A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu hút nguồn lực kiều bào phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

Sáng 27/11, sau lễ khai mạc Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Hội nghị đã tiến hành phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài  phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước”.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi chủ trì phiên thảo luận. 

Tham dự phiên thảo luận có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi; Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cùng đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi chủ trì phiên thảo luận.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi khẳng định nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là hết sức to lớn, từ tri thức đến kinh tế. Nếu được huy động tốt, đây là một nguồn lực có thể đóng góp đáng kể cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Có thể nói, những chính sách thu hút, tạo điều kiện cho kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh, hoạt động khoa học và công nghệ... đã tương đối thông thoáng hơn trước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, công tác phát huy nguồn lực NVNONN còn gặp nhiều thách thức và bất cập. Sự khác biệt về thể chế, rào cản ngôn ngữ, nhận thức không tương đồng trong các vấn đề... khiến cho nhiều NVNONN cảm thấy khó khăn khi quay về đầu tư ở quê hương.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Thứ trưởng cho rằng về vấn đề này, chúng ta phải gỡ dần từng bước, thực tế tạo điều kiện cho bà con cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước. “Tôi có mong muốn rằng bà con kiều bào về trong nước đầu tư không phải danh nghĩa kiều bào mà là danh nghĩa người Việt Nam, vì thực sự chúng ta tiến tới gần như không có gì khác biệt giữa kiều bào và trong nước”- Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi bày tỏ.

Với tinh thần trao đổi thực chất, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đề nghị các đại biểu đưa ra những đóng góp ý kiến về chính sách thu hút nguồn lực hiện nay và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các biện pháp để thúc đẩy triển khai chính sách hiệu quả; vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác đối với NVNONN.

Hội nghị đã ghi nhận ý kiến của Đại sứ Vũ Hồng Nam về việc trong nước cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến và tiếp nhận sự khác biệt của kiều bào. Bên cạnh đó, những đóng góp của TS. Nguyễn Thanh Mỹ (kiều bào tại Canada) về việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh và của GS. Nguyễn Thị Kim Thanh (kiều bào tại Anh) về việc tăng cường giao lưu văn hóa, kết nối trí thức trong và ngoài nước, cũng là những vấn đề lớn, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của kiều bào.

Tại phiên thảo luận, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã báo cáo một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút trí thức NVNONN tham gia các hoạt động khoa học công nghệ (KHCN). Trên cơ sở Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ KHCN đã phối hợp với Bộ Ngoại giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 về thu hút cá nhân hoạt động KHCN là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam. Một số chương trình và dự án quan trọng cấp quốc gia như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đều có những quy định về sự tham gia của trí thức Việt kiều ở mức độ trung hạn và dài hạn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, từ năm 2016 đến nay, Bộ KHCN đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các quốc gia phát triển ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ; qua đó đã thu hút sự tham gia của các trí thức trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài về nước đầu tư, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giới thiệu kinh nghiệm, kiến thức về khởi nghiệp của các chuyên gia quốc tế và startup thành công của NVNONN; kết nối các startup của người Việt ở trong và ngoài nước với nhau và với các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để tham gia vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của NVNONN.

Bộ KHCN đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo có sự tham gia của trí thức NVNONN để tham vấn, đóng góp cho khoa học nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung; đồng thời là nơi kết nối giữa các chuyên gia trong nước, chuyên gia là NVNONN và các nhà khoa học là người nước ngoài.

“Có thể nói, Bộ KHCN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thu hút và tạo điều kiện cho trí thức là NVNONN tham gia các hoạt động KHCN, phát triển đất nước, từ hành lang pháp lý đến các chương trình, dự án hoạt động cụ thể; và bước đầu đã có những kết quả tích cực” - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng đưa ra một số giải pháp mang tính định hướng: Xác định việc thu hút NVNONN tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam phải gắn với nhiệm vụ, dự án, chương trình hợp tác cụ thể; Tạo cơ chế thuận lợi, linh hoạt cho các nhà khoa học trong quá trình hợp tác, tham gia hoạt động KHCN tại Việt Nam, như không bắt buộc phải có mặt thường xuyên, liên tục tại Việt Nam để không ảnh hưởng đến công việc họ đang triển khai ở ngoài Việt Nam...; Tạo lập một hệ sinh thái đồng sáng tạo thực sự lành mạnh ở trong nước, kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội nghề nghiệp, sinh sống thuận lợi cho nhà khoa học và gia đình họ.

 Hội nghị lắng nghe ý kiến của GS. Nguyễn Thị Kim Thanh (kiều bào Anh) về việc tăng cường giao lưu văn hóa kết nối trí thức trong và ngoài nước

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải kỳ vọng những ý kiến thảo luận tại Hội nghị ngày hôm nay sẽ giúp tăng cường sự đồng thuận, sự hợp tác và phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan liên quan của Việt Nam và cộng đồng kiều bào mà đại diện là các hội kiều bào; từ đó giúp triển khai hiệu quả hơn nữa những chủ trương, chính sách về công tác đối với NVNONN; huy động mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực của NVNONN, mở rộng và đa dạng hóa các kênh kết nối doanh nhân kiều bào với cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặt trọng tâm vào thế hệ trẻ NVNONN...

Để công tác về NVNONN triển khai một cách hiệu quả, thực sự giúp kiều bào xích gần với trong nước để cùng phát triển, đại diện Lãnh đạo Bộ Công thương đưa ra một số giải pháp, chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này, đó là tăng cường phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các cơ quan liên quan, đảm bảo các hoạt động không bị chồng chéo, bổ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng về tài sản, an ninh, cư trú, đi lại, kinh doanh và văn hóa tinh thần của toàn thể cộng đồng NVNONN; tạo điều kiện cụ thể, rõ ràng với đãi ngộ tương xứng cho trí thức, doanh nhân kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh, đồng thời mở rộng mạng lưới kết nối các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài với định hướng xây dựng các doanh nghiệp kiều bào đóng vai trò đối tác với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước để nhập khẩu và phân phối hàng xuất khẩu của Việt Nam tới tất cả các khu vực trên thế giới.

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm quy tụ, thu hút kiều bào về lập nghiệp cũng như đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Thành phố luôn tích cực phối hợp cùng Bộ Ngoại giao trong công tác phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước, mà gần đây nhất là Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về Chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dich COVID-19 để phát triển kinh tế Việt Nam”.

Chia sẻ những kết quả đáng mừng trong công tác thu hút nguồn lực NVNONN, ông Dương Đức Anh, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lãnh đạo Thành phố đã mạnh dạn vận dụng thực hiện một số chính sách cụ thể về bố trí, sử dụng trí thức NVNONN đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Thành phố như: Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu Sinh học, Khu Công nghệ cao với chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động. Thực hiện cơ chế chính sách đặc thù thu hút nguồn lực NVNONN được Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa bằng Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ban hành quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trong giai đoạn 2019 – 2022.

Mới đây nhất, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thu hút chuyên gia, nhà khoa học của Thành phố năm 2020. Việc này nhằm tổ chức, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học theo nhu cầu nhân lực trình độ cao cho các cơ quan, đơn vị của Thành phố nhằm phục vụ cho các chương trình, kế hoạch, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trên các lĩnh vực trọng điểm tại Thành phố. Đồng thời, tăng cường thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nguồn chất xám trong và ngoài nước, đặc biệt là đội ngũ trí thức NVNONN; người nước ngoài tham gia nghiên cứu, tư vấn cho Thành phố trong các lĩnh vực hoạch định chiến lược và phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn.

  Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã báo cáo một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút trí thức người
Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động KHCN

Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn tạo điều kiện trong công tác cấp giấy phép lao động để kiều bào về Việt Nam làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng quy định; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động thông qua các buổi triển khai hướng dẫn các quy định, các hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp; thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; triển khai thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động trực tuyến và hướng dẫn trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức khi đến liên hệ.

Theo báo cáo của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư-Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tham luận “Thu hút đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài từ xa thông qua mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu”, tính đến tháng 10/2020 NVNONN đã có 362 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó dẫn đầu về số dự án là từ địa bàn Hoa Kỳ, tiếp theo là Pháp, Úc, Trung Quốc và CHLB Đức. Các dự án ĐTNN của nhà đầu tư là NVNONN hoạt động khá hiệu quả,  đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu 

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp, kiều bào ta còn có nhiều đóng góp trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước. Đồng thời góp phần quảng bá, xúc tiến, làm tăng uy tín, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhằm thu hút các nhân tài là NVNONN về tham gia đóng góp xây dựng đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan đầu mối để xây dựng và triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Đến nay, Mạng lưới đã kết nối được hơn 300 thành viên ở 14 quốc gia để triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở các quốc gia, đã thành lập được 5 văn phòng tại Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản và đạt được một số kết quả tích cực.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu ra một số kiến nghị: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; có chính sách thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia NVNONN, kết nối các hoạt động về KHCN, đầu tư, kinh doanh… để tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam…

Đối với vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về NVNONN, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi nhận định đây là một trong những vấn đề cấp thiết bên cạnh các chính sách và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan. Trong năm qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với 2 nhóm chuyên gia trí thức kiều bào là Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE xây dựng website Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng www.vietnamgloballeaders.org và hỗ trợ dự án Vietsearch xây dựng website www.vietsearch.org , với mục tiêu thông tin và kết nối cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là những kênh tập hợp truyền tải, kết nối thông tin hiệu quả và cũng là sự đóng góp của kiều bào ta đối với CSDL NVNONN nói riêng, công tác về NVNONN nói chung.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đánh giá cao ý kiến, giải pháp đưa ra trong các video clip của kiều bào và 4 tham luận của bộ, ngành và điạ phương với những đóng góp hết sức thiết thực, trong đó nhấn mạnh nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, nhất là trong thời gian tới chúng ta có những mục tiêu hết sức tham vọng là đến năm 2045 xây dựng Việt Nam thành nước phát triển. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Để làm được việc này, chúng ta cần phải triển khai tốt hơn nữa Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45”.

Chiều 27/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến cho 2 nội dung trọng tâm của công tác NVNONN, đó là “Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các chính sách chung dành cho NVNONN”“Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thúc đẩy dạy và học tiếng Việt cho NVNONN nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc”.

Minh Phương

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm