Vận động kiều bào trong thời đại số hoá
Đại sứ Nguyễn Thiệp gặp mặt offline bà Trần Tố Nga và các tình nguyện viên tham gia chương trình “36 giờ với các nạn nhân chất độc da cam dioxine” ngày 19/9/2020 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp |
Điều đáng nói là, thực tế đây là cuộc gặp mặt đầu tiên của tất cả các bạn trẻ vốn không quen nhau ngoài đời mà chỉ biết đến nhau khi cùng một gắn bó với đất nước Việt Nam, cùng một tâm trạng lo lắng cho các nạn nhân chất độc da cam khi hưởng ứng lời kêu gọi của Hội ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (Collectif Vietnam-Dioxin), tham gia các hoạt động trực tuyến kéo dài 36 giờ trên mạng quyên góp ủng hộ cho các nạn nhân này.
Sự tham gia đông đảo của các thanh niên gốc Việt thuộc thế hệ thứ 2 – 3, kết nối với thanh niên Việt Nam và nhiều bạn trẻ ở các nước khác trên thế giới vào chương trình marathon kéo dài “36 giờ” đã làm Ban tổ chức hết sức ngạc nhiên vì sự lôi kéo hấp dẫn của hình thức hoạt động mới mẻ chưa từng có trong các hoạt động vận động cộng đồng tại Pháp. Bà Trần Tố Nga - nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, là một kiều bào hiện đang sinh sống tại Pháp, người đang đâm đơn kiện ra Toà án của Pháp 26 công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam - vui mừng cho biết: “Tôi không ngờ 36 giờ trực tuyến lại có một chương trình phong phú và thu hút nhiều người tham gia đến như vậy!”. Theo bà Nga, điều ấn tượng nhất là lần đầu tiên sau hơn 5 năm tiến hành tại Pháp, các hoạt động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam lại có đông các bạn trẻ gốc Việt tham gia đến như vậy. Bởi vì, “phần lớn các bạn trẻ đều không còn nói tiếng Việt sõi, nhưng tất cả đều gắn bó với cội nguồn, chia sẻ nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ vụ kiện tại Toà án Pháp”. Điều đó cũng chính là bí quyết thành công của 36 giờ trực tuyến. Thực tế đây là một chương trình gồm một chuỗi các hoạt động gồm hội thảo, thảo luận, chiếu phim tư liệu, chia sẻ, phát động quyên góp, xen kẽ là các tiết mục nghệ thuật do các nghệ sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư không chỉ từ Pháp, Mỹ, mà từ nhiều nước châu Âu và từ Việt Nam, thay nhau trình bày trực tuyến và đăng tải qua Facebook. Có 50 nghệ sỹ đã tham gia vào dự án để nói về chất độc da cam theo các cách khác nhau, lan tỏa đến nhiều tầng lớp trong xã hội. Liên tục nhiều cuộc thảo luận trực tuyến đã được thực hiện dưới sự dẫn dắt của nhà báo trẻ gốc Việt Léa Dang, đã giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn phạm vi, quy mô chất độc này được sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào, và nhất là tác hại dai dẳng của nó đối với nhiều thế hệ tại Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, sự kiện đã thu hút được hơn 161.800 lượt xem, 28.900 lượt like, 7.300 chữ ký ủng hộ vụ kiện, cũng như quyên góp được 5.400 Euro cho Quỹ Ủng hộ Nạn nhân chất độc da cam dioxine Việt Nam.
Anh Võ Đình Kim, một trong những sáng lập viên Hội Dioxin Việt Nam, cho biết: “Các tình nguyện viên, trong đó hầu hết là thanh niên Việt kiều thế hệ thứ 2-3 tại Pháp, đã đầu tư công phu gần 3 tháng để chuẩn bị những hoạt động phong phú cả về nội dung và hình thức nghệ thuật và tất cả các hoạt động phối hợp đó đều tiến hành qua mạng”. Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ, anh Võ Đình Kim tiết lộ: “Các thành viên thiện nguyện của Hội cảm thấy được khuyến khích rất nhiều sau cuộc gặp gỡ offline này tại Đại sứ quán. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tiếp tục tham gia và nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động này”. Bởi vì, theo anh, “mỗi người theo cách của riêng mình đều có thể trợ giúp các nạn nhân chất độc màu da cam”. Anh nói: “Sự kiện 36 giờ vì các nạn nhân chất độc da cam đã huy động được rất nhiều người tham gia tại Pháp. Đây là một thành công vô cùng lớn. Chỉ riêng bộ phim của chúng tôi đã thu hút được 160 nghìn lượt xem”.
Đến với chương trình từ nhiều ngành nghề khác nhau, các thế hệ Việt kiều này đều rất hăng say, tích cực, tinh thần xả thân với yêu cầu kỹ thuật cao nhất là đảm bảo chất lượng cho toàn bộ chương trình và làm xúc động lòng người. Đây chính là thế hệ Việt kiều đông đảo tại Pháp rất có nhiều tiềm năng cho đóng góp xây dựng phát triển đất nước.
*
Thành công của chương trình trực tuyến “36 giờ”, cũng như những chia sẻ tại buổi gặp gỡ offline, cho thấy công tác vận động kiều bào nói chung và tại Pháp nói riêng đang đứng trước những yêu cầu mới của thời đại số hoá. Thực tế, công tác vận động kiều bào ở nước ngoài nói chung và tại Pháp nói riêng đang có những thách thức mới do những thay đổi của đời sống xã hội, đặc biệt là tác động nhiều mặt, toàn diện và sâu sắc của quá trình chuyển đổi số mà người ta thường gọi dưới cái tên chung Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khai trương trụ sở mới Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ngày 27/3/2018 |
Riêng tại Pháp, các khó khăn này còn xuất phát từ các đặc điểm riêng có của cộng đồng sở tại. Thứ nhất, đây là cộng đồng người Việt gần như lâu đời nhất ở nước ngoài, thành phần gồm nhiều thế hệ rời đất nước tới Pháp trong các hoàn cảnh khác nhau, mang theo nhiều tâm trạng, suy tư khác nhau… do đó, tính chất cộng đồng đa dạng, phức tạp ngày càng tăng. Thứ hai, trải qua nhiều thập niên phát triển, tổ chức lớn nhất tập hợp rộng rãi nhất người Việt ủng hộ cuộc dấu tranh giải phóng dân tộc trong những năm 70 của thế kỷ trước là Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) không còn giữ được vị trí như trước đây, phương thức hoạt động chưa đổi mới theo kịp các biến chuyển sâu sắc của xã hội Pháp trong thời kỳ số hoá. Thứ ba, trong bối cảnh chuyến đổi số hiện nay, thế hệ kiều bào thứ 2-3 sinh ra và lớn lên trong xã hội nước Pháp hiện đại, chắc chắn sẽ được thu hút bởi nhiều hoạt động khác, nhất là các hoạt động mới mẻ ra đời cùng với mạng xã hội và hoạt động trực tuyến.
Tóm lại, để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn mới đang đặt ra đối với công tác vận động kiều bào, việc tổng kết các hoạt động thực tiễn đã thành công, như Chương trình “36 giờ” với việc ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam của kiều bào ở Pháp vừa qua, là việc làm cần thiết để có thể tổ chức nhân rộng, nhất là không chỉ vận động mà cần tổ chức, phối hợp các bạn trẻ trong các khâu kỹ thuật khi duy trì các hoạt động trực tuyến liên tục này.
Hơn nữa, việc vận động kiều bào trong bối cảnh mới chắc chắn đòi hỏi phải có giải pháp phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng ở trong nước và cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp. Vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã nêu một loạt đề nghị liên quan đến việc tăng cường hơn nữa công tác vận động kiều bào tại Pháp, trong đó cần ưu tiên sớm hoàn thành việc sửa chữa, cải tạo trụ sở Trung tâm Văn hóa - một thiết chế văn hóa rất hiệu quả có thể tạo điều kiện cho các hội đoàn và cộng đồng có địa điểm sinh hoạt; tiếp tục duy trì và tăng cường hỗ trợ từ trong nước cho hoạt động của các hội đoàn, nhất là hoàn thiện giáo trình giảng dạy tiếng Việt cũng như thường niên cử đoàn nghệ thuật trong nước sang biểu diễn phục vụ kiều bào hàng năm nhân dịp Tết Nguyên Đán./.
Nguyễn Thiệp
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Pháp