Tết, là để trở về nhà!
Tết này con sẽ về, dẫu ở đâu con cũng sẽ về. Về đem hết chuyện kể ba nghe - đêm Giao Thừa vô bếp với mẹ. Tết này con sẽ về, mẹ đừng lo và chờ con nhé! Bởi con hiểu Tết với mẹ là, chỉ khi thấy con được quay trở về!
Tiếng cánh cổng đẩy ruỳnh ruỳnh quen thuộc vang lên. Bố đi trước kéo theo 1 chiếc vali to nên đi nhanh hơn để mở cổng, cậu khệ nệ 1 vali to 1 vali nhỏ đi sau. Không phải vì quãng đường mệt mỏi gần trọn 2 ngày, cũng chẳng phải vì cậu muốn thư thả gì, mà vì cần phải chuẩn bị tinh thần. Nếu không, khi bước vào và nhìn thấy mẹ với đôi mắt ươn ướt, khuôn mặt mỗi năm lại thêm nhăn nheo, thêm sạm nắng, cái ánh nhìn mong ngóng từng phút từng giây đợi con về chắc sẽ làm cậu chẳng thể kìm được nước mắt.
Nhưng cậu bắt mình phải cười, phải nói một cách thật ấm, thật vững vàng với mẹ mấy chữ: "Mẹ, con đã về đây ạ". Rồi mẹ sẽ ôm chầm lấy cậu, thơm lên hai má, lên trán, như cậu vẫn mãi là đứa trẻ mặt búng ra sữa ngày nào.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con
Vừa xếp được 3 cái vali vào phòng đi ra, cậu đã thấy bố pha sẵn cho ly nước chanh uống cho đỡ khát. Tính bố vẫn vậy, chẳng nói chẳng rằng, nhưng vẫn có cách để quan tâm. Lúc này cậu mới nhìn được kỹ, mái tóc đen nhánh ngày nào của bố giờ đã gần bạc trắng. Vẫn cái quần soóc với cái áo sơ mi, bố đặt chiếc ghế nhựa ra ngoài hiên cho sáng mà đọc mấy tờ báo. Đôi mắt nheo lại cho cậu biết là mắt bố cũng đã kém lắm rồi. Vậy mà gọi facetime về lần nào mẹ cũng phàn nàn vụ bố đánh Pikachu, còn bố thì cứ bảo để luyện mắt. Đến chịu.
Chẳng cần hỏi, cậu cũng biết mẹ đã lại tất tả vào bếp. Vì biết cậu mệt nên bà chẳng nấu cơm, mà làm bát bánh đa sườn, có tí cà chua, chua chua cho cậu dễ ăn. Cậu phải gọi vội vào:
“Mẹ làm gì đấy ạ, để con uống cốc nước chanh rồi nghỉ một lúc đã, con chưa ăn ngay đâu”.
Tiếng dép loẹt xoẹt mà nhanh thoăn thoắt, mẹ đã đứng ở cửa phòng khách.
"Thế để lúc nữa à. Mẹ lại bật bếp lên rồi. Thôi để nhỏ lửa ninh thêm lúc nữa".
Bố nghe thấy trêu ngay:
"Ơ cái bà này, ai uống nước chanh xong đi ăn ngay cho nó... té le ra à. Chỉ được cái nhanh nhảu".
Vừa bước về phía bếp mẹ vừa nói với lại:
"Trật tự. Ông thì biết cái gì mà lên tiếng".
Bất giác cậu mỉm cười.
Chỉ cần con cái về thôi, hai ông bà đã trẻ lại cả mấy chục tuổi.
Ơi cái không khí gia đình!
***
Vì chênh múi giờ nên tối ấy cậu chẳng ngủ được mấy, 3 4 giờ đêm là mắt đã mở thao láo rồi. Lục tục ngồi dậy, nhưng vẫn ở trong màn cho đỡ muỗi, cậu với tay lấy cái Kindle. Về nhà nên tự dưng cậu có hứng đọc lại "Sống mòn" của Nam Cao, có lẽ là tác phẩm văn học Việt xuất sắc nhất mà cậu từng đọc. "Sống mòn" gợi lại một thời gian khó của quê hương, và những khao khát của một anh giáo nghèo mong hướng đến những thứ cao đẹp mà sao cứ bị cơm áo gạo tiền nó kéo ghì xuống giữa cuộc đời. Đọc “Sống mòn”, cảm giác buồn đến nao lòng. Nhưng mà thấm, mà trân trọng hơn cuộc sống hiện tại của chính cậu, dù chẳng thừa thãi nhưng ít nhất cũng không phải lo đến cả cái ăn, để có thể hướng đến những thứ giá trị hơn. Và cũng để có thể bình tâm hơn mà đón 1 năm mới sắp sang: “Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại ở đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…”
5 giờ, tiếng đồng hồ báo thức vang lên bên phòng bố mẹ. Tiếng kêu reeng reeng reeng reeng ấy chẳng hiểu sao cũng khiến cậu mỉm cười. Nhớ cái thời còn ở Bắc, những tháng cuối năm giáp Tết mà nghe tiếng chuông báo thức buổi sáng là đủ rùng mình rồi, vì lại sắp phải bước ra khỏi tấm chăn ấm trùm kín người và đối mặt với cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa Đông. Hồi ấy cứ phải thủ sẵn chiếc áo len, thậm chí nhiều hôm cả áo khoác cũng đặt lên cái ghế sát giường, để ra khỏi chăn cái là trùm ngay lên người, không thì cứ gọi là co ro.
Nhưng ở trong này không thế. Những tháng cuối năm giáp Tết nửa đêm cùng lắm cũng chỉ hơi se se, tắt quạt đi là được. Cậu không nhớ ai nói với cậu: đấy, phải chịu nó thì khổ, nhưng mà thiếu cái rét ngọt ấy nhiều khi cũng đủ khiến những người Bắc mình lang bạt vào đây chạnh lòng nhớ quê, mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tết mà không có cái rét lạnh, cảm giác nó không có quen, dù có ở trong này bao nhiêu năm rồi đi chăng nữa…
Tết ở trong này, đâu có lạnh
Cái tiết trời báo hiệu Xuân sang
Lòng ngậm ngùi nhớ bếp củi hồng
Nồi bánh chưng, những câu chuyện bà với mẹ vẫn kể
...
Ơi quê nhà, sao đã qua bao năm tháng chia xa
Mà vẫn chạnh lòng, mỗi khi Tết đến
Nhớ cành đào chúm chím trong giá rét
Để một ngày Xuân, bung sắc thắm yên vui!
...
Cũng vì cuộc đời, nên cứ mãi bôn ba
Cảnh cũ, người xưa, giờ tìm đâu cho thấy
Những ngày Xuân nơi này, là cành mai, bánh tét
Nhưng liệu có bao giờ, được trọn vẹn niềm vui!
Tiếng dép loẹt xoẹt báo hiệu trước, rồi mẹ bước vào phòng.
"Sao dậy sớm thế? Không ngủ được à?"
"Dạ. Hôm đầu mà mẹ. Vài ba hôm rồi chắc mới quen".
"Thế trưa ngủ thêm lấy 1, 2 tiếng, không ốm người ra đấy. Mà đọc thế có sợ tối hại mắt không?"
"Không, máy của con cũng có đèn mà ạ".
"Cái đấy là ipad à?"
"Không, là máy đọc sách thôi ạ. Con không dùng ipad lâu rồi"
“Thế tí ăn gì? Bánh cuốn hay đi ăn bánh đa cá?”
“Dạ bánh cuốn đi ạ”
Cậu nhoẻn cười. Cái món bánh cuốn ấy, cậu nghiện. Ngày còn ở nhà, có 3 người mà mẹ cứ mua đến cả cân. Thế mà hết. Bố ăn vài ba miếng, mẹ thì chỉ động đũa, còn lại cậu đánh tất. Bánh cuốn chay, làm không quá dày, mà lại hơi sừn sựt (chắc của hàn the), thêm tí hành khô với miếng chả, chấm vào nước mắm ninh xương ngọt ngọt, âm ấm, lại chua chua vị quất vị dấm tỏi thì cứ gọi là ăn đến no căng vẫn muốn gắp tiếp. Cậu nhớ có những hôm ăn xong mà ngồi xổm xuống cái ghế nhựa nho nhỏ để rửa bát cậu còn chẳng ngồi nổi, vì cái bụng nó trương lên to quá. Ôi cái thời!
Mà nói mới nhớ, đất nước mình, nghèo thì nghèo thật đấy, nhưng đồ ăn thức uống sao nó phong phú, nó đặc biệt đến thế. Cậu cũng gọi là được đi ra ngoài, nếm thử đồ ăn bốn phương, mà chẳng thể nào bằng được cái vị của đồ Việt mình. Đấy, những ngày rét mướt trước Tết, cứ thử cho bát cơm nóng với miếng thịt đông và ít dưa muối xem, liệu có ông nào bà nào ngửa mặt lên khỏi bát cơm được hay không? Hay những lúc đi đường rét căm căm, tay đeo găng vẫn như tê cóng, mà về nhà thấy mâm cơm có bát canh củ thì thôi rồi, chẳng cả rửa tay rửa mặt mũi gì hết, ngồi xổm ra đấy, múc lấy 1 bát đưa lên suýt soa cái đã. Cái canh củ, nó đặc nên nó giữ nóng được lâu, mà xúc mấy thìa là đủ để cơ thể ấm trở lại, xong có ăn hết cả bát thì cũng chẳng ngấy hay mất vị của những món chính theo sau.
…
Nhưng ngày Tết bây giờ thì tiện rồi, cứ đặt chỗ quen nọ chỗ quen kia là đủ hết đồ, thậm chí cả gà qué cũng chẳng còn phải giết phải làm. Nhớ cái hồi bố dạy cậu cách làm con gà đầu tiên, cũng vặt vặt mấy cái lông ở cổ, xong nói như bố nói: "Hoá kiếp này cho mày qua kiếp khác" như đúng rồi. Rồi nhúng nước nóng, rồi vặt lông, rồi mổ, rồi làm lòng, bao nhiêu là công đoạn. Vì chị cậu đi du học sớm, ở nhà còn có mình cậu, đâm cái gì cũng phải phụ bố phụ mẹ, chứ để hai ông bà quần quật suốt mấy ngày làm sao được. Thế là cứ loay hoay quanh mẹ trong bếp, học cách quấn nem, xào nấu, bóc bánh chưng các thứ. Nhưng có thế mới thấm, mới hiểu được người phụ nữ ngày xưa sao mà đảm đang, mà giỏi vậy. Cả tỷ thứ công việc trong bếp, xong chốc chốc lại nhớ ra là quên thứ này thứ nọ, như tí rau mùi, củ su hào, lại phải chạy vội ra chợ mà mua, chứ sai chồng, sai con lại sợ không biết, hay mua về không ưng. Được mâm cơm cúng chiều 30 cho chu tất mà nhiều lúc nhìn mẹ toát hết cả mồ hôi giữa cái lạnh cắt da cắt thịt ấy.
Rồi thì dọn nhà. Bao nhiêu năm rồi cậu mới lại è cổ ra mà quét dọn mấy tầng lầu, để mọi thứ thật sạch sẽ đặng còn đón một năm mới sắp sang. Mệt thì có mệt, nhưng dọn dẹp được cái thỉnh thoảng lại tìm được thứ này thứ nọ, mà gợi lại biết bao kỷ niệm ngày xưa. Như cuốn lưu bút bạn bè viết cho cậu ngày nào, mẹ vẫn để trong cái hộp trong kho. Hồi ấy còn thích cô bạn lớp trưởng ngồi đầu bàn thứ 3 từ trên xuống, nên đặt cho nàng biệt danh là B31 như trong Halflife. Ôi cái thời! Hay như lúc lau đến cái điện thoại bàn thỉnh thoảng bố mẹ mới dùng nên nhiều bụi, mới nghĩ thế hệ giờ chúng nó làm sao hiểu được cái cảm giác gọi điện cho nhau như ngày xưa. Cái thời sau Giao Thừa muốn chúc Tết cô bạn gái mà alo lại gặp ngay bố nàng, thế là phải bỏ máy sửa giọng sao cho tín nhất có thể, rồi mới nói vào: "Alo, dạ năm mới cháu xin chúc cả nhà mình mạnh khoẻ và hạnh phúc ạ. Cháu là H, bạn của V. Bác cho cháu gặp V một chút được không ạ?". Bố nàng mới cười, xong hình như vì Giao Thừa nên bác cũng dễ tính hơn, chẳng hỏi han tỷ mẩn mà gọi ngay nàng ra cho gặp. Nhẹ hết cả người!
Đang ăn mày quá khứ, bất chợt điện thoại rung. Hoá ra ai đó mới bới được lại một bài viết cũ của cậu về Tết, từ cái thời cậu còn đang mài đũng quần trên ghế nghiên cứu sinh. Thế là cậu bỏ mọi thứ đấy, quay ra ngồi ngâm lại:
***
29 Tết rồi. Ngồi đần thối nhìn cái máy tính mà chạnh lòng. Mấy ngày giáp Tết vòng qua các trang mạng nhiều khi buồn, thấy đâu đâu cũng kêu ca các kiểu nào là Tết nhạt, nào là còn đâu hồn Tết xưa, xong lại còn đòi bỏ xừ Tết ta nhập luôn với Tết tây cho đỡ lắm chuyện. Năm nay là năm thứ 6 xa nhà, đón thêm một cái Tết nhạt theo đúng nghĩa của nó, chẳng có chuẩn bị, chẳng đào quất trầm hương, chẳng cái không khí se se của những ngày giáp Tết, hai tay đút túi quần theo mẹ đi lượn những phiên chợ hoa, chợ hàng tấp nập đỏ rực góc trời. Bạn ơi, tôi nhớ Tết cổ truyền Việt Nam…
… Tôi nhớ cái khoảnh khắc thiêng liêng đêm Giao Thừa. Trước đó, tầm 7-8 giờ tối nhà tôi thường ăn một bữa ấm cúng, xong ngồi cùng nhau theo dõi Táo quân trên VTV. Táo quân đôi khi là tiếng cười thoải mái, lắm lúc lại là cái lắc đầu bó tay, hay thậm chí nhiều khi có đôi phần ấm ức trước sự vô tích sự của... các Táo. Có lẽ xem Táo quân với người Việt cũng như món canh ấm nóng trong ngày Đông rét buốt của miền Bắc vậy, dù cho lắm lúc nhạt, nhưng hễ thiếu thì không xong. Rồi Giao Thừa. Được cái nhà tôi cao nhất ngõ, nên tôi vẫn hay leo lên lan can tầng thượng để ngắm nhìn những đợt pháo hoa đón chào năm mới. Cái cảm giác rét run, hai tay nắm lại tì lên cằm, nhắm mắt lẩm nhẩm vài điều ước nho nhỏ cho năm mới (toàn gấu với tiền thôi ấy mà, ôi cái hồi ngây ngô khờ dại) giữa cái tiếng bụp bụp xòe xòe từ khá xa, rồi mở mắt ra chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa như nhưng chiếc ô xinh xinh đủ màu mà hồi ấy tôi vẫn hay tưởng tượng người ta đang mở ra và dâng tặng các vị thần tiên trên bầu trời, cầu cho một năm mới tốt đẹp. Thường, sau khoảng 5-7 phút mẹ sẽ lên và đứng cạnh tôi, thỉnh thoảng cho tay luồn qua tay tôi cho đỡ lạnh. Những lúc ấy, cái cảm giác thiêng liêng của năm mới cùng với sự ấm áp của gia đình luôn sưởi ấm trái tim tôi.
Thế rồi, tôi và mẹ xuống nhà trong cái mờ ảo của nén hương vòng bố thắp trên nắp kệ và trên ban thờ. Bố mẹ sẽ mỉm cười và trao cho tôi những phong bao lì xì đầu tiên, những tờ tiền mà tôi thường trân quý, giữ trong ví đến hết năm vẫn không muốn tiêu. Giao Thừa kết thúc với tiếng pháo tép nổ xa xa, hay tiếng vài ba chiếc xe máy thưa thớt thỉnh thoảng lướt nhanh qua con ngõ, tôi đoán của mấy thanh niên đang nấn ná cái niềm vui của một năm mới sang. Tôi khác họ, và thường hạnh phúc chìm vào giấc ngủ với cái chiến thắng của riêng mình, vì với tôi, không gì tuyệt bằng việc ở nhà đêm Giao Thừa.
Ngày đầu năm, tôi được đánh thức dậy với mùi hương của nồi lá mùi già. Nhà tôi vẫn giữ cái tục rửa mặt bằng nước lá sáng mùng 1, mỗi lần lấy hai tay áp nước lên mặt là một lần tận hưởng trọn vẹn cái âm ấm dễ chịu cùng mùi hương đặc trưng ấy. Rồi hai mẹ con lại tất bật với bữa cơm năm mới sẽ được dọn sẵn trước khi ông tôi đạp xe xuống xông nhà. Chai sâm panh bố chuẩn bị sẽ được khui với một tiếng nổ vang và chút rượu trào, theo sau là tiếng chạm cốc nhẹ nhàng, không zô không đồng khởi, nhưng sao vẫn hào hứng đến lạ. Rồi cả nhà lại ngồi nghe ông kể chuyện Tết xưa, về những tục lệ viết chữ, ngâm thơ đầu năm. Miếng bánh chưng, khoanh giò, tí hành muối với bát canh măng cộng chút rượu, chả phải đùa chứ một thằng dân khối A như tôi có khi cũng ngâm được vài câu thơ con cóc ấy chứ.
À, rồi thì đến chúc Tết. Tục lệ của miền Bắc thường là ông A đến chúc nhà bà B, rồi bà B sẽ lại quay lại cùng đồng bọn đến chúc nhà ông A, rồi cả 2 cùng lâu la kéo tới nhà C,D,E, đến bữa ở nhà nào thì ăn ở nhà ấy. Rõ mệt, nhở! Nào là đi đi lại lại, nào là những câu chuyện không đầu không đuôi, lại có khi đâm ra cạnh khóe nhau mấy câu. Nhưng ngày xưa hình như đâu có vậy. Ngày xưa đến thăm nhà là thể hiện 1 tình cảm cực kỳ yêu kính với chủ nhà, và cũng là dịp để chủ nhà nở mày nở mặt khoe ra những thứ đồ sịn mình sắm sửa được... Ngay cả cái cạnh khóe nhau ấy, theo trí nhớ và cảm nhận của tôi, nó cũng không gắt như bây giờ. Nó thường được coi như nói đùa thì đúng hơn, hay nặng hơn thì cũng chỉ là châm chọc chút ít để mà có thêm động lực năm mới còn phấn đấu. Vì tôi chả thấy ai sau những giờ phút ngồi quây quần bên bạn bè người thân như thế mà quay ra hằn học cả, ai cũng vui với cái vui đầu năm đấy chứ. Ngẫm lại, ngày xưa hình như người ta có nhiều thời gian để cho nhau hơn, để chuyện trò. Mà cũng phải thôi, vì họ đâu phải tỏ ra bận rộn về nhà cắm mặt vào chiếc máy tính, ipad, lướt facebook, insta như bây giờ!
…
Kể cũng lạ, đã 6 năm rồi mà cái hương vị đặc trưng ấy, cái bịn rịn và bồi hồi của những giờ khắc Tết đến Xuân sang vẫn in đậm trong tâm trí tôi đến thế. Ừ thì, tôi vẫn biết, bây giờ nó khác. Quán xá thì đầy rẫy, nhà thậm chí có cả osin nên đâu có phải chuẩn bị gì, và cuối cùng thì câu chuyện sẽ quay về nhàn cư vi bất thiện, rảnh rỗi bắt đầu sinh nông nổi. Nhưng, tôi tin rằng những phút giây gia đình bên nhau, dù tất bật hay chuyện trò rôm rả ấy, mới là thứ giá trị nhất trong cái Tết cổ truyền của dân tộc mình bạn ạ.
Túm lại thì, kệ ngoài kia người ta chê Tết nhạt, người ta Facebook Insta
Về nhà đi bạn, Tết đến rồi!...
(Sến thấy ớn. Hồi ấy viết công nhận rất kiểu nai tơ ngây thơ. Nhưng được cái cảm xúc phết. Mà giờ vẫn vậy, đâu khác gì).
***
Chợt cậu nghe thấy tiếng mẹ gọi từ trên nhà. Lên đến nơi thì mẹ hỏi đợt tới ra Bắc cầm bao nhiêu để mẹ biết còn đi đổi cho. Lúc ấy mới nhớ còn chưa đưa chút tiền dành dụm cầm về biếu bố mẹ. Cậu biết tính mẹ, nên hôm về đâu dám đưa ngay, mà phải đợi tối để vào phong bì cẩn thận mới dám mang ra biếu. Vì tiền thì mẹ cũng cần, nhưng con cái biếu thì phải cho ra biếu, chứ đưa không cẩn thận mẹ còn vứt vào mặt cho ấy chứ chẳng đùa. Cái nề nếp ấy, dù có lớn đến đâu, có đi xa bao nhiêu đi chăng nữa, cũng phải nhớ. Cứ y như câu hát của Đen vậy: "Bước ra đời (có thể) là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan".
Rồi cậu ngồi đấy với mẹ một lúc, tiện bóp tay bóp chân cho mẹ. Mỗi lần hai mẹ con có dịp ngồi riêng, thế nào mẹ cũng lại tỷ tê lại mấy câu chuyện từ ngày xưa, ngày còn ngoại, mẹ hồi ấy ở bên Nga, vừa đi học sấp mặt vừa đi làm lấy chút tiền mua thuốc gửi về cho ngoại, mà ở nhà thuốc không hợp ngoại chẳng uống được, lại đem cho đi. Nghĩ đến ngoại lần nào mẹ cũng chảy nước mắt. Rồi thì lại điệp khúc những năm tháng đói khổ khó khăn ngày ấy: "… sướng như chúng mày bây giờ làm sao hiểu được. Tao còn ít nhất có cơm mà ăn, bố mày sáng dậy được mấy củ khoai rồi cuốc bộ hơn 10 cây số đến trường …". Hồi xưa thú thực mỗi lần nghe mẹ kể cậu thấy mệt mỏi cực. Kiểu mỗi thời mỗi khác, thời nay có những cái khó cái khổ của riêng nó chứ. Nhưng có lẽ khi trưởng thành, vì được đi nhiều hơn, hiểu đời hơn một chút, nên cậu nhận ra rằng những lời ấy có khi chẳng phải là nặng nhọc dạy dỗ gì, mà chỉ là mẹ đang tua lại cuốn phim của đời mình. Và đôi khi, điều lớn lao nhất mà con cái có thể làm, cậu nghĩ, chỉ đơn giản là chủ động lắng nghe mà thôi!
Vì có lẽ sau này, khi đã chẳng còn để tâm đến những khoảng cách thế hệ ấy nữa, thì muốn nghe, cũng chắc đâu còn có mẹ mà kể cho nghe.
...
Ngày ấy đâu rồi ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Cho tôi tìm lại cho tôi một ngày
Ngày ấy đâu rồi ngày ấy đâu rồi
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ
Những câu chuyện cổ mẹ kể năm nào
...
Vậy nên, dù cho Tết này sẽ rất khác: sẽ là cái nắng chói chang của miền Nam, là cành mai vàng, là cái bánh tét, là những thứ mà cậu chưa bao giờ trải nghiệm về Tết trước đây. Nhưng chỉ cần được ở bên gia đình, thì Tết ở đâu chẳng vậy. Vẫn cứ là "Tết đong đầy" mà thôi.
Vì, kệ ngoài kia người ta chê Tết nhạt, người ta Facebook Insta
Tết với cậu, là để trở về nhà!
(Nguồn: https://spiderum.com/)