A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về với ba đi con

Trăng mười sáu lấp ló trên đỉnh núi, tròn vàng vành vạnh độc chiếm cả bầu trời, làm lu mờ tất cả mọi vì sao đi lạc trên nền trời đen hư ảo. Người làng Pha xem trăng như một sinh thể có linh hồn, mọi chuyện trong làng từ bé đến lớn đều diễn ra theo quy luật của trăng tròn, trăng khuyết…

Minh họa: Thanh Toàn 

Cách gì mà trăng lại cho Nương những vui buồn và những tháng năm đổ vỡ đầu đời trong trái tim sai lầm, lỗi nhịp? Mẹ sinh Nương vào đêm rằm rồi bế Nương ra sân tắm ánh trăng quê hương vằng vặc. Ba lấy nhau rốn của Nương đem chôn ngoài bờ suối, cũng đúng vào đêm trăng tròn. Mùa trăng - Nương cùng đám con gái trong làng lên nguồn lấy nước. Mùa trăng - Nương với những tan vỡ mộng mơ đầu đời. Cả cái chuyện Nương nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học rồi hí hửng chạy đi khoe khắp làng cũng vào mùa trăng…

Nửa đêm, Nương nằm vắt tay lên trán trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Đã mấy mùa trăng lên rồi trăng tàn Nương không về làng. Ngày xưa, cứ mỗi đêm trăng sáng, mẹ Nương lại bưng mẹt thuốc rừng ra phơi ngoài sân. Những cuộc họp hội trong làng cũng diễn ra khi con trăng nằm lửng lơ trên ngọn đồi bên kia. Trai gái kéo nhau ra ngoài đầu làng, đánh đu, chơi chuyền, đến khuya lại nắm tay vòng quanh một đống lửa bập bùng reo hò nhảy múa. Đêm lạnh, gió thốc mạnh vào rừng sim, sương trắng khẽ khàng rơi trên triền dốc vời vợi giá buốt. Nương choàng khăn trên đầu rồi đeo gùi lên rẫy hái ngô, thong thả lại ngược dốc ra bờ suối rửa chân, soi trăng chải tóc. Nương thuộc lòng từng con đường mòn dẫn lối vào làng, con đường đá chông chênh ra suối, con đường lên rẫy ngan ngát mùi sim cỏ rừng đẫm sương ươn ướt. Nhớ nhất là những đêm trăng thao thức, ba không ngủ được. Ba xách điếu thuốc lào ra sân ngồi rít rồi phả khói trắng êm ả tan vào không gian tịch mịch. Rừng xa vọng lại tiếng chim kêu.

Ở phố không trăng. Căn phòng trọ nhỏ nằm trong con hẻm nhỏ xung quanh tường rêu san sát. Những ngôi nhà cao tầng lô nhô giữa bầu trời thành phố rực rỡ đèn hoa. Nhiều lúc nhớ trăng, Nương ngồi tựa cửa đợi mãi đến tận khuya mới thấy cái bóng tròn vàng lướt qua khoảng không bé xíu rồi vụt mất, như một cuộc trốn tìm. Nương nghĩ bụng: có lẽ trăng đã về núi mất rồi! Ở phố đâu có chỗ cho trăng, hoặc dửng dưng, hoặc vô tình, người ta vội vã lao mình vào nhịp điệu hối hả mà quên mất sự tồn tại của nó.

Ngày Nương ôm gói lên thành phố học đại học, ba tiễn Nương ra tận bờ suối. Trời đã sáng hẳn, trăng cuối mùa vẫn chưa kịp lặn, lờ mờ lẫn vào chân trời đang sáng. Ba bùi ngùi dặn Nương:

- Lên phố ráng mà học cho tốt, ráng mà giữ lấy cái thân. Mày đi mẹ mày buồn, tao cũng buồn. Nhưng biết sao bây giờ hả con? Ở đây riết rồi cũng mụ mị, dốt nát như ba mày, mẹ mày thôi con ạ! Đời tao và mẹ mày khổ nhiều rồi, mày đi để học lấy con chữ, học lấy khôn ngoan để tao nở mày nở mặt với bà con trong làng. Mày mà hư đốn thì đừng về làng, đừng về gặp tao… Ráng giữ mình nghen con!

Nương khe khẽ gật đầu. Ba dúi vào tay Nương gói tiền ba dành dụm được từ vụ ngô năm ngoái. Rồi ba bảo Nương vục nước suối lành rửa mặt, để cái thanh khiết của núi rừng len lỏi vào trong sâu thẳm tâm hồn. Mỗi dòng suối trắng, mỗi tấc đất rừng, mỗi hòn đá cuội và mỗi mùa trăng êm đềm trôi có ý nghĩa với người làng Pha nhiều lắm. Người miền núi có thói quen trước khi rời làng là cúi người hốt nắm đất quê mang theo bên mình như một cách để nhắc nhở về tấm lòng thủy chung, son sắt. Như cuộc trở về mang dấu lặng của thời gian, người ta thường ghé suối tắm táp, gội đầu, rửa chân cho thật sạch rồi mới thong dong vào làng. Đó là quy luật bất di bất dịch, giống như lời thề truyền kiếp năm xưa, hễ ai không giữ trọn tấm lòng trung trinh với núi rừng, bất nghĩa với đồng bào, không tròn câu phẩm hạnh… vĩnh viễn không được đặt chân về núi một lần nào trong đời. Mẹ dạy Nương những điều ấy từ khi Nương còn chân trần theo đám con nít rong ruổi ngoài triền núi, chiều chiều mẹ í ới gọi Nương vào nhà ăn bát cháo ngô.

Mấy đêm rày Nương mất ngủ. Mặc dù hồi chiều Nương đã uống mấy chén rễ nhãn lồng núi sắc kẹo, vậy mà vẫn không tài nào chợp mắt. Quần áo đã thu xếp xong xuôi, mấy bộ đồ mới cứ tết đến là mẹ đi chợ phiên sắm cho Nương. Đêm mùa xuân Nương mặc đồ mới, khăn choàng cổ rồi hòa với tốp con gái ra đầu làng chơi hội, đánh đu, thổi sáo, uống rượu,… rôm rả đến tận khuya. Qua đêm đó Nương cất đồ mới vào trong tủ không mặc nữa. Sáng đến trường chiều lên rẫy hái ngô, có bao giờ Nương ngơi tay. Tính Nương giỏi giang chăm chỉ lại thảo hiền xóm ai cũng thương. Người làng đi qua, thấy Nương ngồi hong tóc bên hiên nhà thì trêu:

- Ai mà lấy được con Nương chắc có phước ba đời đấy ông bà hai ạ!

Mẹ đang giẫy mấy búi cỏ ngoài sân, vuột miệng:

- Con Nương còn nhỏ. Nó nhất định phải đi học cho đến nơi đến chốn. Vợ chồng tui chịu cực chịu khổ chỉ mong con nó biết lấy cái chữ cho đỡ khổ sau này, rồi hẵng tính chuyện chồng con…

Mẹ cười đon đả, vội vã chạy vào nhà rót chén nước ngô cho người qua đường đỡ khát giữa cái nắng tháng tám như lửa xối. Ngoài rẫy, mấy ngọn ngô già vật vờ gió đánh xào xạc, đám ngô vừa gieo hạt ở cuối rẫy đã nhú lên mấy mầm xanh đầu mùa căng tràn sức sống.

Ánh trăng xuyên qua song cửa rọi vào chỗ Nương nằm. Chim rừng thỏ thẹt. Con suối hiền hòa róc rách uốn mình giữa những vạt đá già phủ rêu, vọng vào tai Nương âm thanh êm ái như một bản nhạc núi rừng. Nương giở mùng bước ra sân nhìn trăng. Nghe tiếng mẹ dặng hắng trong bếp, Nương rón rén bước vào. Mẹ đang ngồi bóc vỏ ngô treo lên giàn bếp bên ánh lửa bập bùng đỏ. Biết Nương đang đứng sau lưng, mẹ thì thầm dặn dò đủ chuyện. Nương cười khúc khích, bảo:

- Con đi học chứ có phải đi lấy chồng đâu mà mẹ dặn kỹ dữ vậy?!

Lúc ấy, nhìn vào đôi mắt ươn ướt của mẹ, Nương kìm lòng định bụng không đi học nữa, rồi thì Nương sẽ ở lại núi làm rẫy, đến mùa thì vác gùi thu hoạch, vài năm nữa thì Nương cũng sẽ lấy chồng, sinh con cho yên bề gia thất. Nhưng ước vọng của Nương cũng là ước mơ của ba mẹ, Nương là niềm hy vọng duy nhất của ba mẹ trong đời. Ý nghĩ ở lại vụt tan như sương khói.

Không ngờ đó là lần cuối cùng Nương nhìn thấy mẹ. Vào đời, chưa học xong con chữ cái khôn thì Nương nhận được điện thoại báo hung tin: mẹ Nương đột ngột qua đời, trong một đêm ra suối gánh nước trượt chân ngã xuống suối, hòn đá chỏng chơ đập vào gáy mẹ. Dòng suối trắng hóa thành dòng suối đỏ. Giấc mơ của Nương từ đó cũng hoen màu.

Nhiều đêm Nương nằm mơ thấy mẹ. Mẹ đứng ở đầu giường đưa tay về phía Nương, mỉm cười. Nương cũng chìa tay ra định nắm lấy tay mẹ nhưng chiếc bóng trắng mờ lui dần về phía cửa sổ rồi khuất dần sau mấy rặng tre. Nhớ mẹ, Nương khóc. Nương ngồi nép vào góc tường, bóng đêm và những tiếng cười nham nhở vọng về từ bốn bức tường gợi lại trong Nương nỗi cô đơn và ám ảnh kinh hoàng. Bây giờ Nương không thể trở về làng Pha, không thể nhìn mặt ba và người làng như ngày xưa nữa. Trái tim mong manh của cô gái có tâm hồn khoáng đãng như núi rừng trót tin tưởng rồi trao thân cho một người đàn ông có nước da ngăm ngăm, có giọng nói ngọt tựa nước suối rừng. Qua những đêm hoan lạc, Nương đã quên bẵng lời nguyền của làng, lời hứa với cha dưới gốc cây cổ thụ bên bờ suối trước lúc Nương đi.

Hứa. Đợi chờ. Một cuộc đi. Và không quay lại…

Nương mỏi mòn đợi người yêu quay về để dũng cảm đối mặt với sự thật, để đứa nhỏ đang lớn dần trong bụng Nương chào đời được nhìn thấy mặt cả ba lẫn mẹ, được trở về với núi trong vòng tay ấm áp của đồng bào.

Những chuyến đi khiến anh ngày càng xa Nương. Xa mãi. Lần cuối cùng Nương gặp anh là một chiều thành phố u buồn, buồn như cái buồn hốc núi. Từ đó, họ không còn gặp nhau một lần nào trong đời… Có lúc Nương nghĩ rằng: “Đến già đến chết mình cũng sẽ không thể về núi. Vĩnh viễn cũng không thể về làng, không thể gặp ba…”. Cả khi đứa bé được sinh ra cũng không thể chạm chân vào núi.

***

Vụ ngô vừa xong, người làng Pha kéo nhau lên rẫy nhổ bỏ những gốc ngô già còng. Những thân ngô khô khốc đã vắt kiệt sức mình, chắt chiu từng giọt sữa trong hạt ngô trắng đều thơm ngọt. Người làng không thắc mắc sao Nương đi mãi không về, những đêm trăng tròn, ba lại mang mẹt thuốc ra sân phơi rồi lại mang vào cất đi như thói quen của mẹ ngày trước. Nhớ con, ba ngồi rít thuốc rồi ho sù sụ trong bóng đêm. Ngoài đầu làng khói đốt xác ngô khô bay lên lửng lơ, gió đánh bạt từng ngụm bay lã chã về phía bên kia ngọn đồi đất đỏ. Gió lạnh từng đợt thốc vào mái nhà phần phật, sương rơi lắc rắc đọng lại từng giọt sáng loáng trên lá cây rừng. Ba định bụng đợi mấy hôm nữa mưa xuống vỡ đất gieo hạt xong xuôi ba sẽ lên phố thăm Nương một chuyến.

Cuối mùa trăng, ba lên phố. Ba đốt ba cây nhang đứng trước di ảnh mẹ, khấn vái lầm thầm rồi ra đi. Một cuộc đi tìm…

Bây giờ Nương không còn đến lớp được nữa. Nương cảm nhận được đứa bé đang lớn lên từng ngày trong bụng mình. Những cơn nghén hành hạ Nương, có lúc Nương thức trắng đêm không ngủ. Nhớ ba mẹ, nhớ ngôi nhà có hoa bên triền núi êm đềm sớm đón ban mai, chiều lồng lộng gió núi. Nhớ cả những gương mặt thiện lành của người đồng bào, nghèo mà chân chất nghĩa tình, có quả ngon đầu mùa cũng chắt chiu dành phần cho nhau. Nương nhớ đau nhớ đớn tuổi thơ ngọt ngào, tuổi thơ nghèo khó mang dấu lặng của chia sẻ và bao dung, của đồng cảm và thấu hiểu, trầm tĩnh và an trú… Ở đó từng chiều, đàn ông ngà ngà bên men rượu ngô say nồng, đàn bà nhóm bếp nướng quả ngô non giòn rụm. Đêm trăng trai gái kéo nhau ra đầu làng ca hát, nhảy múa, thổi sáo và đối đáp nhau. Tiếng chim cú đứng trên gờ tường cao, thảng thốt kêu lên kéo Nương về với thực tại: cô đơn, khổ đau, tủi nhục và tuyệt vọng.

Chiều nay, Nương ngồi nhặt rau trước nhà, thoáng thấy cái bóng hao gầy với làn da nâu rám màu sương nắng. Cái dáng queo quen tảo tần suốt một đời, yêu thương và tha thứ. Nương quệt nước mắt, bưng rổ rau chạy vào nhà.

- Nương, về với ba đi con. Ở đây khổ lắm! Về đi con, làng tha thứ cho con, ba cũng tha thứ cho con…

… Câu nói của ba làm Nương nhẹ nhõm, câu nói thứ tha xóa bỏ những tủi nhục ê chề, xóa bỏ cô đơn và khổ đau giằng xé Nương một đoạn trường xuân sắc. Và, Nương thấy hạt nước mắt tròn tròn lăn dài trên đôi gò má rám nắng của ba, rồi rơi xuống vạt áo.

***

Nương mím môi bước đi. Cảnh quê bình lặng. Núi muôn đời vẫn hùng vĩ và hoang sơ, bao dung và bình lặng. Ba đi trước, Nương cúi mặt bước theo sau. Đến đoạn con suối chảy qua hai bên lô nhô những mỏm đá phủ rêu hằn sâu vết tích của thời gian. Chỗ này - nơi ba tiễn Nương đi lòng chứa chan hy vọng. Chỗ này - nơi mẹ ngã xuống, qua đời. Cũng chính tại nơi này, vẫn thói quen cũ, ba bảo Nương vục nước suối rửa mặt, chải tóc cho sạch sẽ rồi về làng. Về với những tấm lòng không bao giờ vơi cạn.

Núi rừng xào xạc. Nương bước qua con suối, mỉm cười. Bên kia đồi, bình minh nhấp nhô rực rỡ…

Hoàng Khánh Duy (baolamdong)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu