A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp kiều bào – kênh kết nối hàng Việt vào EU

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có nêu rõ: “Phát huy khả năng của NVNONN làm dịch vụ, thiết lập và mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa Việt Nam, các quan hệ hợp tác và đầu tư với các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân nước ngoài”.

Với nguồn lực và sự nhạy bén trong kinh doanh của kiều bào ta tại nước ngoài, đến nay hàng Việt cũng đã hiện diện ngày càng nhiều tại các nước, trong đó có thị trường châu Âu. Nhưng thực tế cho thấy dư địa và tiềm năng của lĩnh vực này còn rất lớn, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Vị thế của hàng Việt tại châu Âu còn khiêm tốn

Tại những quốc gia có đông cộng đồng người châu Á định cư, sinh sống, phần lớn đều đã có những khu buôn bán, cửa hàng thực phẩm châu Á, trong đó cũng bày bán cả những thực phẩm hoặc hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Đặc biệt cùng với sự phát triển lớn mạnh của cộng đồng NVNONN thì tại các quốc gia Đông Âu như: LB Nga, CHLB Đức, Ba Lan, CH Séc, Hungary… còn có cả những trung tâm thương mại của người Việt Nam với các mặt hàng kinh doanh cũng rất đa dạng, phong phú. Thậm chí nhiều bà con còn nói vui rằng “chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu mỗi tiền!”. Có được sự thuận lợi, đa dạng trong kinh doanh, buôn bán như vậy chính là nhờ môi trường giao thương quốc tế cùng các lĩnh vực vận tải hàng không, cảng biển phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua.

Nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, so sánh với hàng hóa “made in China”, “made in Thailand” hay của một số quốc gia khác thì sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, thậm chí không muốn nói là “lép vế” trên sân khách. Dạo qua những trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh của người Việt tại các nước Đông Âu, chúng ta sẽ thấy rõ điều này, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm.

Nói đến thực phẩm, nông sản Việt, sẽ không thể không nói đến hạt gạo của Việt Nam. Trong các đại siêu thị hoặc các cửa hàng thực phẩm châu Á tại thành phố Bruxelles, Vương quốc Bỉ, gạo là mặt hàng không thể thiếu. Trong hàng chục loại gạo khác nhau xuất xứ từ Nhật Bản, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Campuchia lại không có gạo Việt Nam, hoặc có cũng chỉ là một, hai sản phẩm không rõ thương hiệu, dù được ghi là “sản phẩm từ Việt Nam”. Lý giải về việc này, bà Kristina Liên - Giám đốc Công ty Nhập khẩu Nông sản Á châu Liên tại Bỉ - cho biết: “Gạo Việt Nam có chất lượng chưa được tốt lắm, chúng tôi vẫn mong nhập được gạo ngon từ Việt Nam. Bây giờ thì gạo Thái Lan và gạo Campuchia có chất lượng tốt hơn”. Còn ông David Hoàng - chủ cửa hàng Asia Market Hoàng Trinh Bruxelles - cũng bổ sung thêm: “Vấn đề thứ nhất là do giá cả quá cao. Ví dụ như giá gạo của Thái, loại đã có thương hiệu 40 năm nay rồi thì giá cũng chỉ từ 33 - 35 Euro, trong khi đó gạo của Việt Nam mình dù không có thương hiệu cũng đã cỡ giá như vậy rồi. Trong khi tâm lý người mua bao giờ họ cũng thích loại có thương hiệu hơn. Thứ hai là gạo của ta nguồn hàng nhập vào không có đều, lúc có lúc không. Đó cũng là lý do gạo Việt không đứng vững trên thị trường bên này.”

Sự thưa thớt của hàng Việt trên các kệ hàng trong các siêu thị, cửa hàng tại châu Âu đôi khi cũng đến từ những lý do tưởng chừng như rất nhỏ như tem chú thích cách sử dụng chẳng hạn. Là chủ một trong những công ty kinh doanh thực phẩm châu Á lớn nhất tại Berlin, CHLB Đức, với 15 năm kinh nghiệm thương trường, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc công ty ASIA Hùng Phát - cho biết: “Các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu nói chung và Đức nói riêng phần lớn đều có chất lượng tốt nhưng tại sao lại không được người dân bản xứ ưa chuộng? Theo tôi một trong những nguyên nhân là các mặt hàng đấy người tiêu dùng nước ngoài không biết sử dụng. Chúng tôi cũng đã đến các siêu thị để đặt vấn đề đưa nguồn hàng vào thì họ thấy khá khó khăn để người dân bên này biết cách chế biến những thực phẩm của Việt Nam vì nhãn mác hướng dẫn sơ sài, ít thông tin, thậm chí là không có cả hướng dẫn sử dụng. Đây cũng là một yếu tố mà các doanh nghiệp Việt cần lưu ý.”

Dưới góc độ từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) - cũng bổ sung thêm một số nguyên nhân dẫn đến vị thế hàng Việt tại châu Âu còn khiêm tốn: “Theo tôi, lý do quan trọng nhất là chất lượng. Chất lượng của chúng ta chỉ có một số các tập đoàn, tổng công ty trước đây người ta khai thác được việc ký kết các hiệp định song phương thì bây giờ họ đã tận dụng rất tốt, nhưng những doanh nghiệp như vậy thì không ôm hết được toàn bộ thị trường. Ngoài ra, thủ tục hành chính của chúng ta còn khá rườm rà, nếu đối tác đặt một mặt hàng nào đó cũng sẽ mất khá nhiều thời gian. Như vậy đương nhiên hàng của mình vào châu Âu sẽ bị ít đi, còn nhu cầu để xuất sang châu Âu vẫn rất lớn”.

Có thể thấy chất lượng, giá cả, thủ tục hành chính, kết nối quảng bá sản phẩm là những nguyên nhân chính khiến hàng Việt vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với hàng hóa của nhiều quốc gia khác tại châu Âu.

Tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp kiều bào để đưa hàng Việt vào EU

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định được ví như “tuyến đường cao tốc đã mở" đối với cả Việt Nam và EU, nhất là doanh nghiệp hai nước. Nhưng tận dụng được cơ hội từ các FTA nói chung và EVFTA nói riêng đến nay vẫn luôn là bài toán khó đối với các doanh nghiệp trong nước khi doanh nghiệp Việt gặp khá nhiều rào cản như: pháp lý, hàng rào kỹ thuật, văn hóa tiêu dùng, phương thức giao thương… Bởi vậy, với lợi thế hiện đang định cư, kinh doanh lâu năm tại nước ngoài, các doanh nhân và doanh nghiệp kiều bào đã có những ưu thế nhất định và được kỳ vọng sẽ là cầu nối quan trọng, cánh tay nối dài giúp các doanh nghiệp trong nước tháo gỡ những vướng mắc kể trên.

Trước hết, các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu với nhiều năm định cư tại nước ngoài và kinh nghiệm thương trường sẽ có lợi thế thông thạo ngoại ngữ, nắm bắt được các thông tin thị trường, thuận lợi hơn khi tìm hiểu, nắm bắt luật pháp sở tại và có thể xây dựng quan hệ kinh doanh với các doanh nghiệp địa phương.

Tiếp đó, phần lớn các doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên thường phát triển theo mô hình kinh doanh thương mại. Họ là những nhà nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời cũng là những người phân phối bán lẻ. Tại các nước Đông Âu có đông cộng đồng người Việt đều đã có những trung tâm thương mại của người Việt. Đây không chỉ là nơi tạo điều kiện kinh doanh ổn định cho bà con ta, mà còn là nơi giao dịch hàng hóa rất hiệu quả với bạn hàng các nước. Đây cũng là một trong những lợi thế rất lớn của doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu.

Ngoài ra, cũng có một yếu tố rất quan trọng khác mà nếu so với các doanh nghiệp kiều bào, các doanh nghiệp trong nước rất khó để nắm bắt, đó chính là “văn hóa kinh doanh”. Chắc chắn với nhiều năm lăn lộn nơi đất khách, doanh nghiệp kiều bào sẽ tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu từ văn hóa sở tại và cả văn hóa kinh doanh của mỗi nước. Chính các doanh nghiệp của bà con sẽ là cầu nối, đóng vai trò trung gian để kết nối cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận, xâm nhập thị trường châu Âu thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Thay vì các doanh nghiệp trong nước phải tự mò mẫm thông tin, tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường với những chuyến xuất ngoại dài ngày, thì có thể tận dụng vai trò “tư vấn, kết nối” từ chính các doanh nghiệp kiều bào.

Trước nhu cầu từ cả hai phía, ông Hoàng Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu - cũng đã đưa ra đề xuất cụ thể để các doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hóa vào châu Âu có thể tham khảo: “Theo tôi, có một số giải pháp kết nối giao thương mà phía doanh nghiệp trong nước có thể tham khảo. Thứ nhất là phương pháp truyền thống, tức là phương thức mua đứt, bán đoạn. Các doanh nghiệp trong nước nếu có sản phẩm chất lượng tốt, giá tốt thì chúng ta chào hàng và các doanh nghiệp kiều bào mua đứt luôn. Thứ hai là các doanh nghiệp kiều bào chúng ta làm đại diện cho các công ty trong nước. Thứ ba là hình thức đại lý. Nếu trong giai đoạn làm ăn đã tương đối tin tưởng nhau theo kiểu mua đứt, bán đoạn rồi thì chúng ta có thể cân nhắc ủy quyền đại lý cho các doanh nghiệp của kiều bào ở nước ngoài.”

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp kiều bào tại châu Âu cũng đã tích cực triển khai nhiều hội thảo trực tuyến bàn thảo, trao đổi kinh nghiệm và tìm ra những hướng đi thích hợp để đẩy mạnh giao thương giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là để tận dụng những cơ hội, nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức từ cơ hội do EVFTA mang lại. Dẫu biết còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước nhưng với sự quyết tâm và đồng lòng, sự nhạy bén với thời cuộc, các doanh nghiệp Việt cả trong và ngoài nước sẽ góp phần đưa những nội dung trọng tâm của Nghị quyết 36 đi vào đời sống. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế giữa Việt Nam với quốc tế nói chung và với châu Âu nói riêng ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất.

Dung Hà


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm