A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ lược về vấn đề kế thừa và tiếp nối của cộng đồng người Việt tại Pháp: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Việc có nhiều hội đoàn dành cho người Việt Nam và cả người Pháp tại Pháp cùng tham gia vào những dự án chung mang tên Việt Nam là tin vui cho sự phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Pháp nói riêng, tại nước ngoài nói chung; tuy vậy, họ cũng phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn khác nhau trong quá trình phát triển của mình.

 Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Hội người Việt Nam tại Pháp,
ngày 31/3/2019

Vào Ngày Hội đoàn Việt Nam tại Pháp, do thành phố Montreuil và Đại sứ quán Việt Nam phối hợp tổ chức, diễn ra vào ngày 6/6/2015 tại thành phố Montreuil - thuộc vùng vành đai Seine-Saint-Denis của thủ đô Paris, đã có khoảng 50 hội đoàn chuyên hoạt động dự án với Việt Nam và về Việt Nam tham gia sự kiện.

Đây chỉ là một phần trong hàng trăm hội đoàn hiện nay tại Pháp có hoạt động hướng về Việt Nam nói chung và về cộng đồng người Việt Nam nói riêng. Trong số đó, lâu đời nhất phải kể đến Hội người Việt Nam tại Pháp và Hội Hữu nghị Pháp-Việt. Mỗi hội đoàn này đều có hệ thống những chi hội của mình và có lịch sử hoạt động lâu đời, đặc biệt là Hội người Việt Nam tại Pháp (Hội NVNTP) hiện đã hơn 100 năm lịch sử.

Việc có nhiều hội đoàn dành cho người Việt Nam và cả người Pháp tại Pháp cùng tham gia vào những dự án chung mang tên Việt Nam là tin vui cho sự phát triển của cộng đồng Việt Nam tại Pháp nói riêng, tại nước ngoài nói chung; tuy vậy, họ cũng phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn khác nhau trong quá trình phát triển của mình. Nếu như đối với những tổ chức hội đoàn mới thành lập, có đa số thành viên đều trẻ, câu hỏi được đặt ra là tìm hoạt động chung như thế nào để tập hợp hội viên, gây dựng uy tín; thì đối với những hội đoàn lâu đời đã có uy tín và hội viên lâu năm, vấn đề mang tính chiến lược hơn lại là một câu hỏi lớn: Làm thế nào để có thế hệ tiếp nối, kế thừa hoạt động của mình?

Tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn này không hề dễ dàng, dẫu sao ta hãy thử nhìn lại và tìm hiểu sơ lược qua tình hình kế thừa hoạt động hội đoàn tại Pháp.

Bối cảnh thành lập và các thế hệ tiếp nối trước đây

Đầu tiên, ta cần sơ lược bối cảnh thành lập hội đoàn lâu đời tại Pháp để hiểu qua phương hướng, tinh thần và các thế hệ hội viên trong thời kỳ trước. Cột mốc phổ biến nhất đối với việc thành lập các hội đoàn là năm 1975.Theo đó, hầu hết những hội hoạt động trước năm 1975 của Việt kiều yêu nước tại Pháp đều là những hội đoàn mang lý tưởng cao, hướng đến sự đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất của Việt Nam;trong khi đó, những hội đoàn được thành lập sau năm 1975, đặc biệt từ những năm 2000 cho đến nay, lại có hoạt động chủ yếu hướng tới việc đáp ứng nhu cầu nhóm họp tập thể của những người có cùng ngành nghề, sở thích, dự án,…

 Bức ảnh Bác Hồ gửi tặng cộng đồng người Việt tại Pháp, năm 1969

Hội NVNTP là một trường hợp đặc biệt nhất phải được nhắc đến. Tên gọi “Hội người Việt Nam tại Pháp” ra đời từ năm 1976, tuy nhiên, đó là về mặt hành chính, còn về mặt tinh thần và hội viên thì Hội NVNTP là sự tiếp nối của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp được thành lập vào tháng 5/1969. Đến lượt mình, Liên hiệp Việt kiều tại Pháp cũng lại là một tổ chức tiếp nối phương châm hoạt động và thành viên từ những hội đoàn trước đó nữa, như:Liên hiệp Việt kiều (1955), Việt kiều Liên minh (1945)…. Và cứ thế quay ngược dòng thời gian cho đến điểm xuất phát của dòng chảy của hoạt động này chính là vào năm 1919 với sự ra đời của Nhóm người An Nam yêu nước, do Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh khởi xướng thành lập để đưa “Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam” đến Hội nghị Versailles lúc bấy giờ.

Như vậy lần theo dòng lịch sử này của Hội NVNTP, ta thấy rõ mục tiêu cao nhất của toàn bộ phong trào yêu nước từ năm 1919 đến năm 1975 - tương đương khoảng nửa thế kỷ - đều dành cho việc tập hợp những người Việt Nam yêu nước, kêu gọi đấu tranh ngay tại nước Pháp cho nền độc lập-tự do-thống nhất của Việt Nam, thu hút lực lượng cảm tình viên người Pháp và bạn bè quốc tế, sau đó là hỗ trợ tuyệt đối những đoàn chính phủ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong thời gian tại Pháp, đồng thời luôn luôn tập trung cao nhất sức người-vật chất-tài chính để ủng hộ cho các chính sách, lời kêu gọi của đất nước trong nhiều thời kỳ quan trọng.

Có thể nói, giai đoạn năm 1969-1975 của phong trào yêu nước, Liên hiệp Việt kiều tại Pháp là giai đoạn đỉnh cao rực rỡ nhất với sự đóng góp thầm lặng mà quan trọng biết bao cho Hiệp định Paris trong suốt nhiều năm liền, với những hoạt động kêu gọi đấu tranh ở mức độ cao cấp về mặt tổ chức, với tinh thần chiến sĩ và chính trị rất cao của mỗi hội viên chủ chốt, và hàng nghìn thành viên đại chúng khác cũng đều có ý thức tự nguyện tham gia hoạt động để thể hiện lực lượng đoàn kết rộng lớn, mang lại sức mạnh quần chúng to lớn cho Việt Nam.

Từ năm 1976, Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đổi tên thành Hội NVNTP trong tinh thần phấn khởi hơn bao giờ hết vì mục tiêu đấu tranh của nhiều thế hệ trong nửa thế kỷ đã hoàn thành.Hội NVNTP là một trang sử mới của phong trào Việt kiều tại Pháp, với tinh thần hỗ trợ cho đất nước vừa thống nhất vẫn đang nhiều khó khăn. Giai đoạn 1976 đến cuối những năm 1980 là giai đoạn đóng góp về vật chất và tài chính vượt bậc của Việt kiều Pháp gửi về quê hương; phải kể đến Hội Công nhân và người Lao động tại Pháp với những khoản quyên góp tài chính thường xuyên, Hội Y học Việt Nam tại Pháp với hàng tấn thuốc, dụng cụ y tế, chuyển giao chất xám, đào tạo, hội thảo cho ngành y Việt Nam, cũng như các đoàn khoa học-công nghệ được Hội NVNTP cử về nước để hỗ trợ hàng trăm dự án khoa học kỹ thuật quan trọng cho đất nước như xây dựng Trung tâm dịch vụ phân tích và thử nghiệm TP.HCM, chương trình giảng dạy dài hạn toán và lý đại học, Tuần lễ tin học, công trình xây nhà ga Sân bay Nội Bài, hồ sơ xây dựng và nghiệm thu các công trình giao thông, hỗ trợ Tổng cục Dầu khí,…

Có thể nói, giai đoạn gần 20 năm sau ngày thống nhất đất nước là giai đoạn hỗ trợ chất xám-vật lực tinh anh của Việt kiều Pháp dành cho Việt Nam.

Khó khăn đến khi thành tựu đã hoàn thành...

Và sau đó, từ đầu những năm 1990 cho đến khoảng 10 năm sau, giai đoạn khó khăn của Hội NVNTP bắt đầu, liên quan đến vấn đề tiếp nối và kế thừa. Có rất nhiều lý do cho thử thách to lớn này:

- Trước hết, mục tiêu đấu tranh vì độc lập-tự do-thống nhất của đất nước đã được hoàn thành. Mục tiêu này vốn đã tồn tại gần nửa thế kỷ, vì vậy tinh thần và tác phong làm việc của rất nhiều thế hệ trong phong trào Việt kiều yêu nước đã được định hình ổn định cho phù hợp với mục tiêu này trong suốt mấy chục năm liền. Một khi mục tiêu đấu tranh đã hoàn thành thắng lợi, hoạt động chung của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp chuyển thành hoạt động của Hội NVNTP với mục tiêu đóng góp cho đất nước thời kỳ thống nhất, hòa bình.

- Tiếp đó, mục tiêu đóng góp cho đất nước thời kỳ thống nhất cũng dần hoàn thành. Đất nước trải qua những năm tháng khó khăn sau chiến tranh, đã dần hồi phục và rút kinh nghiệm về quản lý xã hội, khoa học, các ngành nghề khác nhau… Việc chuyển giao tri thức và công nghệ mà Việt kiều khắp nơi, trong đó có Việt kiều Pháp, đưa về cho đất nước giai đoạn 1976-1990 đã bắt đầu phát huy tác dụng từ đầu những năm 1990 trở đi, người Việt Nam trong nước nỗ lực để học hỏi và dần bắt kịp thế giới. Các dự án hợp tác vẫn tiếp tục, nhưng vị trí dẫn dắt chủ chốt đã được giao cho thế hệ các nhà khoa học, lãnh đạo,… trong nước. Việt kiều chỉ còn mang tính tư vấn.

- Cho đến cuối những năm 1980, tất cả những mục tiêu hướng về đất nước, dành cho Việt Nam của Hội NVNTP đều đã có thành tựu, về cơ bản từ sau đó trở đi, đất nước đã ngày càng tự lập và phát triển theo con đường của mình. Việt kiều yêu nước Pháp trở lại với guồng cuộc sống của mình sau hơn nửa thế kỷ sôi động đấu tranh. Câu hỏi được đặt ra lúc ấy là: Hoạt động nào phù hợp với tình hình của Hội NVNTP thời điểm này?

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Hội người Việt Nam tại Pháp, ngày15/6/2019 

Để trả lời cho câu hỏi này, Hội NVNTP đã phải trải qua một thập kỷ đi tìm định hướng hoạt động, trăn trở về cách thức kế thừa lịch sử và tiếp nối tương lai.

Về định hướng hoạt động, sau 10 năm trăn trở, cho đến những năm 2000, Hội NVNTP đã bắt đầu tìm thấy mục tiêu hoạt động của mình là hướng về cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Những hoạt động thuộc về đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần,… của người Việt tại Pháp vốn vẫn đã có trong thời gian trước nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu của mục tiêu hoạt động, thì nay trở thành mục tiêu chính. Hẳn nhiên là việc đóng góp cho đất nước vẫn luôn được duy trì qua những dự án từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị bão lũ, cấp học bổng,… nhưng bên cạnh đó, đoàn kết cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong bối cảnh mới cũng chính là một mục tiêu quan trọng hàng đầu về chính trị và tình tương thân tương ái.

Với định hướng mới này, trong những Đại hội sau đó của Hội NVNTP, cơ cấu thành phần lãnh đạo luôn có 3 thành phần: Việt kiều lâu năm (thuộc phong trào Việt kiều yêu nước), thế hệ mới Việt Nam (sinh viên, thanh niên, người định cư), và thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Pháp.

Ba thành phần này trong cơ cấu Ban chấp hành của Hội NVNTP từ những năm 2000 đến nay, khoảng 20 năm, đã chứng tỏ được trên thực tế tính đúng đắn của mình. Rất nhiều hội đoàn người Việt ở các nước châu Âu khác, cũng được thành lập trước năm 1975 và cùng mục tiêu đấu tranh như Hội NVNTP, đã phải tan vỡ vào những năm 1990 cũng với cùng lý do là mất định hướng hoạt động sau khi đã hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử.

Cùng với cơ cấu ba thành phần và mục tiêu chính hướng về cộng đồng Việt Nam tại Pháp, Hội NVNTP đã tiếp tục con đường của mình và tạo ra những hoạt động, sự kiện phù hợp với tiêu chí của mình.

Những thành phần thế hệ tiếp nối và kế thừa hiện tại

Tuy nhiên, về vấn đề kế thừa và tiếp nối bề dày lịch sử của Hội NVNTP, thì thực tế cũng chứng minh rằng thành phần Việt kiều lâu năm và thành phần thế hệ hai sinh trưởng tại Pháp sẽ có nhiều ưu thế và phù hợp hơn là thành phần người Việt Nam mới sang từ khoảng 10-20 năm nay. Bởi lẽ, tinh thần chung của nhiều hội viên thuộc thành phần Việt kiều lâu năm và thành phần thế hệ hai trong Hội NVNTP cho đến nay vẫn giữ được tinh thần chiến sĩ và chính trị ở nhiều mức độ khác nhau, cũng như nhiều ký ức về hoạt động trước đây của Hội NVNTP.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) Céline Charpiot-Zapolsky ký kết hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 11/2018 

1. “Thế hệ hai của Hội NVNTP”: là một cách gọi chung dành cho con cái của những hội viên người Việt Nam thuộc phong trào Việt kiều yêu nước (1945-1975), trong đó bao gồm con cái của những bác lính thợ, con của những Việt kiều thuộc nhiều chi hội của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp. Những người trẻ nhất trong số “thế hệ hai” này thuộc lớp người được sinh ra vào những năm 1960-1975, và họ cũng là những người hiện nay tích cực nhất tham gia vào cơ cấu, tổ chức hoạt động của Hội NVNTP.

“Thế hệ hai” đã thấy được nhiều giai đoạn phát triển của phong trào Việt kiều từ lúc còn nhỏ khi tham gia hoạt động cùng cha mẹ, đặc biệt thế hệ sinh trong khoảng thời gian năm 1960-1975 đã trải qua tuổi thơ trong giai đoạn đỉnh cao của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, chứng kiến những thắng lợi nức lòng người của Hiệp định Paris và ngày 30/4/1975, đi đón các lãnh tụ Việt Nam tại sân bay, tham gia dàn đồng ca cách mạng với khăn quàng đỏ, tham gia các sự kiện quan trọng của Việt Nam tại Pháp như Tết, báo Nhân Đạo, biểu tình,… Cho dù họ không thật sự mang tinh thần chính trị như thế hệ cha mẹ của mình, nhưng họ vẫn tự nhiên có những hình ảnh kỷ niệm đặc biệt, thói quen hoạt động trong Hội NVNTP, cách suy nghĩ riêng của một thế hệ sinh trưởng tại Pháp suy nghĩ như người Pháp và ủng hộ Việt Nam theo cách cha mẹ họ đã làm.

Do đó, “thế hệ hai” này của Hội NVNTP cũng khác với thế hệ hai của cộng đồng Việt Nam hiện tại, khác với những em bé được sinh ra trong thời bình có cha mẹ cũng là công dân Việt Nam thời bình. “Thế hệ hai” của Hội NVNTP có những đặc điểm riêng của mình, và lẽ tất yếu, để kế thừa lịch sử và tiếp nối hoạt động của Hội NVNTP theo khả năng tốt nhất thì ngoài thành phần Việt kiều lâu năm, theo lý thuyết và lý tưởng thì thành phần thế hệ hai là phù hợp nhất vì họ phần nào hiểu quá khứ của cha mẹ mình và của Hội NVNTP. Chính vì vậy, từ nhiều nhiệm kỳ gần đây, sức ảnh hưởng và vị trí của thế hệ hai luôn quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Hội NVNTP. Và vào Đại hội vào cuối năm 2019 cho nhiệm kỳ 2019-2022, thế hệ hai đã chính thức giữ quyền lãnh đạo cao nhất của Hội NVNTP. Lịch sử 100 năm của Hội NVNTP có thể sẽ từ đó đi theo con đường mới riêng của mình để phù hợp với mong muốn kế thừa và tiếp nối của những thế hệ đa số trong Hội.

2. Người Việt Nam mới sang Pháp từ khoảng năm 2000 đến nay: Họ là lực lượng mới với những đặc điểm riêng của mình, họ vẫn tham gia Hội NVNTP cũng như nhiều hội đoàn khác hiện nay trong cộng đồng tại Pháp. Đa số những thành viên thuộc thành phần này mà đã tham gia Hội NVNTP là du học sinh định cư tại Pháp sau khi học xong, một số khác là những gia đình định cư với nhiều ngành nghề khác nhau.

Họ tìm đến Hội NVNTP để đáp ứng những mong muốn của bản thân là làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng và cho Việt Nam.Họ cũng có lý tưởng đẹp đối với quê hương, nhưng lẽ dĩ nhiên, lý tưởng của mỗi thời đại, của mỗi thế hệ sẽ khác nhau.Người Việt Nam mới luôn khao khát được thành công và tự chủ tại xứ người, được nhận những lời khuyên và hỗ trợ mang tính tương thân tương ái cao tại nơi xa nhà, được tham gia vào những hoạt động khẳng định bản sắc Việt Nam trước bạn bè quốc tế, và được thể hiện thiện chí đóng góp cho đất nước qua những quyên góp từ thiện. Điều họ quan tâm thường xuyên nhất cũng là dự án giáo dục và những dự án hỗ trợ nhau ổn định đời sống tại Pháp (giấy tờ, sức khỏe, ngôn ngữ, dịch thuật,…) bởi vì hiện tại, nghề nghiệp và hoạt động của người Việt tại Pháp vô cùng đa dạng, “muôn hình vạn trạng” so với thời kỳ trước đây.

Có thể nói, Hội NVNTP đã đáp ứng được phần nào nhu cầu này của người Việt Nam mới với những dự án văn hóa hấp dẫn, với những hoạt động từ thiện nhiệt huyết. Tuy vậy, vì thành phần Việt kiều lâu năm và thành phần thế hệ hai của Hội NVNTP đã quá quen thuộc, thậm chí hòa nhập hẳn vào đời sống tại Pháp nên họ cũng ít hiểu hơn những khó khăn, tâm lý và mong muốn của tất cả người Việt Nam tại Pháp hiện tại. Hơn nữa, việc thành lập hội đoàn hiện nay tại Pháp rất dễ dàng và nhanh chóng; vì vậy, đã có hàng trăm hội đoàn của người Việt tại Pháp được tạo ra theo những nhu cầu khác nhau, như về nghề nghiệp (kiến trúc sư, luật sư, tin học viên,…), về sở thích (đọc sách, võ, nghệ thuật, chơi cờ,…), về dự án (văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, y tế, khoa học, kinh tế,…), về hoạt động xã hội (sinh viên, cựu sinh viên, lớp tiếng Việt thiếu nhi, doanh nhân, phụ nữ, du lịch,…). Do đó, việc tham gia nhiều hội đoàn cùng một lúc của người Việt trẻ là điều bình thường, vì họ đề cao các hoạt động giúp họ kết nối cộng đồng, phát triển khả năng của bản thân, và có được nhiều sở thích, cuộc họp mặt vui vẻ trong bối cảnh xã hội hiện đại quá nhiều áp lực và cạnh tranh gay gắt. Tuy vậy, các hội đoàn dễ ra đời và cũng nhanh chóng kết thúc chính vì lý do không duy trì được hoạt động ổn định lâu dài. Trong khi đó, Hội người Việt Nam tại Pháp có thể được xem là một hội đoàn có nhiều hoạt động đa dạng nhất trong cộng đồng: trường dạy tiếng Việt và văn hóa cho thiếu nhi, dự án từ thiện hướng về Việt Nam, hoạt động cho các bác lớn tuổi, sự kiện lớn về văn hóa (Tết, Tết Trung Thu), hoạt động hỗ trợ nhiều hội đoàn khác,… Vì vậy, vị trí và sức ảnh hưởng của Hội NVNTP trong cộng đồng vẫn luôn nằm ở trong nhóm những hội đoàn đầu tiên được nhắc đến đối với cả người Việt nhiều thế hệ, người Pháp gốc Việt và người Pháp.

Thành phần người Việt Nam mới đến Pháp từ khoảng năm 2000 cho đến nay, mỗi năm tăng thêm vài nghìn người (sinh viên, định cư, làm việc); trong khi đó, thành phần thế hệ hai cũng tăng lên không ít mỗi năm. Cả hai thành phần này đều có thể là tương lai đối với hoạt động chung và sự tiếp nối của Hội NVNTP; tuy nhiên, những đặc điểm chính và tâm lý chủ đạo của hai cộng đồng này sẽ hoàn toàn khác nhau, điểm chung là đều kết nối với nguồn cội Việt Nam.Tuy vậy, việc kết nối với nguồn cội của hai thành phần này cũng không giống nhau, có những góc nhìn và ưu tiên khác nhau.

Việc cố gắng cân bằng hai cộng đồng này trong những hoạt động chung là điều mà Hội NVNTP hướng đến từ nhiều năm nay. Nhưng qua thực tế, ta không thể phủ nhận điều tất yếu của các hội đoàn có bề dày lịch sử, như Hội NVNTP, là thế hệ tiếp nối trực tiếp phù hợp nhất chính là thế hệ hai. Đó là một lựa chọn phần nào mang tính an toàn hơn cả, một phần vì nội bộ nhiều thế hệ đã biết nhau trong quá trình dài.

Không chỉ Hội NVNTP, chắc chắn là rất nhiều hội đoàn ở những quốc gia khácnếu đã tồn tại được qua nhiều thế hệ, thì cũng sẽ đối diện với câu hỏi muôn thuở về việc kế thừa và tiếp nối, gánh trên vai trách nhiệm của một bề dày lịch sử, đối diện với sự thay đổi và đa dạng của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại trong thời đại mới, mà chỉ với tinh thần thiện nguyện cùng những nghĩa vụ khác của cuộc sống cá nhân. Đây là một câu hỏi khá đau đầu và mang tính chiến lược về mặt kết nối cộng đồng, có thể chỉ có thời gian mới trả lời được những lựa chọn mà ta đưa ra vào thời điểm này.

Khu chợ Tết trong Lễ hội Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 do Hội người Việt Nam tại Pháp phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức tại nhà hát Baltard ở ngoại ô Paris, ngày 1/2/2020 

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Nhìn sơ lược qua diễn biến kế thừa và tiếp nối của các hội đoàn lâu đời tại nước ngoài, cụ thể là qua trường hợp của Hội NVNTP, ta thấy được sự phát triển ly kỳ của các hội đoàn mà không phải ai cũng hiểu.Việc kết nối với kiều bào, với người bản xứ, với thế hệ mới sinh trưởng tại nước ngoài là điều không hề dễ dàng.Hoạt động hội đoàn tại Pháp, để được lâu dài, cần sự tổ chức tinh vi và tinh tế để phù hợp với thực tế lực lượng tại chỗ, để phù hợp với luật lệ nước sở tại, và đáp ứng được nhu cầu của hội viên chính yếu của mình. Còn về vấn đề thế hệ kế thừa và tiếp nối, thật sự mà nói thì hội đoàn nào phải đối diện với câu hỏi này đã là một hội đoàn có thực lực, đã trải qua một đoạn đường dài, và hiện tại phải chứng minh được sức mạnh và vị trí tồn tại của mình.

Còn để tìm ra câu trả lời cho vấn đề kế thừa và tiếp nối này, cá nhân người viết cho rằng tùy theo mục tiêu tồn tại và mong muốn đóng góp như thế nào cho xã hội mà một hội đoàn sẽ tự có thể tìm ra những lựa chọn, quyết định của mình. Chính mục tiêu tồn tại và mong muốn đóng góp sẽ tạo ra (hoặc không) lý tưởng hoạt động ở nhiều mức độ khác nhau của một người, một tổ chức, một hội đoàn, một đất nước.Và lý tưởng đó sẽ là sợi chỉ đỏ dẫn dắt xuyên suốt cho các thế hệ cùng nhau tiếp nối.

Vào năm 1946, vào thời điểm “vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nghĩa là lấy điều cốt lõi không đổi để ứng phó với vạn điều thay đổi sao cho cuối cùng vẫn giữ được cốt lõi không đổi. Đồng thời, còn có một vế đối tiếp theo của tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” này, đó là “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, nghĩa là lấy tâm của đại chúng làm tâm của mình để hành động vì lợi ích chung. Như vậy, tìm thấy được bản chất của mình để giữ vững trước mọi thay đổi, dù sử dụng phương cách nào cũng giữ được điều cốt lõi ấy, cũng như hiểu được lòng người dân, đem tâm tư của họ làm thành tâm tư của mình, phải chăng đó chính là một lời khuyên sâu sắc vừa mang đậm tính triết lý phương Đông, vừa thể hiện tính đại chúng toàn cầu, dành cho những ai, những hội đoàn, tổ chức đang trăn trở về việc kế thừa và tiếp nối?

Nguyễn Thanh Hằng (CH Pháp) 

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm