“Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước”
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí về công tác thu hút nguồn lực kiều bào trước thềm Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông |
PV: Thưa ông, một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị 45-CT/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới là việc rà soát cơ chế pháp lý để tạo thuận lợi cho kiều bào về nước đầu tư, sản xuất. Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nội dung này như thế nào?
Thứ trưởng Trần Duy Đông: Thời gian vừa qua, có thể thấy lượng đầu tư của cộng đồng NVNONN về Việt Nam khá tốt. Tính đến tháng 10/2020, bà con kiều bào đã có 362 dự án đầu tư theo hình thức FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại 42/63 địa phương trong cả nước. Phần lớn các dự án đầu tư này thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Như vậy, tiềm lực về khoa học công nghệ, tài chính, quản lý của NVNONN ngày càng tăng, và xu hướng đầu tư về Việt Nam cũng nhiều hơn.
Để có thể tập trung và thu hút nguồn lực NVNONN về nước đầu tư thì trong pháp luật hiện nay, chúng ta có Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư vừa là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được lựa chọn điều kiện đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hay nói cách khác là có quyền lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước hoặc điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu công dân Việt Nam ở nước ngoài lựa chọn hình thức áp dụng như nhà đầu tư trong nước thì sẽ có nhiều thuận lợi như không phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, các quy định về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động. Ngoài ra, Đảng, Nhà nước và các cơ quan Chính phủ cũng tạo điều kiện để NVNONN sinh sống lâu dài tại Việt Nam như miễn visa cho Việt kiều về nước, Luật Nhà ở cho phép NVNONN về quê hương sinh sống và làm ăn được mua nhà…
PV: Ông có thể đánh giá vai trò của cộng đồng NVNONN trong việc kết nối đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài?
Thứ trưởng Trần Duy Đông: Chúng tôi đánh giá cao vai trò của cộng đồng NVNONN. Thứ nhất là về công tác xúc tiến đầu tư. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến, bà con Việt kiều rất nhiệt tình tham gia, hỗ trợ kế hoạch xúc tiến hiệu quả hơn. Bà con cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc kết nối, cung cấp thông tin với nước ngoài. Đây là việc có ý nghĩa rất quan trọng vì khi họ là người Việt Nam thì họ cũng am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, là cầu nối hiệu quả thu hút, thúc đẩy NVNONN về đầu tư trong nước, cũng như bạn bè quốc tế về Việt Nam.
Thứ hai, chúng tôi cũng đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng trong việc hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kết nối đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật của các nước sở tại.
PV: Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có dự định triển khai chính sách mới hay đề xuất, kiến nghị gì để đẩy mạnh hơn nữa đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 45-CT/TW trong việc phát huy nguồn lực kiều bào?
Thứ trưởng Trần Duy Đông: Việc cần thiết trước hết là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh trong tình hình mới, phù hợp với luật pháp quốc tế, không tạo ra phân biệt đối xử.
Tôi cho rằng cộng đồng NVNONN có rất nhiều tài năng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, khoa học công nghệ. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, NVNONN là nhân tố hết sức quan trọng giúp tạo ra giải pháp để nước ta phát triển. Tiềm năng của nguồn lực kiều bào là rất lớn nhưng chưa được khai thác hết. Chúng tôi hy vọng rằng có thể kết nối họ để lan tỏa những tri thức đó, phục vụ cho phát triển đất nước.
Chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng số kết nối những người Việt Nam ưu tú ở nước ngoài. Để làm được điều đó, Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam đã chính thức ra mắt vào tháng 8/2018 tại Chương trình Kết nối Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng tổ chức. Mạng lưới đã tập hợp được hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài và các nhà khoa học trong nước. Tính đến nay, Mạng lưới đã kết nối được hơn 300 thành viên ở 14 quốc gia để triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở Đức, Úc, Nhật Bản. Hệ thống đã thành lập được 5 văn phòng ở 5 quốc gia, được duy trì thường xuyên.
Cộng đồng trí thức người Việt Nam tại các nước về cơ bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, có nhu cầu kết nối và có khả năng thúc đẩy những hợp tác hai chiều giữa Việt Nam và nước sở tại. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Mạng lưới này, hy vọng thu hút được 1000 trí thức và nhà khoa học với những đóng góp cụ thể hơn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ 4.0.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bình An