Thầy giáo dạy Sử
Mới hơn 9 giờ sáng, đại gia Đỗ Đạt Tính đường đột đánh chiếc Mercedes mới coóng đến rủ tôi đi ăn trưa. Tôi ngạc nhiên và từ chối nhưng Tính nói bằng khẩu khí của kẻ có tiền: “Nhậu chỉ là cái cớ. Tao đang cần mày. Mày sợ tốn thời gian, tao tính công đàng hoàng, đừng lăn tăn gì cả!”. Vậy là tôi phải leo lên xe sang theo Tính đi tỉnh, nhậu ở nhà hàng Cẩm Lệ nổi tiếng.
![]() |
Tính là bạn cùng lớp hồi học phổ thông. Tính còn là con trai đầu thầy Tầm, chủ nhiệm bộ môn sử, sau là hiệu trưởng trường cấp III Sơn Quang của tôi. Tuy chỉ là đại gia phố huyện nhưng Tính đã mở được đại lý thu mua gỗ quý tận Nam Phi. Trên đường đi tỉnh, Tính chợt lắc đầu chép miệng, bực bõ nói: “Bố khỉ! Mấy ông già sử với siếc, chết đến đít còn không buông tha nhau”. Nghe giọng hằn học của Tính, tôi hỏi: “Ông nói ai ?”. Tính chẹt lưỡi, đáp: “Ông già tao với ông Phức chủ nhiệm lớp 10B mình chớ còn ai nữa”. Tôi nói: “Hai cụ này lấn cấn với nhau từ hồi bảy hai, bảy ba (1972,1973), tưởng xuôi rồi, nay lại có chuyện gì?” Tính:
“Nhậu xong đã. Nói ra sợ mày nuốt bia không trôi”.
Tôi lại từ chối việc đi nhậu và hỏi tiếp: “Cụ thể là sao, mà cái thằng hưu trí cò con như tôi giúp được gì cho Tính?”. Tính: “Mày không thích nhậu, tao quy thóc nghiêm chỉnh. Giờ, tao đưa mày về quê thăm ông già tao, nghe cho thủng chuyện. Cụ, chắc cố lắm thì may qua được đêm nay thôi”. Tôi thốt lên: “Thầy Tầm ốm nặng thế à? Cậu không phải quy gì cả. Đưa ngay tớ về thăm thầy đi. Tạt xe vào hè hộ tớ”. Tính tạt xe. Tôi xuống mua hộp sữa cân đường làm quà thăm người ốm.
Khi tôi rời chỗ sơ tán trên miền núi về học ở trường cấp III huyện nhà thì bị chậm mất mười hôm. Biết thân phận trâu chậm uống nước đục, buổi vào lớp đầu tiên tôi chọn chỗ khuất cuối lớp, ngồi. Tôi đang kín đáo quan sát các bạn học mới thì thầy chủ nhiệm Trần Phức dạy môn sử vào lớp. Thầy Phức chỉ chừng hai bảy, hai tám tuổi dáng cao, cân đối, nét mặt đẹp nghiêm nghị như diễn viên Tikhonov của Liên Xô trong bộ phim Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân.
Theo thời khoá biểu, hai tiết đầu là bài khai quyển của chương trình lịch sử lớp 10 (hệ 10/10). Sau khi đứng lên chào thầy Phức và được thầy cho ngồi xuống, tất cả chúng tôi đều rào rào giở sách giáo khoa và chuẩn bị bút, vở ghi chép.
Thầy Phức lặng lẽ đi giữa hai hàng bàn, xuống phía cuối và nhìn vào chỗ tôi hỏi: “Lính mới hả, họ tên là gì?”. Tôi vội đứng lên: “Dạ, thưa thầy, em là Lê Văn Ngãi, em từ nơi sơ tán mới về ạ”. Thầy cho tôi ngồi xuống và đi lên phía bảng. Thầy mở hộp phấn, lấy một viên đến bên bảng viết: “Khái quát những nét lịch sử của huyện Sơn Quang”. Tất cả chúng tôi nhìn thấy thế liền ngọ nguậy và thầm thì hỏi nhau. Lớp trưởng Lê Thị Na ngồi ở bàn đầu đứng lên: “Em thưa thầy, dạ! Bài đầu lịch sử lớp 10 là bối cảnh ra đời của Đảng ạ”. Thầy Phức ra hiệu để bạn Na ngồi xuống. Thầy tủm tỉm cười bảo: “Thầy chưa già và cũng chưa đến nỗi Khốt-ta-bít (nhân vật gàn quái đáng yêu trong bộ phim hài cùng tên của Nga trong thập niên 1970). Chúng ta sẽ có 9 tháng nữa để học chương trình lịch sử lớp 10. Hôm nay thầy muốn giới thiệu với các em lịch sử mảnh đất của quê hương các em, của ngôi trường cấp 3 các em đang học. Ta thống nhất như vậy được chưa?”. Cả lớp “òa” lên một tiếng và vỗ tay rầm rầm.
Chúng tôi bị hút vào những điều thầy Phức giảng. Không ngờ cái huyện nghèo ven biển của tôi lại có một lịch sử hoành tráng đến vậy. Ngài Lý Thánh Tông trên đường bình Chiêm đã qua đây, Anh hùng Lý Thường Kiệt, hai Vua Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Tướng quân Nguyễn Chích, đức Vua Lê Tháí Tổ, Hoàng đế Quang Trung… đã đặt quân doanh dã chiến ở đây. Chúng tôi hiểu thêm ý nghĩa sâu sắc của mấy câu ca dao: Qua Chiêng rồi lại sang Giàng/ Qua bến Đông Thổ tới làng Đình Hương/ Anh đi theo chúa Tây Sơn/ Em về cày cuốc mà thương mẹ già, vì đó chính là các câu tả lại cảnh quân đội Tây Sơn dừng quân, tuyển binh ở vùng đất huyện tôi. 45 phút tiết đầu môn lịch sử của thầy Phức đã diễn ra trong tâm trí chúng tôi hệt như một bộ phim cực hay. Khi trống trường điểm một tiếng giải lao tiết một, cả lớp ngẩn ngơ tiếc.
Lúc giải lao trở vào, tôi thấy thầy Phức đang chăm chú xem tờ báo tường Vươn lên của lớp. Tiếng trống giờ học mới vang lên. Lớp nhanh chóng trật tự, chờ đợi thầy giảng phần hai của lịch sử huyện Sơn Quang. Thầy từ chỗ tờ báo tường đi ra gần bàn giáo viên nhìn cả lớp, khen: ‘’Báo Vươn lên có chủ đề đấy! Các bài viết về chào năm học mới đều có tình cảm”. Thầy hỏi, ai là tác giả bài thơ Buổi chiều. Chưa có ai trả lời mà hết nhìn thầy rồi nhìn nhau. Thầy lại hỏi: “Tác giả nào bút danh là Tinh Sắc?”. Một bạn to con ngồi cạnh cô bạn lớp trưởng Lê Thị Na đứng lên, ấp úng nói: “Dạ, em ạ, em tên thật là Đỗ Đạt Tính”. Cậu tên Tính nói và ngồi xuống ngay. Thầy hỏi: “Bài thơ Buổi chiều 4 câu, em sưu tầm 3 câu, còn sáng tác 1 câu, đúng không?”. Tính lại đứng lên, vẫn giọng ấp úng nói: “Dạ, em dốt văn lắm, em nhờ bố em làm giúp. Em nghĩ… báo tường…”. Thấy Tính ngắc ngứ, thầy cho cậu ngồi xuống. Thầy đi lại gần chỗ hai bàn đầu. Thầy đọc lại nguyên văn bài thơ đăng báo tường: “Xóm trước thôn sau tựa khói lồng/ Bóng chiều man mác có như không/ Theo hồi sáo trúc trâu về hết/ Đàn vịt no diều đứng rỉa lông”. Thầy phân tích: Câu thứ tư có hình ảnh nhưng không hợp cảnh. Đàn vịt lúc buổi chiều thường được lùa về chuồng chứ chúng không đủng đỉnh rỉa lông như lúc trưa mới ăn no, tắm mát xong, giá như câu đó có trong bài thơ Buổi trưa thì hợp. Cả lớp đều cười nhìn Tính và cười càng to hơn. Thầy Phức hỏi cả lớp: “Có ai biết tác giả bài thơ này và nguyên tác đầy đủ của nó không?”. Im lặng. Ngó nhìn nhau. Khi thầy hỏi lần hai thì tôi giơ tay. Tôi cũng chả tài cán gì nhưng hồi hè, bố mua cho quyển Bên bờ Thiên Mạc của nhà văn Hà Ân. Tôi rất thích quyển sách đó và thuộc luôn bài thơ. Tôi thưa: “Dạ, bài thơ đó là của Vua Trần Nhân Tông thầy ạ, câu cuối phải là thế này mới đúng: Cò trắng đôi con đáp xuống đồng”. Nói được thế rồi tôi hứng lên, đọc lại trọn vẹn bài Buổi chiều. Như để thưởng cho tôi, thầy điều tôi lên ngồi vào chỗ Tính, cạnh lớp trưởng Lê Thị Na, vì tôi nhỏ con, ngồi cuối lớp không nhìn rõ bảng.
Sau buổi học đó, tôi trở nên một fan môn học lịch sử, cái môn trước đó tôi không yêu, cũng không ghét, là dạng chập chờn bất định. Lớp 10B của bọn tôi hầu hết cũng thích thú học môn này. Trong cuộc thi hái hoa kiến thức của cả trường, nhân ngày nhà giáo 20-11, có 8 giải sử cài trong cây hoa, lớp tôi ẵm hết. Trong đại từ nhân xưng của thầy cô và bạn học trường Sơn Quang, lớp tôi là Lớp Sử, là bọn Sử 10B.
Đùng cái thầy Phức thôi Chủ nhiệm lớp và bị điều chuyển đi xóa mù trên một huyện miền núi xa. Đột ngột và nhớ thương thầy, cả lớp ùa theo đưa tiễn thầy trong da diết và nước mắt.
Thầy dừng chúng tôi lại ở cổng trường, vui vẻ nói: “Đời người là những chuyến đi/ Chia tay là để hẹn về mai sau”. Rồi thầy ngồi lên chiếc xe đạp khung to xù xì, không có chắn bùn đèo cái ba lô cũ và một bó sách bự, đạp đi.
Thầy Phức đi hôm trước thì chiều hôm sau, chị Tình, người đẹp như hoa khôi, làm nhân viên văn thư của trường bị chuyển sang làm tạp vụ lao công quét dọn sân trường và khu vệ sinh. Tôi ngạc nhiên hỏi chuyện chị Tình. Khi nhìn quanh thấy vắng vẻ, chị Tình vừa khóc, vừa kể, chuyện thầy Phức bị đột ngột điều chuyển lên miền núi nguyên do vì hai chữ trong một bài thơ.
Nhân ở làng mình dựng lại được một ngôi đền cổ, thầy viết bài thơ ca ngợi công đức, mở đầu bằng bốn câu: “Làng từng có đền, có đình/ Đạn bom phá một, vô tình phá ba/ Bão giông loạn lạc đi qua/ Làng như bừng tỉnh, làng là từ đâu?”. Hai chữ "vô tình" lúc đầu thầy Phức viết là "giặc mình" trong nháy nháy nhưng thầy gạch đi, chữa lại thành vô tình. Thầy thân với chị Tình nên nhờ chị đánh máy. Không hiểu vì sao bản chép tay của thầy Phức bị mất, chị có xin lỗi nhưng thầy nói vui: “Của nhà trồng được ấy mà… Có bản đánh máy nghiêm thế này là ổn rồi”. Nhưng buổi tối đó, ông Trưởng ban Công đoàn, thầy Hiệu phó phụ trách văn phòng, nội vụ và thầy Tầm Trưởng bộ môn Sử, triệu thầy Phức và chị Tình lên nhà hiệu bộ. Bằng chứng coi giặc mình phá đình, phá chùa nhiều hơn cả giặc Mỹ bị trưng ra. Thầy Phức cãi, thứ nhất thầy đặt "giặc mình" trong ngoặc kép, thứ hai thầy thấy hai từ đó không ổn nên đã thay bằng "vô tình". Thầy Tầm gắt lên: “Vô tình lại càng nguy! Sao lại bảo chính quyền và dân làng vô tình, vô cảm được?”. Thầy Phức vẫn điềm tĩnh nói: “Không những vô tình, mà còn tham lam phá hoại vô lối nữa. Các vị hãy đến làng tôi mà xem, bia đá tạc huân công của ngài Lý Thường Kiệt bị ông Đội trưởng đem về bắc làm cầu ao, hoành phi đền thờ Đức Thánh Trần bị cưa làm khung chuồng gà…”. Thầy Hiệu phó phụ trách văn phòng đập bàn, nói như quát: “Thôi đi! Cậu càng phát ngôn càng mất quan điểm”. Ông Công đoàn đưa ra tờ giấy, giục thầy Phức làm tường trình. Thầy không làm. Sự việc được đưa lên thầy Hiệu trưởng. Trường đang có một chỉ tiêu cử người đi xoá mù trên miền núi, thầy Hiệu trưởng tìm được lối thoát cho thầy Phức. Thầy Phức chấp nhận và đòi đi ngay. Chị Tình kết luận trong nước mắt: “Chị bị liên đới tội nối giáo cho phần tử văn chương hai mặt”. Nói rồi, chị Tình vẫn ấm ức không thôi và chị khẳng định: “Chính ông Tầm đã lấy tờ viết tay của anh Phức đấy Ngãi ạ, vì lúc chị đánh máy, chỉ mình ông ta vào đó thôi”. Tôi khuyên chị bằng một câu mới học trong sử: “Hãy giữ vững chí khí, chị Tình”. Chị Tình mếu máo: “Chị thì có đáng chi, chỉ thương anh Phức, anh ấy là người có tài, có tâm”.
Thầy Phức chuyển. Lớp tôi được thầy Tầm dạy môn sử. Thầy Tầm trông khá hiền lành. Da thầy trắng hồng, mặt xương xương, các chi tiết tạo nét đều cân đối. Giá như thầy không bị vẩu chút chút thì có thể nói đó là một khuôn mặt dáng thư sinh hoàn hảo. Nhưng bù lại cái chút hơi vẩu đó lại làm cho miệng thầy tưởng như lúc nào cũng đang cười. Thầy là người hoạt ngôn, hay vận ca dao, hò, vè. Ví dụ khi giảng về ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, thầy yêu cầu chúng tôi ghi các câu thơ ứng tác của thầy: Bài này gồm có ba phần/ Nguyên nhân - diễn biến và phần rút ra/ Nguyên nhân: Pháp, Nhật ác tà/ Diễn biến: khởi nghĩa là ba cuộc liền/ Rút ra: bài học vũ trang.
Sau khi ghi mấy câu lục bát trên, thầy ghi tiếp các chương mục bài sử lên bảng. Chờ chúng tôi chép xong, thầy gõ thước bắt chúng tôi học thuộc lòng. Tiếp theo, thầy xoá bảng, yêu cầu chúng tôi gấp vở và truy bài ngay tại lớp. Cách này, nhàn cho những bạn có trí nhớ tốt, còn rất khổ cho những bạn chậm hiểu, nhớ tồi. Tôi thuộc dạng thứ nhất lại có tính hăng hái, nên thầy cử tôi làm cán sự sử luôn.
Tôi thực hiện nhiệm vụ công bộc cho lớp được nửa tháng thì gặp rất nhiều ánh mặt hằn học mỗi khi tôi mời các bạn truy bài nhau, trong đó có cả cậu Tính, con trai thầy. Còn cô lớp trưởng Lê Thị Na thì bĩu môi gọi tôi là cái loa rè ngúc ngắc của thầy Tầm. Tôi đem tất cả các điều đó (trừ nêu tên các bạn phản ứng) thưa với thầy Tầm, và cũng nói cảm nhận của tôi là giờ sử của thầy tẻ nhạt và căng thẳng. Thầy Tầm không thay đổi sắc mặt nhưng thầy nói có tính nguyên tắc: “Thầy đã có chín thâm niêm dạy sử lớp 10, chưa có kỳ thi tốt nghiệp nào, học trò của thầy bị dưới trung bình đâu nhé”.
Thầy Tầm nói vậy nhưng sau lần thưa của tôi, thầy đổi mới bằng cách mời các điển hình trong huyện đến nói chuyện thành tích. Nhưng rồi cách này cũng không ổn vì diễn giả tuy có thành tích nhưng không có khiếu diễn đạt và nữa là thành tích của họ cũng mang tính chung chung, không có yếu tố đột phá, độc đáo.
Một lần thầy mời đại Kiện tướng thủy lợi Đội 202 của Huyện đến nói chuyện về năng suất đào đắp. Kiện tướng này có khoa nói, lại vui tính, bạo miệng nên tạo được sự chú ý. Ông kể, cứ mỗi lần vác hòn đất bảy tám mươi cân từ lòng hói lên đắp vào vệ đê, ông lại nghĩ đến hình ảnh chị Ngô Thị Tuyển vác hai hòm đạn trăm cân chạy như lao trong mưa bom, bão đạn. Ông chỉ tiếc không có tay thợ mai nào xẻ nổi hòn đất nặng trăm cân, trăm hai mươi cân để ông vác cho thỏa cái chí làm trai, cho khỏi xấu hổ trước tấm gương chị Ngô Thị Tuyển anh hùng vác trăm cân đạn. Chúng tôi vỗ tay rầm rầm. Đang vui thế, bỗng có một gương mặt đàn ông trông vẻ cũng láu lỉnh hệt như ông đại Kiện tướng thập thò ở cửa sổ, nói chõ vào: “Đừng có nghe cái thằng ba hoa chích chòe đó! Hắn là đứa lười chảy thây, chúng tôi bầu đùa làm Kiện tướng để cảnh báo hắn đó”. Chỉ thấy ông đại Kiện tướng nắm tay dứ dứ về phía cửa sổ. Cái ông đang thập thò thì cũng nắm tay dứ dứ lại. Thần tượng đại Kiện tướng trong chúng tôi sụp đổ. Lớp tôi lại trở về giờ học sử như cũ, nghĩa là chép các câu lục bát, chép các chương mục bài học thầy Tầm ghi tóm tắt trên bảng và truy nhau…
Đúng như thầy Tầm khẳng định, cuộc thi tốt nghiệp cấp III năm đó, cả lớp tôi không ai bị dưới điểm trung bình, có hai con 6 còn lại toàn điểm 5 cả.
Hết năm cuối cấp, mỗi đứa chúng tôi một ngả đường đời. Ngót 40 năm rời quê, tôi hết làm lính chiến ở Miền Đông gian lao mà anh dũng, đến đi làm quân tình nguyện quốc tế. Gần cuối cuộc đời nhờ có có tí máu sử, tôi được mời về quê dự hội thảo về gốc tích làng cổ nên mới gặp lại thầy Phức. Thầy chẳng nhớ ra tôi là ai, tôi phải đem cái tích bài thơ Buổi chiều ra thưa thì thầy mới nhớ. Tôi nỉ non xin lỗi thầy vì bao nhiêu năm không đến thăm thầy. Thầy cười, vận vào Hịch tướng sĩ, bảo tôi: “Chúng ta sinh ra bởi thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, còn nhớ về nhau, còn gặp được nhau là quý lắm rồi”.
Thật ra, tuy tôi không gặp thầy Phức nhưng biết thầy đã thành công đáng kể trong lĩnh vực văn chương và nghiên cứu lịch sử. Những bài viết của thầy về quê hương tôi, về những cuộc tranh luận chứng cứ lịch sử của quốc gia rất được chú ý. Thầy hiện là Phó chủ tịch kiêm nhiệm của Hội Khoa học Lịch sử Tỉnh, ủy viên Ban Thơ của Hội Văn nghệ Tỉnh. Thầy còn là chủ biên cuốn Những nét cơ bản về văn hoá làng. Qua một vài người bạn, tôi còn biết thầy và chị Tình đã thành vợ chồng, chị Tình giờ là cô giáo dạy sử ở trường cũ của tôi. Và dĩ nhiên tôi còn nghe được những chuyện thầy Tầm không phải với thầy Phức, ví như ngăn cản việc thầy Phức trở lại Sơn Quang sau nhiệm kỳ xóa mù 3 năm trên miền ngược, chuyện không phân công thầy Phức dạy sử lớp 10, chuyện "đì" chị Tình đến mức chị phải bỏ nghề tạp vụ về quê, chuyện làm việc với ngành dọc về biểu tượng hai mặt trong các sáng tác của thầy Phức… Có bạn còn rỉ tai bật mí: “Vợ chồng thầy Phức hận thầy Tầm đến mức trồng tre làm gậy, gặp đâu đánh què”.
Chiếc Mercedes đỗ tại cổng tòa nhà 3 tầng, kiến trúc khá bắt mắt khiến tôi hết miên man hồi cố. Đây là ngôi nhà đại gia Đỗ Đạt Tính làm để báo hiếu cha mẹ già.
Trước khi đẩy cổng đưa tôi vào, Tính dặn: “Ông già tao có yêu cầu gì thì mày cứ gật đại đi nhé. Sau đó, mọi sự tao lo”.
Tôi đến bên giường bệnh thầy Tầm. Thầy yếu lắm, chỉ còn da bọc xương, hơi thở ngắn, mặt đã hết thần sắc, mắt nhắm nghiền. Tính lừ mắt đuổi hết người thân ra ngoài và ghé tai thầy Tầm nói chậm, rõ từng lời về sự có mặt của tôi. Thầy Tầm chớp chớp mắt rồi thầy động động tay phải. Tôi hiểu ý vội nắm lấy tay thầy bằng cả hai tay mình. Thầy Tầm thều thào: “Em đến, quý hoá quá! Sắp… sắp này, thầy đi. Nghĩa tử nghĩa tận. Thầy nhờ Ngãi dàn xếp ổn thỏa với thầy Phức bỏ lỗi cho thầy… Tránh… mực đen… giấy trắng, bia miệng nghìn thu. Được thế… thầy mang ơn em về thế giới… bên… kia”. Thầy Tầm nói đến đó thì hộc lên một tiếng. Người nhà từ ngoài đổ vào phòng.
Tính không hề mất bình tĩnh mà bảo tôi: “Cụ chưa đi đâu. Mấy bữa nay luôn thế. Giờ, mày ra ngoài tao bàn cách dàn xếp”. Tôi theo Tính ra ngoài. Tính kéo tôi vào cái Mercedes bấm chốt cửa tự động, xả điều hòa cho mát. Tính bảo: “Hơn năm nay tình báo của ông già tao cho biết, ông Phức đã viết một quyển sử về trường cấp III Sơn Quang, lên án ông già tao dữ lắm. Ông già tao, thực ra cũng có lỗi với vợ chồng ông Phức, lỗi nặng là đằng khác. Ông Phức giờ tuôn ra hết bằng cái tài chữ nghĩa và quảng giao của ông ấy thì chắc danh dự ông già tao chỉ còn nước nhọ hơn cả mực Tàu. Ngãi ạ, tao với mày là bạn, ông già tao cũng có công dạy mày môn sử. Nghĩa tử nghĩa tận, tao biết mày được ông Phức cưng quý. Mày đến, có cách gì gạ mua bằng sạch toàn bộ số lượng cuốn sử “Đất học” của ông ấy. Kinh phí tiền triệu hay tiền tỷ tao chi hết. Tao nói điều gan ruột cũng là để báo hiếu bố tao, thầy học của mày. Nếu không dập được cuốn sách đó đi không biết bố tao còn đau đớn khắc khoải đến bao giờ nữa… Tao…”.
Tôi ngăn Tính lại và đưa ra giải pháp, tôi sẽ đến ngay nhà thầy Phức tìm đọc quyển sách đó xem nội dung thế nào rồi mới làm theo cách mua trọn bộ như Tính nói.
Tính đồng ý. Lúc đó có xe biển xanh của một quan đầu ngành trên Tỉnh đến thăm bệnh thầy Tầm, Tính nói với chủ nó, bảo lái xe chở tôi đi gặp thầy Phức.
Tôi đến thầy Phức giữa lúc thầy cô đang chuẩn bị cơm trưa. Thầy cô mời tôi ăn cơm luôn. Tôi gọi chị Tình là cô giáo nhưng chị vẫn cứ xưng chị em như hồi trước. Bữa cơm dân dã có món cá giếc kho nhừ, món nghêu nấu canh mồng tơi và một đĩa muối mè đen. Tôi ăn ngon miệng như hút. Tôi chả phải gợi ý gì, thầy Phức đưa tôi quyển "Đất học" đã đề sẵn lời tặng từ tuần trước. Thầy giải thích thêm, được trả nhuận bút bằng một trăm cuốn sách nhưng mới nhận được mẻ đầu có 20 cuốn, thầy dành tặng tôi một cuốn mẻ đầu.
Tôi kiếm cớ ở lại chơi với thầy cô để đọc cho xong cuốn sách và nếu trong đó có chuyện gì vướng đến nỗi khắc khoải của thầy Tầm thì tôi sẽ đàm phán theo cách của Tính. Thầy cô đưa tôi vào phòng sách gia đình để đọc cho yên tĩnh. Ngay từ đầu tôi nhận ra đây là cuốn ký sự có yếu tố tự truyện chứ không phải là cuốn sử và tôi đọc nó theo kiểu ngốn ngáo. Nhưng vì sách hấp dẫn, lại có những câu văn khá hay nên buộc tôi phải quay lại đầu sách, đọc kỹ. Những trang sách hiện lên quê hương, con người Sơn Quang của tôi. Đất quê tôi, dường như chỗ nào khi xới lên đều có dấu tích văn hoá và lịch sử. Đất nghèo nhưng con người có cái đức cần cù, cái chí lập thân thời nào cũng có. Riêng ngôi trường cấp III Sơn Quang đã là nơi rèn đúc nên 124 vị tiến sỹ, 12 vị phó giáo sư và giáo sư, 10 nhà văn có thẻ hội trung ương, 1 nghệ sỹ nhân dân, 4 vị tướng, chỉ huy cấp quân khu và binh chủng, 70 doanh nhân dạng triệu phú dollar, trong số này có cả Đỗ Đạt Tính. Tính được thầy dành cho 5 dòng, tôi đếm được 91 từ.
Trong cuốn sách đó không có một chữ nào hận thù, mạt mạ thầy Tầm phải ở dạng trở thành bia miệng. Không những thế thầy Phức còn viết khá chi tiết về một xử trí khá nhân ái của thầy Tầm, khi thầy Tầm đương chức Hiệu trưởng. Chuyện là có 6 cậu trò nghèo, trước khi thi tốt nghiệp họ quyết sang Làng Quan Trạng, vào Đình Bảng Môn xin chữ phù độ. Vì nghèo, quần áo chỉ có nhất bộ nên các cậu nghĩ ra cách ở truồng, bọc quần áo vào tấm nilon làm phao bơi qua sông Mã. Sang rồi, chui vào ruộng ngô, mặc lại để vào Đình Bảng Môn xin chữ. Mọi việc lúc đầu trót lọt. Chữ thánh hiền ở Đình Bảng Môn cũng xin được. Nhưng khi ra bãi ngô, truồng để bơi về, các cậu vừa bọc quần áo xong thì một dân quân lao đến định tóm. 6 anh chàng truồng liền ôm bọc nilon lao xuống sông. Dân quân nổ súng cảnh cáo. Mặc, cứ bơi. Các cậu thoát hiểm hôm đó nhưng hôm sau có người mật báo danh tính đến trường. Từ cô chủ nhiệm đến tập thể cán sự lớp và chấp hành chi đoàn lo lắng các cậu sẽ bị đuổi học. Nhưng khi gặp thầy Tầm, thầy hỏi động cơ, thầy hỏi hoàn cảnh xong liền tha bằng câu: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò. Trong trường hợp này phải đổi lại là nhất học trò, nhì ma, ba quỷ. Thôi, các cậu về cố mà hoá chữ nghĩa thánh hiền xin được vào kỳ thi tốt nghiệp đi. Cậu nào trượt đừng hòng sang năm tôi cho lưu ban”. Sáu anh chàng được thầy Tầm phong làm sư huynh của ma quỷ năm đó đều đỗ cao. Có anh sau này là giáo sư tiến sỹ ở tuổi 45.
Đọc xong quyển sách, hệt như nhà vật lý tìm ra thuyết tương đối, tôi quên cả chào thầy cô, đi ra chỗ chiếc xe biển xanh đang chờ ngoài đường, bảo anh xế đánh thẳng về nhà thầy Tầm.
Tính đón tôi bằng câu nói: “Ông già bắt chuồn chuồn rồi. Chỉ chờ tin mày về để đi”.
Tôi đưa trang sách có đoạn viết về thầy Tầm cho Tính đọc. Tính liếc qua và kéo tôi lao vào phòng bệnh. Cũng như lần trước, chỉ bằng một cái lừ mắt của Tính người nhà lui hết. Thầy Tầm đang trở bệnh, hai tay thầy nhúc nhắc nắm, mở. Tôi ôm lấy tay thầy. Mồ hôi lạnh toát. Tôi ghé sát vào tai thầy định nói nhưng đầu thầy bỗng ngật sang trái, vẻ mặt thầy lộ vẻ đau dữ rồi lặng phắc. Tôi gào lên: “Thầy ơi, thầy Phức viết quyển sách này hay lắm…”. Tính kéo tôi lên, đau đớn nói: “Ông già đi rồi, khổ chưa?”. Tôi chưa kịp nói gì thì Tính bỗng xé toạc trang sách, bật lửa đốt. Lửa cháy soi rõ hơn nét mặt người chết. Những con chữ thầy Phức viết về thầy Tầm bị ngọn lửa liếm dần, liếm dần. Tôi cảm thấy hình như những nét còn ưu tư trên mặt thầy Tầm cứ vơi giãn dần… Không hiểu có phải cơ địa người vừa chết nó thế, hay là vong hồn thầy Tầm đã được giải tỏa?
Theo Lê Ngọc Minh (vannghetre)