A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vườn dừa của ngoại

Chiều, ông ngoại ra đứng ở bờ đất hết nhìn cây dừa nầy, đến cây dừa khác, nhìn từ gốc nhìn lên, rồi chép miệng. Vườn dừa đã gắn bó với ông lúc tuổi thơ, tuổi thanh niên và đến bây giờ tuổi đã bảy mươi. Hồi chiến tranh, miễng pháo phạt đứt ngọn một cây dừa, ông vẫn giữ nguyên đó không đốn. Nhà lợp lá dừa, thân dừa làm cầu bắc qua rạch, vật dụng xài trong nhà phần lớn làm từ cây dừa. Cây dừa là cuộc sống của ông ngoại, của người dân miệt nầy. Nhưng bây giờ vườn dừa kia phải đốn bỏ...

Ảnh minh họa 

 

Quanh nhà ông bà ngoại là vườn dừa, là những bờ đất trồng dừa có mương nước hai bên. Vườn dừa rất mát vì tàu dừa che hết nắng, vì có gió thổi vào. Và mát vì những trái dừa cho nước trong khe, cho cùi dừa mỏng mỏng mềm mềm vừa để lên miệng là muốn chui tọt vào trong. Vườn dừa là chỗ mấy đứa con trai, con gái trong xóm ra chơi nhảy dây, đánh đáo, đánh đũa. Nhưng phía trên cao, tuốt đọt dừa, là chỗ ở của… chuột!

Bà ngoại nói:

- Chuột phá “quá trí khôn”(*)! Tính sao đây ông?

Ông ngoại cười nói:

- Còn tính gì nữa? Kêu con Ba với con Út tính.

Nhà ông bà ngoại có dì Ba, má thằng Nhơn và dì Út, má thằng Nghĩa, ở chung. Dì Ba làm việc ngoài xã, dì Út nội trợ. Chồng dì Ba làm việc ở tỉnh, chồng dì Út ở Sài Gòn. Ông ngoại nói “kêu con Ba, con Út tính”, ý nói giao việc cho hai thằng nhỏ, là Nhơn và Nghĩa giải quyết đám chuột đang chiếm cứ đọt dừa.

- Mần thì mần lẹ đi. Chuột ăn hết củ hủ bây giờ á! – bà ngoại cằn nhằn.

Tháng nầy mùa nắng, đồng khô, đất cứng không còn lúa má gì. Chuột bỏ đồng vô vườn, leo lên đọt dừa để đẻ con và ăn củ hủ dừa. Cây dừa nào có củ hủ thì “nó” gậm liền. Củ hủ là nguồn sinh lực của cây dừa. Mất củ hủ, cây dừa sẽ chết…

Nhơn và Nghĩa nhận lệnh, lấy đồ nghề là một cây tre nhỏ và dài, một cái giỏ đệm. Buổi trưa, vườn dừa vắng vẻ, ông ngoại kêu Nhơn và Nghĩa ra vườn. Ông chỉ từng cây dừa, nói:

- Ông ngoại nghe tụi nó rúc rích hồi hôm. Liệu có cả bầy chớ không ít.

Nhơn ôm cây tre dài lên, cặp bên hông, tay phải giữ chặt, tay trái hướng đầu cây tre vào ngọn dừa, đặt đúng chỗ các nhánh tụ lại. Cây tre vô đúng vị trí rồi, Nhơn chọc mạnh phá banh mấy nhánh lá bao phủ bên ngoài, rồi ngoáy thân tre trong tay. Trên đó có tiếng chuột kêu hốt hoảng. Đầu cây tre va đập ngọn dừa loạt xoạt, loạt xoạt và…

Nghĩa nhanh chân bước đến dưới cây dừa, ngửa hai bàn tay áp vào nhau, chờ… Một con chuột lông vàng khè, mập ú rớt xuống. Nghĩa chụp “nó” dễ dàng, bỏ vào giỏ đệm. Giỏ đệm nằm dưới đất, ông ngoại bước tới đạp miệng giỏ giữ không cho “nó” chạy:

- Nữa con! Còn nhóc… - ông ngoại nói.

Lần nầy Nghĩa chụp trật vì con chuột phóng ra ngoài chớ không phải rớt tự do. Con chuột định phóng ra mương nước nhưng chưa đủ sức nên rớt ịch xuống đất. Cú rớt nặng làm con chuột sửng dửng, nằm tê vài phút đủ thời gian để Nghĩa nhảy tới, tóm cổ “nó” bỏ vô giỏ đệm. Con chuột bụng bự, chắc mới lót ổ, chưa kịp đẻ thì bị động, phải liều mình mà nhảy.

- Con chuột có chửa ông ngoại ơi! – Nghĩa cười khoe – Hèn chi nó mập “quá trí”(*) luôn!

Ông ngoại dặn thằng Nghĩa:

- Lát nữa lấy “xâu chuỗi” cho tía mầy ngâm rượu.

- Dạ! – Nghĩa dạ mà mắt hướng lên cao canh chừng lũ chuột. Nghĩa giống như cầu thủ “khúc côn cầu” thi đấu trên TV, chụp là dính. Một con, hai con, ba con, bốn con… cái giỏ đệm phình lên vì đám chuột loi nhoi trong đó. Nhơn, Nghĩa và ông ngoại “giải quyết” từng cây dừa. Có đọt dừa chuột đẻ rồi, chuột mẹ rớt xuống bỏ đám chuột con kêu lích nhích trên cao. Nhơn dừng tay, kêu vói lên:

- Mẹ mầy xuống rồi. Tụi bây xuống luôn đi! Ha ha ha…

Trận “diệt chuột” diễn ra hai tiếng đồng hồ là hết mấy bờ đất, khoảng ba chục cây dừa được dọn. Kết quả thu được: Mười sáu con chuột lông vàng mịn, có năm con có chửa, và sáu con chuột con đỏ hỏn, rớt xuống đất chết hai con.

Ông ngoại lại dặn lấy “xâu chuỗi”. “Xâu chuỗi” là gì ở đây ai cũng biết. Con nít cũng biết. Đó là cái bào thai chuột có hình xâu chuỗi, trong suốt. Khi làm thịt con chuột có chửa, người ta dùng dao rọc bụng nó một cách khéo léo, lôi ra cái bào thai dài, có nhiều lóng, nhìn thấy trong mỗi lóng một con chuột con đỏ hỏn. Thả “xâu chuỗi” vô keo rượu mạnh, chỉ vài phút “xâu chuỗi” tái dần. Rượu ngâm “xâu chuỗi” 6 tháng thì uống được, bổ lắm!

- Đem qua nhà cậu Tư đi con! – Ông ngoại nói. Nhơn và Nghĩa cùng “dạ” rồi bỏ cây tre ở bờ dừa, xách giỏ mây đựng chuột qua nhà cậu Tư. Cậu Tư là em của má thằng Nhơn, anh của má thằng Nghĩa.

Nhơn và Nghĩa qua kêu cậu Tư, nói “có chuột nè”. Cậu Tư “ừ”, mừng lắm.

Hai đứa trở về vì không muốn chứng kiến cảnh cậu Tư làm thịt bầy chuột đồng. Ác lắm! Về đứng bên ông ngoại, Nhơn thấy ông ngoại buồn, biết vườn dừa hư nhiều do chuột.

Ông ngoại rảo nhìn hàng dừa, nhìn  mấy nhánh lá ngã màu, biết cây dừa đó sắp chết. Ông chép miệng:

- Ăn tiêu củ hủ rồi. Cây sống gì nỗi. Tụi chuột nầy thiệt là…

Nhơn nói:

- Mai con thọt chuột nữa, ông ngoại.

Nghĩa phụ theo:

- Mai con bắt cả chục “thằng” nữa là êm!

Ông ngoại trầm ngâm, rồi nói:

- Dừa lóng rày mất giá quá trời! Ông ngoại tính đốn bớt để trồng thứ khác. Sẵn lấy đất cho cậu Tư con trồng cây kiểng, “rép nhánh”. Vậy có lợi hơn!

Chiều, nước lớn ngoài sông chảy tràn vào mương dừa. Gió nhiều hơn nên ngồi ở đây thấy mát. Đám con gái trong xóm kéo đến, hai ba đứa nhảy dây, hai ba đứa đánh đũa. Nhơn và Nghĩa ngồi tuốt đàng xa, lòng buồn buồn, không quan tâm đến trò chơi con gái.

- Ông ngoại nói mai mốt đốn bỏ dừa đó Nghĩa – Nhơn lớn hơn Nghĩa ba tuổi, vai anh, để ý thấy ông ngoại buồn khi nói ra điều đó. Nhơn cũng buồn vì dừa trồng quanh nhà cả chục năm rồi, dừa như bạn của nó từ lúc nó lẫm chẫm bước đi. Đốn bỏ dừa, hai đứa nó sẽ buồn, bờ đất sẽ trống trải, sẽ nắng, rồi không còn chỗ mấy đứa con gái đến chơi…

Vài tháng sau, Nghĩa thấy trong xóm người ta ráp nhau đốn bỏ dừa. Bữa nay nhà nầy đốn một bờ vài chục cây, mai đốn thêm một bờ nữa. Thân cây dừa bỏ góc vườn, lá bó lại chở ra vựa. Đốn xong, tuy có dọn dẹp nhưng cũng thấy bờ đất có phần trơ trụi. Rồi thì các chủ vườn dừa mướn xe ủi trong chợ ra bứng gốc dừa, dọn đất, đào ao. Người ta nói bây giờ có phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng. Nuôi tôm có lợi hơn trồng dừa. Bán một chục dừa 12 trái mua được mấy ký gạo. Còn bán 1 ký tôm, giá cả trăm ngàn.

Ông ngoại bàn với bà ngoại mình phải thức thời, không ôm cây dừa nữa, phải “chuyển đổi cơ cấu cây trồng”. Thay vì trồng dừa, mình trồng bưởi da xanh.

Bà ngoại nghe nói thì chịu:

- Trồng bưởi, trồng cam gì cũng được. Đừng bày đặt nuôi tôm thẻ. Mình có biết “kỷ thực” gì đâu mà nuôi tôm?

Chiều, ông ngoại ra đứng ở bờ đất hết nhìn cây dừa nầy, đến cây dừa khác, nhìn từ gốc nhìn lên, rồi chép miệng. Vườn dừa đã gắn bó với ông lúc tuổi thơ, tuổi thanh niên và đến bây giờ tuổi đã bảy mươi. Hồi chiến tranh, miễng pháo phạt đứt ngọn một cây dừa, ông vẫn giữ nguyên đó không đốn. Nhà lợp lá dừa, thân dừa làm cầu bắc qua rạch, vật dụng xài trong nhà phần lớn làm từ cây dừa. Cây dừa là cuộc sống của ông ngoại, của người dân miệt nầy. Nhưng bây giờ vườn dừa kia phải đốn bỏ.

Cử chỉ của ông ngoại không qua mắt được thằng Nhơn. Nó biết ông ngoại buồn vì dừa mất giá, phải đốn để trồng thứ khác. Trước đây trong vườn, lúc bờ dừa nầy sắp hóa lão thì đã có lớp dừa khác lớn lên. Nhơn thấy ông ngoại cho đốn dừa lớn tuổi, rồi trồng lại dừa con tức thì, chưa bao giờ ông ngoại đốn bỏ cây dừa đang sung sức.

- Mình phải thức thời con ạ - Ông ngoại nói với má thằng Nhơn, má thằng Nghĩa và cậu Tư của hai đứa về chuyện bỏ dừa trồng bưởi, trồng cam. Dì Ba - má thằng Nhơn - muốn giữ vườn dừa nên mở lời, nói ba má có tiêu xài gì nhiều đâu mà làm “kinh tế vườn” chi cho cực. Để dừa cho bóng mát, có chỗ mấy đứa nhỏ chơi.

Ông ngoại nghe rồi lắc đầu:

- Ba má già rồi, ăn xài bao nhiêu, sắm sửa bao nhiêu! Mấy chuyện đó các con lo cho ba má được! Ba má tính bỏ dừa trồng bưởi vì bây giờ dừa mất giá, coi như “thua” rồi, bưởi sẽ là cây trồng có giá trị. Nay mai ba má qua đời, hai thằng nhỏ nầy sẽ hưởng vuờn cây có giá trị, chớ không phải hưởng vườn dừa có bóng mát, có chuột mà không có huê lợi gì hết!

Nghe ba mình nói, dì Ba, dì Út thấy bất ngờ và xúc động với tấm lòng của ông ngoại lo cho hai đứa cháu, lo rất xa, rất chu đáo.

Ông ngoại nói năm nay đốn vài bờ dừa, chuyển qua trồng bưởi da xanh. Năm sau, sẽ đốn tiếp vài bờ nữa nhưng nhứt định phải chừa lại làm kỷ niệm một bờ dừa tuốt sau vườn, để có bóng mát và để…

Nhơn và Nghĩa lớn lên, đi tỉnh học. Cuối tuần tụi nhỏ lại về vì chẳng xa xôi gì, nay có cầu Hàm Luông bắc qua sông, đường xá rất tiện. Cảnh vườn nhà thay đổi từ từ chúng nó nhìn thấy được. Vài bờ đất ông ngoại đã đốn dừa, cho trồng bưởi. Vài bờ đất còn dừa, còn bóng mát, ông ngoại nói năm sau làm. Ông ngoại có giao cậu Tư bờ đất cạnh nhà để trồng cây kiểng, ươm cây, ghép nhánh. Tuốt sau vườn, có một bờ đất với những thân dừa khá lớn nghiêng ra con rạch nhỏ, ông ngoại nói chỗ đó “để dành cho ông ngoại, bà ngoại”.

Nhơn biết ông ngoại để dành làm gì rồi và hiểu cây dừa hết sức thân thiết, gần gũi với ông. Ông ngoại muốn sau nầy - chưa biết là bao lâu - khi ông bà ngoại qua đời, sẽ được nằm ở góc vườn yên tĩnh đó, với hàng dừa cho bóng mát quanh năm.

Diệp Hồng Phương (nhavantphcm.com.vn)

-----------

(*) Quá trí khôn, quá trí: Ý nói nhiều lắm, ngoài sức tưởng tượng.


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu