A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạ bi đông

Tạ Bi Đông có cuộc sống hạnh phúc viên mãn với nàng Son. Họ đã xây được nhà mái bằng nhưng cái bi đông ngày xưa thì vẫn còn treo trong phòng ngủ...

 

Ảnh minh họa

1. Cha mẹ gã gầy nhom như que củi. Họ tên cha: Tạ Bổ. Họ tên mẹ: Nguyễn Thị Lượm. Chắc là hồi xưa ông nội gã chuyên đốn cây nên đặt tên cho cha gã là Bổ. Cha tên là Bổ không lẽ đặt tên cho con là Béo. Thôi thì đặt tên Củi cho logic. Mỗi khi gọi tên cả cha con thành Bổ Củi. Con bổ củi gập đầu bụp! bụp! Tượng hình và tượng thanh độc lạ. Một ngày nọ cái tên Củi thân thiết với làng quê bỗng dưng bị đổi thành Bi Đông. Rồi năm tháng qua đi, người trong làng quên bẵng cái tên cúng cơm của gã. Già, trẻ, trai, gái đều gọi gã là Tạ Bi Đông. Tạ Bi Đông có thói quen đeo cái bi đông nanh nách vào thắt lưng xỏ ngang qua cái nịt nhà binh. Đi lên rẫy, Củi cũng đeo bi đông. Đi ra đồng cày ruộng, Củi cũng đeo bi đông. Đi xem phim, Củi cũng đeo bi đông. Thậm chí đi cua gái, Củi cũng đeo bi đông tuốt. Dạo nọ, mấy thanh niên hàng xóm đè Tạ Bi Đông xuống sân, mở cái bi đông ra xem gã đựng cái giống gì trong đấy. Chỉ là nước lạnh thôi trời ạ! Gã yêu cái bi đông. Chắc là gã nghĩ đeo bi đông oách lắm!

Tạ Củi yêu cô Son xóm Dũi. Hai người đi bên nhau khập khiễng như đôi đũa lệch. Củi cao lênh khênh. Son thấp lũn đũn. Tụi trẻ hát đồng dao vang vang trên đường làng “Hai vợ chồng, hai lóng mía, hai củ khoai, hai nồi om ôm lại!”. Son ngượng ngập trong khi Củi lại huýt sáo dung dăng. Xóm Dũi và xóm Trũng cách nhau bằng cái mương nước. Bắc ngang qua mương nước là chiếc cầu bê tông vững chãi. Thằng Tốc xóm Dũi khề khà với thằng Củi xóm Trũng khi đã có men cay: “Trước ngày mày cưới nàng Son, tao với mày nhậu tại cầu Dừa một trận cho quên đất cùng trời để nhớ về một thời qua mương té nước!”. Tốc gọi người yêu của Củi là “Nàng Son” như trong tuồng cải lương “Tình Hận Thâm Cung” có một đoạn bản nhỏ tả nỗi đau khôn cùng của người yêu nàng Son khi nàng bị tiến cung: “Nàng Son có biết… tan nát tim ta…” mà Tốc hát rất phiêu. Còn Tốc muốn nhậu với Củi tại cầu Dừa (bây giờ đã là cầu bê tông) kỷ niệm ngày hai đứa đi qua cây cầu dừa trượt chân ngã nhào xuống mương, thế thôi!

2. Tạ Bi Đông có tiếng hú rất quái gở. Đêm đen. Mưa lất phất. Gió rít sàn sạt. Tạ Bi Đông đi giăng câu ngoài đồng. Gã cất lên tiếng hú dài. Tiếng hú xoáy vào tai nghe rờn rợn. Cuối tiếng hú, giọng trở nên nhào nhão như tiếng khóc ai oán. Sở thích khác người của gã từng bị một số lão làng mắng mỏ. Chứng nào tật ấy, Tạ Bi Đông vẫn lính muốn là lính làm. Gã hú riết rồi đâm ghiền như các ca sĩ luyện thanh ở nhạc viện. Người xóm Trũng đêm nào không nghe tiếng hú của gã như cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó nao nao buồn.

Nàng Son chỉ còn mỗi mẹ già. Tạ Bi Đông thì còn đủ cả cha lẫn mẹ. Ông Tạ Bổ bàn với vợ: “Mẹ nó à! Tôi thấy thằng Củi nhà mình sập sận muốn vợ. Bữa nào tôi với mình sang nhà bà Cả nói một tiếng”. Bà Lượm khoái cháu nội từ lâu liền cười hóm hém: “Cái thằng muốn vợ lại cứ đắp chiếu nằm ỳ, hỏi gì cũng không chịu nói”. Củi nghe lén cha mẹ mình bàn chuyện trăm năm. Đang đêm gã dông một hơi tới nhà Son đem chuyện nóng hổi truyền hơi ấm sang người tình. Cũng ngay trong đêm ấy bà Cả nhận được tin mừng khấp khởi: “Thằng Củi về thưa với song thân cứ “ba chai đổ vào một hũ”, bác gả con Son cho!”. Tạ Bi Đông dạ dạ, vâng vâng nhưng cái đầu tù mù như ngọn đèn cù ám khói. Gã cẳn nhẳn với bạn gái: “Cái gì là song thân với tứ thân? Ba chai đổ vào một hũ là sao vậy trời?”. Nàng Son cốc yêu vào trán gã: “Song thân là cha mẹ bên ấy. Còn ba chai đổ vào một hũ là 3 lễ: Dạm ngõ, đi nói, đi hỏi chỉ thực hiện một lần (nhập một). Chỉ có vậy mà cũng hỏi!”. Tạ Bi Đông lẩm bẩm: “Ối dào ơi! Người già nói chuyện rườm rà! Giờ tôi về nhà báo lại với cha”. Nói vừa dứt lời, gã phóng vù ra sân.

Chuyện Tạ Bi Đông sắp cưới nàng Son làm vợ lan nhanh từ xóm Trũng sang xóm Dũi như nước lụt. Thằng Tốc tức tốc sang nhà Củi. Cô Sáng cũng sang nhà Củi. Tốc nhắc chuyện nhậu. Cô Sáng kéo Củi ra vườn chuối ôm chặt cứng, mắt đỏ hoe: “Con Son nó hơn em ở điểm nào mà anh cưới nó, bỏ em?”. Những giọt nước mắt rơi lã chã trên má của cô Sáng khiến Củi bối rối: “Anh có hẹn thề gì với em đâu? Sao nói vậy?”. Đấy là những lời nói bóng bẩy nhất mà Sáng được nghe từ khi quen biết Củi. Cái lúc như gà mắc tóc không hiểu sao Củi lại nói năng văn vẻ xuất thần. Thiệt tình Củi cũng không hiểu được mình. Sáng chưa chịu buông tha: “Anh không hẹn thề cớ sao hôm đi xem phim trời sấm sét, anh ôm em?”. Củi thật thà, đắng đót: “Em sợ sấm, em ôm anh trước…”. Đúng là Củi vô tình. Đó là lần đầu tiên trong đời Củi hiểu thế nào là mùi da thịt quyến rũ của người con gái. Nó thơm đê mê, thơm lạ kỳ, ngây dại, thơm tuyệt đỉnh trong tất cả các mùi thơm trên thế gian không thể diễn tả thành lời. Củi run lên khi chạm vào vùng ngực căng mẩy của Sáng. Cái lằn ranh bạn bè tan biến. Những ngày sau đó mỗi lần nghĩ đến cái cảm giác ấy, Củi tiếc hùi hụi. Giá như cơn sấm sét dài hơn chút nữa. Giá như Củi để ý đến Sáng sớm hơn. Đàn ông lòng tham vô đáy. Củi đã có Son còn lon ton nghĩ đến Sáng.

3. Công bằng mà nói, Tạ Bi Đông cao lêu đêu nhưng anh ta có thân hình rắn rỏi với gương mặt phong trần dễ nhìn. Nổi bật là đôi mắt sâu thẳm tình. Gã nhìn như hút hồn đàn bà con gái. Là con nhà nghèo, không nghề ngỗng nhưng gã siêng năng việc đồng áng và một tay sát cá của xóm Trũng. Gã có hơn 100 cần câu, 2 giàn câu dây và mấy tay lưới bén. Ngày đông. Người ta thấy gã thoắt ẩn thoắt hiện trên đồng. Khi thì bước đi bậm bịch trên bờ ruộng cao mang theo cái bi đông ũng oãng nước giở cần bắt cá, thay mồi câu. Lúc thì bơi xuồng thả lưới dưới ruộng nước trắng lóa. Gã ăn phải bùa mê của nàng Son (nói theo cách giận dỗi của cô Sáng) chỉ có gã hiểu. Số là những ngày đông xa ngái, Củi bơi xuồng đánh cá vùng ruộng gần nhà nàng Son được nghe giọng ca mùi mẫn của người con gái có nụ cười phô chiếc răng khểnh rất duyên. Nàng thường ngoắt Củi bơi lại gần nhà ném cho chàng mấy trái bắp nướng, mấy củ sắn mì còn nghi ngút khói với nụ cười hiền. Mưa lâu ngày thấm đất. Rồi có những đêm Củi đem nụ cười của Son theo vào giấc mơ. Nàng Son đi chung với người có chiều cao quá khổ như Củi thì trong ánh nhìn của mọi người không tương xứng. Nhưng với người khác thì chẳng đến nỗi nào. Có lần Củi chợt hỏi Son: “Chiều cao của em bao nhiêu?”. Son cười: “Một mét năm mươi sáu. Còn anh?”. Củi thè lưỡi, lắc đầu: “Một mét bảy chín! Kinh hãi chưa?”. Nàng Son lại cười nhóng nhánh chiếc răng duyên: “Ví dầu chồng thấp vợ cao/ Qua sông nước lớn cõng tao bớ mày!” thì mới sợ chứ ạ! Còn đây chồng cao, vợ thấp là lẽ thường!”. Cái lẽ thường từng làm cho Củi mặc cảm trước đám đông. Phải chi anh mập mạp lên một chút.

Cuộc đàm luận của các cô gái xóm Trũng với các cô gái xóm Dũi trong một lần sinh hoạt đoàn thanh niên. Cô Ngần xóm Trũng: “Tôi nghiện tiếng hú man dại của ảnh trong những đêm mưa. Từ chỗ hãi hùng đi vào nỗi nhớ”. Cô Nụ (cũng xóm Trũng): “Ảnh hiền như nắng cuối đông. Người gì đâu mà không biết giận ai bao giờ!”. Cô Thành xóm Dũi: “Ảnh thiệt thà và chân thành ghê lắm! Bấy nhiêu đó cũng đủ lấy điểm phái nữ tụi mình rồi còn gì!”. Cô Ánh xóm Dũi: “Nhan sắc của con Son thua xa con Sáng”. Dường như có ai đó ở xóm Trũng tỏ vẻ sành sỏi: “Duyên nợ cả mấy người ơi! Có phải muốn là được đâu!”. Chuyện cô Sáng đón đường “bắt đền” chàng Củi, chuyện các cô bàn tính tình duyên không hiểu thế nào lại đến tai của nàng Son xóm Dũi. Ấy thế, nàng Son vẫn tin yêu son sắt với người xóm Trũng. Còn Tạ Bi Đông thì ngay ngáy nỗi lo rồi một ngày “Nàng Son có biết… tan nát tim ta…”.

4. Đấy là câu chuyện của xóm Trũng, xóm Dũi… làng quê thuần nông thuộc về mấy chục năm trước. Cái thời mà đám con trai còn phân định “Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Khi nào hết cỏ mới qua đồng người”. Tạ Bi Đông là một trong số ít con trai “ăn cỏ” được ở “đồng người”. Kết tinh của mối tình Son - Củi là một cậu bé kháu khỉnh. Ông Bổ không cần phải nghĩ ngợi nhiều để có sợi dây liên kết từ đời ông tới đời cha, qua đời cháu. Ông là Bổ, con ông là Củi thì đương nhiên cháu ông phải là Lửa mới duy trì sự sống dài lâu. Tạ Bi Đông hài lòng với cái tên của con trai do ông nội đặt. Nàng Son thì nở nụ cười thay cái gật đầu. Nhưng sau đó, nàng đóng chặt cửa phòng rót mật vào tai chồng: “Anh à! Mình cứ gọi con trai là Lửa cho cha mẹ vui lòng, còn khi làm giấy khai sinh cho con thì mình đặt tên là Nguyễn Hoàng Anh Tuấn. Anh thấy có được không? Bây giờ là thời nào rồi mà còn Tốc, Nụ, Ngần, Củi, Lửa giống như ngày trước? Con cháu của chúng mình đi học khi xướng tên, các bạn trong lớp sẽ cười cợt tội nghiệp!”. Tạ Bi Đông nghe vợ phân tích thì khoái chí: “Con chúng mình tuấn kiệt như sao buổi sáng…”. Nói đến chữ Sáng, gã chột dạ, nín thinh. Nàng Son tinh ý, cười ròn rã: “Sao mình bỗng dưng dừng lại nửa vời vậy nhỉ? Tui tha cho mình cái tội bị “bắt đền” lâu rồi nhá!”.

Giờ đây, xóm Trũng, xóm Dũi đã hoàn toàn đổi khác. Đường bê tông nối dài đến tận đường ngang ngõ tắt. Đêm về, làng xóm lung linh ánh điện màu. Đầu trên nhạc sống, phía dưới nhạc chín. Dịch vụ viễn thông đã đưa văn minh đến với những người một thời bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Hơn 160 hecta đất ruộng, đất soi ven sông của xóm Trũng và xóm Dũi, một phần ba ở vũng trũng được thả sen quanh năm. Hai phần ba còn lại được trồng hoa theo công nghệ cao phục vụ cho cả nước và xuất khẩu. Tiếc là những người thuộc thế hệ ông Bổ, bà Lượm, bà Cả… không còn sống để thụ hưởng sự kỳ diệu của đổi mới. Nguyễn Hoàng Anh Tuấn giờ đã là một nhà báo nổi tiếng. Anh cùng ê kíp làm phóng sự truyền hình hoành tráng về làng hoa Trũng Dũi. Mỗi lần Nguyễn Hoàng Anh Tuấn về quê, mọi người kéo đến nhà vây quanh, cười nói, vuốt ve. Họ nhìn anh bằng ánh mắt cảm phục, trìu mến. Tuấn thừa hưởng đôi mắt đẹp của ba, nụ cười duyên của má. Còn vóc dáng thì cân đối, săn chắc giống như ước mơ của nàng Son thường thổ lộ cùng chồng ngày nào: “Em ước gì sau này con mình đừng quá cao như ba, đừng quá thấp như má. Nghĩa là cộng chiều cao của ba với má rồi chia hai. Hì! Hì!”. Tạ Bi Đông có cuộc sống hạnh phúc viên mãn với nàng Son. Họ đã xây được nhà mái bằng nhưng cái bi đông ngày xưa thì vẫn còn treo trong phòng ngủ.

Trần Quốc Cưỡng (theo baophuyen.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu