Vẫn còn khó khăn trong thực hiện chính sách quốc tịch của kiều bào
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Séc, tháng 4/2019 |
Tại Hội nghị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) diễn ra vào tháng 7/2019, nhằm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới và quán triệt quan điểm chỉ đạo về đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII do Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và Ban Dân vận Trung ương phối hợp tổ chức, một trong những công tác trọng tâm đã được thảo luận tại Hội nghị, đó là “vấn đề nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam đối với NVNONN”. Trong nhiều năm qua, vấn đề này vẫn luôn mang tính “thời sự”, gửi gắm rất nhiều những nguyện vọng, tâm tư của bà con kiều bào trên khắp thế giới.
CỘNG ĐỒNG KIỀU BÀO Ở NƯỚC NGOÀI VÀ TÁC ĐỘNG CHÍNH SÁCH QUỐC TỊCH CỦA CÁC NƯỚC
Anh Phan Tiến Dũng hiện đang sinh sống tại Tây Đức và đã định cư tại đây từ năm 1992, đến năm 2009 anh quyết định nhập quốc tịch Đức. Do pháp luật về quốc tịch của Đức quy định người nước ngoài muốn nhập quốc tịch nước này, bắt buộc phải thôi quốc tịch mà họ đang có, nên anh Dũng đã phải nộp đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam. Thời điểm đó, anh Dũng cũng suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ để đưa ra quyết định: “Cũng đắn đo là có nên hay không, nhưng đây là quyền lợi sát sườn của mình, sống ở đâu thì nên mang quốc tịch ở đó. Nếu nhập quốc tịch Đức thì chúng tôi dễ gia nhập vào mọi sinh hoạt, quyền lợi của nước Đức nên dù không muốn bỏ quốc tịch Việt Nam tôi vẫn phải lựa chọn như vậy”.
Trường hợp của anh Dũng cũng giống như nhiều bà con kiều bào có đầy đủ điều kiện để xin nhập quốc tịch nước sở tại, nhưng những quốc gia này lại có nguyên tắc chỉ chấp nhận một quốc tịch duy nhất, đó là các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Nga, Ucraina… Bởi vậy họ đã bắt buộc phải xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Nhưng bên cạnh đó cũng có một số quốc gia cho phép công dân của nước họ có quyền mang 2 hay nhiều quốc tịch như: Úc, Canada, Pháp, Anh, Hungary… Do đó, những người Việt có đủ điều kiện nhập quốc tịch của những quốc gia này đều có thể giữ lại quốc tịch Việt Nam, mang lại nhiều thuận lợi cho bà con. Chị Nguyễn Nam Phương, hiện đang định cư tại Pháp, cho biết: “Công dân Việt Nam có 2 quốc tịch là thuận lợi lớn cho những người Việt định cư ở nước ngoài như tôi. Thuận lợi thứ nhất là đi lại, tôi không cần xin visa mỗi lần về thăm nhà; thứ hai là tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, gia đình tôi vẫn sống ở Việt Nam nên mặc dù tôi định cư ở nước ngoài đến nay đã gần 20 năm, nhưng việc được giữ quốc tịch Việt Nam làm tôi có cảm giác gắn bó hơn với quê hương, nguồn gốc của mình”.
Cộng đồng người Việt kỷ niệm 6 năm thành lập Làng Staritskogo, Ucraina, tháng 7/2019 |
Dù định cư tại những quốc gia có nguyên tắc 1 hoặc 2 hay nhiều quốc tịch thì gần như có một điểm chung là khi muốn nhập quốc tịch nước sở tại thì bà con ta phải đảm bảo quyền cư trú theo số năm quy định, thu nhập ổn định, tuân thủ các quy định pháp luật và đủ trình độ, năng lực về tiếng bản địa cũng như các kiến thức cơ bản về quốc gia mà mình xin nhập quốc tịch.
Theo thông tin từ Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao thì đến nay, chưa có con số thống kê chính xác là bao nhiêu phần trăm trong số hơn 5,3 triệu NVNONN vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam hay đã nhập quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục lãnh sự, tỷ lệ còn giữ quốc tịch Việt Nam chiếm đa số vì theo luật định, công dân Việt Nam chỉ mất quốc tịch Việt Nam khi được Chủ tịch nước quyết định cho thôi quốc tịch hoặc tước quốc tịch. Nếu xét về mặt cơ học, căn cứ số liệu thống kê của các cơ quan chức năng thì trong vòng 50 năm trở lại đây mới có khoảng hơn 400 ngàn trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam và như vậy vẫn có khoảng gần 5 triệu NVNONN vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Còn về xu thế thì thời gian qua, nhu cầu giải quyết các vấn đề quốc tịch của bà con ta chủ yếu gồm 3 loại thủ tục: Thứ nhất là thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch sở tại, tập trung tại các nước như Đức, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đối với nhóm này, bà con phải làm hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, do đó trên thực tế nhóm này gặp khó khăn trong vấn đề thủ tục, bởi mỗi nước có thủ tục thôi quốc tịch hoặc vào quốc tịch khác nhau nên phần lớn nhiều bà con không tự làm được, thậm chí phải thuê luật sư tư vấn và thường phải mất công chờ đợi trong thời gian dài. Hai nhóm thủ tục còn lại đó là trở lại quốc tịch Việt Nam đối với những người đã thôi quốc tịch và nhập quốc tịch Việt Nam khi luật pháp sở tại có sự thay đổi và nhóm thứ 3 là thế hệ con em người Việt sống ở nước ngoài hiện nay cũng mong muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
Người Việt tại Biển Hồ (Campuchia) gặp gỡ chính quyền địa phương |
VẪN CÒN NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUỐC TỊCH
Thực tế cho thấy, phần đông cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài mong muốn Nhà nước Việt Nam công nhận quy chế 2 hay nhiều quốc tịch, nghĩa là vừa có quốc tịch Việt Nam, vừa có quốc tịch nước ngoài. Ngoại trừ thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 mặc nhiên có quốc tịch nước ngoài do sinh ra tại sở tại, còn lại bà con mong muốn được nhập quốc tịch nước ngoài. Nguyên nhân xuất phát từ những vấn đề liên quan trực tiếp tới lợi ích của bà con như: được hưởng quy chế cư trú dài hạn, có hộ chiếu nước ngoài, được hưởng các quyền lợi như công dân nước sở tại về việc làm, bảo hiểm, trợ cấp xã hội, việc học hành của con cái… Nhưng đồng thời, họ cũng không muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam vì họ muốn giữ mối liên hệ chặt chẽ với quê hương, đất nước. Việc còn hay không còn giữ quốc tịch Việt Nam cũng ảnh hưởng trực tiếp tới một số quyền lợi của bà con kiều bào như vấn đề xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương… Xuất phát từ thực tế đó, nhiều năm qua vấn đề quốc tịch của bà con vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong vấn đề thủ tục giấy tờ.
Ông Aland Võ sinh ra và lớn lên tại Vĩnh Long, đã định cư tại Mỹ hơn 50 năm, nhưng đến nay ông không thuộc diện là NVNONN vì hiện tại không có giấy tờ (hộ chiếu Việt Nam, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh...) chứng minh mình là người Việt. Do đó, khi quyết định về Việt Nam sinh sống và đầu tư, ông Aland Võ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục quốc tịch, giấy tờ ở Việt Nam nếu “đúng quy trình thủ tục”, trong khi các điều kiện để xác nhận quốc tịch Việt Nam do cơ quan ban ngành quy định lại rất đơn giản.
Còn tại Ucraina, hiện có nhiều thanh thiếu niên thế hệ thứ 2, thứ 3 người Việt khi làm đơn xin gia nhập quốc tịch Ucraina thì phía sở tại có yêu cầu phải xác nhận là các cháu chưa nhập quốc tịch Việt Nam. Nhưng cơ quan đại diện Việt Nam tại Ucraina lại không đủ thẩm quyển để cấp những giấy chứng nhận như vậy. Điều này cũng gây khó khăn cho các cháu khi xin nhập quốc tịch Ucraina để nhập học hay được hưởng một số quyền lợi công dân khác.
Bên cạnh đó, thực trạng “không quốc tịch” cũng là một trong những cái khó mà công tác liên quan đến quốc tịch của NVNONN phải “đau đầu”. Câu chuyện quốc tịch của một bộ phận người Việt tại Campuchia hay những cô dâu Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Nhiều bà con tại Campuchia hiện không có địa vị pháp lý rõ ràng, phần lớn không có giấy tờ tùy thân hợp pháp, chỉ có một số lượng ít người Việt có quốc tịch Campuchia. Chính vì vậy, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Còn đa số cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc sau khi theo chồng ra nước ngoài định cư đều muốn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch theo chồng. Nhưng cũng có khá nhiều trường hợp đã xin thôi quốc tịch Việt Nam song lại có mâu thuẫn gia đình dẫn đến ly hôn hoặc do người chồng chết, thẻ cư trú hết hạn nên không được nhập quốc tịch nước sở tại. Từ đó dẫn đến việc họ rơi vào tình trạng không quốc tịch, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống bên đó. Nhiều người trong số họ đã trở về Việt Nam bằng giấy thông hành hoặc được Đại sứ quán Việt Nam tại sở tại bảo hộ công dân. Tuy nhiên, cuộc sống của họ ở Việt Nam cũng có nhiều khó khăn do họ không còn là công dân Việt Nam, không có giấy tờ tuỳ thân, kéo theo đó là cả hệ lụy con cái trở về cùng mẹ cũng trở thành những đứa trẻ “không quốc tịch”, nhiều cháu không được đến trường nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương…
Tuy nhiên, những quy định liên quan đến Luật quốc tịch hiện nay vẫn chưa thể giải quyết được mấu chốt của những vấn đề nêu trên. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa đồng bộ; thậm chí, có tình trạng mỗi nơi tự ý phát sinh thêm hồ sơ.
Trả lời cho câu hỏi, thời gian tới sẽ có những điều chỉnh như thế nào đối với các quy định hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi và cởi mở hơn trong chính sách quốc tịch cho kiều bào, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết: “Dưới góc độ của Bộ Ngoại giao, là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có việc phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giải quyết các vấn đề về quốc tịch. Chúng tôi cho rằng việc sửa đổi, điều chỉnh một số quy định hiện hành về quốc tịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết vì một số vấn đề, nội dung của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 cũng như các văn bản dưới luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể và cũng chưa đáp ứng được hết các nguyện vọng của bà con ta ở nước ngoài với thực tiễn đa dạng của pháp luật các quốc gia khác nhau. Câu hỏi về việc liệu chúng ta có “cởi mở” theo hướng chuyển hẳn sang công nhận hai quốc tịch hay không là một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng và vấn đề mang tính nguyên tắc này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”.
Thực tế, những năm qua, Cục Lãnh sự đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để đề xuất các phương án sửa đổi một số thủ tục theo hướng thuận lợi hơn cho bà con ta như việc xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em lai, quy định về việc cho phép nộp hồ sơ thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc giải quyết các thủ tục khác về quốc tịch qua đường bưu điện để bà con không phải đi lại mất thời gian. Ngoài ra, quy định rõ các “trường hợp đặc biệt” được trở lại hoặc nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Nhiều cô dâu Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) hội nhập tốt với xã hội sở tại |
Đầu năm nay (ngày 3/2/2020), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quốc tịch Việt Nam, có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2020 và thay thế Nghị định số 78/2009/NĐ-CP và Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2009/NĐ-CP. Nghị định này quy định một số điểm mới, đáng chú ý có: khẳng định lại nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam theo Điều 4 của Luật quốc tịch, tạo cách hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với người có quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài; bổ sung quy định về hủy giá trị giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam đã cấp cho người thôi quốc tịch, tước quốc tịch, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; quy định chi tiết và hướng dẫn rõ hơn về các điều kiện xin giữ quốc tịch nước ngoài khi xin nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam…
Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu, Nghị định mới chỉ giải quyết được một phần quan tâm của bà con như: đã cụ thể hóa, khắc phục được một số vướng mắc, bất cập trong các quy định liên quan đến nhập/trở lại quốc tịch, trong đó điều quan trọng nhất là chấp nhận việc đương sự được giữ quốc tịch nước ngoài và tạo thuận lợi hơn cho việc trở lại quốc tịch của NVNONN. Dù vậy, quy định về việc việc nhập quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài còn khó khăn đối với NVNONN do Nghị định tiếp tục quy định điều kiện để nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam là phải có công với đất nước. Ban soạn thảo giải thích, do Luật quốc tịch 2008 chỉ quy định việc nhập quốc tịch đối với người nước ngoài nói chung, không quy định riêng đối với NVNONN, vì vậy, Ban soạn thảo ghi nhận và đề nghị tiếp tục theo dõi, kiến nghị sửa đổi Luật quốc tịch vào thời điểm thích hợp.
Vấn đề quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bà con kiều bào. Bởi vậy, cùng với sự nỗ lực của bà con, để đáp ứng những quy định của pháp luật nước sở tại thì pháp luật Việt Nam cũng đã và đang được sửa đổi theo hướng chú trọng đến việc mở rộng việc hưởng các quyền lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Chính điều này sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt trong vấn đề quốc tịch của bà con ta hiện nay, để việc hội nhập của bà con thêm phần thuận lợi, cũng như đáp ứng được phần lớn nguyện vọng của bà con./.
Mộc Lan