Bộ Ngoại giao: “Đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ” kết nối nguồn lực kiều bào cho phát triển đất nước
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo |
Ngày 16/7 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - Bộ Ngoại giao và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến kết hợp trực tiếp “Kết nối và phát huy nguồn lực NVNONN hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa Ban điều hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) và Ủy ban Nhà nước về NVNONN về phát triển mạng lưới NVNONN hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhân sự kiện này, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu đã trả lời phỏng vấn báo chí về Hội thảo và công tác về NVNONN. Tạp chí Quê Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
- Xin Thứ trưởng cho biết mục đích và ý nghĩa lớn nhất của Hội thảo lần này là gì?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức Hội thảo “Kết nối và Phát huy nguồn lực NVNONN hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam”. Trong khuôn khổ Hội thảo, hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác và phát động “Chương trình cố vấn khởi nghiệp” toàn cầu nhằm mục đích thu hút các chuyên gia người Việt ở nước ngoài hỗ trợ, cố vấn cho các startup trong nước giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải.
Ý nghĩa và mục đích lớn nhất của Hội thảo và Lễ ký kết Thỏa thuận lần này chính là bước triển khai cụ thể của công tác ngoại giao phục vụ phát triển, với phương châm của Ủy ban là “đột phá, mở đường, song hành, hỗ trợ” kết nối trong nước với kiều bào để thực hiện mục tiêu huy động tổng hợp các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Hội thảo nhằm mục đích thu hút các chuyên gia NVNONN hỗ trợ, cố vấn cho các startup trong nước giải quyết các vấn đề khó khăn đang gặp phải. Trong khuôn khổ Hội thảo, hai bên phát động Chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu với mục tiêu kick-off để tìm được 10 cố vấn cho các startup trong nước. Đây chính là một bước triển khai cụ thể hiện thực hóa nội dung về thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước.
- Thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ sẽ có hoạt động cụ thể gì để triển khai Thỏa thuận?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ và các đơn vị khác của Bộ Khoa học Công nghệ thực hiện các mục tiêu cụ thể như: xây dựng cơ sở dữ liệu về NVNONN; xây dựng cơ chế giới thiệu, kết nối, thu hút chuyên gia NVNONN hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam; tổ chức các sự kiện quốc gia và quốc tế như Hội nghị, hội thảo, diễn đàn kết nối đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến chuyển giao công nghệ; tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ, kết nối hoạt động của các địa phương với Mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ VNONN, Hiệp hội Chuyên gia Công nghệ, Doanh nhân, Câu lạc bộ Sinh viên Việt Nam đang nghiên cứu, học tập, làm việc tại nước ngoài.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục phối hợp trong việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài. Nghị định số 27/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là NVNONN và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam đã được Chính phủ ban hành 1/3/2020, có hiệu lực từ 15/4/2020. Hiện nay Bộ Ngoại giao đang phối hợp với đơn vị chủ trì là Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
- Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về vai trò quan trọng của các chuyên gia NVNONN trong việc tư vấn, cố vấn và cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, hiện có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã được thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước, cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.
Nhiều bạn trẻ trong cộng đồng, là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, các du học sinh Việt Nam, đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới có thể cố vấn, hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước phát triển.
- Dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp, xin Thứ trưởng cho biết Ủy ban Nhà nước về NVNONN có những kế hoạch ra sao trong xây dựng mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia kiều bào hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Kể từ khi thành lập Ban Việt kiều Trung ương vào năm 1959, nay là Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Ủy ban luôn là mái nhà chung của cộng đồng NVNONN, là nơi để bà con gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị tới với Đảng và Nhà nước, là cầu nối giữa người Việt trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã triển khai rất nhiều hoạt động kết nối với kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới nhằm củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện nhiệm vụ thông tin văn hóa cả hai chiều đối với kiều bào ta ở nước ngoài và trong nước; hỗ trợ cho kiều bào ta ổn định cuộc sống, hội nhập ở sở tại và huy động, phát huy nguồn lực kiều bào hướng về đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã nghiên cứu, đổi mới hình thức tổ chức các sự kiện thường niên của Ủy ban như Chương trình Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, Kiều bào thăm Trường Sa... để thích nghi với tình hình mới và tăng cường tổ chức, tham gia các buổi làm việc trực tuyến, kết nối để kiều bào có thể đóng góp từ xa.
Thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu hút trí thức kiều bào có nguyện vọng trở về Việt Nam đầu tư, hoạt động khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức. Ủy ban cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn NVNONN, triển khai những kết quả đã đạt được thời gian qua, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước để có những sáng kiến thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự đóng góp của kiều bào đối với trong nước, phát huy vai trò cầu nối của kiều bào trong việc huy động mọi nguồn lực nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giúp quảng bá về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và đóng góp cho Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hương Giang (thực hiện)