A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cộng đồng người Việt tại Mỹ: Đoàn kết hướng tới tương lai

Là một trong những cộng đồng người nhập cư ở một đất nước đa sắc tộc, đa văn hoá, người Việt tại Mỹ ngày càng vươn lên mạnh mẽ, hội nhập cùng các cộng đồng khác với ý chí và nghị lực phi thường. Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cũng là dịp để nhìn lại sự chuyển mình của cộng đồng sau gần nửa thế kỷ và những nỗ lực trong công tác đại đoàn kết người Việt tại Mỹ, đặc biệt là sau 25 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.

 Vòng tay đoàn kết cộng đồng người Việt tại Mỹ

Tự bao đời nay, người Việt Nam ta luôn có truyền thống đoàn kết, yêu nước,thương nòi. Người Việt dù ở bất cứ nơi đâu đều cùng là con mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. “Con một mẹ, hoa một chùm, thương nhau nên phải bọc đùm lấy nhau” đã trở thành lẽ sống tự nhiên của mọi người con mang dòng máu Lạc Hồng. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, và đặc biệt là trong cộng đồng người Việt Nam đang sống xa quê hương, truyền thống ấy vẫn là ngọn lửa ấm áp gắn kết người Việt, soi đường cho cộng đồng ngày càng phát triển, lớn mạnh và nuôi dưỡng sự gắn kết với quê hương, đất nước.

Trong số hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, cộng đồng người Việt tại Mỹ có lẽ mang nhiều nét đặc thù nhất cả về lịch sử hình thành và điều kiện phát triển. Là một trong những cộng đồng người nhập cư ở một đất nước đa sắc tộc, đa văn hoá, người Việt tại Mỹ ngày càng vươn lên mạnh mẽ, hội nhập cùng các cộng đồng khác với ý chí và nghị lực phi thường. Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài cũng là dịp để nhìn lại sự chuyển mình của cộng đồng sau gần nửa thế kỷ và những nỗ lực trong công tác đại đoàn kết người Việt tại Mỹ, đặc biệt là sau 25 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.

 Kiều bào Minnesota dự Tết Cộng đồng tại Nhà Việt Nam

DIỆN MẠO ĐỔI THAY

Sử sách đã ghi lại, nhà yêu nước Trần Trọng Khiêm và sứ thần Bùi Viện là một trong những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Mỹ từ giữa thế kỷ 18. Nhưng phải đến những năm 1950, mới có đông người Việt Nam đến Mỹ sinh sống, hay học tập và làm việc. Đến trước năm 1975, khoảng gần 20.000 người Việt là thân nhân của những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam hoặc là học sinh, thương gia đã đến định cư ở Mỹ. Thống kê dân số của Mỹ cho thấy trong giai đoạn từ sau 1975 đến 1990, đã có trên 600.000 người Việt đến Mỹ, đến năm 2018, con số được công bố chính thức là 2,2 triệu người, nhưng thực tế có thể còn cao hơn.

Như nhiều cộng đồng người nhập cư khác, bà con người Việt đã trải qua giai đoạn đầu hội nhập ở Mỹ với không ít trở ngại do khác biệt về sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ, lối sống. Thế nhưng vượt qua những thử thách đó, dù điều kiện kinh tế còn ở mức thấp, công việc chủ yếu là lao động phổ thông và đối mặt với tư tưởng kỳ thị từ một bộ phận người dân Mỹ, bà con ta vẫn vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, đầu tư cho con cái học hành để dùng tri thức và kỹ năng của mình hoà nhập vào cuộc sống ở xứ sở mới.

Tỷ lệ tăng trưởng dân số nhanh và tỷ lệ nhập tịch cao đã đưa người gốc Việt trở thành cộng đồng người nhập cư gốc Á lớn thứ 6 tại Mỹ. Tự hào hơn, giờ đây tiếng Việt được ghi nhận là ngôn ngữ phổ biến thứ 5 trong số 350 ngôn ngữ sử dụng tại Mỹ. Đời sống kinh tế của bà con ngày càng khá giả, người Việt đã chiếm lĩnh thị trường trong một số ngành nghề như dịch vụ chăm sóc cá nhân, nhà hàng ẩm thực Việt ở khắp các tiểu bang. Người Việt thuộc nhóm có trình độ giáo dục cao trong cộng đồng gốc Á, nhiều trí thức người Việt thành công, nhận được các giải thưởng cao quý và được chính quyền sở tại vinh danh. Giờ đây, chúng ta không khó để gặp những gương mặt của người gốc Việt giữ các chức vụ trong chính quyền liên bang, tiểu bang và cấp địa phương. Diện mạo của cộng đồng ngày nay đã thực sự thay đổi đáng kể.

QUÊ HƯƠNG LÀ NƠI TRỞ VỀ

Đa phần người Việt đến Mỹ trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt sau năm 1975 khi cuộc chiến vừa kết thúc. Nhiều bà con phải quyết định ra đi do mặc cảm quá khứ hay do sự mất mát gia đình, người thân. Sau cuộc chiến, nhiều nỗi đau vẫn chưa nguôi, vẫn còn có những tiếng nói đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc với những định kiến khá nặng nề, chưa hiểu những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đó là hậu quả có thể hiểu được sau bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Thế nhưng mọi sự đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn.

 Đại sứ Hà Kim Ngọc gặp mặt những người con Việt 

Tôi còn nhớ những ngày đầu cùng với phái đoàn cán bộ của Bộ Ngoại giao được cử đến San Francisco để mở văn phòng Tổng lãnh sự quán ta tại đây năm 1997. Thời điểm đó, Mỹ mới dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam và hai nước chính thức bình thường hoá quan hệ ngoại giao được 2 năm, mọi thứ còn khó khăn trăm bề.Quan hệ Việt – Mỹ lúc ấy còn nhiều dè dặt, hai bên tiến từng bước thận trọng trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và đặt các bước đi hợp tác đầu tiên.Nhưng trong chúng tôi không ai chùn lòng.Chúng tôi hiểu rằng không thể tránh khỏi một số bà con còn mang nặng tâm tư, từ khi ra đi chưa có dịp quay về để hiểu rõ tình hình trong nước nên chưa có thiện cảm với các cơ quan ngoại giao. Vậy mà ngày ấy, nhiều bà con người Việt tích cực đã chủ động hỗ trợ chúng tôi mở văn phòng làm việc, hướng dẫn và giới thiệu về cuộc sống trong những ngày đầu tại Mỹ. Những nghĩa cử ấy là gì nếu không phải là tình nghĩa đồng bào, máu mủ ruột già vẫn chảy trong huyết mạch không thể đổi thay!

Cùng với sự phát triển của đất nước, đà đi lên của quan hệ Việt – Mỹ, những chủ trương, chính sách rộng mở, tạo thuận lợi cho bà con kiều bào gắn kết, trở về đất nước bắt nguồn từ Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị năm 2004 đã dần tạo nên sự chuyển biến trong nội tại cộng đồng đối với đất nước. Số lượng bà con về nước mỗi năm đã tăng lên gần 1 triệu lượt người. Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, trong đó khoảng một nửa được gửi về từ Mỹ. Thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba đang giúp đưa người Việt có vị trí cao hơn, mạnh mẽ hơn trong xã hội Mỹ, đồng thời là sứ giả mang sứ mệnh đoàn kết, gắn bó người Việt với quê hương.

Cũng như ở nhiều nước trên thế giới, tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng người Việt tại Mỹ được khơi dậy và phát huy cao độ trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xây dựng đất nước, hỗ trợ trong nước mỗi khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Đó là khi dù không ai bảo ai, bà con ta luôn hướng về quê hương sẵn sàng góp sức người, sức của chia sẻ với đồng bào trong nước.

Hồi đầu năm nay, khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoành hành tại Mỹ, tôi may mắn có dịp được đến thăm làm việc tại tiểu bang Arizona với một cuộc gặp gỡ đầy những định mệnh run rủi. Đó là cuộc hội ngộ với những người con Việt – Mỹ mang trong mình hai dòng máu, được sinh ra từ chiến tranh Việt Nam. Trong số họ, có người đã may mắn gặp được cha là cựu binh Mỹ, có người vẫn đang rong ruổi trên chặng đường tìm lại nguồn gốc sinh ra của mình. Nhưng ở họ có một điểm chung, dù đối mặt bao khó khăn nhưng họ không bao giờ từ bỏ gốc gác Việt Nam.

Dòng máu Việt, văn hoá Việt, ngôn ngữ Việt vẫn theo họ và con cái, họ tự hào rằng mình đã được sinh ra và mang trong mình huyết thống của người Việt. Chúng tôi đã vô cùng cảm động, “một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” là đây! Sau cuộc gặp ấy, như một cơ duyên, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã có dịp kết nối thêm với nhiều người con Việt – Mỹ ở các tiểu bang khác và giờ đây đang góp phần hỗ trợ họ trên hành trình tìm kiếm gia đình và gắn kết với nhau.

Đến nay, chỉ còn một bộ phận trong cộng đồng người Việt tại Mỹ có định kiến khác do chưa hiểu đúng và đủ về tình hình trong nước. Nếu như được trở về thăm lại nơi họ sinh ra, thắp nén hương cho người thân sau nhiều năm sống xa Tổ quốc, được mắt thấy tai nghe về sự phát triển của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, họ sẽ là nguời chủ động xoá đi những nghi ngại, để những vết thương sẽ chóng lành, nhường chỗ cho sự hàn gắn, yêu thương. Rất nhiều người đã trở về, trong đó có người từng là quan chức cao cấp trong chế độ cũ, từng là người đi đầu các phong trào chống phá Việt Nam.Chính họ đã ước rằng, giá như họ trở về sớm hơn.Tuy muộn mằn, nhưng quê hương vẫn đón nhận những người con quay về.

 Đại sứ Hà Kim Ngọc phát biểu tại chương trình Vòng tay nước Mỹ của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ

CÁI TÂM CỦA NHỮNG NGƯỜI LÀM NGOẠI GIAO

Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị được ban hành đánh dấu sự chuyển biến lớn về chủ trương, nhận thức và cách thức triển khai công tác vận động cộng đồng. Công tác với người Việt Nam ở nước ngoài được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ đồng bào ổn định, phát triển ở sở tại và gắn bó với quê hương. Đã có sự chung sức, đồng lòng và triển khai đồng loạt, toàn diện từ các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quần chúng đến các cơ quan đại diện, hội đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài, tạo sự chuyển biến lớn cả trong nhận thức và hành động.

Nếu làm công tác đối ngoại tại địa bàn Mỹ là một nhiệm vụ đầy thử thách khi đối tác là cường quốc lớn nhất thế giới, thì làm công tác vận động cộng đồng tại địa bàn này cũng là sự “thử sức” không kém khi giới hạn phải vượt qua là lòng người, là niềm tin của chính những người cùng mang dòng máu Việt Nam. Trong khi trong cộng đồng vẫn còn nhiều người chưa hiểu đúng về đất nước, một số kênh báo chí, truyền hình vẫn chủ yếu thông tin một chiều, thì sự nỗ lực của các cơ quan trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò như chất kết nối đưa bà con kiều bào gần lại với trong nước hơn.

Tại địa bàn Mỹ, nguồn lực ưu tiên của các Cơ quan đại diện luôn dành để hỗ trợ cộng đồng ổn định về mặt pháp lý, có điều kiện cư trú, đời sống kinh tế, giáo dục, văn hoá công bằng với cộng đồng sở tại, truyền tải thông tin đầy đủ, khách quan về tình hình đất nước và những vấn đề bà con quan tâm, từ đó huy động tinh thần yêu nước, đóng góp cho quê hương trong cộng đồng người Việt. Thời gian qua, các cơ quan đại diện đã luôn song hành cùng cộng đồng trong việc phòng chống đại dịch COVID-19, lên tiếng bảo vệ và yêu cầu chính quyền sở tại bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cộng đồng khi có những quy định không thoả đáng về pháp lý, kinh doanh, việc làm…

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ cũng đã chủ động và thường xuyên triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt, cung cấp giáo trình, dụng cụ học tập… cho các cơ sở dạy tiếng Việt, vận động các gia đình gốc Việt duy trì cho con em học tiếng Việt. Đồng thời, cơ quan đại diện thường xuyên vận động chính quyền sở tại, cả ở cấp liên bang và tiểu bang, để đưa tiếng Việt vào các chương trình giảng dạy chính thức tại các trường học nơi có đông người Việt sinh sống. Việc duy trì ngôn ngữ Việt có ý nghĩa cốt lõi giúp gắn kết các thế hệ người Việt trong gia đình và với đất nước, để mỗi người Việt trẻ tuổi dù sinh ra, lớn lên trong hoàn cảnh nào cũng hiểu rằng mình là người Việt Nam.

Mỗi cán bộ làm công tác ngoại giao luôn thấu hiểu đặc thù của cộng đồng dù vẫn còn những khó khăn, cản trở, nhưng đại bộ phận bà con luôn hướng về quê hương, sẵn lòng đóng góp cả chất xám và nguồn lực kinh tế cho đất nước. Đó là nền tảng để giúp các cơ quan đại diện cùng với trong nước đang dần hàn gắn những vết thương đã cũ, cùng chung tay, đồng hành với cộng đồng bằng sự thiện tâm mong muốn gắn kết người Việt tại Mỹ. Triển vọng phát triển, đi lên của cộng đồng, của đất nước, của quan hệ Việt – Mỹ đang mở ra những bước tiến mới trong công tác đại đoàn kết đân tộc. Những khác biệt còn lại sẽ được hoá giải khi cả trong nước và cộng đồng tiếp tục chung tay./.

Hà Kim Ngọc
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm