Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với quê hương
Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) tiếp tục khẳng định quan điểm về NVNONN, nhấn mạnh NVNONN là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhân tố quan trọng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế; công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị; đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người Việt Nam hội nhập vào cuộc sống của nước sở tại; bảo vệ quyền lợi chính đáng, động viên kiều bào đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, gắn bó, đóng góp cho quê hương, đất nước.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011), trong những định hướng lớn về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã bổ sung nội dung về vấn đề NVNONN “Hỗ trợ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, giữ gìn bản sắc dân tộc, chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, hướng về quê hương, tích cực góp phần xây dựng đất nước”. Trên cơ sở đó, Hiến pháp (2013) có 4 điều(1) liên quan đến NVNONN, dành riêng Điều 18 tại Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”(2) quy định chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Năm 2015, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW nhằm lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác NVNONN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện tốt hơn Nghị quyết 36-NQ/TW.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, công tác đối với NVNONN đã đạt được nhiều kết quả cụ thể. Nhận thức và hành động của các cấp ủy, hệ thống chính trị đối với công tác vận động NVNONN có chuyển biến tích cực hơn. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác NVNONN trong tình hình mới được quan tâm. Năm 2014, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài(3). Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng NVNONN như chính sách sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chính sách thu hút đầu tư, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… Từ chỗ chỉ có một số văn bản, chủ yếu là văn bản dưới luật, đến nay đã có hàng chục đạo luật liên quan được ban hành như Luật Quốc tịch, Luật Hộ tịch, Luật Nuôi con nuôi, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Giáo dục, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để NVNONN có điều kiện gắn bó nhiều hơn với quê hương, đất nước.
Công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN ổn định cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại, bảo vệ quyền lợi chính đáng, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, gắn bó với quê hương, đất nước tiếp tục được quan tâm. Nội dung về công tác kiều bào đã được đưa vào nhiều hiệp định, thỏa thuận mà Việt Nam ký kết với các nước. Từ năm 2004 đến nay, nhất là sau khi Luật Tương trợ tư pháp 2007 được ban hành, Việt Nam đã đàm phán và ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với 27 nước; tập trung hỗ trợ các cộng đồng kiều bào gặp nhiều khó khăn ở khu vực Đông Nam Á, Đông Âu và châu Phi. Cộng đồng NVNONN ngày càng phát triển, ổn định, hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại, vị thế, uy tín ngày càng nâng cao với khoảng trên 5 triệu người sinh sống, làm ăn và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó một số cộng đồng lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Úc, Campuchia… Đặc biệt, tháng 7/2013, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã được công nhận là dân tộc thứ 14 ở nước sở tại.
Công tác bảo hộ công dân ngày càng kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, với quyết tâm và sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, việc tổ chức hàng trăm chuyến bay đưa hơn 53 ngàn công dân Việt Nam từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn cũng như triển khai kịp thời những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho kiều bào ở nước ngoài gặp khó khăn do dịch bệnh (chuyển khẩu trang, vật tư bảo hộ y tế phòng dịch…) được đánh giá cao, củng cố niềm tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin của cộng đồng kiều bào đối với Đảng, Nhà nước.
Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng NVNONN được mở rộng với nhiều hình thức phong phú. Chính sách khuyến khích, động viên sự tham gia đóng góp của kiều bào được quan tâm, có giải pháp cụ thể. Một số cá nhân tiêu biểu NVNONN không chỉ là thành viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tham gia Ban Chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội, mà còn có ảnh hưởng tích cực, phát huy được vai trò nòng cốt tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng. Những đóng góp của kiều bào qua nhiều hình thức, cơ chế phù hợp(4) đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0, phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,... Hàng trăm dự án FDI của kiều bào ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam góp phần tạo việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối ngày càng tăng là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân, góp phần bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, tăng dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
Chủ trương đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các phương thức vận động, các hình thức tập hợp đoàn kết NVNONN, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, khuyến khích những hoạt động hướng về Tổ quốc được các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị triển khai tích cực với nhiều sáng kiến thu hút, quy tụ sự quan tâm của đông đảo cộng đồng NVNONN. Gần đây, NVNONN thế hệ thứ ba trở về làm ăn, tham gia các hoạt động gắn với quê hương, đất nước có xu hướng tăng. Mạng lưới kiều bào trẻ quy tụ được hàng trăm thanh niên đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo với khoảng 100 nhà khoa học NVNONN hàng đầu trong các lĩnh vực. Diễn đàn người Việt Nam có ảnh hưởng toàn cầu được tổ chức tại Pháp tháng 3/2019 thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu, trong đó hơn 200 đại biểu là những người Việt Nam thành đạt, có ảnh hưởng trong các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, khoa học, nghệ thuật… đến từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các hoạt động về nguồn như Chương trình Xuân Quê hương, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương… được duy trì hàng năm ngày càng gắn kết, củng cố niềm tin của cộng đồng kiều bào về sự phát triển của đất nước. Các tổ chức hội, đoàn NVNONN tiếp tục được củng cố, mở rộng, tăng cường hoạt động bằng nhiều hình thức phong phú, đóng vai trò quan trọng trong đoàn kết cộng đồng, giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước sở tại. Hiện có khoảng 500 hội, đoàn NVNONN gắn bó với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm các hội, đoàn như hội sinh viên, hội đồng hương, hội theo đối tượng, sở thích và nghề nghiệp… nhiều hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, chú trọng giáo dục lớp trẻ; một số hiệp hội doanh nghiệp của NVNONN mở rộng liên kết trong khu vực và toàn cầu; hàng trăm cơ sở tôn giáo được thành lập, gắn với văn hóa dân tộc, giải quyết một phần nhu cầu tín ngưỡng của NVNONN. Ý thức giữ gìn tiếng Việt, việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài được quan tâm, nhiều lớp học tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba duy trì trong gia đình, được cộng đồng tổ chức có hiệu quả, có nhiều phương pháp.
Những kết quả trên có được từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nỗ lực của Nhà nước, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tăng cường trách nhiệm, phối hợp triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tuy nhiên, công tác vận động NVNONN vẫn còn một số hạn chế, đó là nhận thức chưa đồng bộ, đầy đủ quan điểm của Đảng; một số chính sách chưa tập trung, phối hợp giải quyết có hiệu quả, nguồn lực còn hạn hẹp... việc phát huy trí tuệ, nguồn lực, tâm huyết hướng về quê hương, đất nước chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy các chính sách đầu tư, nhà đất, cơ chế thu hút - sử dụng - đãi ngộ chuyên gia, trí thức là NVNONN ngày càng được cụ thể hóa và thông thoáng hơn nhưng trên thực tế, các chính sách chưa đủ mạnh, thủ tục hành chính chưa thật thuận lợi, một số quy định còn thiếu linh hoạt; điều kiện để các chuyên gia được hưởng chính sách đãi ngộ còn bất cập; chủ yếu dành cho các chuyên gia đã thành danh, chưa quan tâm nhiều đến các chuyên gia trẻ, chưa tương xứng với năng lực, chỉ mới trọng đãi, chưa chú ý trọng dụng; kiều bào chưa tiếp cận được đầy đủ thông tin cần thiết về chính sách đầu tư, thị trường.
Yêu cầu phát triển đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác vận động NVNONN, tăng hiệu quả thực chất của công tác vận động NVNONN, trong đó cần quan tâm:
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và những nhiệm vụ trọng tâm của công tác vận động NVNONN trong Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện tốt tinh thần “Công tác đối với NVNONN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng trong cộng đồng NVNONN, giúp kiều bào nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, hướng về quê hương, đất nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bổ sung chính sách, pháp luật đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của NVNONN, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thu hút kiều bào gắn bó với quê hương, đất nước; thể chế hóa các quan điểm của Đảng liên quan đến NVNONN như các vấn đề: quốc tịch, nhà ở, cư trú, xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, chuyển giao khoa học và công nghệ, thu hút, trọng dụng nhân tài… Trong bối cảnh toàn cầu hóa với khái niệm “công dân toàn cầu” và xu hướng nới lỏng chính sách quốc tịch, cần tích cực nghiên cứu để có chính sách quốc tịch phù hợp với tình hình mới, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng có hoặc giữ quốc tịch Việt Nam của NVNONN để phát huy tốt hơn thế mạnh từ cộng đồng kiều dân. Tổ chức thực hiện có hiệu quả những chính sách liên quan đến NVNONN, tạo thuận lợi để tiếp cận chính sách tốt hơn, khẩn trương cụ thể hóa những chính sách mới trong Luật Đầu tư 2020, Luật Giáo dục 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, Nghị định 27/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung chính sách về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam...
- Đa dạng hóa hình thức tập hợp, vận động NVNONN, tăng cường đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái trong cộng đồng, tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước; chú trọng đến thế hệ trẻ; phát huy vai trò của các cá nhân có uy tín trong cộng đồng, các cá nhân là thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, mạng lưới, diễn đàn làm cầu nối tích cực với quê hương, đất nước, tác động tích cực đến một bộ phận NVNONN còn tâm lý mặc cảm, thành kiến; có chính sách hỗ trợ cho hoạt động của các hội, đoàn gắn với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ NVNONN giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; nhất là việc dạy và học tiếng Việt, vận động, tổ chức tập huấn cho giáo viên không chuyên để nâng cao chất lượng cho hoạt động này.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy phụ trách công tác NVNONN... đáp ứng được tốt hơn yêu cầu của tình hình mới./.
Trương Thị Mai
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng
Trưởng Ban Dân vận Trung ương
-------------------------------------------------
(1) Điều 9, Điều 17, Điều 18, Điều 96
(2) “1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
(3) Hai nội dung sửa đổi quan trọng là: 1) Bỏ quy định về thời hạn 5 năm (01/7/209 – 01/7/2014) người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại Khoản 2 Điều 13; 2) Bỏ quy định về căn cứ mất quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp “Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam” tại khoản 3 Điều 26.
(4) Hiện có 4 trí thức kiều bào tại Pháp, Mỹ, Nhật, Singapore tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; 17 kiều bào tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; số chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam khoảng 500 lượt người/năm.