Một Việt Nam yêu thương và chia sẻ
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị tại Tọa đàm trực tuyến 'Kết nối kiều bào trong phòng chống dịch COVID-19' |
Dịch COVID-19 khiến nhiều hoạt động thường niên như Trại hè Việt Nam, kiều bào về thăm biển đảo quê hương... buộc phải hoãn và hủy bỏ. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) hiện hướng vào trọng tâm công tác nổi bật gì, thưa ông?
Đúng là việc phải hoãn hoặc hủy bỏ các hoạt động ý nghĩa này rất đáng tiếc, nên trong thời gian qua, chúng tôi tập trung vào mảng hoạt động hỗ trợ kiều bào để phòng chống COVID-19. Cùng với các đơn vị khác trong Bộ, Ủy ban đã có những khuyến cáo rất kịp thời đến bà con, thậm chí chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế cung cấp cả một bộ tài liệu hướng dẫn phòng chống dịch bệnh để gửi cho tất cả hội đoàn người Việt, Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và được đăng tải ở các phương tiện thông tin đại chúng cho bà con tham khảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp thông tin kịp thời về tình hình diễn biến dịch ở trong nước để bà con có thể yên tâm khi phòng chống dịch ở xứ người.
Đầu tháng Bảy vừa qua, Ủy ban đã phối hợp Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kết nối kiều bào trong phòng chống dịch COVID-19”.
Tại tọa đàm này, các đại diện ở chín điểm cầu trên thế giới đã thông báo cho chúng tôi tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 ở các nước sở tại, những khó khăn trong đời sống do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và kinh nghiệm phòng chống dịch, sự giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng và giữa các cộng đồng.
Đặc biệt, các anh chị bày tỏ sự xúc động và rất tự hào bởi Việt Nam đã phòng chống dịch rất hiệu quả, cũng như Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến người dân với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”. Nhiều anh chị cho biết họ vẫn cài zalo và viber số trong nước, hàng ngày nhận được tin nhắn của Chính phủ và Bộ Y tế.
Nhiều anh chị chia sẻ, chính quyền nước sở tại đã tham khảo kinh nghiệm phòng chống dịch của cộng đồng người Việt Nam. Chẳng hạn ở một số nước châu Âu ban đầu khuyến khích không đeo khẩu trang, nhưng qua việc làm của người Việt và thông tin từ trong nước thì nhiều nơi đã thực hiện theo.
Và điều chúng tôi đánh giá cao nhất chính là tinh thần tương thân tương ái của kiều bào mình với đồng bào trong nước và nước sở tại. Chưa khi nào chúng ta được chứng kiến một phong trào hỗ trợ và tri ân quê hương thứ hai mạnh mẽ như vậy đến từ bà con mình từ khắp nơi trên khắp năm châu.
Thực sự xúc động khi thấy bà con ngồi may từng chiếc khẩu trang đến nấu từng suất ăn để mang đến tận bệnh viện tặng cho các y, bác sĩ nước sở tại. Qua đại dịch lần này, cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam.
Có thể thấy hình ảnh về một Việt Nam yêu thương và chia sẻ đang in dấu ở khắp nơi trên thế giới.
Vậy còn Diễn đàn trực tuyến “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) con đường đắc lợi - con đường gian nan” được tổ chức mới đây?
Đây là diễn đàn được chúng tôi tiếp tục phối hợp với VOV và Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu tổ chức với mong muốn thúc đẩy sự kết nối bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước với hệ thống doanh nghiệp, các nhà phân phối của cộng đồng người Việt ở châu Âu.
Chương trình diễn ra thành công tại điểm cầu Hà Nội, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh và 15 điểm cầu tại châu Âu và trên thế giới. Việc kết nối trực tiếp doanh nghiệp trong nước với các đầu mối thương mại của người Việt ở khắp châu Âu sẽ góp phần đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận nhanh nhất tới thị trường này trên cơ sở nội dung ký kết của EVFTA.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện tại, Ủy ban phối hợp với các cơ quan, tổ chức như thế nào trong việc hỗ trợ bà con kiều bào?
Chúng tôi vẫn hợp tác chặt chẽ với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) trong việc phối hợp cung cấp thông tin cũng như đưa công dân trở về nước. Cùng với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban đã vận động nhiều doanh nghiệp để hỗ trợ cung cấp khẩu trang, vật tư y tế gửi tới các Cơ quan đại diện nhằm chuyển cho bà con kiều bào ở các nước, cũng như kết hợp với các chuyến bay đi đón để gửi kịp thời cho bà con.
Ủy ban cũng xây dựng các kênh thông tin riêng với các hội đoàn và các cá nhân kiều bào. Bởi vậy, mọi diễn biến dịch cũng như đời sống tinh thần hiện nay của bà con ra sao chúng tôi đều nắm bắt được. Những gì có thể hỗ trợ bà con được chúng tôi đều sẵn lòng.
Hiện vẫn còn không ít kiều bào có nguyện vọng trở về quê hương nhưng chưa có điều kiện. Ông có điều gì muốn nhắn nhủ tới bà con?
Trước hết, chúng tôi mong bà con thường xuyên cập nhật thông tin cũng như sử dụng các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại. Nếu về nước, bà con cần phải thực hiện nghiêm các quy định biện pháp y tế chống dịch như cách ly, đeo khẩu trang... Phải nói rằng, đây là thời điểm bà con cần phải sáng suốt có những tính toán, cân nhắc xem có nên trở về hay không để làm sao vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình và cho cộng đồng. Đương nhiên, đất nước sẽ “không bỏ ai lại phía sau” dù chúng ta còn phải căn cứ vào tình hình thực tế ở các nước và điều kiện trong nước nữa.
Điều chúng tôi thấy mừng là số lượng bà con mắc Covid-19 hiện không nhiều tại các nước. Nhiều cộng đồng còn áp dụng mô hình chống dịch trong nước như ở Ba Lan với Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 được thành lập kịp thời và phát huy hiệu quả rất tích cực. Chúng tôi đánh giá cao và luôn tự hào về bà con kiều bào với tấm lòng luôn hướng về quê hương cùng với người dân và chính quyền nước sở tại.
Trọng Vũ (thực hiện) / baoquocte.vn