Trường làng
![]() |
Còn lối xóm, họ bảo ông Út với bà Bảy là hai nhà “nho chùm” của làng. Mỗi khi đụng đến chữ nghĩa, những người trong xóm tôi thường tìm đến hai ngôi nhà này. Thấy ông Út và bà Bảy làm chuyện này, chuyện nọ lẹ làng, trót lọt, những người trong xóm đến nhờ vả mỗi lúc một nhiều. Về sau, ông Út và bà Bảy gần như lấn sân sang vai trò thầy địa lý. Họ xem được cả ngày tháng tốt để gả chồng, cưới vợ, dựng nhà, tang ma… Theo lời ba tôi, ông Út và bà Bảy làm được việc đó là vì cả hai người đều rất giỏi chữ Nho. Xóm làng thấy vậy mới tin tưởng. Chứ thật ra, ông Út, bà Bảy chẳng phải là thần thánh gì. Lật sách ra, sách viết như thế nào, ông Út và bà Bảy nói y chang như vậy. Người nào tin tưởng thì làm theo, trúng trật còn thuộc vào vận mệnh, may mắn. Chính vì vậy, nhà của hai ông bà đó như trung tâm tư vấn mọi vấn đề trong làng. Ai muốn đặt tên con cứ tìm đến. Rồi, người này yêu người kia, họ cũng tìm đến. Trường hợp gì, ông Út và bà Bảy cũng nhận ráo trọi. Lẽ đời, nghề gì chẳng có người khen, kẻ chê. Người chê ông Út thì tìm đến bà Bảy. Người thích ông Út thì cứ nghe ông Út.
Tôi lại khác những người đó. Ông Út và bà Bảy, tôi đều thích như nhau. Bởi vì hai ông bà ấy, họ kể chuyện nào cho tôi nghe cũng hay, cũng lạ. Còn về chữ nghĩa thánh hiền, tôi đành chịu thua. Mà biết làm gì, những chuyện sâu xa của người lớn. Tôi thường lân la sang nhà bà Bảy nhổ tóc sâu, cũng chính vì muốn biết người đẹp hiền hay ác. Tôi nhổ đã hàng trăm sợi tóc bạc. Mà đâu phải sợi nào cũng như sợi nào, nhổ một lúc là có ngay một trăm sợi. Nhưng tôi phải ngồi chải chuốt, sàng sảy trắng đen rạch ròi. Nhổ tóc bạc đâu thua gì kể chuyện cổ tích. Nó cũng phải có nghệ thuật của nó. Nói chung, tôi phải nhổ làm sao đã ngứa mà không đau. Nhổ như thế nào thì nhổ, bà Bảy vừa thấy tôi thì ghiền ngay, đầu cổ cứ ngứa ngáy. Mà khổ thân thật, tôi làm chuyện đó chỉ để nghe kể một câu chuyện cổ tích. Những câu chuyện về các cô gái đẹp, luôn bị đày đọa, bị bọn người xấu hãm hại. Giọng bà kể đặc biệt lắm, vừa thuyết phục, vừa truyền cảm. Những đoạn nhân vật khóc, giọng bà gần như muốn khóc. Những lúc nhân vật vui, bà kể với giọng hể hả, hùng hồn. Khổ nỗi, cuộc đời cô bé Lọ Lem chỉ gặp toàn là những chuyện buồn. Tôi nghe đến đâu, lòng buồn miên man đến đó. Câu chuyện này, bà Bảy đã kể đến mấy lần. Tôi vẫn thích nghe. Mỗi lần nghe là mỗi lần tôi khóc sướt mướt. Nhiều khi, thương nhân vật, tôi ngồi bứt trụi lủi một chòm tóc của bà. Vậy mà, bà vẫn ngồi kể hể hả cho đến khi đau điếng, bà mới la chói lói. Tôi cũng vừa kịp tỉnh hồn vía.
Cũng may là không dốt, tôi vào lớp một trường làng năm tôi mười tuổi. Chính vì vậy trong lớp học, tôi là con bé đứng đầu về chiều cao. Tôi không thấy gì ái ngại. Càng to con, tôi càng oai vệ chứ sao. Những đứa ngồi bên cạnh có phá phách cỡ nào, tôi chỉ cần quay sang nhìn chúng, thì ai nấy đều không dám nhúc nhích. Đã vậy, cô giáo lại giao cho tôi một trọng trách, đó là làm lớp trưởng. Thật tình, tôi rất lo. Vì làm lớp trưởng như thế nào, tôi chưa từng trải qua. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận lời cô trước tập thể lớp, vì tôi rất muốn làm cái gì đó là lạ để ra oai với người ta. May là, tôi làm cũng ra hồn như ai. Không những vậy, tôi còn mang danh lớp trưởng, lẽo đẽo theo đám bạn nhà giàu mượn truyện đọc.
Một hôm, cô kể chuyện Thạch Sanh, Lý Thông. Một câu chuyện rất ly kỳ, hấp dẫn. Tôi rất vui, vì Lý Thông đã chết. Nếu hắn ta còn sống, Thạch Sanh khó mà làm nên đại sự. Chuyện có vậy, cô giáo gọi thằng Tí đứng lên trả lời. Tại sao Lý Thông phải chết? Thằng Tí đứng lặng thinh như trời trồng. Thấy vậy, tôi xung phong đứng lên trả lời thế thằng Tí một cách rành mạch. Cô giáo khen tôi hết lời. Cả lớp vỗ tay tuyên dương. Tôi thích thú. Thằng Tí lại nhìn tôi cười toe tóe. Tại cô, tại lớp không biết đó thôi, câu chuyện này, ông Út và bà Bảy đã kể tôi hàng chục lần. Chứ mới nghe lần đầu như mấy đứa bạn, tôi cũng như thằng Tí là cái chắc.
Từ một chuyên gia kể chuyện, tôi trở thành trung tâm thu hút bạn bè. Bởi vì, cô kể câu chuyện nào, tôi đều nắm trước nội dung câu chuyện đó. Về sau, mỗi khi cô kể xong, tôi thường tóm lược nội dung và kể lại cho lớp nghe. Những lúc rảnh, tôi còn kể cho đám bạn nghe đủ thứ chuyện ly kỳ. Những câu chuyện mà trước đây, tôi lượm lặt từ nhà ông Út, bà Bảy.
Thời gian trôi qua, tôi ngày một lớn. Tôi bây giờ không còn là cô bé học lớp một, thích nghe truyện cổ tích. Tôi đã trở thành cô giáo. Một cô giáo tiểu học tuổi đời hơn bốn mươi, được nhận về công tác ở trường điểm của thành phố lớn. Học trò tôi là những cô bé, cậu bé mới vào lớp một. Những bé mới tập tành viết, tập tành đọc như tôi ngày xưa. Tôi hớn hở kể cho các bé nghe câu chuyện cổ tích vào buổi học đầu tiên. Câu chuyện cổ tích mà vẫn sống mãi trong ký ức tuổi thơ của mình. Môn học đầu tiên của các em, tôi rất thích và nghĩ các em cũng như tôi. Thế nhưng, tôi vừa cất giọng kể. Câu chuyện cổ tích ngày xưa, bà Bảy đã kể tôi nghe, cô giáo đã dạy tôi học, cả lớp nhốn nháo:
- Chuyện quỷ quái đó mà nghe làm gì hả cô?
Tôi giật mình, lặng thinh. Chưa kịp hiểu các “thiên thần” nhỏ bé của mình, phản ứng về vấn đề gì. Thế là, một vài em ở bàn đầu, giọng hồ hởi:
- Cô kể chuyện chàng hiệp sĩ Nhật Bản đi…
Các em dứt lời. Tôi hụt hẫng đến nghẹo ngào, nhưng vẫn cố trấn tĩnh lại. Tôi nhẹ nhàng giải thích, để các em hiểu rõ giá trị bài học từ những câu chuyện cổ tích. Tôi vừa cất lời, một em ngồi ở bàn đầu, rút trong cặp cây súng điện tử, múa may. Tôi chưa kịp phản ứng, thằng bé chĩa súng vào đầu thằng bé ngồi bên cạnh, bóp cò. Từ cây súng, tiếng vang cạch cạch phát ra đến nôn ruột. Thằng bé bị bắn thích thú, cười hắc hắc. Cả lớp nhao nhao đứng lên. Chúng cùng hướng về tiếng động lạ vừa rồi. Đứa nào đứa nấy ngồi đứng không yên. Dù đã tịch thu cây súng, nhưng lòng tôi quằn nặng một nỗi đau. Tôi không ngờ trong môi trường tôi và các “thiên thần” nhỏ bé của mình lại có một khoảng cách. Một khoảng cách rất xa mà tuổi của tôi và các em chưa từng gặp nhau. Tâm trạng buồn chán, tôi có cảm giác ghê sợ sự ảnh hưởng nặng nề của tiến bộ kỹ thuật, của “thế giới” hôm nay. Nó đầy bạo lực, len lỏi vào phá hoại tính cách và đời sống tinh thần của trẻ thơ.
Lâu lắm, tôi mới có dịp đặt bước trên con đường làng. Con đường làng dẫn vào nhà ông Út và bà Bảy. Dù biết, hai người ấy đã quá cố, nhưng trong lòng tôi, họ vẫn đang ngự trị, đang sống cùng ký ức tuổi thơ tôi. Lướt qua ngôi trường làng ngày xưa, tiếng ê a ngọng nghịu của đám học trò làng vang vọng, tôi nghe mà chột dạ. Ký ức tuổi thơ trong tôi như sống dậy. Nó biến thành nỗi khát khao, khắc khoải. Tôi ao ước được sống lại những ngày của tuổi thơ. Tôi mong được nghe ông Út và bà Bảy ở trong xóm nghèo, cô giáo ở trường làng kể chuyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích sống mãi trong tôi. Tôi dằn lòng, sẽ cố gắng làm một điều gì đó trong chính nghề nghiệp của mình.
Huỳnh Mẫn Chi (SGGP)