Tơ vương
Trời sang thu, buổi chiều ở ven hồ bắt đầu rộn rịp từ năm giờ. Còn lâu mặt trời mới lặn nhưng ánh nắng đã dịu đi sau những lớp mây lãng đãng hắt ánh sáng cuối ngày lên cao. Người già, người trẻ kéo nhau ra bờ hồ đi bộ thể dục.
Nổi bật lên gần như lạc lõng giữa những người mặc quần áo thể thao, phần đông vận áo phông quần lửng là một bà vào tuổi trung niên mang áo sơ mi ngắn tay đi đôi với chiếc váy dài bằng lụa nhuộm màu có sọc hoa văn lượn sóng đen. Bà có dáng đi mềm mại, thong dong khác với những người ngồi câu và những người hối hả rảo bước dọc bên hồ. Hình ảnh của người phụ nữ này ăn nhập với cảnh những hàng liễu mảnh mai rũ nhành lá lấm tấm đơm hoa đỏ xuống mặt hồ. Đó là bà Thảnh, nhà cách hồ Xanh chẳng bao xa. Bà đã nghỉ hưu được vài ba năm, cứ chiều chiều chăm chỉ phóng xe ra bờ hồ, tập đi bộ và hít thở không khí trong lành.
Vậy mà chiều nay, bà Thảnh không đi bộ ven hồ đến hết buổi. Chuông điện thoại reo lảnh lót. Bà vội dừng bước.
- Alô, ai gọi đấy ạ?
- Con đây, Khoách đây mà?
- Có việc gì thế con?
- Mẹ về ngay đi rồi sẽ biết chuyện.
Bà Thảnh tắt máy, đi vội về phía bậc gạch tam cấp dẫn lên chỗ dựng xe. Câu trả lời lấp lửng của con trai khiến bà lo âu. Nỗi lo thường trực ám ảnh ông bà là chuyện quấy quả của cậu con trai. Phải, chính thằng Khoách là nguyên nhân gây ra sự bất an trong nhà này. Năm nó tốt nghiệp cấp ba, ông Thảnh hướng cho nó thi vào đại học Kiến trúc. Chưa hết năm thứ hai nó phá bĩnh bỏ học. Nó đàn đúm theo bạn bè trong khu phố, rủ rê nhau đua xe. Mấy lần nó bị dẫn về đồn công an. Mấy lần người ta thông báo về khu tập thể sự sai phạm của nó.
Thế rồi ông Thảnh khăn đùm khăn gói dắt con vào tận miền Nam gửi gắm cho một ông bạn chí cốt hồi cùng công tác ở B2. Thằng Khoách nhập vào môi trường mới, chỉ được một học kỳ lại bỏ về thành phố cũ. Không hỏi ý kiến bố mẹ, nó bán phắt chiếc a còng đang đi, tậu một chiếc xe cà tàng, rồi góp vốn với cánh buôn hàng đường biên. Đủ ăn đủ thua. Đánh hàng vải chán chuyển sang đánh hàng điện tử. Có khi nó chở về hàng bọc tiền, có vẻ xúng xính, bà cũng không thiết. Đến một vụ chạy hàng lậu, nó bị bắt, không những trắng tay, nó còn bị câu lưu ở nhà tạm giam. Ông Thảnh thương con, nói to nói nhỏ với những người thân quen cũ cùng ngành nên Khoách được tha.
Bà Thảnh vẫn luôn luôn nơm nớp về con. Nó là đứa con trai nối dõi tông đường họ Nguyễn. Nó vừa gọi điện thoại cho bà, giọng lấp lửng khiến bà cứ bồn chồn trên quãng đường ngắn về nhà.
Vừa dừng xe, tắt máy, bà liếc nhanh vào phòng khách. Người mới đến quay lưng ra phía cửa lớn. Nhìn màu quần áo sơvin, không phải cảnh phục công an, bà Thảnh trút hơi thở dài nhẹ nhõm. Hơn nữa nhìn thấy chiếc xe máy quen thuộc của chồng đã dựng vào chỗ cũ bà càng vui. Nhác thấy ông Thảnh đang bấm vòi phun tưới mấy chậu cây cảnh, bà hất ngược mái tóc, chỉ tay vào phòng khách, có ý nhắc ông vào nhà nhưng ông chỉ đáp lại bằng những cái vẫy tay ra hiệu từ chối.
|
Bà vào nhà với nét mặt tự nhiên thanh thản. Khách quay mặt, nhìn thấy bà, đứng dậy chào, có vẻ khép nép. Bà kêu lên:
- Ô kìa, cháu Tuấn! Cháu ra đây từ bao giờ?
Bà chợt ngừng câu hỏi giữa chừng khi nhận ra nét mặt đăm chiêu của cậu con trai và bạn nó. Khoách tới gần mẹ, nói nhỏ:
- Mẹ à, bạn Tuấn có chuyện hệ trọng muốn nói riêng với mẹ.
Nói xong, Khoách quay gót vào buồng trong. Bà Thảnh bây giờ mới chú ý vẻ mặt u ám của Tuấn, nhưng chẳng hiểu có việc gì mà Tuấn muốn gặp riêng bà. Bà đặt tay lên vai Tuấn, bảo ngồi xuống. Bà cũng ngồi trên chiếc ghế da đối diện. Bà hỏi thẳng:
- Bố mẹ cháu có khỏe không?
Nét mặt Tuấn chùng hẳn xuống:
- Bác ơi, bố cháu ốm nặng lắm.
- Thế ư? Bệnh tình thế nào? Bố cháu nằm ở bệnh viện nào?
Tuấn không trả lời thẳng vào câu hỏi của bà mà chỉ thốt lên được mấy tiếng:
- Bố cháu khó lòng qua khỏi bác ơi! - Cháu ra đây là có việc muốn thưa với bác.
- Với cả hai bác chứ? Hai gia đình là chỗ bạn bè thân thiết, có việc gì cần giúp đỡ, cháu cứ nói thật, hai bác sẽ liệu.
Tuấn nhìn thẳng vào mắt bà Thảnh, nói rành rọt:
- Thưa, cháu chỉ muốn gặp riêng bác.
Khi chỉ còn hai bác cháu, Tuấn hạ giọng như nói thầm:
- Bố cháu biết mình không vượt qua được số mệnh, đã gọi riêng cháu lại gần để nghe lời trăng trối. Bố cháu dặn cháu phải đi ngay ra Bắc để nhận em cùng cha khác mẹ của cháu là Khoách, và cố gắng xin bác cho phép bạn Khoách vào gặp bố cháu lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng.
Bà Thảnh không thốt lên được tiếng nào, ngồi thu mình lại, hai tay ôm lấy đầu, dáng bộ tiêu điều chẳng khác gì một cây chuối vừa bị bão quật đổ.
- Không được, không được! - Bà nhủ thầm.
Đôi mắt đờ đẫn của bà hướng lên trần nhà, trông đến vô hồn. Giọng nói của Tuấn vẫn đều đều vẳng vào tai bà:
- Ý nguyện của người sắp mất, xin bác mở lòng.
Bà Thảnh chợt hỏi nhỏ:
- Mẹ cháu có nghe lời trăng trối này không?
- Thưa, bố cháu chỉ nói với một mình cháu, cả nhà không ai biết.
- Vậy từ hồi chiều đến giờ, cháu đã gặp bác trai chưa?
- Thưa chưa. Bác trai muốn để cho hai cháu được tự do.
- Còn thằng Khoách?
- Hai đứa cháu là bồ ruột của nhau, cháu đã thổ lộ cho Khoách đầu đuôi câu chuyện.
Bà Thảnh gật gù, cắn môi suy nghĩ. Mái tóc của bà lúc lắc trên đầu như muốn cầm nhịp cho những ý nghĩ đang đung đưa trong trí óc của bà. Bà bảo Tuấn đi tắm rồi bà sẽ nói chuyện tiếp.
Bà Thảnh bước vào phòng ngủ, không thay đồ bộ như mọi lần, cứ để nguyên bộ đầm trên người, nằm vật xuống đệm giường. Cứ thế bà dang rộng hai tay, vẻ chán ngán. Mắt bà nhìn trân trân lên trần nhà, ý nghĩ của bà trở nên lộn xộn, quay cuồng. Cảm giác bàng hoàng, bối rối xuất hiện từ khi nghe Tuấn trình bày sự việc cứ ám ảnh tâm trí bà.
Bà có ngờ đâu sự việc giấu kín, chỉ có hai người biết, là bà và bố của Tuấn, ông Khôi, sự việc được chôn chặt trong lòng đã hăm bốn, hăm lăm năm nay, bỗng chốc hở toang ra qua lời trăng trối của ông Khôi.
*
Hơn ba chục năm trước, cô Thắng lấy anh Thảnh hoàn toàn do tình yêu.
Chớm tuổi ba mươi, Thắng và Thảnh đã có ba mặt con. Hiềm một nỗi, cả ba đều là gái. Điều ấy chẳng làm Thảnh phiền lòng, anh coi gái hay trai đều như nhau. Thế nhưng bà con cô bác bên nội không chấp nhận việc anh Thảnh, chi trưởng dòng họ Nguyễn, lại không có con trai nối dõi. Nhiều lời chê bai, mai mỉa của ông chú bà cô lọt tai Thắng khiến cô dằn vặt khổ tâm bao nhiêu năm trời. Thảnh hiểu nỗi buồn của vợ, cứ động viên cô: "Một bề hay hai bề đều là con của chúng ta, em hơi đâu mà lo chuyện bao đồng. Như anh đây, hễ cơ quan có liên hoan là bị bạn bè bắt ngồi chiếu dưới, anh cứ phớt lờ có làm sao đâu". Nghe chồng an ủi, Thắng vơi chút buồn riêng, nhưng trong sâu thẳm vẫn khắc khoải nỗi lo không có con trai nối dõi. Tự xếp mình vào loại có tư duy hiện đại, cô nảy ra ý định đi "xin giống" ai đó để kiếm thằng cu. Chuyện này vừa tế nhị vừa phức tạp, có khi còn nguy hiểm, dễ dẫn đến một cuộc đổ vỡ đau đớn. Nhưng đã nảy ra ý định là dàn dựng kế hoạch luôn. Người mà Thắng đến cầu cứu là Khôi, bố đẻ của Tuấn sau này.
Khôi là kỹ sư lâm nghiệp, Thảnh là cán bộ công an. Hai nhà ở hai khu tập thể gần nhau. Hai người lại có thú đi săn bắn. Ngày ấy, súng hơi hay súng săn còn được sử dụng dễ dàng, Thảnh thường rủ Khôi đến nhà chơi. Xem ra hai ông bạn trai này hợp ý nhau, không chỉ trong những cuộc đi bắn chim ở ngoại thành hoặc các vùng xa mà cả trong cách bình luận thời sự, bóng đá và phim ảnh, sách báo nữa. Từ chỗ hai người thân nhau dẫn đến cả hai gia đình chơi thân với nhau. Một hôm, nhân một cuộc đi dạo ven hồ Xanh, Thắng nói thật với Khôi về ý định xin con của mình. Cô nói: "Nhà em toàn con gái, nhà anh toàn con trai, em chỉ xin anh một đứa, thề rằng chẳng phá ngang hạnh phúc của hai anh chị". Lúc đầu Khôi lắc đầu từ chối quầy quậy. Thắng vẫn kiên trì thuyết phục cho đến lúc Khôi ngã lòng. Hai người gặp nhau nhân một dịp chồng Thắng đi công tác.
Ban đầu Thắng cứ tưởng chỉ tiến hành một kế hoạch đột xuất chóng vánh xin cho được đứa con rồi dứt khoát trở về cuộc sống cũ. Cô không ngờ sự cường tráng, phong độ đàn ông của Khôi đã hấp dẫn lôi cuốn cô, không tài nào dứt được. Cô muốn khám phá Khôi, vắt kiệt Khôi đến tận cùng khoái cảm, điều mà cô không tìm thấy trọn vẹn ở chồng mình. Không hiểu người nghiện ma túy đói thuốc thèm khát ra sao, còn Thắng dù cố tự nhắc nhủ mình nhiều lần, nhưng không tài nào xa Khôi được. Cho đến lúc Thắng báo cho Khôi, người mà cô coi như người tình rằng cô đã có mang thì Khôi tỉnh lại ngay, nói với cô: "Anh mừng cho em", rồi từ đó chia tay luôn. Về sau gia đình Khôi chuyển vào sinh sống ở miền Nam, hai bên chẳng có thư từ, nhắn gửi gì cho nhau nữa. Thảnh đi công tác về gặp lúc Thắng sinh con, mà lại là con trai. Cả họ hàng bên nội, bên ngoại vui mừng vô kể. Áp lực của gia đình hai bên đối với Thắng mau lẹ biến mất.
Điều bí mật về chuyện cu Khoách, Thắng giữ kín trong lòng suốt mấy chục năm ròng. Đôi lúc nhớ đến Khôi, cô vẫn còn thấy rạo rực trong lòng, nhưng rồi năm tháng qua đi, mọi chuyện đều rơi vào lãng quên.
Nay đột nhiên, trước lúc qua đời, Khôi bảo Tuấn ra miền Bắc nhận em cùng cha khác mẹ và thỉnh cầu bà Thảnh cho Khoách vào gặp ông lần cuối, mà cũng là lần duy nhất, khiến bà vô cùng khó xử. Nếu công khai chuyện này, bà không lo phản ứng của vợ con ông Khôi vì họ ở xa nhưng chuyện sẽ trở nên tày đình đối với chồng bà và họ hàng bên chồng. Có thể là một tai họa sẽ đổ ụp xuống mái nhà yên ấm này, gia đình vốn hòa thuận này. Nhưng dù sao người sắp chết cũng có quyền được gặp mặt đứa con ruột của mình, dù họ có công sinh mà không có công nuôi dưỡng. Cái tình của bà đối với ông Khôi có thể phai nhạt từ lâu, nhưng cái nghĩa thì không thể chối từ. Bà ngồi phắt dậy khi ý đã quyết. Bước ra cửa phòng, bà thấy con trai đang nhổ tóc sâu cho bố. Bà lên tiếng gọi Khoách:
- Vào đây mẹ bảo.
Khoách lễ phép xin phép bố quay vào nhà. Bà Thảnh nói ngay:
- Có câu chuyện hệ trọng này, đã đến lúc mẹ phải nói cho con rõ.
Khoách ngắt lời mẹ:
- Đầu đuôi câu chuyện, Tuấn đã kể hết cho con nghe rồi.
Vượt qua được câu mở đầu khó nói, bà Thảnh thở phào nhẹ nhõm:
- Mẹ muốn biết ý nghĩ của con trước cái tin đột ngột này.
- Trước sau gì bố Thảnh vẫn là người cha thân yêu của con. Gia đình ta không có gì thay đổi.
- Còn ông Khôi?
- Con sẽ đi cùng Tuấn vào thăm ông ấy. Trong trường hợp ông không qua khỏi, con sẽ đến dự đám tang. Con đã tính cả rồi. Mẹ có đồng ý không?
Bà Thảnh ôm chầm lấy con trai rồi lắc đôi vai của Khoách, ra ý đẹp lòng lắm. Khoách nói thêm:
- Cứ coi như con đi Đà Lạt chơi một chuyến.
Chuyến đi du lịch lên Đà Lạt của Khoách được quyết định nhanh chóng. Bà Thảnh trao đổi với chồng, được ông đồng ý ngay. Cử chỉ dang rộng hai tay hưởng ứng của ông làm cả nhà vui hẳn lên. Chiếc valy to tướng có bánh xe được lôi ra để bà Thảnh sắp xếp quần áo, đồ cần dùng cho con trai. Xếp thêm mấy chiếc áo len và khăn quàng cổ vẫn còn rộng chỗ. Ông Thảnh lặng lẽ mở tủ lấy ra một chiếc võng dù cuốn tròn bỏ thêm vào chiếc valy. Bà Thảnh lấy làm lạ hỏi:
- Đi xứ lạnh, mang võng theo làm gì?
- Đi Đà Lạt cũng phải qua thành phố Hồ Chí Minh - ông nói.
- Ở thành phố thiếu gì khách sạn mà phải mang theo võng chiến trường?
- Bà quên rằng nhà ông Khôi có khu vườn rộng nhiều cây cao bóng mát. Nó vào đấy mắc võng thì còn gì bằng. Vả lại đây là chiếc võng chiến trường ngày trước ông Khôi đã tặng tôi trong mấy chuyến đi B ngắn ngày ấy mà.
Bà Thảnh tái mặt khi chồng nhắc đến tên ông Khôi hai lần, lại đoán được con trai sẽ tới nhà ông ta. Bà lẩy bẩy kéo ông vào buồng trong, miệng lắp bắp hỏi:
- Ông biết chuyện ông Khôi và thằng Khoách rồi à? Ai nói?
- Chẳng cần ai nói. Tôi biết từ khi thằng bé sinh ra. Đơn giản là sau khi sinh đứa con gái thứ ba, tôi vào chiến trường mấy lần, vướng phải chất độc hóa học. Bác sĩ khám bảo rằng tôi mất khả năng truyền giống. Thế đấy, ông bà ta đã có câu: "Cá nhà ai vào giỏ của mình cũng là cá của mình".
- Tại sao bao nhiêu năm ông chẳng nói gì?
- Nói ra làm gì cho bà thêm buồn? Bà có hiểu tình yêu là gì không?
Bà Thảnh liền gục đầu vào vai chồng, khóc không thành tiếng, nước mắt giàn giụa.
Lương Sĩ Cầm (VNCA)