Đổi mới hình thức và nội dung thông tin tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài
|
Với khoảng 4,5 triệu người, sinh sống, lao động và học tập tại 109 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một cộng đồng đa dạng về thành phần, nơi cư trú, khác nhau về nguyên nhân ra đi cũng như điều kiện sinh sống, thân phận định cư... tại các địa bàn khác nhau. Sinh sống tại đất khách, quê người, người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có nhu cầu khẳng định mình trong quá trình hội nhập vào các xã hội sở tại. Tuy nhiên, do mang dòng máu, nguồn cội Việt Nam, đa phần bà con đều hướng về Tổ quốc, mong muốn duy trì và phát huy truyền thống và bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình cảm gắn bó với quê hương đất nước, giữ gìn và phát triển tiếng Việt, đặc biệt đối với các thế hệ trẻ NVNONN. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận NVNONN, vì thiếu thông tin và vì các lý do khác nhau, còn giữ những mặc cảm, định kiến hay hận thù, thậm chí một số ít có các hoạt động chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại với xu thế phát triển của dân tộc, thời đại. Do vậy, công tác thông tin tuyên truyền có vai trò, nhiệm vụ quan trọng không chỉ trong việc tranh thủ, động viên tinh thần yêu nước, hướng về quê hương của số đông bà con NVNONN, thực hiện đại đoàn kết dân tộc mà còn góp phần vào việc đấu tranh phân hoá, cô lập và làm thất bại các âm mưu chống phá của các phần tử cực đoan trong cộng đồng .
|
Từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị ra đời, công tác thông tin-tuyên truyền đối với NVNONN thực sự bước vào giai đoạn mới và qua 10 năm triển khai thực hiện đã tạo ra những chuyển biến mang tính bước ngoặt, từng bước đáp ứng nhu cầu của kiều bào trong việc tìm hiểu tình hình đất nước, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta cũng như những vấn đề đang nổi lên được dư luận quan tâm, phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập. Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như vậy trong những năm gần đây chúng ta đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức và phương tiện thông tin tuyên truyền.
Hình ảnh đất nước Việt Nam hoà bình, ổn định, đổi mới, đang phát triển năng động với con người, lịch sử và nền văn hoá lâu đời hết sức phong phú và giàu bản sắc dân tộc đã được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài biết tới thông qua nhiều kênh và bằng nhiều hình thức khác nhau. Điểm đổi mới rõ nét là công tác thông tin tuyên truyền được lồng ghép trong các hoạt động triển khai Nghị quyết. Sự hiện diện và phát biểu của các vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp tại các hoạt động lớn dành cho NVNONN, đặc biệt là Chủ tịch Nước tham dự và chúc tết cộng đồng NVNONN tại chương trình Xuân Quê hương hàng năm cho thấy sự quan tâm ngày càng cao của Đảng và Nhà nước trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nắm bắt được nhu cầu thiết thực của kiều bào, chúng ta chú trọng cung cấp nhiều thông tin về chính sách mới của Nhà nước đối với kiều bào như luật quốc tịch, chính sách nhà ở, đất đai, quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Việc tổ chức hàng loạt các hoạt động lớn trong suốt 10 năm qua và trải rộng trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam đã tạo cơ hội cho đông đảo kiều bào, cả thế hệ thứ 3, thứ 4 có cơ hội về nước tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng của đất nước, tìm hiểu truyền thống lịch sử, cội nguồn và văn hoá dân tộc và học tiếng Việt, đồng thời khơi gợi lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước, tình đoàn kết giữa đồng bào trong và ngoài nước. Các hoạt động như cử đoàn nghệ thuật sang biểu diễn ở một số nước hay hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi hoằng pháp tại một số nước châu Âu và cử các vị chức sắc sang trụ trì, giúp việc Phật sự tại một số chùa Phật ở châu Âu, Đông Nam Á… cũng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. Các hội nghị, hội thảo quan trọng dành cho kiều bào như Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (2009, 2012), Hội thảo bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài (2013), các hoạt động hỗ trợ doanh nhân, trí thức kiều bào, Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước (2013)... cùng với chủ trương và việc dân sự hóa nghĩa trang Bình An (Bình Dương), hay việc tạo điều kiện cho Đoàn Nghị viên thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ do ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) - Nghị viên Hội đồng thành phố - dẫn đầu thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 3/2013)... cũng đã góp phần quan trọng cho công tác thông tin, tuyên truyền, giúp kiều bào an tâm, phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.
|
Cùng với việc tăng cường quảng bá thông tin về đất nước, con người và sự phát triển của Việt Nam, một nội dung cũng vô cùng quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền là đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về Việt Nam, nhất là trong những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, biên giới lãnh thổ. Ngoài việc tăng cường cung cấp thông tin chính thống về chính sách và những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền tự do tôn giáo, những thành tựu của đất nước ta trong phát triển kinh tế - xã hội, bằng cách trực tiếp tổ chức cho kiều bào về nước thăm Trường Sa, biên giới trên đất liền, tham gia các đại lễ cầu siêu bao gồm đại diện của các tôn giáo tiêu biểu… chúng ta đã giúp kiều bào có cách nhìn sát thực, khách quan về tình hình biển đảo, biên giới, lãnh thổ, về chính sách của nhà nước ta đối với chủ quyền biển đảo, chính sách tự do tôn giáo… tạo được sự đồng thuận trong xã hội và sự tin tưởng của cộng đồng người Việt đối với chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cơ bản giải tỏa được một số băn khoăn, hoài nghi trong dư luận của cộng đồng. Một điểm mới trong công tác này là gần đây chúng ta đã mở rộng diện tiếp xúc, vận động các kiều bào còn giữ định kiến, mặc cảm, thậm chí có quan điểm cực đoan. Việc ta mời một số đối tượng nói trên tham gia đoàn kiều bào thăm Trường Sa tháng 4 năm 2014 đã có tác dụng tích cực, làm thay đổi nhận thức của họ trước những sự thực khách quan của tình hình đất nước và hướng tới gắn bó hơn đối với đất nước, góp phần quan trọng trong việc phân hóa, giảm thiểu lực lượng cực đoan trong cộng đồng, đồng thời mở rộng việc tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Lực lượng tham gia công tác thông tin tuyên truyền ngày càng được tăng cường, đa dạng và hoạt động hiệu quả hơn, cả ở trong và ngoài nước. Bên cạnh việc cung cấp các thông tin định kỳ hoặc thông tin về từng sự kiện cho các cơ quan báo chí, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên chủ trì và phối hợp tổ chức các cuộc họp báo, gặp gỡ với các phóng viên và mời các phóng viên đưa tin về các hoạt động dành cho kiều bào. Các chương trình, tin bài, chuyên mục dành riêng cho kiều bào (VTV4, VOV, TTXVN, VTC10, Báo Đại Đoàn kết, Thanh niên, Việt Nam net, Tiền Phong, Đất Việt, Tổ quốc...) ngày càng nhiều và đã cung cấp những thông tin chính xác và kịp thời cho kiều bào về mọi mặt của tình hình đất nước, các hoạt động của kiều bào cũng như các vấn đề thời sự mà kiều bào quan tâm. Chúng ta đã mở rộng địa bàn phát sóng kênh truyền hình VTV4, tạo điều kiện cho các kênh truyền hình khác (VTC, HTV...) vươn ra ngoài, cũng như chú trọng đầu tư phát triển thông tin qua mạng internet nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin. Việc đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước đến cộng đồng và các thư viện sở tại được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin văn hóa của kiều bào. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thường xuyên cung cấp cho các cơ quan báo chí trong nước những tin, bài, ảnh về những hoạt động của kiều bào ta ở địa bàn, góp phần làm phong phú hơn công tác thông tin cho cộng đồng và vì cộng đồng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, chúng ta đã chủ động tạo điều kiện cho nhiều cơ quan truyền thông, báo chí của kiều bào (KBCHN, Phố BolsaTV, Viêt Weekly, Tre Online...) về nước tác nghiệp và đưa tin khách quan về Việt Nam nói chung và về chính sách, các hoạt động của nhà nước dành cho NVNONN, góp phần quan trọng trong công tác vận động cộng đồng.
|
Mặc dù công tác thông tin đến với cộng đồng đã chuyển mạnh cả về chất và lượng nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Nhận thức về vị trí, vai trò của thông tin tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài chưa thật đầy đủ, rộng khắp. Cơ chế phối hợp trong công tác thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật nhịp nhàng, có lúc còn bị động, lúng túng, nhất là trước những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Nội dung thông tin tuyên truyền của ta chưa thật phong phú, đa dạng, nhiều lúc chưa kịp thời, cách thể hiện chưa thật phù hợp với đối tượng kiều bào.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác thông tin tuyên truyền đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thông tin đa dạng của kiều bào, kể cả nhu cầu chung cũng như nhu cầu đặc thù ở các địa bàn khác nhau, từ đó xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả và dài hơi, phản ánh đầy đủ và sinh động tâm tư nguyện vọng và đáp ứng tình cảm của kiều bào nhằm hỗ trợ kiều bào duy trì hiệu quả tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với lợi ích chung của đất nước, phát huy vai trò, tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển đất nước, làm cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Song song với việc các cơ quan truyền thông trong nước ngày càng tham gia tích cực vào công tác này, chúng ta cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, mở rộng việc vận động, phối hợp và hỗ trợ với các cơ quan truyền thông, báo chí NVNONN để tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong công tác thông tin-tuyên truyền phục vụ cộng đồng./.
Vũ Tuấn Hải
Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa
Ủy ban Nhà nước về NVNONN