Mạng lưới người Việt Nam ở nước ngoài: Sức mạnh tổng hòa đến từ kết nối trí tuệ Việt
Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng được thành lập với mục tiêu đóng góp cho một đất nước Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng |
GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) từng chia sẻ: “Bất luận sinh sống ở đâu, hoạt động trong lĩnh vực nào, trí thức Việt Nam cũng có thể mang được nhiệt huyết của mình để đóng góp cho đất nước”. Đó cũng là quan điểm và là cách làm của nhiều kiều bào xa Tổ quốc hiện nay.
Kể từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) được Bộ Chính trị khóa IX ban hành tháng 3/2004, công tác về NVNONN đã có nhiều tiến bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên đồng bào ta ở nước ngoài nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại. Lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào đã có rất nhiều thay đổi, ngày càng lớn mạnh, có tiềm lực về tri thức và kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng trong xã hội sở tại và dần trở thành một trong những nhân tố quan trọng đối với sự phát triển của nước ta.
11 năm sau, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ra đời, một lần nữa nhấn mạnh, “NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của NVNONN với đất nước. Mọi NVNONN đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam…”. Kể từ đó, công tác vận động, hỗ trợ nguồn lực chuyên gia trí thức, doanh nhân NVNONN càng được đẩy mạnh một cách chủ động và toàn diện. Cùng với đó, chúng ta cũng được chứng kiến làn sóng kiều bào trở về đóng góp cho quê hương, đất nước ngày càng mạnh mẽ.
Trong 5 năm qua, trung bình hàng năm có khoảng 300 – 500 lượt trí thức NVNONN về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác, đặc biệt là tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương. Ngày 28/7/2017, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ được thành lập với 4/14 thành viên là chuyên gia, trí thức NVNONN. Hiện nay, các nhà đầu tư là kiều bào đã có 353 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,58 tỷ USD. Mỗi năm, lượng kiều hối gửi về nước đều tăng từ 10-15%; đặc biệt năm 2019 vừa qua, với lượng kiều hối đạt 16,7 tỷ USD, Việt Nam đã trở thành 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Như vậy, tiềm năng của cộng đồng doanh nhân, trí thức NVNONN là vô cùng lớn, đòi hỏi những cách làm mới, hỗ trợ hiệu quả để tiềm năng đó được phát huy toàn diện. Một trong những cách làm đó là việc các doanh nhân, trí thức chủ động tập hợp lại trong các hội nhóm, câu lạc bộ, mạng lưới… để hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống cũng như kết nối tình cảm với cội nguồn.
ĐA DẠNG CÁC MẠNG LƯỚI TẬP HỢP TRÍ TUỆ VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI
Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global ra đời vào tháng 5/2011 tại Paris, Pháp chính là một trong những tổ chức tiên phong cho công cuộc quy tụ, kết nối tài năng Việt trên toàn thế giới. Sau 9 năm, AVSE Global ngày một trưởng thành, với hơn 10 hoạt động hội thảo khoa học - diễn đàn chính sách lớn hàng năm, hơn 20 chương trình đào tạo cán bộ quản lý cấp cao và hơn 20 tham vấn - tư vấn chính sách cho nhiều bộ, ngành và địa phương, cùng báo cáo chiến lược trên những chủ đề trọng điểm. Cho tới nay, AVSE Global đã phần nào hoàn thành được những gì mà Chủ tịch AVSE Global Nguyễn Đức Khương luôn tâm niệm, đó là: Hướng tới kết nối toàn cầu, dấn thân và trí tuệ tập thể.
AVSE Global hiện sở hữu nguồn lực hơn 300 thành viên, sinh sống trên hơn 20 quốc gia, cùng với mạng lưới rộng lớn trí thức và chuyên gia hơn 10 ngàn người. Những năm gần đây, AVSE Global đã và đang triển khai nhiều hoạt động hợp tác với trong nước, chủ yếu tập trung vào các dự án về giáo dục, công nghệ, kinh tế - tài chính, phát triển bền vững và thu hút nhân tài. Cụ thể, Hội có các chương trình hợp tác với nhiều bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu để tổ chức các hội thảo quốc tế về các vấn đề trong nước đang quan tâm và các chương trình đào tạo chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cán bộ, thực hiện các đề tài nghiên cứu; tư vấn về kinh nghiệm của các nước trên một số lĩnh vực. Trong năm 2019, AVSE Global đã tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững và chuỗi các hội thảo tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh về các lĩnh vực: Lãnh đạo học và Chính sách công, Địa kỹ thuật, Kết cấu và Xây dựng, Tài chính ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Quản lý trong kỷ nguyên số. Hiện AVSE Global đang tư vấn cho tỉnh Quảng Ninh về Dự án quy hoạch Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tư vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề tự chủ đại học.
Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2018 – một trong những sự kiện của AVSE Global |
Đặc biệt, thành công của Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng (Vietnam Global Leaders Forum - VLGF) do Ủy ban Nhà nước về NVNONN và AVSE Global đồng chủ trì tổ chức vào tháng 3/2019 tại Paris đã đặt nền móng khởi động cho dự án xây dựng Mạng lưới những người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Tại Diễn đàn, hầu hết các doanh nhân, trí thức kiều bào đều thể hiện mong muốn kết nối để cùng sát cánh bên nhau góp phần hiện thực hóa các giấc mơ Việt.
Trước nguyện vọng đó, Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng đã được thành lập với mục tiêu đóng góp cho một đất nước Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng thông qua các hoạt động giao lưu và thúc đẩy hợp tác. Hiện Mạng lưới đang tham gia chủ động vào dự án chiến lược về xây dựng Thương hiệu quốc gia của Việt Nam với 3 trụ cột “Khoa học Công nghệ – Nông nghiệp – Du lịch”. Về lâu dài, Mạng lưới sẽ hệ thống hóa các hoạt động tập trung vào 3 mảng chính là chia sẻ thông tin và kết nối giữa các thành viên, tạo cảm hứng hành động và cống hiến cho các bạn trẻ, đồng thời lựa chọn tham gia chủ động vào các dự án chiến lược có tác động tích cực lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Website của Mạng lưới dự kiến được khai trương trong tháng 11/2020 này.
Cuộc thi Hack4growth về đổi mới, sáng tạo do AVSE Global tổ chức |
Mạng trí thức Việt toàn cầu iVANET (International Vietnamese Academics Network) do GS. Trương Nguyện Thành ở Đại học Utah (Mỹ) thành lập vào tháng 11/2014 với mục tiêu kết nối các giáo sư, chuyên gia, nghiên cứu sinh, và sinh viên gốc Việt trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ nhau phát triển sự nghiệp. Nhờ vào đóng góp của nhiều người, sau 1 năm số lượng thành viên iVANET lên hơn 1 ngàn, và đến nay đã có gần 25 ngàn thành viên. Cách đây 3 năm, iVANET cũng khởi xướng Chương trình “Phát triển nhà nghiên cứu Việt” - RDP (Research Development Program) nhằm kết nối, tôn vinh và phát triển nghề nghiệp cho các ứng cử viên nghiên cứu sinh, nghiên cứu sinh và tân Tiến sỹ người Việt Nam trên toàn cầu. Trong 3 năm qua, iVANET-RDP đã tổ chức 15 hội thảo trực tuyến, kết nối nhiều tiến sỹ người Việt Nam đang công tác ở trong và ngoài nước với hàng ngàn sinh viên nghiên cứu Việt Nam thuộc các lứa tuổi, ngành nghề và giai đoạn nghề nghiệp khác nhau. Nhóm thực hiện chương trình cũng mong muốn nhận được sự hợp tác từ các trường đại học và cơ quan phát triển nghiên cứu khoa học khác của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước để góp phần đào tạo cũng như bồi dưỡng nguồn lực nghiên cứu cận chuẩn quốc tế hiện đang thiếu hụt ở trong nước.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương (ngoài cùng bên trái), người sáng lập và điều hành chương trình iVANet-RDP |
Cùng chung hoài bão về quy tụ và phát huy tài năng Việt, năm 2017 nhóm VietSearch Foundation (VSF) – một tổ chức phi chính trị hoạt động trên tinh thần cộng tác và tự nguyện đã cho ra đời hệ thống VietSearch (https://www.vietsearch.org/), phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin với mục tiêu tạo ra một kênh kết nối và phát triển hiệu quả tiềm lực của cộng đồng người Việt trên thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quý, đồng sáng lập VietSearch, Giám đốc công nghệ tại Mitsubishi Electric (Mỹ), cho biết hệ thống VietSearch hiện đã thu thập được nguồn dữ liệu lớn và tiếp tục cập nhật về cộng đồng Việt (hơn 500.000 người Việt và gốc Việt, hơn 15.000 doanh nghiệp, dịch vụ Việt ở nước ngoài trong khoảng 1.000 lĩnh vực dịch vụ và ngành nghề, cùng với hơn 1.000 sự kiện Việt).
Hệ thống VietSearch sở hữu tính năng cơ bản là tích hợp và hỗ trợ tìm kiếm thông tin cộng đồng Việt toàn cầu |
Bên cạnh hỗ trợ các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp Việt, VietSearch sẽ hỗ trợ Chính phủ có một cái nhìn khái quát về các hoạt động của người Việt toàn cầu qua các thống kê về chuyên gia và dịch vụ Việt tại từng địa bàn trên thế giới. Trang VietSearch cũng là nơi để các bộ, ngành, Chính phủ Việt Nam thông tin về các hoạt động trong nước trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, giáo dục, văn hoá, du lịch… cần sự quan tâm, chung tay của kiều bào. Trong năm 2020-2021, VietSearch sẽ phát triển VietSearch 3.0 với trang Chuyên gia và Doanh nghiệp để tổng hợp dữ liệu và kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp, dịch vụ NVNONN trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong tương lai, những mạng lưới như AVSE Global, iVANET, VietSearch… nếu được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, chắc chắn sẽ là nhân tố cốt lõi trong việc kết nối nhân tài Việt trên thế giới với trong nước, không chỉ đóng góp cho nền kinh tế nước nhà mà còn đưa thương hiệu Việt và giá trị Việt nói chung cạnh tranh trên trường quốc tế.
CẦN TỐI ƯU HÓA TIỀM NĂNG TỪ NHỮNG MẠNG LƯỚI NVNONN
5 năm vừa qua, thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, công tác đối với NVNONN tiếp tục được triển khai chủ động, đồng bộ và toàn diện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về nước sinh sống, làm ăn, nhiều chính sách liên quan đến NVNONN quan trọng như Luật Quốc tịch, Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Nhà ở, Xuất nhập cảnh, Cư trú, Pháp lệnh ngoại hối, Quy chế miễn thị thực cho NVNONN… đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho NVNONN.
Về cơ bản, công tác phát huy nguồn lực trí thức, khoa học công nghệ (KHCN) của kiều bào đã được chú trọng, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Như đã được nêu tại Hội nghị Ngoại giao 30 (2018), các cơ chế để liên kết các doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học đã được phát triển đa dạng hơn, tuy nhiên còn thiếu tính chặt chẽ. Cơ chế “phản hồi” với những ý kiến đóng góp của kiều bào còn cần được cải thiện; mới chú ý “trọng đãi” chứ chưa “trọng dụng”; chưa có những “đặt hàng” cụ thể cũng như sự hợp tác trong - ngoài còn “lỏng lẻo”...
Mặc dù có những đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong những năm gần đây, nhưng so với tiềm năng, vai trò của kiều bào có thể được phát huy tốt hơn nữa. Theo như đề xuất của trưởng các cơ quan đại diện ta tại nước ngoài, trong thời gian tới cần đưa mạng lưới chuyên gia KHCN là NVNONN đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả; xác định các lĩnh vực KHCN ưu tiên cần thu hút chuyên gia; xây dựng cơ chế chính sách mới phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cũng như có chính sách đãi ngộ tương xứng để trí thức, doanh nhân về nước làm việc có thể yên tâm làm việc và phát triển ở trong nước...
Ngoài ra, cơ chế thu hút, tập hợp đối tượng trí thức trẻ vẫn còn là một bài toán dang dở. Theo ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), các kiều bào trẻ thế hệ 8x, 9x trở đi là nhóm người được đào tạo bài bản, có tri thức. Đặc biệt trước bối cảnh hội nhập quốc tế và sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thế hệ trí thức trẻ có khả năng thích nghi cao hơn cả, vận dụng kịp thời những tiến bộ KHCN. Thế hệ này, cùng với sự năng động, linh hoạt và sáng tạo, khi gặp được điều kiện phát triển phù hợp sẽ tạo nên nhiều đột phá. Để thu hút được nhóm chất xám nói trên, có lẽ điều tiên quyết chính là tạo một môi trường sống và làm việc hiện đại, văn minh, được trang bị cơ sở vật chất phù hợp với thời đại mới, cũng như tạo không gian để kiều bào trẻ có cơ hội tự do phát huy tinh thần sáng tạo.
Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập vào tháng 8/2018 với mong muốn kết nối các đại diện tiêu biểu người Việt trên khắp thế giới cùng tham gia đổi mới sáng tạo, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chiến lược 4.0, mang lại cơ hội tiếp cận hiệu quả cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phát biểu tại Lễ công bố thành lập Mạng lưới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, với sáng kiến này, đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển KHCN và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan quyết tâm, cam kết cùng với những hành động thiết thực để thúc đẩy Mạng lưới ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả để góp phần nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế.
PGS. TS. Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho rằng, công thức thành công của Mạng lưới sẽ là “Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ”. Nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sẵn sàng đón nhận.
Còn theo ông Trần Văn Hinh, thành viên AVSE Global tại Pháp, nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”.
Từ năm 2018, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu diễn ra hàng năm là một trong những sự kiện nhằm củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt trên thế giới. Diễn đàn đã trở thành một điểm đến thường niên để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, cũng như đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II |
Mới đây nhất, ngày 9/10 vừa qua, Hội nghị cấp cao liên kết mạng lưới NVNONN xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đã diễn ra tại Hà Nội. Hoạt động do Thành đoàn Hà Nội, Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ cùng Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ) đồng tổ chức. Đây là chuỗi sự kiện nhằm kết nối các cá nhân, nhà đầu tư và doanh nhân VNONN với các cơ hội đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo trong nước. Đây cũng là dịp để các chuyên gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước có dịp trao đổi kinh nghiệm về các mô hình mạng lưới, nền tảng kết nối nhằm thiết kế một “cuộc chơi” thiết thực và hiệu quả cho cộng đồng đầu tư và doanh nhân Việt Nam toàn cầu. Mục tiêu của Hội nghị là huy động sức sáng tạo của cộng đồng NVNONN, gắn kết với đồng bào ở trong nước để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, giúp các doanh nghiệp tiếp cận KHCN và đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Trong tương lai, cần nhiều hơn nữa những diễn đàn, hoạt động kết nối dài hơi và chặt chẽ nhằm hỗ trợ thế hệ doanh nhân, trí thức trẻ cống hiến cho nước nhà, đồng thời kịp thời tháo gỡ khó khăn của kiều bào để tiềm năng vốn có của bà con được phát huy một cách tối đa./.
Hồng Trà