và đất nước.
Ông Đặng Thế Hùng đánh giá: 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, công tác về NVNONN đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo cơ sở nền tảng cho giai đoạn tiếp theo. Đã có bước chuyển biến tích cực về tư duy cũng như hành động trong các cấp, các ngành, trong dư luận nhân dân và kiều bào. Công tác xây dựng chính sách, bảo hộ kiều bào được chú trọng; công tác vận động cộng đồng được tăng cường với nhiều biện pháp chủ động có tính đột phá. Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới, xu hướng đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước và đại đoàn kết dân tộc ngày càng tăng.
|
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về NVNONN
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình một lần nữa khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Chính phủ cần có những cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa để khuyến khích bà con hướng về quê hương, đất nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn cho bà con về nước đầu tư, kinh doanh và định cư; tạo thuận lợi và khuyến khích kiều bào đóng góp cho đất nước trong phạm vi của mình; hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ đối với kiều bào cốt cán có công với đất nước… nhằm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với quê hương, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ xây dựng đất nước, phát huy hiệu quả vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng với sự nỗ lực và quyết tâm phấn đấu của cả hệ thống chính trị, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ đạt được những tiến bộ vượt bậc, góp phần xứng đáng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Hội nghị cần chỉ ra được nguyên nhân thành công và hạn chế để có cơ sở đề ra quan điểm mang tính chất chiến lược và giải pháp thực hiện cho thời gian tới; cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan để phát huy nguồn lực của kiều bào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Các giải pháp, cơ chế cụ thể tiếp tục triển khai NQ36
Hội nghị nhận được sự quan tâm của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thể hiện qua việc tham dự và rất nhiều ý kiến phát biểu đóng góp cho công tác về NVNONN. Đã có 22 tham luận và ý kiến đóng góp trực tiếp.
Hội nghị lắng nghe những đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra phương hướng, chủ trương và các biện pháp có hiệu quả hơn về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn tới.
Ông Trần Việt Tân, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tới cộng đồng kiều bào ở nước ngoài để họ hiểu rõ hơn về những chính sách đãi ngộ của Việt Nam đối với kiều bào.
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nhấn mạnh, cần sớm có quy chế về việc dạy tiếng Việt cho NVNONN, đặc biệt là các thế hệ thứ 3, thứ 4 để việc kết nối giao lưu được thuận lợi, nhằm gắn kết tính đoàn kết dân tộc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh những nội dung chính như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, luật phát nhằm đáp ứng những quyền lợi thiết thân của người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện chính sách hòa hợp, đoàn kết dân tộc; công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài góp phần phát triển đất nước…
Ông Dương Chí Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp kiến nghị nên có chính sách thiết thực trọng dụng người tài, kiều bào trí thức yêu nước vì đó chính là nguồn lực vô cùng to lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Fransisco nêu việc vận động kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt tại vùng California, nơi có tỷ lệ kiều bào sinh sống tương đối nhiều, gặp khó khăn nếu các hành lang pháp lý về đăng ký quốc tịch hay sở hữu nhà ở tại Việt Nam… không rõ ràng.
Tương tự, ông Ngô Anh Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia nêu kiều bào sinh sống tại Campuchia chủ yếu là lao động nghèo sống qua nhiều đời tại nước sở tại, nhưng không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào, do đó việc hòa nhập với cộng đồng là vô cùng khó khăn.
|
Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực với tham luận của các bộ, ban, ngành, địa phương cùng những ý kiến đưa ra hết sức thẳng thắn và cởi mở về tình hình thực hiện NQ36, cuối giờ chiều, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã báo cáo tổng kết và bế mạc Hội nghị.
Mục tiêu cao nhất của công tác về NVNONN là xây dựng một cộng đồng đoàn kết, hội nhập thành công, giữ gìn truyền thống dân tộc, hướng về quê hương, góp phần tích cực làm cầu nối cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với tất cả các nước. NQ36 không chỉ định hướng cho việc triển khai công tác đối với NVNONN mà còn giúp cho một bộ phận kiều bào cũng như thân nhân xoá đi mặc cảm quá khứ, hướng về quê hương, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hằng năm có khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước hợp tác, nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều kiều bào ở Mỹ, Pháp, Đức và đặc biệt là ở các nước Đông Âu chọn giải pháp về Việt Nam đầu tư, kinh doanh; có nhiều dự án hiệu quả, quy mô lớn. Hiện có trên 3.600 doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh và vốn đóng góp của kiều bào khoảng 8,6 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, năm 2013 đạt gần 11 tỷ USD, chiếm gần 1/10 GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất; đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán và kinh tế của đất nước. |
Phạm Thúy