A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy tiềm năng trí thức Việt kiều cho phát triển đất nước

LTS: Là Giáo sư người Việt đầu tiên tại đại học University College London (UCL) từ năm 2013, Viện sĩ của 4 Viện Khoa học tại Vương quốc Anh, sáng lập viên của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam…với nhiều giải thưởng khoa học danh giá, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh luôn trăn trở với mong muốn đưa các nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập không những với các nhà khoa học trẻ thế giới mà còn với nền khoa học tiên tiến trên toàn cầu. Tạp chí Quê Hương trân trọng giới thiệu những ý kiến đóng góp của chị nhằm phát huy tiềm năng trí thức kiều bào cho phát triển đất nước.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh 

Phát huy vai trò cầu nối của trí thức kiều bào

Trong những năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) luôn một lòng hướng về quê hương, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đội ngũ trí thức NVNONN được đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cộng đồng trí thức NVNONN đã và đang thực hiện hoặc tham gia một số dự án lớn tại Việt Nam, tiêu biểu như Vietseed, Vietnam Book Drive, Vietnam Innovation Network… và rất nhiều startup khác. Những năm gần đây, số lượng các dự án hợp tác của cộng đồng trí thức NVNONN với trong nước đã tăng lên đáng kể, thông qua việc cộng tác nghiên cứu khoa học, các chương trình workshop, quỹ hỗ trợ (matching fund)…Như ở Anh hiện có Newton Fund, The Royal Society, Royal Academy of Engineering, The British Council… đã tạo ra rất nhiều kết nối có giá trị.Đây là một chiều hướng tốt và sẽ còn tiếp tục được nhân rộng.

Ngoài các giáo sư, nhà khoa học có uy tín trở về Việt Nam làm việc hoặc cộng tác, hiện nay còn có một số lượng các nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài cộng tác với các trường và viện nghiên cứu ở trong nước. Do đó, cần dần dần tạo ra một nền tảng chung bền vững và hiệu quả cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong và ngoài nước, đây cũng là một trong những mục tiêu đề ra của Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, các quỹ như Nafosted (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia) cũng đã tạo ra môi trường để các nhà khoa học Việt Nam có thể ra nước ngoài làm việc trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.

Những dự án đã và đang được cộng đồng trí thức NVNONN thực hiện là cầu nối đưa sinh viên Việt Nam tiếp cận nền trí thức của nhân loại từ các nước phát triển khi điều kiện trong nước chưa thể đáp ứng, cũng như làm cầu nối đưa tri thức, kinh nghiệm và kỹ năng, chuyên môn từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Không những thế, thông qua các du học sinh, chúng ta có thể kết nối với các nước bạn trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đặc biệt, khi có các vấn đề tranh chấp thì đội ngũ trí thức trẻ ở nước ngoài sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm tiếng nói chung từ quốc tế và lấy lại sự công bằng cho Việt Nam mà đôi khi trong nước khó làm được.

Để xóa dần khoảng cách giữa trong và ngoài nước

Tiềm năng trí thức NVNONN rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng trên thực tế chưa được khai thác hiệu quả. Việc huy động chất xám của đội ngũ trí thức NVNONN cũng còn hạn chế.

Theo tôi nhận thấy, chính sách và cơ chế quản lý của chúng ta còn nhiều bất cập, ví như: có nơi quy định chỉ cho làm việc vào giờ hành chính, không được làm việc vào cuối tuần; máy móc thiết bị nghiên cứu không phải quá thiếu thốn, nhưng cách quản lý và khai thác làm mất đi giá trị của thiết bị…Trong quá trình làm việc và cộng tác, cộng đồng trí thức NVNONN chưa thích nghi được với nhiều quy định của các cơ quan trong nước, môi trường làm việc trong nước cũng có nhiều khác biệt so với các công ty, trường học mà họ được đào tạo ở nước ngoài.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh và các đại biểu tại Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư,
Đà Nẵng tháng 7/2019 

Với các startup đưa từ nước ngoài về Việt Nam, nhiều ngành còn rất mới, chưa có luật lệ cụ thể nên chính những cơ quan nhà nước và các ngành liên quan còn bối rối trong nhiều vấn đề.Thủ tục giấy tờ và các quy định trong việc sử dụng kinh phí cũng còn nhiều bất cập, đồng thời trang thiết bị để nghiên cứu còn thiếu thốn.Khi về nước, đội ngũ trí thức NVNONN cũng còn nhiều khó khăn trong việc xin đề tài, dự án. Ngay cả những quỹ dành riêng cho nghiên cứu được xem là rất minh bạch cũng khó tránh khỏi điều này, dẫn đến tình trạng nhiều người làm nghiên cứu rất giỏi nhưng không được hỗ trợ.

Điều kiện cơ sở vật chất cho nghiên cứu cũng vô cùng khó khăn. Trong khi ở nước ngoài, mọi thứ đều sẵn sàng, chỉ cần có ý tưởng và tiến hành là có thể ra được kết quả ngay. Theo tôi, trong nước chưa đánh giá cao tầm quan trọng của những nghiên cứu mang tính tiền đề, nghiên cứu cơ bản nên sẽ làm khó cho các nhà nghiên cứu thực thụ.Việc xã hội hóa hỗ trợ nghiên cứu từ các doanh nghiệp cho các nhà khoa học còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là vô cùng ít ỏi so với các nước phát triển.Sự khác biệt về cách làm việc và các chế độ đãi ngộ là những vấn đề luôn được đặt ra.

Tuy nhiên, tâm huyết của trí thức NVNONN và sự ủng hộ, mở rộng cơ chế của Việt Nam, cùng với hỗ trợ từ các ban ngành trong nước sẽ dần dần giảm được khoảng cách này. Những tổ chức như Hội trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài nói chung hay Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam nói riêng sẽ giúp tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức NVNONN để nâng cao hiệu quả trong quá trình đóng góp cho quê hương, đất nước. Đồng thời sự phát triển của những quỹ nghiên cứu với cơ chế năng động, sẽ là nền tảng tốt để thu hút nhân tài từ các nước về đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Tôi nghĩ việc đầu tiên là cần làm tốt nhất công việc của chính mình. Đề án của mình càng có sức ảnh hưởng bao nhiêu thì tiềm năng của mình để đóng góp cho đất nước càng tốt bấy nhiêu.Về phía cơ quan trong nước, tôi nghĩ chúng ta cần tạo điều kiện để giới trí thức, doanh nhân NVNONN gặp gỡ và trao đổi nhiều hơn với các đối tác ở Việt Nam.Chúng ta cũng cần có cơ chế mở rộng và thoáng hơn trong việc đồng tài trợ với nước ngoài và trong nước.Thêm vào đó, cần xây dựng những tổ chức để tập hợp sức mạnh của tập thể NVNONN trong những đóng góp lớn và có tính chiến lược cho Việt Nam thay vì những cá nhân đơn lẻ. Chúng ta cũng nên tổ chức những hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam và có các điều khoản ưu tiên cho các trí thức kiều bào để khuyến khích họ tham gia, đồng thời thành lập các hội nhóm trí thức người Việt theo từng chủ đề riêng, như Vietnamese Women in Science, Vietnamese Biologists…

Các cơ quan chức năng trong nước cũng cần làm cầu nối thông tin để kết nối các dự án hoặc các vấn đề cần giải quyết trong nước với trí thức NVNONN.Chúng ta cần tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác thông qua các dự án nghiên cứu quốc tế đa quốc gia, cũng như chủ động cập nhật kiến thức trong và ngoài nước để phục vụ công tác hội nhập.

Tại Vương quốc Anh, nơi tôi đang làm việc và sinh sống, Đại sứ quán Việt Nam tại đây rất quan tâm và tạo điều kiện để tôi có thể kết nối với các cơ quan trong nước như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, nên việc tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ 4 tại Đà Nẵng hè năm 2019 cũng thuận lợi hơn. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học kiều bào rất có giá trị đối với Việt Nam và việc thành lập Hội đồng cố vấn cho Chính phủ là rất thiết thực.

Việt Nam hiện nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ lớn để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước, như việc mở các trung tâm đổi mới sáng tạo (Vietnam Innovation Center) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hay việc hỗ trợ cho các startup NVNONN về các vấn đề mang tính toàn cầu như sức khỏe và môi trường. Thêm vào đó, thông qua cơ quan đại viện Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan trong nước.Tuy nhiên, cộng đồng trí thức NVNONN còn thiếu các thông tin về cơ chế, chính sách cụ thể của đất nước, gây khó khăn cho chúng tôi trong quá trình trở về làm việc và hợp tác với quê hương. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác thông tin đối với NVNONN cần được chú trọng và cải thiện hiệu quả hơn, nhằm thu hút đông đảo bà con ở nước ngoài, đặc biệt là các trí thức kiều bào về nước đóng góp xây dựng quê hương.

Để xây dựng một đội ngũ trí thức lớn mạnh, mong rằng Đảng và Nhà nước sẽ quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các trí thức trẻ NVNONN, bởi đây chính là một nguồn lực to lớn và đầy tiềm năng, có thể góp trí góp tài cho quê hương, nguồn cội./.

GS.TS. Nguyễn Thị Kim Thanh (Anh) 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm