A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vạc cười

Chiều nay cu Khuất chạy lên bờ đê ngắm nhìn dòng sông xuôi về đâu đó, như ngắm vào một mảnh gương trời rơi xuống bên làng nó. Dòng sông xanh biếc, đôi bờ thấp thoáng rặng tre, dăm ba con thuyền đìu hiu xuôi ngược, quanh quẩn bên sông, đàn bò nhẩn nha gặm cỏ, tiếng chúng gọi nhau trầm đục, xốn xang.

Nhìn xuống làng, thấy những mái ngói nâu đen nằm bên nhau san sát, hàng trăm cái ngõ gạch bé nhỏ nhẫn nhịn vòng quanh. Các cô đi làm thuê bên làng nung gốm tất tả đạp xe về, cái nón cài trước ghi-đông, trò chuyện với nhau rôm rả, đứt phanh phải đâm xe vào đống rơm mới dừng được. Ðàn em nhỏ chơi cù, chơi đánh đáo, thấy mẹ về ùa ra nhảy múa, hoan hô tụt cả quần đùi. Nhà ai đốt rơm, lửa cháy bùng cuối thôn, cột khói bốc ngùn ngụt trong ánh chiều tàn, tiếng tre nổ như pháo.

Cu Khuất chạy ra sông. Nó ùm một cái. Tắm lên nhanh kẻo lạnh. Hết bơi, lại lặn. Ðập nước bùm bùm. Ngày mai em sẽ lên thành phố, vào làm trong công ty môi thìa cùng mấy người anh họ. Ngày mai trở đi em sẽ tắm bằng nước máy, ngủ quạt máy, sống giữa những ngôi nhà được đánh số từ bé tới lớn. Em làm việc tính theo giờ, có ngày thứ bảy, ngày chủ nhật hẳn hoi.

Việc đầu tiên, em sẽ viết thư gửi về cho chị. Chị Phương nó tròn trắng, xinh xắn hiền lành. Chị rất mau nước mắt. Chuyện vui chuyện buồn chị khóc hoài. Nước mắt như mưa ngâu. Chị đi làm dâu, ở nhà bác phó thôn đã mấy năm, mà nó vẫn nhớ chị ghê. Chiều chiều, đứng trên đê cao, nhìn về đầu thôn, ngó chị nó bế đứa cháu nhỏ, vừa cho ăn vừa hát một câu quan họ.

Chị giống mẹ lắm, thích văn nghệ, thuộc hơn hai chục làn điệu dân ca. Hàng xóm qua nhà, bảo chị: "Mày hát rống lên, tao thái rau lợn, cắt phải ngón tay, đau quá!". Chị nhớ làn điệu, nhưng hay quên lời, cứ bịa ra mà hát, thế mà nhiều người thích. Nó thích nhất câu hát: Ðời tôi như củ dong riềng/ Nằm im dưới đất cuối miền đồng hoang/ Ðời anh như một tiếng đàn/ Ngân lên chợt tắt cho ngàn nhớ thương.

Ngày trước, nó bảo: "Chị yêu ai tùy chị, nhưng nhớ đừng lấy chồng xa, phải lấy người trong xóm. Chị theo chồng, em giận chị suốt đời".

Chị nó yêu anh bộ đội đóng bên kia sông. Anh này có cây đàn ghi-ta cũ thiếu dây, thường đưa chị lên đê ngồi đàn hát với nhau. Hai người thề non lấp bể. Anh ấy tặng chị rất nhiều lược, gương anh tự cắt, gò. Anh còn tặng chị mấy mảnh vải, may áo dài nữa. Ban đầu anh mua gửi tặng mẹ ở quê, nhưng thấy chị ít quần áo mới, bèn đem nguyên cả bọc bưu kiện đã buộc kỹ, tặng chị. Nó đọc nhật ký của chị. "Mình đắn đo nhiều, khóc hết nước mắt. Lấy anh yêu, phải xa nhà, xa cu Khuất. Nó còn nhỏ, quen sống trong vòng tay chăm sóc rồi. Mình nỡ nào bỏ nó lại quê. Anh yêu bảo, em phải dứt khoát, hoặc chọn anh, hoặc chọn cu Khuất. Mình thì muốn chọn cả hai".

Tình yêu là gì? Khuất không biết. Tình yêu ở đâu? Có lẽ nó đâu đó trên con đê, với những câu hò. Nó chưa thấy tình yêu là sao, chỉ nghĩ "chị đi xa làng, xa họ hàng, gửi thân nơi quê người biết ra sao?". "Em lớn lên, đi làm việc nhiều, giúp chị. Chị sẽ sung sướng, an nhàn". Chị cười khật khừ: "Tôi không cần ai lo đâu. Ðã có đàn gà, với bầy lợn nái nó lo. Cậu yên tâm".

Khuất sợ chị đi. Hồi trước, khi bố mới mất, mẹ cũng bảo sẽ chẳng bao giờ lấy ai, ở vậy nuôi hai chị em. Rồi thời gian cứ trôi đi, đến mức mẹ chẳng nhớ lời nói trước. "Anh vì nuôi vợ con mà lao lực đến chết, tôi sẽ vì anh nuôi hai đứa con nên người". Mẹ đã khóc bên mộ bố, cào cấu đất đai, thề thốt như thế đấy.

Mẹ theo một người chủ thuyền cát, xuôi sông đi tận xứ sương mù nào. Mẹ bảo với bà nội: "Chữ tình của con nặng quá mẹ ơi. Kiếp này xin mẹ tha con cho được sống thêm một đời người đàn bà. Con đã ở vậy nuôi bọn trẻ hơn chục năm làm thuê cuốc mướn, đời con chưa được sung sướng lấy một ngày! Con khổ hơn con chim trên trời, con cá dưới sông". Bà nội cho mẹ một cái bông tai bằng vàng, gói trong lá chuối khô, cái nữa thì dành cho chị Phương, gói trong vải điều.

Ðôi khi, cu Khuất nghĩ mình có ba người mẹ. Nào bà nội, mẹ, chị Phương. Khi mẹ đi, rồi bà mất, nó chỉ còn trơ trọi chị trên đời. Nó đi trên con đê, ước mình như đàn chim, không lúc nào lẻ bạn. Ngày chị lấy chồng, ngồi sau chiếc xe máy đi mượn của người ta, nước mắt lưng tròng. Nó hỏi: "Ngày vui sao khóc?". Chị bảo: "Chị đã thay mặt mẹ, không theo thuyền ai đi xa, chị sẽ ở lại với cu Khuất suốt cuộc đời này".

Cu Khuất chăm học. Ði học về, nó lặn lội nơi bờ sông, chài lưới, đặt câu. Nó bắt cá khéo lắm. Hôm nào về nhà, giỏ cũng đầy cá quẫy. Con cá to, đem biếu anh chị, cá nhỏ đem đi bán mua gạo thổi cơm.

Một hôm mưa bão, Khuất đem đinh ba đi dọc bờ sông săn cá lớn. Nó đâm trúng con cá to như cây chuối vậy. Con cá vùng vẫy, kéo nó ra giữa sông, tính hại chết thằng nhỏ. Sấm chớp mù mịt, sông sóng dậy ầm ào. Nó giụi đôi mắt ướt, thoáng nhìn thấy con thuyền xơ xác chạy qua. Mẹ ngồi đầu mũi thuyền, tay bế em bé. Nó kêu: "Mẹ ơi! Cho con đi theo với!". Mẹ nó gào lên: "Khuất ơi! Về với chị đi con!".

Khuất bỏ con cá lớn, buông đinh ba, trèo lên bờ chạy về nhà. Chị nó đang đau đẻ. Mình mẩy run rẩy, xanh như lá chuối. Anh rể đi làm xa trên mạn ngược. Chị nó bảo: "Em không về, chị chết. Gọi mãi, không ai nghe". Khuất đi tìm cô y tá thôn. Cô đã thay quần áo mới, đang ngồi chờ tan bão, đợi người yêu. Ðỡ đẻ xong, trời vẫn còn mưa bão, ngôi nhà rung lên bần bật, muốn đổ rầm. Nó nhìn thấy cháu mình khóc, không nghe tiếng. Tai ù đặc. Trời vẫn cứ sấm rền. Người nó run bần bật như con cá dính phải đinh ba. Mấy hôm sau sốt li bì, nó lần đầu tiên được tiêm. Mũi tiêm phồng lên như quả táo, nom rất ngộ. Cô y tá bảo: "Người gì như khúc gỗ trôi sông, cong cả mũi tiêm".

* * *

Chiều chiều, cu Khuất ra sông. Nó ngồi một mình, bó gối mà trông. Bao giờ thuyền mẹ lại qua làng? Nó nhớ khuôn mặt đứa em, lướt trên dòng sông cùng con thuyền mầu nâu non. Tuấn tú khôi ngô, miệng em cười như hoa nở. Nó nói với chị: "Chẳng biết mẹ có đặt tên cho em là Khuất hay không?".

"Em lên thành phố, kiếm cô nào ưng ý, lập gia đình, ở trên đó luôn. Về quê, sống đời khổ cực. Chị sợ cảnh đẻ con trên đất lạnh, miếng cơm, manh áo khó khăn. Làm người thành phố sướng như tiên em ạ - Chị dặn dò - Em đẹp trai, thông minh, cần cù, chắc chắn tìm được người vừa ý. Em phải coi chuyện bám trụ ở thành phố làm mục đích lớn nhất của đời mình. Ðó cũng là ước mơ, tâm nguyện của chị dành cho em".

Nó nhìn chị khều lửa trong buổi chiều xôn xao tiếng vạc. Thú thực, Khuất chẳng muốn đi đâu cả. "Mai em không lên thành phố. Em cũng chẳng lấy ai. Em sống thế này chăm chị tới già". Chị thở dài: "Ðất đai của làng còn lại bao nhiêu. Xây dựng hết cả rồi. Em ở đây, lấy gì mà cho vào miệng? Con cá, con cua tìm mãi chẳng ra. Ðàn ông quý nhất vẫn là sự nghiệp. Sau này còn lo cho con, cho cháu nữa em ạ".

Khuất bế cháu trong lòng. Nó linh cảm thấy những ngày tháng êm đềm bên chị tựa như một áng mây, sẽ vụt qua cái làng nhỏ bên dòng sông Cầu thân thuộc, không bao giờ quay lại nữa. "Làng mình ngày càng thưa thớt. Có mấy ai đi mà trở về". Nó oán chị lắm. "Em vẫn sống được mà". Nó năn nỉ "Chị đừng bắt em đi làm công ty môi thìa. Em thích làm nông dân thôi".

Chị Phương dẫn nó ra đầu làng, chỉ những gò đống um tùm cỏ dại, nơi bầy cò bầy vạc vẫn về trú ngụ: "Em có biết kia là gì không?". Khuất đáp: "Ðồi cò". Chị lắc đầu: "Chẳng phải đâu. Trong thơ văn của bố, đấy là bãi Sân Chầu. Sân Chầu là nơi đức vua từng làm việc, xây nên thành quách đồ sộ. Nhưng rồi, thời gian đi qua, con người không cố gắng, không gìn giữ được những gì quý giá, cung điện xa hoa đã thành đồi cỏ dại".

Cu Khuất ngạc nhiên ngắm nhìn đồi cò, vạc, khung cảnh xác xơ, chim kêu ai oán. Nó chưa nghe câu chuyện cổ này bao giờ. "Quê mình cũng có truyện cổ tích hả chị? Thích nhỉ" - nó nói.

Chị lại bảo: "Cuộc đời của em, phải phấn đấu vươn lên, từ không thành có. Ðừng vì những tình cảm tầm thường níu kéo mà cuộc đời ngày càng bệ rạc, bi đát. Hiện tại của em, như cái bãi hoang hôi hám kia, nhưng ngày mai sẽ phải khác đi. Ðời chị như cánh vạc đã quen với đồng làng, đi xa không sống được đâu". Chị bùi ngùi nói như thế.

"Trên đời này có ai khổ như chị em mình không?". Cu Khuất bất giác thở dài. Nó cảm thấy nước mắt lưng tròng, chẳng thể nào không khóc. Nó vỗ về đứa cháu nhỏ, cố ủ ấm cháu bằng thân hình gầy rộc của người cậu sắp đi xa. "Ngủ đi, chàng trai cổ tích". Nó nói với đứa cháu nhỏ.

"Chúng ta không khổ - chị Phương nghiêm giọng - Chúng ta cũng không sướng. Chúng ta bình thường như mọi người ở trong ngôi làng này. Em có biết mấy lần giặc tàn phá làng mình không? Nhưng làng của chúng ta vẫn còn mãi. Chị tin vào em". Chị tặng nó chiếc lược đồng làm bằng vỏ đạn. "Khi nào em lấy vợ, chị sẽ chuyển đến em dâu của chị chiếc khuyên tai của bà".

Cu Khuất làm một việc bí mật. Nó gọi người đàn ông chuyên buôn bán cát ngoài sông, điểm chỉ, ký tên, bán miếng đất nhỏ mà nó đang sinh sống trên đó. Nó dùng một nửa số tiền ấy, đi vào thành phố, nửa còn lại sẽ giấu trong rương của chị, tặng chị, kèm một lá thư dặn dò: "Chị ơi, em nghĩ kỹ rồi, em đi chẳng biết khi nào trở về. Thành phố xa xôi quá. Công việc chắc rất bận rộn. Em nhượng cho người ta miếng đất tổ tiên để lại, cho chị có ít tiền dành dụm chăm các cháu, nuôi thêm lợn, thêm gà". Cuối thư, nó quyết định văn vẻ một chút: "Ăn nên làm ra, em sẽ chuộc miếng đất này cho chị vui lòng".

Những đàn cò đi kiếm ăn tứ xứ đang kéo nhau về làng. Chúng chao lượn trên đê, tiếng kêu líu ríu. Khuất theo đàn chim về làng. Nó lội qua cánh đồng ngập nước, rẽ lau lách, lên đồi cò. Bây giờ trời đã xẩm tối, hàng vạn con vạc đang vươn vai sắp sửa đi ăn đêm. Thấy bóng người, chim bay táo tác.

"Ngày mai lên thành phố hả Còi?". Bác bảo vệ vườn chim nhô cái đầu bù xù khỏi lán, nheo mắt nhìn nó, gọi nó bằng cái tên ở nhà quen thuộc. Ngày mai tám đứa trong xóm, cả trai lẫn gái, sẽ lên thành phố. Sáng nay bác nghe mọi người đứng trong sân đình nói với nhau thế. Bác vốn là lính đặc công, thích sống trong lùm cây dại. Bác cũng hơi buồn: "Chẳng biết bao giờ mới gặp lại đám cháu nhỏ".

"Không! cháu chẳng đi đâu hết! Cháu ở đây với đàn vạc này thôi!". Khuất gào lên, nhăn nhở cười.

Hình như bầy vạc cũng cười theo nó, đung đưa, rung chuyển những rặng tre già.

 Trần Nguyễn Anh (Nhân Dân Cuối tuần)


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu