A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác thông tin, thúc đẩy dạy và học tiếng Việt cho kiều bào nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, chiều 27/11, Hội nghị đã thảo luận chuyên đề về “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thúc đẩy dạy và học tiếng Việt cho NVNONN nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc”.
 
Phiên thảo luận về "Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thúc đẩy dạy và học tiếng Việt cho NVNONN nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc”.

Phiên thảo luận dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đặng Minh Khôi. Đại diện Ban Tuyên giáo Chính phủ, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có tham luận tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, qua tổng hợp báo sơ kết của các ban, bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các chủ trương, phương hướng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã nêu trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đã và đang phát huy hiệu quả, còn nguyên giá trị. Công tác thông tin tuyên truyền, dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dành cho cộng đồng NVNONN luôn được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác này vẫn còn một số những hạn chế, như việc ban hành và triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng NVNONN bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt còn chậm, chưa đồng bộ; cơ sở trường lớp chưa được đầu tư thích đáng, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt đa phần là tình nguyện, hạn chế về trình độ và nghiệp vụ sư phạm; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ dạy và học tiếng Việt chưa kịp thời và hiệu quả nhất. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu dự Hội nghị đóng góp sáng kiến, giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế để công tác thông tin tuyền truyền và dạy học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc dành cho NVNONN được hiệu quả hơn.

 Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Với mong muốn việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn văn hóa trong cộng đồng người Việt tiếp tục lan tỏa và quy củ hơn, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đề xuất việc xây dựng Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hoá Việt Nam tại các vùng và quốc gia có kiều bào Việt Nam sinh sống nhằm quảng bá văn hóa, ngôn ngữ dân tộc ra với các bạn bè quốc tế. Đồng thời đây cũng là nơi bà con kiều bào truyền thụ văn hoá và tạo điều kiện tăng cường dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Ông cũng chia sẻ về mô hình Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hoá Việt Nam tại Thái Lan trong năm qua đã làm tốt hiệu quả công việc này. Bà con kiều bào tại Thái Lan đến trung tâm tổ chức hoạt động văn hóa, duy trì bản sắc, quảng bá văn hóa Việt với bạn bè Thái Lan. Và đây cũng là nơi có thể tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho thế hệ trẻ và bạn bè Thái. Ông cũng đề xuất các cơ quan thể chế hóa bằng văn bản để có thể xây dựng Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Trần Nhất Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế cho biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam ở nước ngoài luôn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quan tâm thông qua các hoạt động văn hóa đối ngoại, trong đó quan trọng nhất là Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại nước ngoài với các hoạt động đa dạng đã tạo điều kiện để cộng đồng NVNONN tiếp cận thông tin, thưởng thức văn hóa quê hương, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam. Một số Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số nước tổ chức các hoạt động tích cực đóng góp vào việc hỗ trợ cộng đồng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và trở thành cầu nối quan trọng cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại.

Để việc phát huy bảo tồn văn hóa ở nước ngoài trong cộng đồng người Việt tốt hơn, ông Trần Nhất Hoàng đưa ra một số kiến nghị như cần tiếp tục đẩy mạnh, phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời nghiên cứu các giải pháp nâng cao hơn nữa sự kết nối với cộng đồng NVNONN; tận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, xây dựng những kênh thông tin internet, truyền hình kỹ thuật số kết nối kiều bào với quê hương, trong đó văn hoá, du lịch, thể thao là công cụ, nội dung; tìm kiếm đề xuất những cá nhân là kiều bào tham gia vào công tác xúc tiến quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam tại nước ngoài, thu hút đầu tư vào du lịch; tạo hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi để kiều bào có thông tin, đem khả năng và trình độ của mình đóng góp cho quê hương ở lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. 

 Ông Lê Hải Bình trình bày tham luận tại Hội nghị

Ông Lê Hải Bình- Phó Trưởng ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của cộng đồng NVNONN trong giai đoạn hiện nay cần tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tổ chức hoạt động thông tin đối ngoại hướng tới cộng đồng NVNONN, trong đó chú trọng thế hệ trẻ; khơi dậy khao khát cống hiến, góp sức cho quê hương, đất nước của người Việt. Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các kênh thông tin nhằm tăng cường kết nối cộng đồng NVNONN với trong nước trong đó, chú trọng các kênh, phương tiện truyền thông hiện đại. Tất cả những điều đó cùng chung hướng tới một khát vọng về một Việt Nam hùng cường – đây là điều bà con trong và ngoài nước luôn mong muốn.

 Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Đại diện hai cơ quan truyền thông lớn gắn bó và có nhiều chương trình dành cho bà con kiều bào là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng việc truyền tải thông tin và dạy học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN cần đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa, số hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bà con. Tuy nhiên việc ứng dụng khoa học công nghệ có hiện đại bao nhiêu nếu nội dung truyền tải không đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bà con thì việc đầu tư công sức trở nên vô nghĩa. Do đó việc cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng các chương trình vẫn luôn là việc làm cần thiết và quan trọng gắn kết bà con với quê hương đất nước, lan tỏa tình yêu đó tới cả bạn bè quốc tế nơi bà con sinh sống. Do đó để có chương trình chất lượng mang lại hiệu quả cao dành cho bà con kiều bào, các cơ quan truyền thông mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm, chia sẻ của các cơ quan, bộ, ngành.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi đánh giá cao sáng kiến, giải pháp của các cơ quan, bộ, ngành và cho biết những nội dung này sẽ được Ban tổ chức Hội nghị tổng hợp vào báo cáo của Hội nghị.

Sau phiên thảo luận đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Hương Nhiên


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm