A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc: Động lực gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước

Bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc là sức mạnh, là tài sản “vô hình” của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng để gắn kết giữa cộng đồng trong nước và cộng đồng ở nước ngoài.

 



 Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn tiếng Việt”, tháng 9/2011


Hiện nay, cùng với 90 triệu người sinh sống trong nước, Việt Nam còn có khoảng 4,5 triệu người sinh sống, lao động, học tập tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Để xác định được đúng những biện pháp nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, khiến những giá trị này trở thành động lực gắn kết cộng đồng sinh sống trong nước và cộng đồng sinh sống ngoài nước, để người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) gắn bó với đất nước, cần giải quyết những vấn đề gì? Chúng tôi xin được bày tỏ những suy nghĩ ban đầu về vấn đề này.

Tầm quan trọng của bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong gắn kết cộng đồng

Bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc là sức mạnh, là tài sản “vô hình” của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng để gắn kết giữa cộng đồng trong nước và cộng đồng ở nước ngoài. Một số quốc gia trên thế giới, thậm chí, coi tài sản “vô hình” này là sức mạnh mềm của quốc gia. Theo Joseph Nye, lý thuyết gia người Mỹ, người khởi xướng lý thuyết này, “sức mạnh mềm” gồm: văn hoá, hình thái ý thức, quy tắc và chế độ của thể chế quốc tế, chế độ kinh tế chính trị của quốc gia đó. Sau này, vào năm 2006, ông đã chỉ ra ba nguồn chủ yếu của sức mạnh mềm là: văn hoá, giá trị quan quốc giachính sách đối ngoại. Với Việt Nam, cộng đồng 54 dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa giàu bản sắc và truyền thống lâu đời. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, văn hoá là một lĩnh vực rất dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hoá và văn hoá truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả. Chính vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các chiến lược, chính sách để bảo vệ bản sắc văn hoá  quốc gia, phát huy truyền thống dân tộc ở trong và ngoài nước.

Đảng và Nhà nước Việt Nam trong những năm qua luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII), Kết luận của Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009 luôn luôn nhấn mạnh đến việc phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Chính sách bảo vệ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc không phải chỉ dành cho người dân trong nước, mà còn phải dành cho người dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, bởi lẽ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc lại mang những ý nghĩa và có một tầm quan trọng khác. Với người Việt Nam, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc luôn là động lực để để kết nối cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhìn từ phương diện bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc

Cộng đồng NVNONN có nhiều thế hệ khác nhau, nhưng nhìn từ phương diện bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc đều có những nét chung. Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước.

Cùng với những hoạt động sáng tạo, trình diễn, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, cần thấy rằng cộng đồng NVNONN đã góp phần tích cực bảo lưu được bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc. Những nét đẹp của bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc đã được giữ gìn và phát triển trong cộng đồng NVNONN. Trong sâu thẳm tâm thức, đồng bào vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam, vẫn luôn coi mình là nòi giống con Lạc cháu Hồng. Một số loại hình nghệ thuật truyền thống đã được các văn nghệ sĩ, trí thức là NVNONN bảo tồn, truyền dạy cho thế hệ sau. Nhu cầu về sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng trong cộng đồng NVNONN cũng đang ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, ở hầu hết các địa bàn, nhất là ở những cộng đồng có 3-4 thế hệ cùng chung sống, lại đang diễn ra sự giằng co gay gắt giữa một bên là nhu cầu hội nhập để ổn định cuộc sống ở quốc gia sở tại với một bên là nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, đặc biệt việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh trưởng ở nước ngoài đang là một thách thức rất lớn.

Mặt khác, để xem xét vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN, nhìn từ phương diện văn hóa, cần thấy một đặc điểm rất quan trọng, đó là những năm qua trong cộng đồng NVNONN đã hình thành và phát triển một lực lượng sáng tác, biểu diễn văn hóa, văn nghệ khá đông đảo. Có thể nhắc đến những văn nghệ sĩ trong cộng đồng NVNONN như: lĩnh vực âm nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (ở Pháp), GS.TS. Trần Quang Hải và ca sỹ Bạch Yến (ở Pháp), Phương Oanh với nhóm Phượng Ca và Quỳnh Hạnh - nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc (ở Pháp), cây sáo Nguyễn Đình Nghĩa và các con của ông (ở Hoa Kỳ), nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh (ở Đức) hay giáo sư, nghệ sĩ ghita Đặng Ngọc Long biểu diễn và dạy học (ở Đức)…; lĩnh vực văn học có nhiều nhà văn NVNONN đã có tác phẩm giới thiệu trong nước như Nguyễn Mộng Giác với tiểu thuyết lịch sử Sông Côn mùa lũ, Trần Kiêm Đoàn với tập truyện ngắn Con yêu bánh nậm, tập ký sự và biên khảo Từ ngõ Huế xưa, Bùi Minh Đức với T điển Tiếng Huế (dày 1.000 trang, tái bản tại Việt Nam), Thân Thị Ngọc Quế với 10 tập thơ được in ấn tại quê nhà, như Giọt nước cành sen, Mây trắng đường về, Ngọn cỏ mặt trời..., Nguyễn Xuân Dũng với tập bút ký Gió về Tùng môn trang, v.v... cùng đội ngũ khá đông đảo các nhà văn, nhà thơ khác; lĩnh vực mỹ thuật với Nguyễn Đại Giang (ở Hoa Kỳ), Phạm Thị Đoàn Thanh (ở Đức), Lâm Triết, Thái Tuấn, nữ họa sĩ Văn Dương Thành...; lĩnh vực điện ảnh với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh - người đã thành công với phim Mùa len trâu, đạo diễn Lưu Huỳnh với phim Áo lụa Hà Đông, diễn viên điện ảnh Dustin Nguyễn…



 Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Australia


Tất cả những sáng tác, tác phẩm của những văn nghệ sĩ này có thể đã được bạn đọc, khán giả, người xem trong nước biết đến, nhưng cũng có thể mới chỉ được lưu hành trong cộng đồng NVNONN, song có thể nói, bộ phận sáng tác, tác phẩm này có vị thế rất quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc cho cộng đồng NVNONN.

Trước tiên, những sáng tác, tác phẩm ấy giúp cho cộng đồng NVNONN hiểu hơn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc ngay tại nơi đất khách quê người. Căn cước văn hóa của mỗi dân tộc là một vấn đề khó có thể phai nhạt trong mỗi con người, trong mỗi văn nghệ sĩ, nên dù có xa quê hương, dù có bị “bứng ra” khỏi vùng đất cội nguồn, họ vẫn mang một tâm hồn Việt Nam, một tình cảm Việt Nam. Vì thế, các sáng tác của các văn nghệ sĩ trong cộng đồng NVNONN rất có tác dụng với chính cộng đồng NVNONN. Những sáng tác ấy khiến cho đồng bào không rơi vào cảm giác cách xa vùng đất cội nguồn, luôn gần gũi với tâm hồn và tính cách người Việt Nam.

Thứ hai, chính những tác phẩm, sáng tác của các văn nghệ sĩ trong cộng đồng NVNONN đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè nước ngoài, nhất là những sáng tác được viết bằng ngôn ngữ của quốc gia sở tại, giúp cho bạn đọc, người xem là người nước ngoài thấy được truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước Việt Nam.

Những việc đã làm và những vấn đề đang đặt ra

Xuất phát từ những đặc điểm ấy của cộng đồng NVNONN trên phương diện văn hóa nghệ thuật, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa,truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN. Thực hiện nghị quyết số 36 /NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về công tác đối với NVNONN, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhiều chính sách đã được ngành văn hóa, thể thao và du lịch ban hành và thực hiện trong thực tiễn.

Thứ nhất, công tác giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng NVNONN mấy năm gần đây đã được đẩy mạnh hơn. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo điện tử, internet, qua các chuyến lưu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước tới các quốc gia có cộng đồng người Việt Nam làm ăn, lao động, sinh sống và học tập, thông qua việc cung cấp những ấn phẩm văn hóa như sách báo, băng đĩa tới cộng đồng NVNONN, văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã được giới thiệu nhiều hơn với đồng bào trong những năm gần đây.

Để thúc đẩy công việc này, Chính phủ đã có Quyết định 114 sửa đổi một số quy định trong chính sách đối với NVNONN về hỗ trợ việc vận chuyển sách báo, ấn phẩm và đưa đoàn nghệ thuật ra nước ngoài phục vụ đồng bào. Công tác quảng bá du lịch - văn hóa thông qua việc hợp tác với các đoàn quốc tế vào Việt Nam làm phim, phóng sự giới thiệu nhiều mặt đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa, du lịch Việt Nam, là một trong những kênh quảng bá hiệu quả và quan trọng được thực hiện liên tục trong các năm qua. Việc thực hiện các phóng sự, phim giới thiệu về Việt Nam phát trên các kênh truyền hình quốc tế đem lại hiệu quả đáng kể, hình ảnh Việt Nam đã hiện diện trên các đài truyền hình lớn trên thế giới, tiêu biểu tại Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc, Mỹ. Tính đến tháng 11/2011, sản phẩm phim ảnh do Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối tổ chức sản xuất đã được phát sóng tại các kênh truyền hình lớn, phủ sóng rộng, tiêu biểu như ADR Đức (phát toàn Châu Âu), NHK (lớn nhất Nhật Bản), CCTV Trung Quốc (kênh đối ngoại Trung Quốc phát sóng toàn cầu)...

Quảng bá thông qua các lễ hội, chương trình quảng bá du lịch văn hóa với quy mô lớn tại nước ngoài: Đây là dạng hoạt động thường niên và đang đi vào quỹ đạo với những hoạt động quy mô lớn, ảnh hưởng sâu rộng và ngày càng được mở rộng ở nhiều quốc gia qua các Tuần/Tháng/Năm Việt Nam... Điển hình năm 2011, hoạt động xúc tiến quảng bá có quy mô lớn nhất tại nước ngoài là “Tháng Việt Nam tại Pháp” được tổ chức tại 04 thành phố của Pháp trong tháng 5/2011. Lễ hội gồm các hoạt động triển lãm, chiếu phim, hội chợ, ẩm thực, biểu diễn nghệ thuật, nói chuyện chuyên đề, hội thảo du lịch, trình diễn thời trang Việt Nam được tổ chức liên tục đem đến một tháng sôi động về văn hóa Việt Nam tại thủ đô Paris và 03 thành phố du lịch phía Tây Nam nước Pháp.

Quảng bá thông qua cơ quan đại diện văn hóa, du lịch, thể thao tại nước ngoài: Hoạt động thường xuyên của 02 Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và tại Cộng hòa Pháp ngày càng phong phú, đa dạng, thực sự là cầu nối hiệu quả cho nhiều sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch giữa trong nước với quốc tế. Các Trung tâm là địa chỉ gần gũi phục vụ công chúng nước sở tại và cộng đồng NVNONN, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, tăng cường sự đoàn kết dân tộc, đồng lòng hướng về Tổ quốc của cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm của các họa sỹ Việt kiều và họa sỹ Pháp (Làng tôi và sắc mầu của biển, Sắc mầu quê hương, Hà Nội 36 phố phường), tổ chức giao lưu võ cổ truyền dân tộc, tổ chức biểu diễn nghệ thuật do nhóm hợp ca Quê hương và các hội đoàn người Việt Nam tại Pháp (chương trình “Yêu dấu khôn nguôi, Gặp gỡ âm nhạc phương Đông và phương Tây...). Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào tổ chức một số hoạt động văn hóa đối ngoại: Gặp mặt đầu Xuân Nhâm Thìn 2012; Thi nấu cỗ Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội Báo Xuân Việt Nam - Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay, Lào; Phối hợp với Tổng Hội người Việt Nam tại Lào tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng cộng đồng người Việt Nam tại Lào tại Cung Văn hóa Quốc gia Lào nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức trại sáng tác điêu khắc đá “Tình hữu nghị Việt Nam - Lào” tại Viêng Chăn.

Các Trung tâm Văn hóa VNONN thực sự trở thành cầu nối trong quan hệ văn hóa đối ngoại; là điểm đến tin cậy cho Cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc và bạn bè quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về đất nước, con người và truyền thống văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.

Thứ hai, tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ NVNONN về nước biểu diễn, liên kết với các cơ sở văn hóa nghệ thuật trong nước xuất bản, phát hành tác phẩm. Nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh của NVNONN đã được giới thiệu kịp thời với bạn đọc, khán giả trong nước. Trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy tổ chức chương trình âm nhạc “Ngày trở về” và phát hành album nhạc của mình, các ca sĩ Hương Lan, Elvis Phương, Duy Quang, Đức Huy, Tuấn Ngọc, Thái Hiền... đã góp mặt trong nhiều chương trình ca nhạc, cầu truyền hình, Zerry Dạ Lam ra album riêng Dạ khúc”... Trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, đạo diễn Lưu Huỳnh làm phim nhựa Áo lụa Hà Đông, nghệ sĩ hài Hoài Linh tổ chức show kịch hài lưu diễn toàn quốc. Trong lĩnh vực văn học, nhiều tác giả đã xuất bản các tác phẩm của mình trong nước như Nguyễn Mộng Giác, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Văn Thọ, Bùi Minh Đức, Thân Thị Ngọc Quê...

Thứ ba, công tác hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Việt đã được chăm lo, đẩy mạnh ở một số địa bàn thông qua một số dự án đã được tiến hành trong những năm gần đây.

Thứ tư, đã tổ chức nhiều chuyến về nguồn giao lưu văn hóa cho NVNONN, nhất là cho thanh niên, sinh viên để cộng đồng hiểu biết nhiều hơn về bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Tuy nhiên, công việc bảo tồn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Một là, với thế hệ thứ hai, thứ ba NVNONN, việc lưu giữ, trao truyền tiếng Việt đang đặt ra những vấn đề không thể không giải quyết. Trong thế hệ trẻ NVNONN, hiện tượng không nói và viết được tiếng mẹ đẻ không còn là cá biệt. Trong khi đó, tiếng nói và chữ viết của cộng đồng không sinh sống ở nơi đất gốc là yếu tố quan trọng để giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Nếu không nói và viết được tiếng mẹ đẻ thì rất khó giữ gìn được bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Hai là, những điều kiện kinh tế, xã hội của các quốc gia sở tại không phải lúc nào cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Do vậy, sẽ luôn luôn có những khó khăn, thách thức, trở ngại cho công việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong các cư dân ở nước ngoài, mà cộng đồng NVNONN không là ngoại lệ.



 Thiếu nhi Việt Nam tại Đức biểu diễn văn nghệ nhằm quảng bá
văn hóa truyền thống Việt Nam tại đây


Những biện pháp để bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trở thành động lực gắn kết cộng đồng với đất nước

Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc là động lực cho sự đoàn kết cộng đồng và gắn kết cộng đồng NVNONN với cộng đồng trong nước.

Với trong nước, cần bổ sung và hoàn thiện chính sách, giúp bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần xây dựng một đề án nhằm hỗ trợ cộng đồng NVNONN giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Trước mắt, tập trung thực hiện một số công việc sau:

- Xây dựng chương trình và nội dung, biên soạn tài liệu về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam dành cho cộng đồng NVNONN, với nhiều dạng ấn phẩm khác nhau: sách, băng, đĩa CD, VCD, DVD... đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của cộng đồng NVNONN.

- Ban hành các văn bản pháp qui để mở rộng giao lưu văn hoá với nước ngoài về hợp tác đầu tư; xuất nhập khẩu văn hoá phẩm; đưa hiện vật bảo tàng, tác phẩm nghệ thuật, trình diễn văn hoá dân gian… ra trưng bày giới thiệu ở nước ngoài; xây dựng hệ thống chính sách tạo điều kiện cho NVNONN đầu tư xây dựng những cơ sở văn hóa, nghệ thuật trong nước.

- Xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật khuyến khích các cơ sở đào tạo, biểu diễn trong nước mời các giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ tài năng là NVNONN về giảng dạy các bộ môn về chỉ huy dàn nhạc, đạo diễn sân khấu, đạo diễn ca nhạc, biên đạo múa, dàn dựng các tiết mục ca múa nhạc cổ điển, bác học phương Tây; trao đổi, hỗ trợ học thuật về các lĩnh vực như bảo tàng học, nhân học, quản lý văn hóa nghệ thuật, v.v...

- Quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng NVNONN. Cung cấp cho bà con những sản phẩm văn hóa mà cộng đồng NVNONN muốn tiếp nhận và hưởng thụ qua các kênh thông tin như: đài phát thanh, đài truyền hình, internet, trang web, sách báo, băng đĩa. Khuyến khích những giao lưu hai chiều về văn hóa giữa các tổ chức, cá nhân NVN trong và ngoài nước. Tổ chức cho thanh niên VNONN về tham quan, học tập văn hóa Việt Nam ở trong nước.

- Trao đổi, giới thiệu và phổ biến sâu rộng những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc, tâm hồn, cốt cách người Việt Nam của các tác giả là NVNONN với bạn đọc trong nước. Xây dựng chương trình nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật của cộng đồng NVNONN.

- Phát huy tối đa vai trò của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào và tại Pháp; nghiên cứu thành lập thêm một số trung tâm văn hóa mới ở một số nước trọng điểm ở các khu vực khi đủ điều kiện, để mở rộng trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật với cộng đồng cư dân của nước sở tại và tạo điểm đến như một ngôi nhà thân thiết cho cộng đồng NVNONN.

 - Trên cơ sở các Hội văn học nghệ thuật của NVNONN ở từng quốc gia, tổ chức thành lập Hội văn học nghệ thuật của NVNONN. Đề nghị Ủy ban Trung ương liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam coi Hội văn học nghệ thuật của NVNONN là một thành viên chính thức của mình để hỗ trợ hoạt động có hiệu quả.

Công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là sự nghiệp của toàn thể dân tộc Việt Nam, trong đó có cộng đồng NVNONN. Để cộng đồng NVNONN tham gia tích cực vào sự nghiệp ấy với tư cách con Lạc cháu Hồng, trước tiên cộng đồng này phải giữ gìn được bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng và khó khăn, đòi hỏi tâm huyết, nỗ lực và sự chung tay góp sức của từng cá nhân cũng như tất cả cộng đồng NVNONN và ở trong nước./.   

GS, TS Nguyễn Chí Bền
Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam


Các tin khác

Tin tiêu điểm