A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tượng đài trên cầu Rạch Chiếc

Phía Nam cầu Rạch Chiếc có một vựa cây cảnh. Người bảo vệ và chăm sóc cây cảnh cho chủ vựa nghe bảo nửa điên, nửa dại. Dân vạn đò chở cát dưới bến gọi chàng ta là ông Khùng. Bởi đêm đêm, họ thấy Khùng cứ đi lang thang trên cầu và dọc hai bờ sông, vừa cười vừa nói chuyện lầm rầm với một nàng Ngò, hoặc cô Hành, em Tỏi nào đó lúc thì ca vọng cổ rồi thút thít khóc. Có hôm Khùng thắp nhang van vái bốn phía trời đất rồi đi cắm nhang khắp cả hai bờ sông.

Một đêm, bác Tư-chở-cát nhìn lên cầu, thấy Khùng ngồi trên đó hàng giờ. Xe cộ qua lại đèn pha sáng trưng, tung bụi mịt mù. Mặc. Khùng cứ ngồi lì như tượng: “Phải lên kéo nó về, rủi nó lao đầu vào gầm xe là... tiêu - Bác Tư nghĩ thế rồi lên to nhỏ khuyên răn Khùng đến tận nửa đêm. Sáng hôm sau, bác Tư kể với bà con vạn đò: “Nó có điên khùng gì đâu. Đó là thằng Thành, trung úy bộ đội giải phóng từng dự trận ác chiến cầu Rạch Chiếc đầu năm bảy lăm đó”...

 



 Minh họa: A.Dũng


Bác nói Thành còn mẹ già ở Cầu Ngang. Người anh đầu hy sinh, chị Ba nó thoát ly vào cứ rồi không về. Còn lại nó, giải phóng thống nhất đất nước rồi, Thành mang hai miểng đạn trong người, ra quân, về cuốc đất trồng mai chờ tết đem bán góp vốn nuôi mẹ già. Sở dĩ Thành xin làm bảo vệ vựa cây là để được ở gần cây cầu, nơi mà người vợ chưa cưới của nó - cô Ngò đã hy sinh lúc chèo xuồng đến chân cầu đón thương binh. Trái đạn hay bom vô tình nào đó đã rớt trúng xuồng, không còn ai. Suốt cả tháng trời sau đó, Thành cùng đồng đội lặn lội khúc sông Rạch Chiếc tìm kiếm Ngò mà chẳng thấy...
 
Đó là chuyện nhỏ trong chiến tranh ở phía Nam, mà người ta còn nhắc đến về một cô gái trẻ và đồng đội của cô đã hy sinh để chiếm giữ cầu Rạch Chiếc cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau đây là cũng một chuyện nhỏ trong những năm chiến tranh ở bên dòng sông Gianh: có cô gái xinh đẹp nhất vùng sông nước, tên là Ngò, làm nghề chài lưới. Một đêm kia cô nghe tiếng cậu Tân gọi cửa. Cô vùng dậy đón người yêu. Họ thì thầm với nhau:

– Thấy chiếc thuyền không của em cắm sào dưới bến, đoán chắc em có nhà. Sao hôm nay không đi gõ chài?
– Bọ sốt rét. Không có ai quăng lưới. (Thường Ngò vừa chèo thuyền, vừa gõ mạn thuyền xua cá cho người bố vãi chài bắt cá).
– Mình xuống đò - Tân sôi nổi nói - Em gõ chài, anh quăng lưới.

Họ tíu tít dìu nhau xuống bờ sông. Lát sau Ngò đã đẩy thuyền ra giữa dòng. Nhưng sực nhớ điều gì đó rất quan trọng, Tân chạy vội đến ôm lấy người yêu, giọng buồn:
– Ngò ơi! Mai, anh đi rồi. Sáng sớm mai, đơn vị anh được vào Nam.

Hai tiếng vào Nam như sét đánh ngang tai, Ngò rụng rời, cô thì thào:
– Trời ơi! Tân ơi là Tân. Đi Nam, sao chừ mới nói? Biết làm sao đây?
– Em không làm sao cả. Ngò ở nhà nuôi bọ, chờ anh. Vì bí mật, đơn vị mới phải giấu đến đầu hôm mới nói. Anh liền đi tìm em...

Ngò ngồi thụp xuống, bấu víu mạn thuyền, bật khóc. Tân lặng lẽ chèo thuyền ghé Cồn Ngựa. Chỗ này xưa kia Chúa Trịnh luyện ngựa đánh Chúa Nguyễn. Chừ là cái cồn hoang, nơi hò hẹn của trai gái dân chài. Tân cắm sào. Dìu Ngò vào mui thuyền có vòm mái lá quen thuộc, có chiếc chiếu trải thơm thơm mùi cói. Tân nằm xuống ôm lấy người yêu dỗ dành:
– Đừng khóc nữa đau ruột anh lắm, Ngò ơi!

Ngò ôm chặt người yêu như sợ Tân chợt biến mất. Tiếng máy bay ầm ào trên bầu trời và bom rền dưới bến phà Thanh Khê. Ánh đèn dù soi nhập nhoạng nhưng Tân vẫn thấy mái tóc xõa trên bộ ngực đang phập phồng thổn thức của Ngò. Anh hôn vội hôn vàng một cách khát khao ham hố. Đôi môi Ngò đẫm nước mắt mặn chát. Nếu không có tiếng bom và tiếng máy bay Mỹ gào rú kia, thì chỉ tháng sau họ đã thành vợ thành chồng. Xen lẫn giữa tiếng bom là tiếng gõ chài râm ran đâu đó trên dòng sông như thách thức với kẻ thù. Tiếng gõ loong coong, lanh canh như gõ vào trái tim đau nhói, Ngò bỗng hét lên cho Tân nghe:
– Trời ơi! Anh đừng đi! Đừng đi mô hết!...

Và Ngò run lẩy bẩy, nghẹn thở. Tân vuốt ngực cho người yêu bớt nghẹn ngào và cũng gào lên như mê sảng:
– Ừ. Được rồi! Anh không đi đâu hết. Tân đang ở bên em đây mà!
Ngò nằm lặng đi như đuối sức. Ánh pháo sáng soi vào mui thuyền. Tân thấy Ngò lần cởi cúc áo. Bộ ngực đầy đặn trinh nguyên, trắng muốt hiện ra. Ngò níu đầu Tân áp vào ngực vào môi mình và đằm thắm hôn người yêu, giọng thì thào:
– Anh ơi! Mai anh đi thật rồi chớ đâu được ở lại. Nói dối làm chi cho tội nghiệp em. Bây chừ... Bây chừ em cho anh hết, cho hết trước khi anh đi. Rồi dù anh có về hay không, thì từ đêm nay em cũng đã thành vợ anh rồi...

Tân ôm lấy người yêu, thương Ngò đến nghẹn thở. Anh ôm chặt Ngò hơn và run rẩy lần cài lại từng chiếc cúc áo ngực người yêu, giọng dứt khoát:
– Đừng! Đừng em ạ. Anh rất biết ơn em... Hãy chờ ngày anh về. Mình sẽ cưới nhau. Lúc đó...
Nhưng rồi chẳng còn lúc nào nữa. Sáng hôm sau Tân ra đi và không bao giờ trở về nữa. Ngò chờ mãi tận năm 1978 mới được tin Tân với dòng chữ lạnh lùng có kèm con dấu tròn đỏ như máu: “...Hy sinh tại mặt trận phía Nam, ngày... tháng”... Ngò khóc hết nước mắt rồi đi tìm mộ Tân khắp mọi nơi. Miền Nam thì rộng bao la, mà tiền của và sức vóc Ngò chỉ có hạn. Ngò khóc thương Tân, còn bọ thì khóc thương Ngò. Ông già ngã bệnh rồi qua đời. Còn lại chỉ mình Ngò hơn 10 năm nữa lặn lội tìm Tân. Nghe đồng đội Tân kể lại anh đã hy sinh trong trận chiếm cầu Rạch Chiếc, chỉ còn cách trung tâm Sài Gòn dăm bảy cây số...

***

Một buổi sáng tinh mơ, khi Thành đang cầm vòi nước phun tưới cho luống bông hồng, chợt thấy chiếc xe đò Bắc Nam dừng lại đầu phía Nam cầu Rạch Chiếc cho một người đàn bà bước xuống. Khi chiếc xe đã lăn bánh, người đàn bà vai nặng trĩu ba lô con cóc, tay xách làn mây đứng ngơ ngác nhìn dòng sông, nhìn chiếc cầu xa lạ. Chị bỗng ngồi xệp xuống vệ đường, bưng mặt khóc. Thành liền bỏ vòi nước, bước ra lặng lẽ nhìn. Người đàn bà lau nước mắt rồi lôi từ làn ra nải chuối, chùm nho đặt cả trên tờ báo trải lên vệ cỏ.

Thắp hương cắm trên nải chuối xong, chị đi cắm nhang khắp lề đường. Trông chị chỉ ngót nghét tuổi bốn mươi, nhưng nét đẹp kiêu sa xưa còn in lại trên làn da trắng, đôi mắt đen và mái tóc dài buông trước bộ ngực đầy đặn. Thành lắng nghe lời thở than của chị với người đã khuất và tự xưng tên Ngò khiến Thành giật thột: “Tân ơi! Ngò đến với anh đây. Tân sống khôn, thác thiêng xui khiến chân em tìm cho được xương cốt hình hài anh. Em sẽ mang Tân về Cồn Ngựa quê mình, để anh được ở mãi bên em”...

Nhang tàn từ lâu nhưng Ngò vẫn gục đầu mà khóc. Mặt trời đỏ rực, gay gắt nắng trưa mà Ngò như bất cần trời đất, bất cần xe cộ ầm ầm qua lại. Thành trở về chòi và vẫn để mắt tới Ngò. Chẳng thấy chị ăn uống gì, tóc tai bơ phờ rũ rượi; ôm cái ba lô con cóc, ngồi tựa vào gốc cây long não bên đường. Cái cầu vô giác vô tri ấy như thu hút cả tâm hồn chị. Trời xế chiều. Những chiếc xế hộp bóng lộn đưa Tây, Tàu; đưa các nhà giàu và quan chức đến sân tập đánh gôn, chơi ten-nít và ăn nhậu... Chẳng ai màng quan tâm đến Ngò và anh chàng “cu-ly” tưới vườn cây cảnh.

Thành rụt rè đến bên Ngò, dọ hỏi:
– Trời sắp tối rồi. Chị sẽ về đâu?
Ngò ngước mắt nhìn Thành rồi cúi xuống như nói với cái ba lô:
– Chồng tôi chết trận ở đây. Quê tôi ở tận Quảng Bình cách đây cả ngàn cây số. Tìm chưa được anh ấy, tôi không về đâu hết. Tôi sẽ nằm lại gốc cây này...
Và chị ngồi lì bên gốc cây. Thành về chòi mang cơm nước ra mời chị. Ngò không ăn, không uống. Thành cố khuyên nài an ủi. Anh kể về nỗi khổ tâm của mình mong xoa dịu được nỗi đau của chị. Ngò không nói không rằng. Đêm ấy Ngò nằm lại dưới gốc cây long não để được gần dòng sông, gần chiếc cầu đơn côi này.

Người vạn đò chở cát ở bến Rạch Chiếc thấy vậy, lại lắc đầu nói:
– Thấy chưa? Thêm một con khùng ở đâu đến thắp nhang cắm lung tung. Chắc cầu Rạch Chiếc có hồn ma liệt sĩ.
Bác Tư quát con cháu:
– Ma quỷ gì.
Nói rồi bác Tư lần đến gốc cây, thăm hỏi Ngò. Bác kể cho Ngò nghe chuyện Thành có người vợ chưa cưới, cũng trùng tên với Ngò là du kích vùng Bưng Sáu Xã đã hy sinh vì chiếc cầu này. Ngò đã tin những câu chuyện của Bác Tư.

Dăm hôm sau, đồng đội của Thành đã kéo đến chia sẻ với Ngò. Họ góp công sức làm cho Ngò chiếc quán nước bên chân cầu. Và từ đó, cứ sáng sáng, Thành dắt chiếc xe đạp cà tàng ra quán đón Ngò đi. Hai người đưa nhau đến các nghĩa trang liệt sĩ quanh vùng, tìm Tân. Họ tìm hoài, tìm mãi chẳng thấy Tân đâu cho tận mấy năm sau, hình như đã mất hết hy vọng, Ngò đành ngồi lại trong quán, bán nước kiếm sống qua ngày để chờ đêm đêm, được đi tha thẩn trên chiếc cầu, bên dòng sông...

***

Chiều ba mươi tết năm rồi, Thành bứng mai vườn mang đến đặt trước quán nhờ Ngò bán hộ. Cho đến tối người chưng mai tết đã đến chở hết những gốc mai vàng rực, sum suê. Chỉ còn dăm bảy cành mai lẻ, Thành cùng Ngò ôm cả lên trên cầu. Đêm ba mươi tối đen. Xe cộ đã thôi xuôi ngược. Hai người lặng lẽ đứng trên cầu cùng thả những nhành mai xuống dòng sông.

Họ thì thầm như nói với chiếc cầu, với dòng sông:
– Nhành này cho anh Tân này...
– Nhành này tặng Ngò của anh Thành.
– Tặng đồng đội của chúng mình nhành này nghe anh...
Thả hết bông rồi, họ bỗng xích lại gần nhau, rồi rụt rè ôm lấy nhau. Hình bóng họ nổi bật trên nền trời như ai đó vừa dựng một tượng đài trên cầu Rạch Chiếc. Cầu thì chiếc nhưng số phận đã dun dủi họ thành một đôi. Tượng đài bỗng bật lên tiếng gọi tha thiết:
– Ngò ơi!
– Dạ...
– Bây giờ anh đưa Ngò về nhà mình đón giao thừa với má nhé! Chắc má sẽ rất mừng vì có em.
– Dạ...
Hình bóng họ nhạt nhòa trong đêm cuối năm. Chiếc xe đạp cà tàng của Thành đèo Ngò vào hun hút đêm sâu. Chắc họ về phía sau thị trấn Thủ Đức - nơi làng quê Cầu Ngang thân yêu của Thành.
Và dòng sông lặng lẽ nhận chuyển những nhành mai của họ mang về cho biển.

Trần Công Tấn (SGGP)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu