Việt Nam củng cố vị thế, lan tỏa ảnh hưởng trong ASEAN
Việt Nam không chỉ đóng góp vào việc củng cố đoàn kết nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh mà còn góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trải qua 30 năm đồng hành cùng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam không chỉ đóng góp vào việc củng cố đoàn kết nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh mà còn góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong 3 thập niên qua là nền tảng cho những bước đi chiến lược trong giai đoạn tiếp theo của tiến trình hội nhập sâu rộng.
Đây là khẳng định của giới chuyên gia Indonesia đưa ra trong các cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta về chặng đường 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2025).
Theo bà Dinna Prapto Raharja, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính sách Synergy của Indonesia, việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995 đã thực sự củng cố địa chính trị của các nước Đông Nam Á. Bà nhấn mạnh ASEAN có một cấu trúc đáng tin cậy hơn nhiều trong khu vực và điều đó rất quan trọng.
Bà Dinna cho rằng những cải cách liên tục ở trong nước của Việt Nam thời gian qua cũng là một đóng góp của Việt Nam, vì đã tạo ra sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Việt Nam đã nhất quán trong việc thực hiện cải cách, có thể là một hình mẫu trong ASEAN, bất chấp những thay đổi trên toàn thế giới. Những ý tưởng từ Việt Nam cũng truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên khác về cách điều chỉnh trong thế giới đang thay đổi.

Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN
Chuyên gia này nhận định việc tăng cường trao đổi và phối hợp trên các trụ cột hợp tác của ASEAN, bao gồm an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội, không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách nhận thức giữa các quốc gia thành viên, mà còn tạo ra mức độ ổn định và dự báo nhất định trong môi trường khu vực.
Trên cơ sở đó, quá trình ra quyết định ở cấp khu vực sẽ được củng cố nhờ việc chia sẻ thông tin kịp thời, các bước đi được hoạch định kỹ lưỡng và mang tính tập thể, thay vì những phản ứng đơn lẻ mang tính quốc gia.
Về hợp tác kinh tế, bà Dinna cho rằng Việt Nam đã góp phần vào kết quả thương mại nội khối tăng gấp 4 lần trong 30 năm qua. Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ việc cải thiện thương mại với các quốc gia thành viên khác. Ngược lại, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Indonesia, cũng được hưởng lợi từ sự có mặt của Việt Nam trong ASEAN.
Trong khi đó, ông Beni Sukadis, Điều phối viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) cho rằng Việt Nam đã nổi lên như một thị trường mới nổi ở Đông Nam Á.
Nhờ tốc độ phát triển và chính sách kinh tế, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy ASEAN trở thành một thị trường hội nhập hơn, đặc biệt là trong việc đối mặt với thị trường tự do trong ASEAN. Theo ông Beni, Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn đối với nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì vai trò trung tâm trong khu vực.
Ông Beni nêu rõ Việt Nam được đánh giá là một thành viên chủ động, quyết đoán trong nỗ lực củng cố sự đoàn kết và thống nhất nội khối ASEAN. Từ góc độ an ninh khu vực, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam không chỉ là một trong những nước có tiếng nói rõ ràng và nhất quán, mà còn thể hiện vai trò xây dựng và trách nhiệm, đặc biệt trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Theo ông Beni, chính sự chủ động và nhất quán đã giúp Việt Nam có vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy nguyên tắc pháp quyền thông qua đối thoại xây dựng và đàm phán hòa bình giữa ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam và Indonesia đã trở thành những đối tác tích cực, có tiếng nói trọng lượng trong tiến trình thúc đẩy xây dựng COC.
Cùng với Malaysia và Philippines, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia tiên phong trong việc bảo vệ nguyên tắc thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế, qua đó góp phần củng cố môi trường an ninh hàng hải ổn định và minh bạch trong khu vực.

Thông qua các khuôn khổ hợp tác ASEAN, Việt Nam có cơ hội mở rộng, đa dạng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc, trung tâm có vai trò, vị thế quan trọng của thế giới. Việt Nam cũng là cầu nối đóng góp vào việc ASEAN phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều đối tác.
Đồng quan điểm này, bà Dinna nhận định Việt Nam đã thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, kể cả trong bối cảnh bất ổn định toàn cầu.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên là một trong những nền kinh tế có khả năng thích ứng cao nhất ở châu Á, với năng lực phục hồi mạnh mẽ sau các cú sốc như đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động địa chính trị.
Việt Nam đã thực hiện những cải cách sâu rộng trong nước trên nhiều lĩnh vực, từ môi trường đầu tư, đến phát triển bền vững và mới đây nhất là cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Các nỗ lực cải cách thể chế gắn liền với cam kết hội nhập sâu rộng, giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư chiến lược tại Đông Nam Á và được đánh giá là một trong những hình mẫu cải cách hiệu quả trong ASEAN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn khu vực.
Trong bối cảnh ASEAN hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng 2045, sự phát triển bền vững và cải cách liên tục của Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa quốc gia, mà còn có giá trị khu vực, như một mô hình phát triển lấy cải cách làm nền tảng và hội nhập làm động lực.
Với tầm nhìn phát triển đến năm 2045, khi cả ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đều hướng đến những mốc quan trọng: ASEAN trở thành cộng đồng toàn diện và Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Ông Beni tin rằng Việt Nam sẽ giữ vai trò trụ cột trong việc định hình hướng đi của khu vực. Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ổn định chính trị và năng lực ngoại giao ngày càng trưởng thành giúp Việt Nam trở thành một trong những nước “cân bằng và kết nối” trong ASEAN.
Giới chuyên gia Indonesia nhận định đến năm 2045, Việt Nam sẽ là một trong những động lực thúc đẩy ASEAN duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiếp tục đóng góp cho một ASEAN tự cường, hội nhập và lấy người dân làm trung tâm./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)