A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góc nhìn kiều bào: Tác động tích cực của Nghị quyết 36 đến kiều bào

Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị của Nhà nước Việt Nam ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc thúc đẩy, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, đã thể hiện được những tác động tích cực đến đời sống của bà con kiều bào trong việc nối lại tình cảm cá nhân, gia đình và đầu tư trực tiếp của Việt kiều về quê hương.

NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC VỚI KIỀU BÀO

Từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW được ban hành, đã có nhiều chuyển biến tích cực với bà con kiều bào, tạo được niềm tin cho bà con về chính sách của Đảng, Nhà nước với những người xa xứ: xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai…

Chính phủ đã có nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho kiều bào từ quốc tịch, cư trú, đi lại đến nhà đất, kinh doanh, làm việc… Điển hình như việc cấp thị thực xuất nhập cảnh cho Việt kiều về thăm thân, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Với visa có thời hạn 5 năm, đây là điều đáng mừng và tạo đòn bẩy cho bà con Việt kiều có nhiều thời gian, nhiều cơ hội hơn khi trở về quê hương với những mục đích chính đáng của mình.

 Khu đô thị Đại Sơn ở Chí Linh, Hải Dương của doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc (Canada) với tổng vốn đầu tư hơn 1300 tỷ VNĐ.

Tính đến tháng 10/2020, Việt Nam đã có 362 dự án FDI của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD. Họ đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đa dạng về chuỗi cung ứng giá trị cho thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Thế mạnh của họ là hiểu biết về quê hương Việt Nam và đất nước sở tại mà họ đang sinh sống. Khi họ thành công tại Việt Nam sẽ tác động tích cực đến những nhà đầu tư ngoại quốc và những tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Về kiều hối, đây là dòng chảy cực kỳ quan trọng cho việc cân bằng dự trữ ngoại hối, giúp Chính phủ Việt Nam điều chỉnh được cán cân thanh toán quốc tế và nguồn tiền này được ví như lãi ròng của Việt Nam. Việt Nam sau khi có Nghị quyết 36 đã huy động được lượng kiều hối từ Việt kiều chảy về khá dồi dào. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank): năm 2015, lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục là 12,25 tỉ USD; năm 2016 là 13,4 tỉ USD; năm 2017 đạt gần 13,8 tỉ USD; năm 2018 đạt 15,9 tỉ USD; còn năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD, đưa Việt Nam xếp hàng thứ 10 trong danh sách những quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, trong đó có đóng góp của doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2016- 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa vào danh sách Tổ tư vấn kinh tế cho Chính phủ 4 thành viên là Việt kiều. Đây cũng là bước quan trọng để định hướng phát triển kinh tế tương lai của Việt Nam.

NHỮNG MẶT CÒN HẠN CHẾ

Nghị quyết 36-NQ/TW đã khẳng định rằng Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Việt kiều là bộ phận không tách rời… nhưng thực tế cho thấy họ mới chỉ có quyền đầu tư, mang tiền vào Việt Nam như bao doanh nghiệp FDI khác, họ là con dân gốc Việt Nam nhưng chưa được tham gia, chưa có quyền phát biểu trong những cuộc họp quan trọng có tính quyết định nhằm xây dựng một chính sách phù hợp hơn (trừ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Khi làm các thủ tục, hồ sơ để đầu tư tại các địa phương, kiều bào vẫn còn gặp khó khăn hơn người Việt trong nước. Từ đó, không ít người muốn đầu tư, muốn được cống hiến cho Tổ quốc của mình vẫn còn băn khoăn, lo lắng, mặc dù Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 đã nêu rõ: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bà con Việt kiều mong muốn Chính phủ hành động mạnh mẽ hơn, cần thực tế hơn những văn bản mang tính mỹ từ và kỹ thuật.

 Sado Center (thuộc Công ty SADO Germany Window của Việt kiều Đức) - nơi kết nối các doanh nghiệp VN trong và ngoài nước. 

Xét thấy bà con Việt kiều mong muốn không nhiều, thực tế họ không cần Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội ưu tiên, ưu đãi hơn đồng bào đang sinh sống, làm ăn trong nước, nhưng họ cần lắm một chính sách thực sự thông thoáng về đầu tư và khởi nghiệp tại Việt Nam, đơn giản hoá thủ tục hành chính như người Việt Nam. Chính sách thì hay, nhưng địa phương thực thi thì có nơi, có lúc còn dở, còn phiền hà, nhũng nhiễu. Nhà nước đã chấp thuận cho Việt kiều được hồi hương và trường hợp đặc biệt được mang hai quốc tịch, nhưng nguyện vọng của họ được hồi hương có khi cũng gặp vô vàn khó khăn, có trường hợp thời gian chờ đợi hàng 5-7 năm vẫn chưa xong. Đối với những người già muốn được về quê khi cuối đời, muốn được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ… thì thời gian với họ lại càng là vấn đề.

Đã coi Việt kiều là bộ phận không tách rời của đất nước Việt Nam, thì nên chăng có thể lựa chọn những doanh nhân, những nhà khoa học kiều bào có thực tài, có tâm huyết, có khả năng điều hành doanh nghiệp, có tài chính… tham gia vào các lĩnh vực trong hệ thống công quyền của đất nước? Khi đó, chắc chắn kiều bào sẽ đóng góp được nhiều hơn, hiệu quả hơn và tương xứng với khả năng, thật sự chung tay góp sức giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư FDI và là nơi nuôi dưỡng tinh thần con Lạc cháu Hồng. Chúng ta sẽ thành công và hy vọng năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao trên thế giới./.

Hoài Bắc (Canada)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm