Đổi mới công tác tổ chức hội đoàn NVNONN - Tình hình và Giải pháp
|
Trong bối cảnh mới của đất nước, khu vực và quốc tế cũng như trong điều kiện cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển, mở rộng cả về thành phần và địa bàn cư trú, nhiều yêu cầu và thách thức mới đang đặt ra cho công tác vận động, thành lập và hoạt động của các tổ chức, hội đoàn kiều bào. Với khuôn khổ có hạn, bài viết sẽ điểm lại những nét chính của quá trình phát triển tổ chức hội đoàn NVNONN, những thuận lợi, thách thức đang đặt ra và kiến nghị một số giải pháp cho công tác tổ chức hội đoàn trong tình hình mới.
Sơ lược về lịch sử phát triển các tổ chức hội đoàn NVNONN
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng, các tổ chức hội đoàn của NVNONN được hình thành từ rất sớm, lúc đầu thành lập tự phát do nhu cầu gắn bó, tương trợ lẫn nhau. Trong những năm dân tộc ta còn dưới ách đô hộ, ngoại xâm, đất nước bị chia cắt, giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước đã là động lực mạnh mẽ đoàn kết đồng bào ta ở nước ngoài cùng đồng bào trong nước. Đó cũng là cơ sở để các vị cách mạng tiền bối như Phan Bội Châu lập Duy Tân Hội, Việt Nam Quang phục Hội. Trong khi bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chú trọng xây dựng các cơ sở kiều bào yêu nước ở nhiều nơi như Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... Người thực sự đã đặt nền móng cho công tác vận động xây dựng các tổ chức Việt kiều yêu nước ủng hộ sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng ta tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác này. Kết quả là nhiều tổ chức hội đoàn của người Việt được thành lập, có quy mô toàn quốc ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những địa bàn có đông kiều bào, tập hợp được nhiều thành phần lứa tuổi, từ phụ lão, phụ nữ, thanh niên, thiếu nhi, công nhân, thương gia, trí thức, sinh viên…, hình thành phong trào Việt kiều yêu nước và có những đóng góp to lớn cho cách mạng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trao bằng khen của Bộ Ngoại giao cho tập thể và cá nhân kiều bào có thành tích trong củng cố, phát triển cộng đồng và trong xây dựng quê hương, đất nước, tháng 11/2013
Sau năm 1975, do nhiều nguyên nhân, cùng với những biến chuyển của tình hình trong nước và quốc tế, phong trào Việt kiều yêu nước và nhiều hội đoàn đã không còn hoặc thu hẹp về quy mô tổ chức. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã ra nhiều văn bản liên quan đến việc vận động, hỗ trợ xây dựng và phát triển tổ chức hội đoàn NVNONN. Trong nhiều năm, Ban Việt kiều trung ương và sau này là Ủy ban Nhà nước về NVNONNN-Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài, kiên trì vận động, xây dựng nòng cốt, hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của nhiều tổ chức, hội đoàn kiều bào.
Kể từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004, công tác đối với NVNONN đã thực sự chuyển sang giai đoạn mới. Nhiều biện pháp được đề xuất liên quan đến xây dựng, phát triển các tổ chức của NVNONN, chính sách đối với cán bộ cốt cán, nòng cốt trong các tổ chức hội đoàn. Chỉ thị số 19 ngày 06/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo thêm động lực và những bước đột phá mới, trong đó chú trọng thúc đẩy phát triển các hội đoàn NVNONN, khuyến khích mọi hình thức tổ chức, tập hợp kiều bào. Bộ Ngoại giao (Uỷ ban Nhà nước về NVNONN) cũng đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài tích cực vận động, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở các địa bàn thành lập các hội đoàn, nơi thích hợp thì thành lập Tổng Hội ở trung ương và các chi hội ở địa phương; định hướng và phát triển hoạt động của các hội đoàn người Việt Nam nhằm củng cố sự ổn định lâu dài tại chỗ, hòa hợp với xã hội sở tại và cùng nhau đoàn kết hướng về Tổ quốc.
Từ đó đến nay, ngày càng nhiều hội đoàn NVNONN ra đời dưới những hình thức đa dạng, nội dung hoạt động phong phú, góp phần gắn kết cộng đồng, giúp nhau ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc, duy trì tiếng Việt, hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương và suy nghĩ trăn trở để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chỉ trong vòng vài năm qua đã có hàng chục Tổng Hội người Việt Nam toàn quốc được thành lập tại các địa bàn như: Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch, Mông Cổ, Ka-dắc-xtan, Đài Loan, Thái Lan… Bên cạnh đó, nhiều Ban liên lạc, Ban vận động thành lập các Hội người Việt ở các nước đã ra đời tạo tiền đề cho việc thành lập các hội đoàn của người Việt tại các nước: Bra-xin, Áo, Síp, Mô-dăm-bích, I-xra-en, Ca-ta…, ngoài ra còn có hàng chục hội người Việt ở các địa phương, hội đồng hương, nghề nghiệp… Lần đầu tiên Hiệp hội doanh nhân NVNONN được thành lập (năm 2009), hình thành mạng lưới quy tụ và liên kết doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới. Những năm gần đây, ngày càng nhiều Hội người Việt, Hội thanh niên - sinh viên, Hội doanh nhân, trí thức ra đời và hoạt động tích cực, nội dung sinh hoạt phong phú.
Để tạo xung lực mới cho công tác này, từ ngày 11-13/11/2011 tại Đà Lạt, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị Lãnh đạo các tổ chức NVNONN lần thứ nhất với chủ đề “Vì cộng đồng đoàn kết, cùng đất nước hội nhập và phát triển” với sự có mặt của gần 150 đại biểu kiều bào là lãnh đạo, đa số là Chủ tịch và Phó Chủ tịch các hội đoàn của người Việt Nam tại 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Gần 100 đại diện lãnh đạo của các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tham dự, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tổ chức hội đoàn.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cắt băng khai trương trụ sở Hội NVN toàn Thái Lan, tháng 1/2013
Thuận lợi và khó khăn
Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt
Thuận lợi:
- Cộng đồng phát triển, địa vị kinh tế, pháp lý tốt hơn trước, luật lệ nhiều nước cho phép dễ dàng thành lập tổ chức, hội đoàn.
- Bước đầu có một bộ phận, một số người thành công về kinh tế, chính trị có ảnh hưởng trong cộng đồng và có quan hệ với chính quyền sở tại, có khả năng tập hợp, hỗ trợ hoạt động cộng đồng.
- Xu hướng chung của cộng đồng là hướng về đất nước, lượng kiều bào về nước tăng nhanh những năm gần đây.
- Đất nước phát triển, ổn định, có quan hệ hữu nghị với các nước và vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; quan hệ của Việt
- Đảng và Nhà nước có chủ trương rõ ràng, nhất quán, chính sách cởi mở, ngày càng hoàn thiện, các thủ tục hành chính, công tác khen thưởng kiều bào ngày càng được cải tiến.
- Các cơ quan hữu quan trong nước đã thực hiện một số đề án, biện pháp hỗ trợ các tổ chức, hội đoàn về thông tin, tổ chức sự kiện, hoạt động ở trong và ngoài nước.
Khó khăn:
- Cộng đồng sinh sống không tập trung, điều kiện kinh tế, pháp lý của một bộ phận, ở một số nơi còn khó khăn.
- Trong bối cảnh mới, nhiều hội truyền thống, từng có quy mô về tổ chức, có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước gặp nhiều khó khăn về đổi mới nội dung, phương thức, kinh phí hoạt động, lực lượng kế thừa. Trong khi đó, ở nhiều nơi đã xuất hiện nhiều tổ chức mới của NVNONN đa dạng về hình thức như các hội đồng hương, hội cùng sở thích, nghề nghiệp…
- Nội bộ một số hội còn xảy ra mâu thuẫn, mất đoàn kết; chưa tìm được động lực mới để quy tụ, đoàn kết cộng đồng.
- Các tổ chức người Việt cực đoan, tuy số lượng ngày càng giảm, nhưng vẫn còn nhiều thủ đoạn tinh vi để chống phá.
Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại CH Séc nhiệm kỳ 2012 -2016
Một số giải pháp:
Trước sự biến chuyển của tình hình thế giới, tình hình trong nước và cộng đồng, nhiều bài học, kinh nghiệm thành công trong việc vận động, tập hợp, phát triển tổ chức NVNONN có thể tiếp tục phát huy, nhân rộng nhưng cần được vận dụng linh hoạt, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Để công tác tổ chức, hội đoàn NVNONN tiếp tục phát huy vai trò tích cực, củng cố và đoàn kết cộng đồng, cùng đất nước hội nhập và phát triển, cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “nơi nào có người Việt thì nơi đó có hội đoàn”. Thời gian tới, công tác hội đoàn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là việc tổ chức, xây dựng các hội đoàn mới hướng về đất nước với nhiều hình thức đa dạng, góp phần tập hợp và quy tụ ngày càng nhiều bà con kiều bào.
Thực tiễn cho thấy sự hình thành và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn tại các địa bàn thường dựa trên cơ sở các “hạt nhân” tích cực được gây dựng từ phong trào của cộng đồng. Những địa bàn nào có nhân tố tích cực, được sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện ta và các tổ chức, đoàn thể trong nước thường xuyên quan tâm giúp đỡ, đánh giá kịp thời và có biện pháp hỗ trợ, thì các tổ chức hội đoàn ở những địa bàn hoặc khu vực đó phát triển mạnh và được đông đảo bà con nhiệt tình ủng hộ. Vì vậy, hội và các lãnh đạo hội cần tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối, nhân tố quan trọng quy tụ, đoàn kết, giúp cộng đồng phát triển, sinh sống ổn định ở địa bàn sở tại, duy trì mối liên hệ và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Các Cơ quan đại diện ta cần tiếp tục phát huy tạo thế, hỗ trợ cho các hoạt động của hội; Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động và xây trụ sở hội ở những địa bàn khó khăn; kịp thời khen thưởng, động viên lãnh đạo và hội viên có nhiều thành tích, đóng góp; tiếp tục giải quyết khen thưởng, chính sách cho kiều bào tham gia kháng chiến (đặc biệt ở các địa bàn Thái Lan, Campuchia, Lào…).
Thứ hai, hiện nay hoạt động cộng đồng có sự tham gia của nhiều thành phần, nhiều thế hệ (sinh trưởng trong nước - định cư ở nước ngoài, sinh trưởng ở nước ngoài, đi lao động - du học) vừa là nhu cầu tự nhiên, vừa là cơ hội để tập hợp, đoàn kết cộng đồng, bổ sung nguồn lãnh đạo hội, phát triển hội cả về số lượng và nội dung sinh hoạt. Vì vậy, cần có các biện pháp khác nhau khuyến khích thanh niên, sinh viên, du học sinh tham gia sinh hoạt cộng đồng, hoạt động của hội, qua đó phát hiện và tăng cường bổ sung lớp trẻ vào hoạt động trong Ban chấp hành các hội đoàn, nhằm trẻ hoá trong tạo nguồn kế cận và thúc đẩy hoạt động phong trào của các hội đoàn. Cần đặc biệt quan tâm tới các tổ chức của thanh niên sinh viên NVNONN, tạo sân chơi bổ ích và lý thú cho thanh niên, hướng các hoạt động của thế hệ trẻ vào việc phục vụ xây dựng và phát triển đất nước; bổ sung kinh phí để tăng cường các hoạt động về nguồn, hỗ trợ các hoạt động tập hợp thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ kiều bào.
Thứ ba, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức hội đoàn, sinh hoạt của các hội đoàn cần quan tâm, bồi đắp thêm các điểm sau: trước hết, phải khẳng định truyền thống, bản sắc văn hoá, lòng tự hào dân tộc, mối liên hệ và tình cảm với quê hương chính là sợi dây kết nối, đoàn kết cộng đồng. Đây chính là động lực giúp quy tụ và gắn kết kiều bào trong cộng đồng nói chung và các tổ chức hội đoàn nói riêng. Để hỗ trợ cho các hội đoàn trong việc giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và gắn bó với cội nguồn, Nhà nước cần quan tâm đẩy mạnh các chương trình và Đề án liên quan đến dạy tiếng Việt, hỗ trợ sách giáo khoa và giáo viên; tăng cường công tác thông tin, văn hóa hỗ trợ cộng đồng; cập nhật thường xuyên thông tin các vấn đề của đất nước, vấn đề biên giới, biển đảo, quan hệ Việt Nam với các nước, quan hệ với nước sở tại để hội chủ động thông tin, hướng dẫn cho hội viên và cộng đồng, phối hợp đấu tranh bác bỏ các luận điệu chống Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, các hội đoàn cần đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc tư vấn, hỗ trợ về pháp lý và quan hệ với sở tại, vận động cộng đồng chấp hành luật pháp nước cư trú, giúp hội viên giải quyết các vướng mắc về cư trú, yên ổn làm ăn. Các cơ quan chức năng của Nhà nước và Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài cần tăng cường trao đổi, ký kết với các nước các hiệp định củng cố địa vị pháp lý của cộng đồng, tăng cường bảo hộ công dân, hỗ trợ bảo đảm an ninh, giúp trấn áp các hoạt động tội phạm trong cộng đồng.
Cuối cùng, đất nước phát triển, hội nhập, quan hệ hữu nghị với các nước là cơ hội mới, thêm nhiều thuận lợi cho hoạt động hội, để hội và cộng đồng tham gia vào các hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hoá Việt, làm cầu nối hữu nghị, kết nối các hoạt động kinh tế của cộng đồng, của nơi cư trú với đất nước, huy động nguồn lực tri thức để phát triển khoa học công nghệ, giáo dục nước nhà. Nhà nước cần quan tâm, tạo điều kiện, tạo thế để hội có vai trò, vận động kiều bào và sở tại đóng góp, tham gia các hoạt động trên; nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trung tâm thương mại của kiều bào tạo nhiều việc làm và đóng góp cho sinh hoạt cộng đồng, cho chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; sớm có chính sách, biện pháp đột phá, khuyến khích, sử dụng chuyên gia, trí thức kiều bào, đặc biệt là trí thức trẻ đóng góp xây dựng quê hương.